Giáo dục mầm non vẫn chưa hết khó

Giáo dục 06:16 16/10/2019 Thanh Hà
Được xem là một trong những cấp học quan trọng có vai trò đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện của trẻ, nhiều năm qua, cấp học mầm non luôn nhận được sự quan tâm trong việc nâng cao chất lượng và thực hiện đổi mới. Tuy nhiên, sự phát triển của cấp học mầm non hiện vẫn còn gặp không ít khó khăn cả về chương trình cho tới cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; đồ dùng, đồ chơi của trẻ và chế độ

Lớp học đông là một trong những khó khăn cho Trường Mầm non Trần Hưng Đạo (thành phố Phủ Lý) khi tổ chức các hoạt động giáo dục.

Chương trình đổi mới giáo dục mầm non được xây dựng trên cơ sở thực hiện giáo dục tích hợp, xây dựng trường học lấy trẻ làm trung tâm, giúp cho trẻ được hoạt động tích cực và từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển, khơi gợi hứng thú của trẻ trong quá trình chăm sóc, giáo dục ở các cơ sở giáo dục mầm non. Tính ưu việt của chương trình chính là không quá nhấn mạnh vào việc cung cấp kiến thức, kĩ năng đơn lẻ mà có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chăm sóc với giáo dục, giữa các mặt giáo dục với nhau, bảo đảm tính phù hợp cao với từng lứa tuổi.

Ở Hà Nam, năm học 2019-2020, toàn bộ 100% trường mầm non (trong đó, có 116 trường mầm non công lập và 5 trường mầm non tư thục) tiếp tục triển khai chương trình đổi mới giáo dục mầm non, xây dựng trường học lấy trẻ làm trung tâm. Khi triển khai thực hiện chương trình này, với vai trò là người trực tiếp tổ chức các hoạt động giáo dục để khuyến khích trẻ tham gia nên hầu hết giáo viên đã khá thuần thục trong việc đánh giá đúng khả năng để khai thác sự sáng tạo, hứng thú của trẻ, khắc phục tình trạng áp đặt trong giáo dục trẻ. Hơn thế, các giáo viên đã tự định hình cho mình những công việc phải làm, biết lồng ghép nhiều kiến thức, kĩ năng khi tổ chức các giờ học, không gian học, chơi lấy trẻ làm trung tâm. 

Theo bà Lê Thị Minh Thư, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lý Nhân, việc lựa chọn nội dung, phương pháp đánh giá sự tiến bộ của trẻ cũng như đánh giá quá trình thực hiện chương trình đòi hỏi các nhà trường phải chủ động xây dựng được kế hoạch triển khai một cách cụ thể cho từng năm học. Đồng thời, mỗi giáo viên cũng phải có sự linh hoạt, sáng tạo trong xây dựng nội dung, kế hoạch giáo dục theo chủ đề, tự tìm ra cho mình phương pháp riêng, phù hợp với nhóm, lớp phụ trách, kịp thời điều chỉnh kế hoạch và phương pháp cá nhân khi được đánh giá chưa phù hợp hoặc chưa sát với yêu cầu… 

Thực tế tại các cơ sở giáo dục mầm non, chương trình giáo dục mầm non nói chung, thực hiện xây dựng trường học lấy trẻ làm trung tâm nói riêng qua nhiều năm đã thu được những kết quả khả quan, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của cả cấp học.

Mặc dù vậy, theo ý kiến của nhiều cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, chương trình giáo dục mầm non sẽ đạt hiệu quả hơn nữa khi các nhà trường có đủ các yếu tố phụ trợ, bảo đảm về: cơ sở vật chất, tỉ lệ trẻ/lớp, tỷ lệ giáo viên/lớp, sách cho trẻ mầm non… 

Thống kê đến hết năm học 2018-2019, toàn tỉnh đã có 108/116 trường mầm non công lập đạt chuẩn quốc gia (đạt trên 93%), nhưng ngay cả các trường mầm non đã đạt chuẩn cũng vẫn còn tình trạng thiếu đồng bộ, chưa đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học và chăm sóc trẻ; các lớp học và sân chơi của nhiều trường có diện tích khá chật chội, không bảo đảm cho việc tổ chức các hoạt động giáo dục theo yêu cầu đổi mới. Trong các nhóm, lớp, nhất là các lớp mẫu giáo, tình trạng quá tải diễn ra thường xuyên.

Theo quy định, sĩ số của lớp mẫu giáo 3-4 tuổi là 25 trẻ/lớp, 4-5 tuổi là 30 trẻ/lớp, trẻ từ 3-36 tháng tuổi sĩ số tối đa dao động trong khoảng 15-25 trẻ/nhóm tùy độ tuổi, nhưng hầu hết các nhóm, lớp tại các trường mầm non trên địa bàn tỉnh đều vượt ngưỡng quy định khá cao, nhất là ở các địa bàn đông dân, nơi có khu công nghiệp. Do số lượng trẻ/nhóm, lớp quá đông, giáo viên gặp nhiều khó khăn khi tổ chức các hoạt động để có thể phát huy tính tích cực của tất cả trẻ trong nhóm/lớp và hạn chế khả năng quan sát, nắm bắt tình hình và sự thay đổi tâm lý của trẻ. Những khó khăn này càng lớn hơn đối với các trường chưa đạt chuẩn.

Cũng theo quy định, những cơ sở giáo dục mầm non bố trí đủ số trẻ tối đa theo nhóm/lớp thì bố trí tối đa 2,5 giáo viên/nhóm trẻ, 2,2 giáo viên/lớp đối với lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày và tối đa 1,2 giáo viên/lớp đối với lớp mẫu giáo học một buổi/ngày. 

Trên địa bàn Hà Nam, nhiều năm học qua, các trường mầm non đều tổ chức cho 100% trẻ ra lớp được học 2 buổi/ngày. Các cấp, ngành đã có sự quan tâm cho việc tuyển viên chức đối với cấp học nhưng tình trạng thiếu giáo viên mầm non vẫn xảy ra trầm trọng trong các năm học. Hiện tỉ lệ giáo viên cho các nhóm lớp chưa bảo đảm đúng quy định, mới chỉ đạt 1,81 giáo viên/nhóm nhà trẻ, 1,78 giáo viên/lớp mẫu giáo, 2 giáo viên/lớp mẫu giáo 5 tuổi. 

Cùng với các công việc chuẩn bị như: soạn giáo án, làm đồ dùng, đồ chơi, hoàn thiện các loại sổ sách liên quan của lớp học… giáo viên mầm non thực tế đã phải làm việc tới 10 giờ/ngày, nhiều gấp rưỡi thời gian quy định (6 giờ trên lớp/ngày đối với nhóm, lớp học 2 buổi/ngày). Trong khi chế độ, chính sách còn nhiều bất cập giáo viên mầm non lại phải đối mặt với quá nhiều áp lực về thời gian làm việc, chất lượng và khối lượng công việc, gây nhiều khó khăn cho các nhà trường trong việc tuyển dụng giáo viên hợp đồng. 

Tháo gỡ những khó khăn này của giáo dục mầm non, trách nhiệm không của riêng ngành giáo dục mà rất cần sự quan tâm từ nhiều phía.

Thanh Hà

TIN MỚI CẬP NHẬT

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến, chủ trương một số nội dung thuộc thẩm quyền

Xây dựng Đảng - Chính quyền  |  12:39 23/11/2024

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 23/11, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy tổ chức hội nghị cho ý kiến, chủ trương một số nội dung thuộc thẩm quyền. Đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; các đồng Ủy viên BTV Tỉnh ủy; lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy.

Hội Nông dân Bình Lục trao bò vàng sinh sản cho hội viên nghèo 

Đoàn - Hội  |  12:12 23/11/2024

Hội Nông dân huyện Bình Lục vừa tổ chức trao tặng bò vàng sinh sản năm 2024 cho gia đình hội viên Nguyễn Thị Nam, thôn Phú Thủy, xã An Lão. Đây là hội viên nông dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, gắn bó nhiệt tình với công tác hội.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Đoàn ĐBQH Hà Nam tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự án luật

Người đại biểu nhân dân  |  11:39 23/11/2024

Sáng 23/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội họp ở hội trường nghe trình bày Tờ trình về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số; báo cáo thẩm tra dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Sau đó, các đại biểu thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam thảo luận ở tổ 18.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC