“Giáo viên biệt phái”, cụm từ không lạ lẫm với những người công tác trong ngành giáo dục dùng để gọi những cán bộ quản lý, giáo viên có năng lực được điều động về làm việc tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và phòng GD&ĐT của các địa phương.
Theo thống kê của Phòng GD&ĐT thành phố Phủ Lý, đến thời điểm hiện tại đơn vị đang có 21 cán bộ, nhân viên nhưng trong đó chỉ có 4 biên chế dành cho 3 lãnh đạo và 1 nhân viên kế toán. Trong khi quy định về vị trí việc làm, lao động phải là công chức mới được công tác ở cơ quan quản lý như cấp phòng GD&ĐT nhưng việc phân bổ công chức hiện được giao cho từng cấp, cộng với yêu cầu tinh giản biên chế 10%/năm khiến cho toàn bộ số lao động còn lại của phòng (kể từ tổ trưởng cho tới nhân viên các tổ chuyên môn). Chính vì vậy, vị trí việc làm và các chế độ chính sách của giáo viên biệt phái có nhiều bất cập. Lúc còn công tác tại trường, giáo viên ngoài lương còn được hưởng 25% lương công vụ, 35% lương đứng lớp và phụ cấp thâm niên nhưng đã trở thành giáo viên biệt phái lại bị cắt hết các khoản này, giảm quá nửa thu nhập so với trước.
Ông Dương Văn Huân, cán bộ phụ trách bộ phận Tổ chức cán bộ (Phòng GD&ĐT thành phố Phủ Lý) cho biết: Trên thực tế, tại phòng không có chỉ tiêu lương cho các cán bộ, giáo viên biệt phái. Để giải quyết vấn đề tiền lương cho đội ngũ này có thể lấy chỉ tiêu lương của họ ở các trường chuyển về phòng nhưng không được chấp nhận nên buộc phòng phải điều chuyển các cán bộ, giáo viên biệt phái ngược trở lại các trường mới có thể bảo đảm chế độ lương. Song, từ đây đã nảy sinh một số vướng mắc.
Với những người trước khi biệt phái đã là quản lý cấp trường hoặc là tổ trưởng chuyên môn nay về lại trường tất nhiên sẽ không được bổ nhiệm chức danh quản lý vì trường đã đủ lãnh đạo và chỉ được làm giáo viên. Có người đã nằm trong quy hoạch lãnh đạo phòng nhưng khi chuyển về làm giáo viên tại các trường thì quy hoạch này cũng không còn giá trị vì theo quy định người phải là cán bộ quản lý cấp trường mới được quy hoạch các chức danh lãnh đạo cấp phòng…
Được biết, bản thân ông Huân là một giáo viên được điều động biệt phái về làm công tác tổ chức cán bộ của Phòng GD&ĐT thành phố từ năm 2009 đến nay. Vốn dĩ đây là một công việc có tính nhạy cảm, tương đối phức tạp, hằng ngày ông phải tiếp nhận và tham mưu xử lý hàng chục loại hồ sơ, giấy tờ liên quan tới việc điều động, luân chuyển, sắp xếp đội ngũ. Cũng bằng đó thời gian, vì bộ phận tổ chức cán bộ chỉ có một mình nên ông đã phải làm việc trung bình 10 giờ/ngày, làm việc cả ngày nghỉ mà vẫn không hết việc. Khối lượng công việc của giáo viên biệt phái ở các tổ chuyên môn khác cũng nhiều không kém, nhưng chế độ dành cho họ không bảo đảm, chưa công bằng, thực sự thiệt thòi.
Thực trạng này không phải chỉ có ở Phòng GD&ĐT thành phố Phủ Lý mà ở tất cả các đơn vị phòng GD&ĐT các huyện trên địa bàn tỉnh. Với việc đưa đội ngũ biệt phái quay trở lại các trường để có chỉ tiêu lương, khó khăn nhất là việc tính toán, bố trí cho những người biệt phái mà trước đó đã làm quản lý cấp trường. Nếu các trường số lãnh đạo quản lý còn thiếu vừa bằng với số biệt phái này sẽ rất thuận lợi. Nếu không, khi đưa họ trở về trường làm giáo viên sẽ khiến họ phải chịu khá nhiều sức ép bởi tâm lý “như bị kỷ luật”.
Ngay cả với giáo viên, sau một số năm không đứng lớp, cách tiếp cận và phương pháp, chất lượng giảng dạy cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Mặc dù khi về làm công tác giảng dạy tại các trường, giáo viên biệt phái được ưu tiên, tạo nhiều thuận lợi cho thực hiện nhiệm vụ nhưng không hoàn toàn chuyên tâm với công việc đứng lớp vì bị chi phối bởi vẫn phải đảm nhận và hoàn thành các công việc chuyên môn ở phòng GD&ĐT. Tính bình quân, mỗi đơn vị đang có khoảng 15-16 người thuộc diện biệt phái.
Nếu căn cứ theo quy định của Luật Viên chức, thời hạn biệt phái của giáo viên không được quá 3 năm, sau thời gian này nếu không được bổ nhiệm chức vụ hoặc trở thành công chức thì họ sẽ được chuyển trở lại các trường. Tuy nhiên, hầu hết giáo viên biệt phái tại các phòng GD&ĐT đều có thời gian công tác khá dài, người ít thì dăm năm, người nhiều có đến hơn chục năm gắn bó với công việc biệt phái. Hơn thế, và do người ít, việc nhiều, chế độ bất cập, các phòng GD&ĐT không dễ dàng có thể điều động được một giáo viên biệt phái mới.
Trong câu chuyện ngoài lề, một giáo viên biệt phái đã chia sẻ, ngoài việc động viên, cấp phòng đã phải hứa hẹn về việc bố trí, bổ nhiệm công tác khi có điều kiện đối với người được điều động biệt phái. Ấy vậy nhưng cũng không đủ để họ yên tâm, tin tưởng. Có người sau một thời gian rất ngắn làm công việc biệt phái đã phải dùng đủ cách, đủ mối quan hệ để xin không phải đi biệt phái nữa. Càng không có chuyện cán bộ, giáo viên tự nguyện xin lên phòng GD&ĐT làm việc theo chế độ biệt phái.
Thanh Hà
Sáng 23/12, tại Nhà Văn hóa thị xã Duy Tiên, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Khai mạc Giao lưu giáo dục kỹ năng tham gia giao thông an toàn cấp tiểu học tỉnh Hà Nam, năm học 2024-2025.
Sáng 23/12, Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động cho thành viên ban công tác mặt trận và nhóm nòng cốt tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật trên địa bàn tỉnh về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng ở cơ sở.
Sáng 23/12, Huyện ủy Kim Bảng tổ chức hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng; công tác kiểm tra, giám sát (KTGS) và kỷ luật của Đảng năm 2024; triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Dự hội nghị có đồng chí Trần Thị Ngân, Ủy viên Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.