Làm sao để phát huy giá trị văn hóa làng sau sáp nhập thôn xóm?

Văn hóa 05:58 04/10/2020 Thanh Hà
Mặc dù việc thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố, các địa phương đều đặc biệt quan tâm xem xét đến các yếu tố đặc thù về vị trí địa lý, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư tại địa phương nhưng ngay trong quá trình tổ chức cũng đã phát sinh nhiều vấn đề liên quan tới văn hóa thôn làng.

Văn hóa làng là phong tục, tập quán, cách ứng xử, tâm lý, tín ngưỡng tôn giáo riêng có của người dân mỗi địa phương. Từ đó thấy rằng, để có được sự hòa hợp và tiếng nói chung cũng như tổ chức, duy trì, phát huy các giá trị văn hóa của các thôn xóm sau sáp nhập không phải là việc đơn giản, nếu không muốn nói là rất khó. 

Trước hết, là việc đặt tên cho thôn mới. Trước khi sáp nhập, mỗi thôn đều có một tên riêng. Việc lựa chọn đặt tên cho đơn vị mới được đánh giá là khá nhạy cảm vì liên quan tới các yếu tố tâm lý, tình cảm và nhất là truyền thống văn hóa của người dân mỗi địa phương. 

Kinh tế phát triển, cơ sở hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư, đời sống vật chất tinh thần của người dân ở Xã Trần Hưng Đạo (Lý Nhân) được cải thiện rõ rệt. Ảnh: Trần Minh

Xã Trần Hưng Đạo (huyện Lý Nhân) sau sáp nhập có 8 thôn, trong đó có thôn Thọ Hoành Nguyên được sáp nhập từ 3 thôn Thọ Mai, Mai Hoành, Mai Nguyên. Căn cứ các quy định về sáp nhập thôn xóm, xã đã tổ chức đúng quy trình sáp nhập 4 bước và đặc biệt quan tâm tới việc đặt tên mới cho các thôn thuộc diện sáp nhập.

Ông Nguyễn Tiên Phong, Phó Chủ tịch UBND Xã Trần Hưng Đạo cho biết: Xã luôn xác định phải lấy người dân làm chủ thể của mọi công việc nên cùng với việc làm tốt công tác tuyên truyền trong nhân dân các thôn về mục đích, ý nghĩa của việc sáp nhập thôn, xã đã chỉ đạo cấp ủy, ban lãnh đạo và Ban công tác mặt trận thôn phải tổ chức họp dân để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về tên gọi thôn mới bảo đảm kế thừa lịch sử, văn hóa của các thôn. Tên gọi của thôn mới phải được người dân đồng thuận biểu quyết tán thành và những người dân chưa được dự họp phải được bỏ phiếu nhất trí thống nhất, khi đó xã mới có biên bản đề nghị cấp trên phê duyệt tên gọi mới cho các thôn sáp nhập. Cơ bản, người dân đều thông về tư tưởng, vì mục đích chung nên việc đặt tên cho thôn mới sáp nhập tương đối thuận lợi…

Tuy nhiên, cũng thấy không phải nơi nào, địa phương nào việc đặt tên cho thôn mới sau sáp nhập cũng suôn sẻ như thế, bởi đâu đó vẫn có những bộ phận người dân còn tư tưởng bảo thủ, sự hẹp hòi cá nhân và tính ích kỉ, cục bộ địa phương khiến cho cấp ủy, chính quyền cơ sở khá lúng túng trong việc xử lý vấn đề này. Cũng vì thế, đã có nơi, thay vì lựa chọn được một tên gọi mới giao thoa các tên gọi cũ, địa phương buộc phải chọn số thứ tự làm tên gọi cho thôn mới sáp nhập, vừa không hay, vừa mất đi yếu tố lịch sử, văn hóa của tên gọi các thôn. 

