Trong chuyến công tác thăm, chúc Tết quân và dân đang công tác, sinh sống trên các đảo, điểm đảo phía Tây Nam của Tổ quốc nhân dịp tết Nguyên đán Canh Tý-2020, chúng tôi đến thăm, chúc Tết quân và dân trên quần đảo Hải Tặc thuộc xã đảo Tiên Hải, thành phố Hà Tiên (Kiên Giang). Từ xa nhìn vào, quần đảo hiện lên như một bức tranh thơ mộng, trù phú. Khi tàu cập cảng đảo Hòn Đốc, cũng là trung tâm của xã đảo Tiên Hải, nhìn xuống dưới cảng chúng tôi thấy nhiều tàu cá neo đậu. Ngay cầu cảng là trụ sở UBND xã, trạm y tế, đồn biên phòng, trường học, nhà máy cấp nước sạch, chợ được xây dựng khang trang. Điều khác biệt trên quần đảo này so với các đảo, điểm đảo khác ở vùng biển Tây Nam là đã được hòa điện lưới quốc gia từ năm 2019 để phục vụ sinh hoạt và phát triển kinh tế.
Để khám phá về quần đảo này cũng như việc vì sao đảo mang tên “Hải Tặc”, sau khi đi dọc theo tuyến đường bê tông quanh đảo, tôi cùng nhà báo Nguyễn Minh (Báo Quảng Ninh) dừng chân tại một quán nước ven đường và đem sự tò mò ấy hỏi một người đàn ông khoảng gần 70 tuổi. Ông giới thiệu tên là Ngọc, nhà ở khu vực Bãi Nồm, mé bên đảo. Ông Ngọc chia sẻ: Tôi sinh ra và lớn lên trên đảo 40 năm và được nghe các cụ truyền miệng rằng: Tên gọi đảo Hải Tặc ra đời gắn liền với sự xuất hiện của một băng cướp biển có tên “Cánh buồm đen” hoạt động trên vùng biển này.
Chúng lấy những hòn đảo hoang trong vịnh Xiêm La làm hang ổ ẩn mình. Từ đây, bọn cướp biển bất ngờ xuất hiện, tấn công chớp nhoáng khiến các tàu buôn đi lại trong vùng không kịp trở tay. Tiền, vàng cướp được chúng mang lên đảo cất giữ. Cái tên “Hải Tặc” được quen gọi từ đó. Sau khi chính quyền cách mạng tiếp quản, an ninh, quốc phòng cả vùng biển đảo rộng lớn được giữ vững, dân cư trên đảo và tàu thuyền hoạt động qua lại trên vùng biển này được bình yên.
Khi mới thành lập xã đảo mang tên Hoa Đốc, sau đổi tên thành Tiên Hải, dân số chỉ gần 1 nghìn người. Hiện nay, xã đảo có 480 hộ sinh sống với trên 1.900 nhân khẩu nằm rải rác ở các đảo: Hòn Tre, Hòn Giang, Hòn Ụ, Hòn Đồi Mồi, nhưng tập trung đông ở Hòn Đốc, Hòn Tre Lớn. Cùng với cấp ủy đảng, chính quyền, trên đảo còn có các lực lượng vũ trang đứng chân, như: Trạm Ra đa 625 thuộc Tiểu đoàn 551, Vùng 5 Hải quân; Đồn Biên phòng 738 thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang. Người dân trên đảo sinh sống nhờ biển vàng ban tặng nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao, như: cá, tôm, ghẹ, mực ống…
Đặc biệt, với vẻ đẹp hoang sơ, bãi biển đẹp, cát mịn trắng, làn nước trong xanh, không khí mát mẻ, trong lành, có nhiều sản phẩm đặc trưng, năm 2016 quần đảo Hải Tặc đã được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt trở thành điểm du lịch trọng yếu của địa phương. Hằng năm, quần đảo thu hút khá đông khách đến thăm quan, nghỉ dưỡng và hằng ngày có những chuyến tàu cao tốc từ đất liền ra đảo nên thuận tiện cho việc giao thương, buôn bán.
Ông Nguyễn Hồng Phúc, Chủ tịch UBND xã đảo Tiên Hải cho biết: Năm 2019, giá trị kinh tế từ nguồn lợi nuôi trồng và đánh bắt thủy sản của xã đạt 67 tỷ đồng. Tổng lượng khách du lịch trong năm đạt hơn 71 nghìn lượt, qua đó mang lại nguồn thu hơn 31,5 tỷ đồng, tăng 14,9% so với năm 2018. Đây là một trong những lĩnh vực đóng góp quan trọng cho doanh thu của ngành thương mại, dịch vụ và du lịch năm 2019, đạt hơn 116 tỷ đồng. Cuối năm 2019, xã đảo Tiên Hải đạt 19/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, là xã đảo đầu tiên của tỉnh Kiên Giang đạt danh hiệu xã nông thôn mới. Kết quả đó không chỉ mang lại đổi thay to lớn cho người dân xã đảo Tiên Hải mà còn có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, nhất là an ninh biên giới biển, khẳng định quyền, chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ đang đặt ra nhiều thách thức đối với việc sử dụng nguồn nhân lực sao cho hiệu quả. Từ đây đòi hỏi chính sách sử dụng nhân tài cần được chú trọng trong xây dựng chiến lược phát triển con người.
Cuộc thi "Chữ đẹp Việt" nhằm khuyến khích các em rèn luyện viết chữ đẹp, góp phần giữ gìn và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đây là cuộc thi hoàn toàn miễn phí, tạo sân chơi cho các em học sinh rèn chữ viết, hình thành tính kiên trì, kỷ luật.
Sáng nay, 24/11, tại Thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự và có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 11 Nghị viện quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP 11) với chủ đề “Tìm kiếm hòa bình, hòa giải và bao dung”.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.