“Thích ứng” với Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ

Đời sống 20:05 07/02/2020 Khánh Chi, Lê Mai

Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, nâng mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn lên cao đã chính thức được áp dụng trong thực tế đời sống một tháng. Mức xử phạt cao khiến nhiều người e ngại, tự điều chỉnh, thay đổi thói quen và có ý thức hơn  khi sử dụng rượu, bia nhằm tránh vi phạm. Với chủ nhà hàng, quán nhậu, do sụt giảm doanh thu rõ rệt nên cũng đã nghĩ ra nhiều cách thay đổi để “thích ứng”.

Nhà hàng, quán nhậu “tung chiêu” giữ khách

Mức xử phạt cao, sự vào cuộc gắt gao của lực lượng cảnh sát giao thông khiến nhiều người dân không còn coi nhà hàng, quán nhậu là địa điểm lý tưởng để tổ chức các cuộc liên hoan, ăn uống. Bởi vậy, những khu phố tập trung nhiều nhà hàng, quán nhậu nay cũng thưa dần khách. Những cảnh tượng: dãy vỉa hè hàng quán đỗ kín xe giờ tan tầm, dân nhậu ngồi kín trong nhà hàng, ngồi tràn ra vỉa hè… ở các khu vực ven hồ, ven sông nay cũng trở nên hiếm thấy hơn. Đặc biệt, vào dịp Tết - thời điểm “vàng” về mức độ đắt khách và tăng doanh thu vừa qua, không ít chủ quán nhậu, nhà hàng “than trời” vì “ế” khách. 

Bà P.H.L. (chủ một nhà hàng tại huyện Kim Bảng) cho hay: “Quán chúng tôi chuyên phục vụ món đặc sản nên hầu như chỉ đón tiếp khách nhậu là chính. Mọi năm vào thời điểm này tôi phải thuê thêm nhân công, lượng tiêu thụ đồ ăn, rượu, bia gia tăng khá lớn nhưng đầu năm nay lượng khách sụt giảm đáng kể, đặc biệt là dịp Tết vừa qua. Một phần vì thời tiết khắc nghiệt, phần vì người dân lo ngại dịch bệnh nhưng cũng không thể phủ nhận phần lớn là do tác động trực tiếp từ việc Nghị định 100 chính thức có hiệu lực”. 

Khi được hỏi về những dịch vụ hỗ trợ khách nhậu tại đây, bà P.H.L. cho biết: “Từ trước khi Nghị định 100 ban hành, chúng tôi đã có hình thức hỗ trợ phương tiện như: niêm yết số điện thoại taxi tại quầy thanh toán hoặc trực tiếp liên hệ taxi cho khách, trông giữ phương tiện giúp khách… tuy nhiên rất ít người quan tâm sử dụng. Hiện nay, mặc dù vẫn giữ được những khách hàng từ địa phương khác tới, đi theo đoàn đông người, có lái xe riêng nhưng thời gian tới chắc chắn nhà hàng phải tìm hướng để hút khách địa phương trở lại”.

Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh đo nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông. Ảnh: Mai Hương

Mặc dù khá buồn vì việc kinh doanh có nhiều ảnh hưởng, song hầu hết các chủ nhà hàng đều đồng tình với những quy định mới từ Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia cũng như Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Đồng thời, nhiều chủ nhà hàng đã nhạy bén đưa ra nhiều biện pháp để hỗ trợ và “giữ chân” thực khách. 

Anh N.V.K. (chủ một nhà hàng tại thành phố Phủ Lý) cho biết: “Thời gian đầu khi mới có Nghị định 100, nhà hàng chúng tôi quả thật đã giảm đáng kể lượng khách. Nhà hàng chủ yếu chỉ còn khách quen, thay vì đi xe riêng đã chủ động đi taxi, xe ôm hoặc nhà gần thì đi bộ. Nhưng để “giữ chân” thực khách lâu dài, chúng tôi đang hướng tới áp dụng chương trình giảm giá khi thanh toán hóa đơn nhằm hỗ trợ khách hàng thuê phương tiện di chuyển. Đồng thời, triển khai chương trình giao hàng tận nhà khi khách có nhu cầu”. Hiện nay, nhà hàng của anh N.V.K. trở nên khá “hot” với dịch vụ giao hàng tận nhà, tổ chức tiệc tại gia… 

Theo đó, khi có khách yêu cầu vận chuyển, ngoài thức ăn sơ chế sẵn, nhà hàng sẽ cung cấp đủ bát, đũa, bếp ăn, nồi, chảo… cũng như nhân viên phục vụ nếu gia chủ có nhu cầu. Tùy theo thực đơn, với những món phải ăn nóng ngay sau khi chế biến, nhà hàng sẵn sàng cử nhân viên chế biến tại chỗ. Sau khi cuộc nhậu tại gia đã tàn, nhân viên sẽ đến thu dọn về. Có thể thấy, ngoài những phương án như hỗ trợ phương tiện di chuyển, giảm giá, khuyến mại… thì dịch vụ giao hàng, nhận tổ chức, nấu nướng tiệc tại gia cũng là một cách làm hay để tăng doanh thu.