Đối với các vấn đề về tổ chức lễ hội làng sau sáp nhập cũng gây nhiều mối băn khoăn. Người dân có lý lẽ riêng khi nói rằng, từ trước tới nay họ chỉ thờ thành hoàng khai sinh ra làng mình, nhưng nếu sáp nhập với làng bên cũng có thành hoàng làng của làng đó, không lẽ khi làng mới sáp nhập thì họ phải cùng lúc thờ cả hai thành hoàng? Rồi những vấn đề văn hóa tâm linh, tín ngưỡng mỗi thôn mỗi khác, khi sáp nhập thì việc dung hòa những nét riêng đó sẽ như thế nào và người dân có thể cởi mở đón nhận hay không? Đấy là còn chưa nói đến việc ở một số địa bàn sáp nhập có sự sinh sống đan xen của đồng bào khác đạo, ngoài yếu tố khác hoàn toàn về tín ngưỡng văn hóa thì việc thiếu đồng nhất về tư tưởng, quan điểm đối với việc tổ chức và tham gia các lễ hội làng khá rõ ràng.

Vì thế, ở một số địa bàn có thôn xóm phải sáp nhập, việc tổ chức các lễ hội làng được chủ trương không tách rời cụm dân cư, nghĩa là thôn mới vẫn có thể tổ chức nhiều lễ hội làng trong năm nhưng phải bám sát định hướng và chỉ đạo của địa phương. Khi đó, với các lễ hội được tổ chức, thôn phải xây dựng kế hoạch hoặc nội dung kịch bản lễ hội và phải được xã nhất trí mới được triển khai. Vai trò của Ban công tác mặt trận thôn được thể hiện rất rõ trong phân công nhiệm vụ cho các thành viên mặt trận và quy tụ được nhân dân trong thôn mới… Tùy vào điều kiện, tình hình và đặc điểm dân cư, đặc điểm các lễ hội của từng làng mà các thôn mới lựa chọn cách tổ chức các lễ hội làng một cách phù hợp, đúng quy định, mang đậm bản sắc văn hóa và phong tục của mỗi làng và không gây mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. 

Một buổi tập luyện của CLB hát dân ca và chèo thôn Thá, phường Liêm Chính, TP Phủ Lý. Ảnh: Lê Yến

Ngoài những vấn đề phát sinh đã được đề cập ở trên, các thôn xóm sau sáp nhập còn phải đối diện với những khó khăn xung quanh câu chuyện về các thiết chế văn hóa, đặc biệt là việc quản lý, khai thác và sử dụng các nhà văn hóa (NVH) thôn xóm. NVH thôn xóm là một thiết chế không thể tách rời trong sự phát triển chung của văn hóa làng. Trước đây, người dân nông thôn tổ chức và tham dự các buổi sinh hoạt cộng đồng tại đình làng. Bước vào giai đoạn phát triển mới, cùng với yêu cầu xây dựng làng văn hóa, các công trình NVH thôn xóm cũng được xây dựng đồng loạt. Đây không chỉ là một thiết chế văn hóa dùng để tổ chức các cuộc hội họp, các hoạt động văn hóa, văn nghệ của nhân dân địa phương mà còn trở thành một tiêu chí bắt buộc cho công nhận nông thôn mới sau này. 

Đến trước thời điểm triển khai thực hiện đề án sáp nhập thôn xóm, tổ dân phố, toàn tỉnh có tổng số 1.088/1.234 thôn, làng, tổ phố có NVH độc lập và nhà văn hóa liên tổ. Sau sáp nhập, cả tỉnh còn 685 thôn, tổ dân phố, trong đó có 360 thôn, tổ dân phố mới. Tuy nhiên, do số hộ dân cư của những khu dân cư mới sáp nhập tăng, quy mô thiết chế văn hóa cũ khó đáp ứng yêu cầu, hàng trăm NVH thôn không còn phù hợp với tình hình mới. Như ở xã Đồng Hóa (Kim Bảng) sau khi thực hiện sáp nhập thôn xóm, có thôn có số dân đông tới gần 3.000 nhân khẩu với gần 1.000 hộ. Với sự tăng cấp số nhân về dân cư, quy mô NVH của các thôn cũ đã không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của nhân dân thôn mới. Thế nhưng để đập đi xây dựng NVH mới với quy mô rộng hơn để phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng khu dân cư thì số tiền nhà nước hỗ trợ sẽ không đủ, phải huy động nhân dân đóng góp sẽ rất khó khăn. Sau khi lấy ý kiến nhân dân, xã thống nhất tổ chức quy hoạch lại các thiết chế văn hóa, bố trí NVH cho thôn mới ở địa điểm trường mầm non cũ, thuận lợi về giao thông, cảnh quan đẹp đẽ, thoáng mát, rộng rãi, phù hợp với nhu cầu văn hóa và sinh hoạt cộng đồng của người dân trong thôn. 

Trên thực tế, ở nhiều địa phương không có được thuận lợi về địa điểm để bố trí một NVH mới cho thôn mới sáp nhập; việc quy hoạch quỹ đất để xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa gặp nhiều khó khăn; vẫn còn tình trạng sử dụng đất hoạt động văn hóa, thể thao vào các mục đích khác; kinh phí xây dựng, đầu tư trang thiết bị của các thiết chế văn hóa nói chung, NVH thôn xóm nói riêng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế… Việc tổ chức các buổi họp dân vốn không mấy khó khăn khi chưa sáp nhập thì nay lại trở thành một “bài toán” cho các thôn mới. Thôn sẽ tổ chức họp ở đâu trong khi địa giới các thôn xóm cũ không gần nhau. Không thể lần này họp ở nhà văn hóa xóm này, lần sau họp ở nhà văn hóa xóm khác vì có nơi người dân sẽ phải di chuyển 2-3 cây số mới tới nơi họp. Và do diện tích NVH chật chội, không đủ chỗ ngồi, chắc chắn tỉ lệ người dân dự họp sẽ không cao. Thực tế đó sẽ được xử lý thế nào khi tổ chức bình xét gia đình văn hóa hằng năm đều có tiêu chí đại diện hộ gia đình phải dự đầy đủ các buổi họp dân? Bên cạnh đó, cũng xuất hiện tình trạng do chỉ quan tâm nhiều tới công tác tổ chức sáp nhập thôn xóm, có lúc, có nơi đã thiếu coi trọng tới các thiết chế văn hóa, thể thao, tủ sách chung cho thôn mới, tới hoạt động của các CLB đàn và hát dân ca, CLB thơ, các điểm văn hóa đọc… khiến cho các CLB này vốn hoạt động tự giác, là xương sống cho phong trào văn hóa, văn nghệ của thôn xóm nay rơi vào trạng thái hoạt động cầm chừng, thậm chí giải thể, rất lãng phí.

Những khó khăn này không thể một sớm một chiều có thể giải quyết được và cũng không phải là vấn đề của riêng một ngành nào, cấp nào mà cần có sự nhìn nhận đúng đắn, sự vào cuộc của các cấp, ngành và toàn thể nhân dân.

TIN MỚI CẬP NHẬT

WHO lạc quan về thỏa thuận toàn cầu ứng phó với các đại dịch tương lai

Quốc tế  |  05:55 03/12/2024

Ngày 2/12, các quốc gia đang cố gắng đàm phán một thỏa thuận toàn cầu về việc xử lý các đại dịch trong tương lai đã bắt đầu một tuần họp mới trong vòng đàm phán thứ 12.

Vang mãi bản hùng ca Chiến thắng Bình Giã

Chính trị  |  05:43 03/12/2024

Tối 2/12, tại huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Bình Giã (2/12/1964-2/12/2024) do Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức trọng thể.

Hiệu quả mô hình “Tổ cựu chiến binh tự quản bảo đảm an toàn giao thông” ở Kim Bảng

Đoàn - Hội  |  05:33 03/12/2024

Thời gian qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Kim Bảng đã tích cực phối hợp với các ngành liên quan triển khai mô hình “Tổ CCB tự quản bảo đảm an toàn giao thông” tại các cổng trường. Bằng những việc làm thiết thực, tổ tự quản an toàn giao thông (ATGT) đã góp phần giảm ùn tắc giao thông vào giờ tan học, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông nói riêng và pháp luật nói chung cho học sinh và cha mẹ học sinh.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC