Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) Công an tỉnh, từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 125 vụ phạm pháp hình sự do người chưa thành niên gây ra. Độ tuổi phạm tội chủ yếu từ 14 đến 18 tuổi. Mỗi bị cáo một hoàn cảnh, hành vi phạm tội khác nhau nhưng đáng lo ngại là tính chất những vụ án ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, bộc lộ sự manh động, liều lĩnh.
Không chỉ những vụ trộm cắp, cướp giật, hành hung mà còn giết người, cướp tài sản, dùng bạo lực giải quyết mâu thuẫn cá nhân. Một khía cạnh đáng lo ngại nữa là nếu những năm trước đối tượng phạm tội chủ yếu ở địa bàn thành thị thì nay có chiều hướng gia tăng ở vùng nông thôn.
Theo Trung tá Nguyễn Duy Ninh, Phó Trưởng phòng CSHS Công an tỉnh, tính chất, hành vi phạm tội của người trong độ tuổi vị thành niên có biểu hiện ngày càng nghiêm trọng, phương thức, thủ đoạn phạm tội liều lĩnh, manh động hơn, số vụ trọng án có sự tham gia của người chưa thành niên, do người chưa thành niên thực hiện độc lập hoặc giữ vai trò chính có xu hướng tăng. Nhiều trường hợp tuổi nhỏ nhưng mức độ phạm tội và hậu quả do hành vi phạm tội của tội phạm vị thành niên gây ra không thua kém tội phạm trưởng thành, không ít trường hợp mức độ liều lĩnh, bất chấp còn ghê gớm hơn.
Điển hình như các trường hợp: Trần Đức Nam (17 tuổi), Nguyễn Văn Sang (15 tuổi), Trần Vũ Hoàng (14 tuổi, đều trú tại Thanh Thủy, Thanh Liêm). Ngày 7/5/2018, do cần tiền chơi điện tử, ba đối tượng đã bàn nhau vào nhà bà Hoàng Thị Dẫn (sinh năm 1953, cùng xã) cướp tài sản. Lợi dụng bà Dẫn ở nhà một mình, ba đối tượng đã dùng chăn trùm đầu bà Dẫn, cướp số tiền 970 nghìn đồng chia nhau. Trước đó, các đối tượng này đã thực hiện nhiều vụ trộm cắp tài sản trên địa bàn.
Nghiêm trọng hơn là vụ việc xảy ra tại thị trấn Vĩnh Trụ, Lý Nhân: Khoảng 21h ngày 13/2/2019, tại một quán nước ở tổ phố Nam Cao (thị trấn Vĩnh Trụ), do xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân, Tạ Tiến Tùng (chưa đủ 18 tuổi, trú tại xóm 3, xã Công Lý, Lý Nhân) dùng dao bầu đâm anh Nguyễn Đình Thắng (cùng xã) làm anh Thắng bị thương phải đưa đi bệnh viện cấp cứu. Đến ngày 16/2/2019, anh Thắng tử vong.
Theo phân tích của cơ quan chuyên môn, phần lớn trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật là do thiếu sự quản lý, giáo dục của gia đình, bỏ học, học lực kém; sinh ra trong những gia đình không có đầy đủ tình yêu thương của cha mẹ hoặc điều kiện kinh tế khó khăn, các em bị đẩy ra đường kiếm sống khi còn rất nhỏ. Một nguyên nhân nữa là công tác phòng ngừa xã hội, tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho người dân nói chung, thanh, thiếu niên nói riêng chưa được quan tâm sâu sát và đạt hiệu quả thiết thực. Hoạt động của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là vai trò đoàn thanh niên trong giáo dục, định hướng nghề nghiệp cho thanh, thiếu niên chưa sát thực tế, nhất là với những thanh, thiếu niên bỏ học, không có việc làm.
Dưới góc độ pháp luật, tình trạng tội phạm trẻ hóa còn có nguyên nhân từ việc pháp luật của nước ta còn nương nhẹ trong xử lý những người phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi. Một cán bộ cơ quan điều tra, Công an tỉnh chia sẻ: Mỗi khi thực hiện điều tra một vụ phạm pháp hình sự do vị thành niên gây ra, chúng tôi rất xót xa vì các bị can tuy còn trẻ nhưng lại có hành vi phạm tội rất nghiêm trọng.