Dân nhậu thay đổi thói quen

Nhà hàng, quán nhậu thì lo giữ khách, còn thực khách thì lo thay đổi thói quen để “thích nghi” với Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Đối với nhiều người, “nhậu” đã trở thành một thói quen khó bỏ. Theo nhiều dân nhậu chuyên nghiệp, nếu biết uống cầm chừng, nhậu đúng cách thì sẽ vui hơn ăn uống bình thường, ngồi nói chuyện lai rai với bạn bè thấy gần gũi hơn. 

Giải thích về việc 4 người cùng ngồi tại một quán nhậu ven bờ Tây sông Đáy nhưng chỉ 3 người uống bia còn một người đang xoay xoay cốc nước ngọt, anh Hưng (phường Lương Khánh Thiện, TP. Phủ Lý) cười nói: “Hôm nay đến lượt phải lái xe nên mình chấp nhận uống nước ngọt thôi”. Đây là nhóm bạn thân thường xuyên chơi bóng bàn vào mỗi buổi chiều sau khi hết giờ làm việc của anh Hưng, đã thành thói quen, nhóm sẽ uống bia sau buổi chơi thể thao mỗi tuần một lần. Từ khi Nghị định 100 có hiệu lực, nhóm anh Hưng đặt ra quy định “xoay vòng” người lái xe, hôm nào đến phiên phải lái xe, người đó sẽ không được uống bia. Lâu thành quen, tuy có hơi “hẫng hụt” nhưng bù lại sẽ bảo đảm an toàn cho cả nhóm.

Trong thời điểm này, dịch vụ xe ôm, taxi chuyên đưa đón khách nhậu cũng được đà phát triển mạnh. Do tâm lý e ngại với việc để phương tiện lại quán hoặc để người lạ đưa về nhà khi quá chén nên nhiều khách nhậu đã chủ động tạo cho mình những “mối quen” xe ôm, taxi gần nhà.

Anh Hoàng (lái xe taxi tại TP. Phủ Lý) chia sẻ: Từ khi có Nghị định 100, anh nhận được không ít lời đề nghị từ khách quen về việc đưa đón đến nhà hàng. Khách hàng có thể là người quen, hàng xóm, cũng có thể là khách lạ có thiện cảm với phong cách phục vụ của mình. Nhưng cũng theo anh Hoàng, ngay chính những khách đặt taxi đi nhậu cũng đã chủ động hạn chế những cuộc nhậu, chỉ bắt buộc phải đi đến những buổi liên hoan tập thể hoặc tiếp khách quan trọng. 

Không riêng thực khách khi tới nhà hàng sử dụng rượu, bia, với dân nhậu tại gia cũng không khỏi lo lắng về Nghị định 100 và buộc phải có những thay đổi theo hướng tích cực trong thói quen ăn nhậu. Mang nỗi lo sau 24 tiếng, nồng độ cồn mới biến mất khỏi hơi thở nên phần lớn những người sáng hôm sau phải đi làm, việc uống rượu bia với số lượng bao nhiêu, loại rượu, bia nào phù hợp…cũng rất cần cân nhắc kỹ. Nhiều người đã tính đến việc sử dụng bia không cồn để thay thế loại bia ưa thích thường dùng.

Ghi nhận trên địa bàn tỉnh trong dịp Tết vừa qua, hầu hết các trường hợp tai nạn chuyển vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đều do va quệt giao thông, số tai nạn liên quan đến người có sử dụng rượu, bia rất ít. Có thể thấy việc ban hành, triển khai thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP là cần thiết, kịp thời, phù hợp với thực tiễn đời sống. Nhờ đó, hầu hết người dân đã tự nâng cao ý thức hoặc có những điều chỉnh theo hướng tích cực khi sử dụng rượu, bia.

Nguyễn Khánh

TIN MỚI CẬP NHẬT

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phát triển Nông thôn Malaysia, Chủ tịch Đảng UMNO

Kinh tế  |  05:38 23/11/2024

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, ngày 22/11, tại Kuala Lumpur, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phát triển Nông thôn, Chủ tịch Đảng Tổ chức thống nhất dân tộc Mã Lai (UMNO) Dato’ Seri Dr. Ahmad Zahid Hamidi và các lãnh đạo cấp cao trong Liên minh cầm quyền tại Malaysia.

Nỗ lực giảm thiểu vi phạm trật tự an toàn giao thông trong học sinh

Đời sống  |  05:29 23/11/2024

Từ ngày 1- 31/10/2024, lực lượng chức năng đã triển khai Tháng cao điểm ra quân xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đối với học sinh trên địa bàn tỉnh. Với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) về TTATGT gắn với tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, sau một tháng thực hiện, tình hình chấp hành pháp luật giao thông trong học sinh đã có những chuyển biến tích cực.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC