Nổi bật nhất trong lĩnh vực văn hóa là 5 năm qua, với sự bảo quản, trùng tu, tôn tạo và phát huy, nhiều di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn đã được công nhận di tích cấp tỉnh và quốc gia. Cùng với đó, với việc bảo tồn, trao truyền và thực hành, nhiều di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh đã được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong nhiệm kỳ, toàn tỉnh có 2 di tích được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt (đền Trần Thương, Xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân; chùa Đọi Sơn, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên), 13 di tích được công nhận cấp quốc gia, 35 di tích được công nhận cấp tỉnh; đặc biệt có 9 di sản thuộc nhiều loại hình: lễ hội, làng nghề, tập quán xã hội đã được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó Nghi lễ thực hành thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ở Hà Nam (và Nam Định) được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đã có 8 nghệ nhân loại hình trình diễn dân gian được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Song hành với việc được ghi danh, trong nhiệm kỳ vừa qua, Sở cũng đã thực hiện 2 dự án tu bổ, tôn tạo (đền Lăng, xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm; đình Lũng Xuyên, phường Yên Bắc, thị xã Duy Tiên); tu bổ, tôn tạo 3 di tích cấp quốc gia bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia (đình Tái Kênh, xã Đinh Xá, TP Phủ Lý; đình Ngò, xã Đức Lý và đình Đồng Lư Trung, xã Chân Lý, huyện Lý Nhân) và chống xuống cấp, tu bổ, tôn tạo 46 di tích theo đề án cấp tỉnh.
Trong lĩnh vực văn hóa, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" nhiệm kỳ qua được chú trọng nâng cao về chất lượng. Việc gắn phong trào với chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực. Việc thực hiện các tiêu chí làng, tổ phố, gia đình văn hóa đã được cấp ủy, chính quyền và nhân dân tự giác thực hiện, duy trì và hoàn thiện. Đến năm 2020, tỷ lệ gia đình văn hoá đạt 88,5%, tỷ lệ khu dân cư đạt chuẩn văn hoá đạt 81,36%, đều đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra. Về cơ sở vật chất văn hóa 100% thôn, tổ dân phố có nhà văn hoá và nơi sinh hoạt cộng đồng; gần 80% các xã đều đạt 2 tiêu chí thuộc lĩnh vực văn hóa là cơ sở vật chất văn hóa và tiêu chí về văn hóa. Với những đóng góp đó, hết năm 2019, toàn tỉnh có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tất cả các huyện: Kim Bảng, Thanh Liêm, Bình Lục, Lý Nhân và thị xã Duy Tiên được công nhận huyện nông thôn mới, thành phố Phủ Lý hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.
Cùng với đó, phong trào TDTT quần chúng có bước phát triển mạnh mẽ, cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Các giải thể thao truyền thống và thể thao phong trào được duy trì thường xuyên; hoạt động của các câu lạc bộ (CLB) TDTT, phong trào thể dục thể thao cơ sở ngày càng có chất lượng, thiết chế thể thao từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư mạnh mẽ. Đặc biệt, các nội dung, giải thể thao dành cho lứa tuổi học sinh được Sở VH,TT&DL chủ động phối hợp tổ chức hằng năm đã mang đến cho phong trào TDTT toàn tỉnh sức sống mới, tạo lực lượng kế cận tiếp nối. Đến năm 2020, các chỉ tiêu về thể thao đều vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.
Thể thao thành tích cao có nhiều cải thiện về số lượng và chất lượng huy chương. Hằng năm, các đội tuyển tỉnh tham gia từ 20 - 25 giải thể thao khu vực và quốc gia, đạt từ 75 - 80 Huy chương các loại, đóng góp cho đội tuyển trẻ và đội tuyển quốc gia từ 20 - 22 vận động viên. Đăng cai tổ chức thành công nhiều giải thể thao cấp quốc gia, quốc tế, đặc biệt là Giải Bóng chuyền vô địch các CLB nữ châu Á, Giải Bóng chuyền nữ VTV Cúp, Giải Bóng chuyền nam châu Á, Giải Bóng đá nữ vô địch quốc gia... thu hút hàng vạn lượt khán giả đến xem và cổ vũ. Trong nhiệm kỳ vừa qua, thể thao Hà Nam gây ấn tượng khi Đội Bóng đá nữ Phong Phú Hà Nam giành chức vô địch tại Giải Bóng đá nữ vô địch quốc gia năm 2018 và Cúp quốc gia năm 2019; đóng góp nhiều lượt vận động viên tham gia đội tuyển quốc gia thi đấu, giành Huy chương Vàng Giải Bóng đá nữ vô địch Đông Nam Á, Huy chương Vàng tại SEAGames 30 năm 2019.
Trong nhiệm kỳ, hoạt động du lịch cũng có bước phát triển mạnh mẽ, tạo bước đột phá, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Khu du lịch Tam Chúc – Ba Sao đã đưa vào khai thác khu Văn hoá tâm linh, Khu sân golf Kim Bảng, thu hút lượng khách du lịch đến với Hà Nam tăng cao. Đặc biệt trong dịp đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc-Vesak 2019 và Khai hội Chùa Tam Chúc Xuân 2019, Khu du lịch Tam Chúc đã phát huy được hiệu quả là khu du lịch trọng tâm quốc gia. Đến năm 2020, Khu du lịch Tam Chúc đã tiếp đón và phục vụ khoảng 1,9 triệu lượt khách du lịch, nâng tổng số khách đến với Hà Nam đạt khoảng 3,1 triệu lượt khách, doanh thu du lịch ước đạt 2.000 tỷ đồng.
Để có được những kết quả trên là do ngành đã tập trung triển khai thực hiện tốt các quy hoạch, đề án, dự án phát triển ngành, đẩy mạnh thực hiện sâu rộng, hiệu quả các phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" và xây dựng nông thôn mới; tăng cường các nguồn lực để giữ vững và nâng cao các tiêu chí đã đạt; quan tâm đầu tư phát triển các môn thể thao thế mạnh của tỉnh và môn thể thao Olympic. Cùng với tập trung đầu tư hoàn thiện các khu du lịch, nghỉ dưỡng, sinh thái và vui chơi giải trí, trọng tâm là Khu du lịch quốc gia Tam Chúc, tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế, công tác quảng bá xúc tiến du lịch đã được ngành đặc biệt quan tâm. Một mặt, đẩy mạnh công tác xã hội hoá các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình, mặt khác, phối hợp tham mưu với tỉnh chỉ đạo các địa phương khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, các thiết chế văn hoá, thể thao, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Những kết quả đạt được của tập thể cán bộ, đảng viên Đảng bộ Sở VH,TT&DL trong nhiệm kỳ qua đã góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 – 2020; tạo nền tảng cho việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển sự nghiệp VH,TT&DL nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Ngày 2/12, các quốc gia đang cố gắng đàm phán một thỏa thuận toàn cầu về việc xử lý các đại dịch trong tương lai đã bắt đầu một tuần họp mới trong vòng đàm phán thứ 12.
Tối 2/12, tại huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Bình Giã (2/12/1964-2/12/2024) do Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức trọng thể.
Thời gian qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Kim Bảng đã tích cực phối hợp với các ngành liên quan triển khai mô hình “Tổ CCB tự quản bảo đảm an toàn giao thông” tại các cổng trường. Bằng những việc làm thiết thực, tổ tự quản an toàn giao thông (ATGT) đã góp phần giảm ùn tắc giao thông vào giờ tan học, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông nói riêng và pháp luật nói chung cho học sinh và cha mẹ học sinh.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.