Bản Cát Cát được hình thành từ thế kỷ 19, thuộc xã San Sả Hồ, huyện Sapa, tỉnh Lào Cai. Bản là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Mông và là một trong những địa điểm được nhiều du khách ghé thăm nhất khi đến Sapa. Nét thanh bình và thơ mộng của bản Cát Cát khiến địa điểm này được nhiều du khách ưu ái đặt cho danh hiệu “ngôi làng đẹp nhất Tây Bắc”.
Sự hấp dẫn của bản Cát Cát thể hiện ngay trên con đường vào bản. Quãng đường này chỉ dài khoảng 2 km nhưng khung cảnh thì vô cùng hùng vĩ và thơ mộng. Một bên đường là những dãy núi cao trùng điệp, còn một bên là thung lũng Sapa huyền ảo với những cánh đồng bậc thang bát ngát. Đứng trên đường bạn có thể vừa phóng tầm mắt ra xa chiêm ngưỡng đất trời Tây Bắc, vừa hít thở bầu không khí trong lành thoáng đãng vô cùng thú vị.
Đặc biệt, trên cung đường này còn có quán cafe Sapa đẹp nhất thị trấn. Đây thực sự là một địa điểm lý tưởng để bạn nhâm nhi một ly cafe nạp thêm năng lượng để tiếp tục hành trình. Do đường vào bản khá dốc và cao nên bạn có thể vừa đi vừa ngắm toàn bộ bản Cát Cát với những mái nhà sàn san sát hòa với cỏ cây hoa lá.
Con đường tuyệt đẹp dẫn đến bản Cát Cát. Ảnh: vntrip.vn
Chưa hết ngất ngây với khung cảnh tuyệt vời trên đường đi, bạn sẽ lại “choáng váng” khi bước qua cánh cổng dẫn lối vào Cát Cát. Trước mắt bạn chính là một con đường bậc thang xinh xắn được lát bằng đá bóng loáng. Con đường hẹp, khá dốc lọt thỏm giữa hai dãy nhà tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp. Nằm dọc hai bên đường là những quầy hàng với các món đồ thủ công như: trang sức, váy thổ cẩm, những món ăn đặc sản,… tha hồ cho bạn lựa chọn.
Đứng trên con đường đá bậc thang này bạn còn được chiêm ngưỡng những ngôi nhà cổ được hình thành từ thế kỷ 19 của người H’mông. Tuy mộc mạc, đơn sơ nhưng vô cùng xinh xắn với một vài chậu hoa hay một chiếc xích đu gỗ đặt trước cửa nhà. Hiện bản Cát Cát có gần 80 hộ dân, hầu hết nằm dọc theo con đường bậc thang lát đá giữa bản hoặc rải rác trên các sườn núi.
Con đường đá xinh xắn trong bản. Ảnh: @from.feb.20th
Sau khi băng qua con đường dốc thẳng đứng bạn sẽ đến với trung tâm bản Cát Cát. Đây là điểm dừng chân nổi bật nhất trong hành trình khám phá ngôi làng “đẹp nhất Tây Bắc” này. Trước mắt bạn là một bức tranh tuyệt đẹp như bước ra từ trong truyện cổ tích với những chiếc cối xay nước khổng lồ, những chiếc du quay bằng gỗ, chiếc cầu tre chênh vênh trên dòng thác cuốn, những căn nhà tranh mộc mạc…
Đặc biệt, một địa điểm khác không thể không nhắc đến ở Cát Cát chính là thác Bạc. Với dòng nước trắng xóa dội thẳng từ trên xuống thác Bạc trông như một dải lụa trắng vắt ngang bầu trời khiến cho khung cảnh bản làng thêm hùng vĩ.
Những chiếc cối xay nước khổng lồ trong bản. Ảnh: vntrip.vn
Ngoài chiêm ngưỡng cảnh vật tuyệt đẹp tại Cát Cát, bạn còn được tìm hiểu thêm những nét văn hóa đặc trưng của người dân nơi đây như: dệt vải, nhuộm chàm, vẽ sáp ong, dệt thổ cẩm, chạm bạc, nghề rèn, đan lát… Ngoài ra, bạn còn có thể thuê trang phục của người Mông để chụp ảnh.
Khung cảnh tuyệt đẹp tại bản Cát Cát. Ảnh: vntrip.vn
Để đến bản Cát Cát, từ trung tâm thị trấn Sapa bạn nên thuê xe ôm hoặc đi bộ theo con đường hướng về phía núi Fansipan. Sau khi đến bản bạn sẽ phải mua vé vào cửa tham quan với giá là 70.000 đồng/lượt.
Thác Bạc như một dải lụa trắng giữa đất trời. Ảnh:vntrip.vn
Với cảnh đẹp nên thơ cùng nền văn hóa độc đáo mang đậm bản sắc vùng cao Tây Bắc, Cát Cát xứng đáng là điểm đến được du khách trong và ngoài nước yêu thích nhất khi đến với Sapa.
Theo Báo Thể thao Việt Nam
Trong hai ngày 22 và 23/11, tại Kuala Lumpur, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp lãnh đạo một số tập đoàn lớn của Malaysia trong các lĩnh vực phát triển kỹ thuật, bất động sản và cơ sở hạ tầng, dịch vụ đa ngành.
Ngày 22/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với dịch đậu mùa khỉ (mpox), trong bối cảnh số ca mắc và số quốc gia bị ảnh hưởng đang gia tăng.
Những năm gần đây, sản xuất trên đồng ruộng của xã Đồn Xá (Bình Lục) đã có thay đổi đáng kể. Các vùng sản xuất theo hướng tập trung, tạo ra sản phẩm hàng hóa được hình thành. Cây lúa từ vai trò bảo đảm lương thực tại chỗ đã chuyển sang đóng góp vào thu nhập cho người dân. Có được kết quả đó Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) Đồn Xá đã đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.