Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cấm triệt để việc điều khiển phương tiện giao thông khi có nồng độ cồn trong người. Có nghĩa là luật cấm mọi hành vi lái xe khi người điều khiển đã uống rượu bia, bao gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (ôtô, máy kéo, xe máy, xe máy điện, môtô) và phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (xe đạp, xích lô, xe lăn, xe súc vật kéo)… Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cũng quy định không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình trước, trong và sau chương trình dành cho trẻ em, trong khung giờ 18-21h hằng ngày; không được quảng cáo rượu, bia trên phương tiện giao thông; cơ sở bán rượu, bia phải niêm yết không bán hàng cho người dưới 18 tuổi; không mở điểm bán rượu, bia cố định trong bán kính 100m tính từ khuôn viên cơ sở y tế, nhà trẻ, mẫu giáo... Ngoài ra, luật còn có điều khoản cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia…
Để hưởng ứng ngày đầu tiên Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, Công an thành phố Phủ Lý, chủ công là Đội Cảnh sát giao thông- trật tự (CSGT-TT) đã ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm đối với người sử dụng nồng độ cồn điều khiển phương tiện giao thông. Theo ghi nhận, trưa ngày 1/1/2020, tổ công tác của Đội CSGT - TT, Công an thành phố đã chọn khung giờ “vàng” (12h30 phút) để triển khai xử lý vi phạm liên quan đến nồng độ cồn ngay đầu cầu Hồng Phú, khu vực có nhiều phương tiện giao thông di chuyển qua.
Chỉ sau ít phút thực hiện nhiệm vụ, các chiến sĩ đã phát hiện trường hợp ông Hà Văn Thái (ở xã Kim Bình, thành phố Phủ Lý) điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn. Qua kiểm tra, nồng độ cồn trong hơi thở của ông Thái là 0,293mg/lít khí thở, vượt xa rất nhiều so với ngưỡng an toàn. Ngoài lập biên bản xử phạt hành chính, phạt tiền 4,5 triệu đồng đối với trường hợp của ông Thái, lực lượng chức năng còn ra quyết định tạm giữ phương tiện để bảo đảm an toàn cho người điều khiển phương tiện giao thông.
Ông Thái cho biết: Do không biết từ ngày 1/1/2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực, vì vậy buổi trưa tôi có uống một chút bia. Nhưng sau khi được lực lượng CSGT kiểm tra, tuyên truyền tôi đã biết được Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia quy định cấm không được sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, bản thân tôi sẽ rút kinh nghiệm và chấp hành nghiêm.
Tương tự, tại khu vực ngã tư đường Trường Chinh - Nguyễn Viết Xuân, Đội CSGT- TT (Công an thành phố Phủ Lý) cũng bố trí 1 tổ công tác cắm chốt để kiểm tra, xử lý vi phạm.
Ghi nhận ngày đầu tiên Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, CSGT Công an thành phố đã rất nỗ lực, cố gắng kiểm soát và xử lý 2 trường hợp xe máy vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền 7 triệu đồng. Thiếu tá Phạm Việt Hưng, Đội trưởng Đội CSGT-TT (Công an thành phố Phủ Lý) cho biết: Việc kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn được lực lượng CSGT thành phố duy trì suốt thời gian qua, nhưng từ hôm nay Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực công tác này sẽ được tăng cường hơn nữa, khi phát hiện trường hợp vi phạm xử phạt nghiêm khắc.
Ngoài cắm chốt ở những khu vực đông nhà hàng, quán nhậu, các tuyến có nhiều phương tiện giao thông đi lại, đội cũng sẽ sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, bố trí lực lượng mật phục hoá trang tại khu vực quán bia, rượu, ngay sau khi người uống rời quán, lực lượng này sẽ báo cho tổ công tác tại các chốt để dừng xe, kiểm tra. Hy vọng với những quy định nghiêm ngặt của luật, người điều khiển phương tiện giao thông sẽ tuân thủ nghiêm việc không sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, để bảo đảm an toàn về tính mạng cho bản thân và những người tham gia giao thông.