Hiện tượng này là biểu hiện sự rối loạn nhân cách, lệch chuẩn về hành vi, sự chai sạn cảm xúc của đối tượng. Nhiều đối tượng hành động theo sự thúc đẩy chỉ để thỏa mãn nhu cầu bản năng mà không suy nghĩ đến hậu quả đối với nạn nhân, xã hội và cho chính bản thân cũng như gia đình. Đây là dấu hiệu báo động về sự xuống cấp nghiêm trọng giá trị đạo đức, nhân cách của một bộ phận giới trẻ hiện nay.
Để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, gia đình, xã hội. Với mỗi gia đình cần củng cố nền tảng vững chắc trở thành “pháo đài” bảo vệ những giá trị đạo đức, tinh thần, nhân cách của các thành viên, nhất là với người trẻ tuổi. Ngoài chăm sóc về thể chất cần chú trọng đến sức khỏe, tinh thần của con em mình. Bố mẹ nên dành nhiều thời gian ở bên trẻ, nắm bắt tình hình phát triển tâm sinh lý của con em ở từng giai đoạn, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các cháu trong việc nhận thức bản thân và nhận thức xã hội. Đồng thời, giảm bớt sự phụ thuộc của trẻ vào mạng Internet, game có tính chất bạo lực hay những người thiếu tin cậy ngoài xã hội. Bên cạnh đó, cần phải có những chế tài xử lý thật nghiêm khắc về mặt trách nhiệm đối với những bậc cha mẹ, người thân của trẻ vị thành niên phạm tội.
Vai trò của nhà trường trong việc giáo dục toàn diện cho học sinh được đánh giá là yếu tố quan trọng đối với việc hình thành nhân cách trẻ. Nhà trường ngoài giáo dục văn hóa còn phải là nơi trang bị cho giới trẻ những kỹ năng mềm để thích nghi được với môi trường xã hội mở và hội nhập. Do vậy, mỗi cấp học, bậc học nên dựa vào đặc điểm phát triển tâm sinh lý học sinh theo từng giai đoạn lứa tuổi, những vấn đề mà học sinh thường vi phạm để tổ chức các hình thức sinh hoạt ngoại khóa có ý nghĩa giáo dục pháp luật phù hợp.
Bên cạnh đó, các ngành, đoàn thể, nhất là các cấp bộ đoàn cần phát huy vai trò nòng cốt, đổi mới hình thức hoạt động, tạo ra những sân chơi lành mạnh, tập hợp, thu hút thanh, thiếu niên tham gia. Thường xuyên tổ chức những chương trình đối thoại, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật thông qua các cuộc thi, phong trào thi đua tới từng gia đình, nhà trường nhằm tạo hiệu ứng tích cực trong quản lý, giáo dục học sinh. Đồng thời, quan tâm, tổ chức thi hành án đối với người chưa thành niên trong môi trường vừa học, vừa đào tạo nghề, giúp các đối tượng sau khi chấp hành án về địa phương trở thành người có ích cho gia đình, xã hội. Đặc biệt, cần có những chế tài quản lý nghiêm ngặt, kiểm soát, đi đến thanh lọc những nhân tố tiêu cực, xử lý nghiêm các tụ điểm tệ nạn xã hội núp bóng quán karaoke, internet, game online... giúp môi trường sống của thanh, thiếu niên luôn tích cực, lành mạnh.
Lực lượng công an chủ động nắm tình hình, thực trạng vi phạm pháp luật lứa tuổi vị thành niên, phân tích, rút ra nguyên nhân, điều kiện cũng như các vụ án, vụ việc điển hình, hệ thống hóa lại những hành vi vi phạm; tập trung lực lượng tấn công, truy quét tội phạm hình sự; kịp thời điều tra khám phá nhanh các vụ án, xử lý nghiêm trước pháp luật để giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung, qua đó hạn chế thấp nhất những hành vi vi phạm pháp luật do lứa tuổi vị thành niên gây ra.
Lê Mai
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, ngày 22/11, tại Kuala Lumpur, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phát triển Nông thôn, Chủ tịch Đảng Tổ chức thống nhất dân tộc Mã Lai (UMNO) Dato’ Seri Dr. Ahmad Zahid Hamidi và các lãnh đạo cấp cao trong Liên minh cầm quyền tại Malaysia.
Từ ngày 1- 31/10/2024, lực lượng chức năng đã triển khai Tháng cao điểm ra quân xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đối với học sinh trên địa bàn tỉnh. Với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) về TTATGT gắn với tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, sau một tháng thực hiện, tình hình chấp hành pháp luật giao thông trong học sinh đã có những chuyển biến tích cực.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.