Hà Nam không chỉ nổi danh với những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng như: đền Trần Thương (Lý Nhân), chùa Tam Chúc, quần thể đền Trúc - Ngũ Động Thi Sơn, chùa Bà Đanh (Kim Bảng), đền Lảnh Giang (Duy Tiên)… Nơi đây còn là miền đất của văn chương với những nhân vật Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều người, trở thành nguồn cảm hứng hấp dẫn họ háo hức tìm đến để hiểu sâu sắc thêm về không gian xuất thân của những nhân vật xưa cũ và cũng là để chứng kiến sự đổi thay của “làng Vũ Đại” hôm nay.
Khu du lịch đền Trúc - Ngũ Động Thi Sơn. Ảnh: Lương Thế
Điều gì “lôi kéo” bạn đến với một vùng đất mới? Qua những bức ảnh nghệ thuật, những sản vật đặc trưng nổi tiếng hay những kỳ quan thiên nhiên? Đối với nhiều người, văn học lại là nguồn cảm hứng thôi thúc họ tìm hiểu những mảnh đất, con người được nhắc đến trong tác phẩm từng đọc.
Mở đầu chuyến hành trình ngược về quá khứ trong mỗi trang văn đã đọc, chúng tôi đến thăm khu lưu niệm nhà văn, nhà báo Liệt sỹ Nam Cao, nằm ngay bên quốc lộ 38B (thôn Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân).
Khu tưởng niệm xây dựng trên diện tích đất rộng hơn 5nghìn m2, với nét thiết kế độc đáo xen giữa vẻ đẹp truyền thống và hiện đại gồm: Nhà tưởng niệm trưng bày, phần mộ nhà văn, khuôn viên vườn. Trong nhà tưởng niệm còn lưu giữ rất nhiều hình ảnh, hiện vật tái hiện cuộc đời, sự nghiệp của nhà văn, nhà báo, Liệt sỹ Nam Cao.
Với chúng tôi, những người chỉ biết tới nhà văn qua tác phẩm của ông thì đây quả thực là trải nghiệm khó quên, mang lại cho chúng tôi xúc cảm như được sống trong tác phẩm về làng Vũ Đại do ông tạo ra, và càng hiểu hơn ý nghĩa được ông gửi gắm trong tác phẩm Đời thừa (1943) về nghiệp viết văn: “Văn chương không cần đến sự khéo tay, làm theo một cái khuôn mẫu. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo ra cái gì chưa có…”.
Khác với phong cách tả thực, phản ánh xã hội đương thời của tác giả Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, ngòi bút Nam Cao luôn có xu hướng phân tích xã hội qua việc phân tích tâm lý nhân vật. Nhân vật trong truyện của ông có chiều sâu tâm trạng, có dòng tâm lý, đối thoại nội tâm phức tạp… mà qua đó hiện lên cảnh đời, hiện thực xã hội những năm 1930 - 1945.
Có lẽ chính bởi vậy, độc giả luôn có ấn tượng sâu sắc với những nhân vật do nhà văn tạo nên. Bá Kiến, Chí Phèo, Thị Nở, làng Vũ Đại… tựa như hình ảnh quảng bá hấp dẫn du khách, những người yêu văn thơ tìm về, để được trải nghiệm không gian làng quê nơi tác giả sinh ra những năm đầu thế kỷ XX, để được sống một lần cùng nhân vật trong tác phẩm.
Từ Khu lưu niệm nhà văn, nhà báo Liệt sỹ Nam Cao, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình về thăm khu di tích nhà Bá Kiến, không gian đã từng được nhà văn Nam Cao dùng làm bối cảnh để khắc họa nhân vật Bá Kiến trong tác phẩm Chí Phèo, lấy từ nguyên mẫu có thật trong đời sống làng quê Vũ Đại. Ngôi nhà được Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch mua lại từ năm 2007 với mục đích bảo tồn việc sưu tập, nghiên cứu thân thế, sự nghiệp của nhà văn, nhà báo, Liệt sỹ Nam Cao và phục vụ cho du khách tham quan.
Trong khu khuôn viên rộng hơn 800m2, ngôi nhà đặc biệt ấy được xây cất từ năm Giáp Thìn (1904) theo lối kiến trúc cổ xưa của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Bộ khung nhà làm bằng gỗ lim tạo nên 3 gian thoáng rộng với 4 hàng cột, 16 cây gỗ lim có kê chân đá tảng. Phía trước nhà có hiên cao, rộng rãi và những bức dại che mưa nắng.
Trải qua hơn một thế kỷ, ngôi nhà vẫn tương đối nguyên vẹn, trở thành chứng tích cuối cùng của chế độ phong kiến thuộc Pháp, đó là những nghị chánh, bá hộ, hương, lý, cường hào… khét tiếng một thời trên mảnh đất Đại Hoàng, trở thành nguyên mẫu nhân vật Bá Kiến nổi tiếng mà bất cứ ai đã từng đọc cũng đều ấn tượng, thích thú tác phẩm.
Đứng trước ngôi nhà, chúng tôi chợt nhớ về chi tiết: ba lần Chí Phèo đến nhà Bá Kiến (trong tác phẩm Chí Phèo) mà mỗi lần anh Chí tới lại mở ra một câu chuyện mới, nhưng các câu chuyện vẫn có sự đan kết nhân quả lạ lùng. Lần thứ nhất là lúc Chí vừa ở tù về, trong cơn say, hắn xách vỏ chai đến cổng nhà Bá Kiến để chửi, để vấn tội Bá Kiến, kẻ đẩy hắn vào tù. Nhưng Chí sao có thể đấu lại kẻ lõi đời, thâm hiểm như Bá Kiến, chỉ cần lời ngon ngọt và vài đồng bạc đã lừa được Chí. Chí ra về khi nghĩ mình đã đòi được cái cần đòi, dễ dàng mãn nguyện như tinh thần của AQ (trong AQ chính truyện của Lỗ Tấn). Lần thứ hai, vẫn trong dáng điệu say mèm, Chí ngật ngưỡng đến nhà Bá Kiến để xin được đi tù, và vẫn như lần trước, Chí thất bại trước cái khôn róc đời của cụ Bá. Lần thứ ba là lần chót Chí đến gặp Bá Kiến. Vẫn với dáng dấp của thằng say rượu, nhưng lần này, Chí mang trong lòng một tâm trạng, ý định khác hẳn với hai lần trước. Trong thâm tâm Chí đã muốn hoàn lương, sống cuộc đời lương thiện, chẳng qua xã hội không cho hắn lương thiện…
Đứng trước hiên nhà Bá Kiến, nhớ lại những thước phim chân thực trong tác phẩm điện ảnh “Làng Vũ Đại ngày ấy”, chúng tôi không khỏi lặp lại từng câu từng chữ nhà văn Nam Cao viết trong tác phẩm: “Tao muốn làm người lương thiện… Ai cho tao lương thiện? Tao không thể là người lương thiện”. Ngay tại mảnh sân này, Chí đã bị đẩy lên bước đường cùng, không còn lối thoát, chỉ còn chấm dứt cuộc đời của kẻ thù rồi sau đó tự chấm dứt cuộc đời chính mình.
Dứt dòng tưởng niệm, ngược quá khứ về hiện tại, cảnh cũ người xưa đã có nhiều đổi thay. Trong căn nhà Bá Kiến xưa cũ, chúng tôi đã có thể cảm nhận được rất rõ hơi thở của nhịp sống hiện đại. Đại Hoàng nay khang trang hơn với những ngôi nhà cao tầng tiện nghi, nức tiếng với đặc sản chuối ngự Đại Hoàng và cá kho làm nên thương hiệu cùng nghề dệt truyền thống từ lâu đời.
Trong tương lai, miền quê đã đi vào tác phẩm văn học để đời này chắc chắn sẽ càng thêm hấp dẫn du khách mọi miền gần xa, để chúng ta hiểu sâu sắc hơn rằng nơi đây không chỉ có các nhân vật Bá Kiến, Chí Phèo, Thị Nở, lão Hạc…, nơi đây còn là mảnh đất đáng sống với những con người mới và cơ hội làm giàu từ chính bề dày truyền thống văn hiến và tiềm năng, thế mạnh của quê hương.
Thanh Vân
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng Tư lịch sử, cả nước đang hướng về ngày lễ trọng đại, mốc son lịch sử của dân tộc, 50 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Hòa trong dòng chảy của ký ức và niềm tự hào dân tộc, ngành đường sắt Việt Nam tổ chức một sự kiện vô cùng đặc biệt: chuyến tàu mang tên “Đoàn tàu Thống Nhất” sẽ lăn bánh từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh – hướng về nhau, hội ngộ đúng 12 giờ trưa ngày 30/4/2025 tại ga Đà Nẵng. Đây không chỉ là một cuộc gặp gỡ mang tính biểu tượng, mà còn là hành trình đầy xúc cảm, kết nối hàng triệu con tim người Việt ở khắp mọi miền Tổ quốc.
Trong tâm thức mỗi người dân Việt, luôn in hằn lòng tự hào về Chiến thắng 30/4, một dấu mốc vinh quang trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đây là biểu tượng rực rỡ của tinh thần cách mạng Việt Nam, thể hiện rõ nét bản lĩnh và trí tuệ con người Việt. Với mỗi người dân nước Việt, ngày 30/4/1975 mang ý nghĩa lịch sử trọng đại. Lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Đã 50 năm người dân Việt Nam sống trong hòa bình, độc lập; lịch sử Việt Nam đã bước sang một trang mới của thời đại mở cửa và hội nhập quốc tế.
Tròn nửa thế kỷ từ ngày đất nước thống nhất, nhưng tinh thần 30/4 vẫn cháy trong trái tim của những người trẻ Việt Nam. Cuộc chiến đã lùi xa nhưng các bạn trẻ thuộc thế hệ Gen Z (những người sinh ra khoảng từ những năm 1997-2009 trong thời đại internet phát triển mạnh mẽ và có tư duy mở hơn) vẫn cảm nhận được cuộc chiến hào hùng của dân tộc qua một góc nhìn mới-góc nhìn của tri thức, trách nhiệm, khát vọng cống hiến xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.