Đối với những nhà hàng, quán nhậu trên địa bàn thành phố Phủ Lý, nhiều chủ nhà hàng cũng đã nắm được tinh thần, nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Anh Đinh Huy Quang, chủ một nhà hàng ở đường Ngô Gia Khảm, bờ Tây sông Đáy cho biết: Qua phương tiện thông tin đại chúng, tôi đã nắm được những nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Theo tôi, đã là luật thì phải chấp hành. Nhà hàng cũng đã có phương án cụ thể, tư vấn cho khách nếu sử dụng rượu, bia có thể đi taxi, gửi lại xe tại nhà hàng hoặc gọi người thân đến đón.
Còn với người có thói quen sử dụng bia, rượu hằng ngày, cũng đã có ý thức về việc tuân thủ nghiêm quy định của luật. Anh Đỗ Thành Trung (tổ 6, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Phủ Lý) cho biết: “Văn hóa” rượu, bia đã trở thành thói quen cố hữu trong sinh hoạt của người Việt từ bao đời nay, nên để thay đổi không phải là chuyện một sớm, một chiều. Tuy khó, nhưng không phải không làm được. Bản thân tôi là người thường xuyên sử dụng bia, rượu trong các bữa tiệc, nhưng từ nay đã có luật tôi phải chấp hành nghiêm, uống bia, rượu ở mức độ cho phép và không điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia.
Trước đó, để giúp người dân trên địa bàn tỉnh nắm được những nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai luật tới thành viên Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, các huyện, thành phố. Đồng thời, yêu cầu các cấp, ngành, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đồng thời, tổ chức phổ biến, tuyên truyền luật tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân.
Chị Mai Thị Thủy (tổ 6, phường Minh Khai, TP. Phủ Lý) cho biết: Sử dụng rượu, bia không chỉ hại cho sức khỏe mà còn là nguyên nhân của bạo lực gia đình, tai nạn giao thông, tội phạm… Từ ngày 1/1/2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, người dân chúng tôi rất đồng tình hưởng ứng và hy vọng đây sẽ là một chế tài nghiêm khắc, từng bước thay đổi ý thức, hành vi của mỗi người khi sử dụng rượu, bia.
Mặc dù nhiều người dân đã nắm được tinh thần chung của luật, nhưng theo ghi nhận của phóng viên từ nhà hàng cao cấp đến hàng ăn bình dân trên nhiều tuyến phố của thành phố Phủ Lý vào giờ ăn buổi trưa của ngày đầu tiên luật có hiệu lực vẫn sôi động với những tiếng chúc tụng, cụng ly. Đáng nói, sau khi uống bia, rượu, nhiều người vẫn điều khiển phương tiện ô tô, xe máy tham gia giao thông.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một luật điều chỉnh đầy đủ, hoàn chỉnh đối với vấn đề phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đồng thời, đây cũng là đạo luật khó do liên quan đến thói quen, hành vi tiêu dùng của người dân, vì vậy, để luật đi vào cuộc sống, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả thì công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai là hết sức quan trọng, cần sự nỗ lực của toàn xã hội, góp phần bảo đảm sự an toàn, lành mạnh, sức khỏe và hạnh phúc không chỉ cho mỗi người, mỗi nhà mà cho cả cộng đồng.
Lê Mai
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, ngày 22/11, tại Kuala Lumpur, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phát triển Nông thôn, Chủ tịch Đảng Tổ chức thống nhất dân tộc Mã Lai (UMNO) Dato’ Seri Dr. Ahmad Zahid Hamidi và các lãnh đạo cấp cao trong Liên minh cầm quyền tại Malaysia.
Từ ngày 1- 31/10/2024, lực lượng chức năng đã triển khai Tháng cao điểm ra quân xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đối với học sinh trên địa bàn tỉnh. Với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) về TTATGT gắn với tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, sau một tháng thực hiện, tình hình chấp hành pháp luật giao thông trong học sinh đã có những chuyển biến tích cực.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.