Sự kiện Bác Hồ về thăm thôn Cát Tường (nay là Cao Cát), xã An Mỹ, huyện Bình Lục vẫn được nhiều người dân truyền kể cho nhau nghe. Hà Nam là tỉnh nằm trong vùng úng trũng của Đồng bằng châu thổ sông Hồng, trong đó, Bình Lục là vùng trũng nhất, thường được ví là “cái rốn nước” của Đồng bằng Bắc Bộ. Do gánh chịu những bất lợi về địa hình và thời tiết, huyện Bình Lục luôn phải ra sức khắc phục để phát triển nông nghiệp nhằm ổn định đời sống của nhân dân. Đặc biệt, vào vụ đông xuân năm 1958, thời tiết thất thường, Hà Nam cũng như các tỉnh thuộc khu vực III cũ bị hạn nặng. Thiếu nước nên mặc dù bà con nông dân đã cố gắng hết sức nhưng tiến độ gieo cấy rất chậm. Nhiệm vụ chống hạn trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Lúc bấy giờ, “cái khó ló cái khôn” - một phương án hết sức táo bạo và quy mô đã được vạch ra nhằm giải quyết nước cấy cho Hà Nam và một số huyện phía Đông Hà Nội. Đó là mở cống lấy nước sông Hồng vào hệ thống nông giang Liên Mạc để từ đó tỏa đi các trọng điểm lúa trong vùng. Phương án này đòi hỏi cả tỉnh phải huy động nguồn nhân lực rất lớn tại hai công trường: Một là tại Lý Nhân - Duy Tiên với nhiệm vụ đào mương dẫn nước từ đập Đọi Sơn về Vĩnh Trụ. Hai là tại Bình Lục với nhiệm vụ đắp đập Cát Tường để nước dâng lên cao rồi bắt dòng chảy về tưới tiêu đồng ruộng ở hai huyện Bình Lục và Thanh Liêm.
Ngày ấy, khi mà tình trạng hạn hán đang diễn ra trầm trọng, kéo dài hầu khắp miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh trăn trở khôn nguôi. Dù bận nhiều công việc, Bác vẫn luôn theo dõi sát sao tình hình sản xuất nông nghiệp tại các địa phương. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Thủy lợi và Tỉnh ủy Hà Nam về tình thế hiện tại và phương án khắc phục, Bác tỏ ý khen ngợi và phấn khởi đề xuất được xuống thực tế ở Hà Nam để kịp thời động viên, khích lệ tinh thần, cùng bà con vượt qua thời điểm gian khó này.
Sáng ngày 14/01/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ trưởng Bộ Thủy lợi dự Hội nghị sơ kết công tác chống hạn của tỉnh Hà Nam. Bác khen ngợi cán bộ, nhân dân Hà Nam trước kia vừa sản xuất vừa chiến đấu anh dũng, mấy năm gần đây lại có nhiều thành tích chống thiên tai, tăng cường sản xuất. Bác căn dặn mọi người phải quyết tâm chống hạn bằng được. Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lá cờ “Chống hạn khá nhất” cho huyện Bình Lục. Cờ này sẽ làm giải thưởng luân chuyển cho huyện nào có nhiều thành tích chống hạn tốt nhất. Khoảng 9 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới thăm công trường đắp đập Cát Tường thuộc xã An Hòa, huyện Bình Lục (nay là xã An Mỹ) đang thi công để lấy nước cứu hàng ngàn mẫu lúa chiêm bị khô hạn. Chưa đến 5 ngày, con đập đã hoàn thành dài 120m, bề mặt rộng hơn 2m, cao bằng mặt đê, chắn ngang dòng sông Sắt ngăn không cho nước đổ vào sông Ninh, tạo điều kiện giữ nước cứu hàng ngàn mẫu lúa chiêm đang bị hạn.
Kỷ niệm sự kiện ngày Bác Hồ về thăm, nhân dân địa phương đã trồng một cây đa ngay tại nơi Bác đứng nói chuyện cùng cán bộ và nhân dân đang đắp đập. Đến nay, tán đa đã sum suê tỏa bóng và được gọi với cái tên mộc mạc, bình dị: “Cây đa Bác Hồ”. Con đập khi xưa đến nay không còn nữa. Nó đã được khai thông ngay sau vụ chiêm năm 1958, trả lại dòng chảy cho sông Sắt. Dấu vết còn lại giờ đây chỉ là một phần ngắn ở hai đầu sát với triền đê. Tại vị trí con đập xưa, nhân dân đã làm một cây cầu gỗ nối thôn Cát Tường và thôn Phú Đa (xã Bối Cầu). Hiện nay, cây cầu gỗ đang được thay thế bằng cây cầu bê tông cốt thép kiên cố và to đẹp hơn.
Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được nhân dân thôn Cát Tường và các xã xung quanh quy hoạch, lập lên ngay trên khu đất Bác từng đứng nói chuyện với bà con nơi đây. Nhằm đáp ứng mong mỏi của đông đảo nhân dân cũng như tri ân vị Cha già kính yêu của dân tộc, năm 2012, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nam đã tôn tạo lại cảnh quan, xây dựng đền thờ Người, hằng năm có hàng ngàn du khách về đây dâng hương tưởng nhớ Bác. Đây cũng là địa điểm được UBND tỉnh thường xuyên tổ chức kỷ niệm những ngày lễ trọng đại của đất nước, cũng như của tỉnh nhằm báo công lên Bác. Công trình tọa lạc trên khu đất rộng, được chia làm hai khu chính. Mặt quay hướng đông nam nhìn ra sông Sắt. Khu A với diện tích 1.445m2 gồm nhà bia, hồ nước, sân vườn hoa, bến sông ôm lấy cây đa. Khu B, diện tích 5.400m2 bao gồm nhà tưởng niệm, sân vườn, bồn hoa, hồ nước.
Nhà bia được xây dựng theo kiểu phương đình, bố cục mặt bằng hình vuông, kiến trúc hai tầng, tám mái cong. Chính giữa nhà bia đặt tấm bia ghi lại sự kiện Bác Hồ về thăm cán bộ và nhân dân nơi đây khi đang đắp đập Cát Tường. Đền thờ Bác được xây dựng trên khuôn viên 5.400m2 với nhiều hạng mục công trình. Công trình ngoài cùng là nghi môn đá. Nghi môn được tạo bởi 10 cột trụ sắp đặt cân xứng. Chính giữa sau nghi môn khoảng 3m là bức bình phong đá cao 3m, dài 9m, mặt trước chạm phù điêu tái hiện lại không khí náo nhiệt của công trường đắp đập Cát Tường với hình ảnh trung tâm là Bác Hồ đứng giữa mọi người, mặt sau chạm nổi dòng chữ “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Phía sau bức bình phong là hồ nước nổi bó bằng đá xanh, trong hồ thả sen thơm ngát. Sân đền có kích thước 45,2m x 25m, với 42 ô cỏ vuông tạo cho không gian một màu xanh mát mẻ. Công trình chính được bố cục trên mặt bằng hình chữ nhật, kích thước 33,6m x 18,6m. Đền được chia làm 7 gian 2 chái, hai tầng mái cong. Các bộ vì nóc đều được tạo tác bằng gỗ lim theo kiểu giá chiêng chồng rường con nhị. Gánh đỡ các bộ vì là hệ thống cột bê tông giả gỗ. Toàn bộ công trình cao hơn mặt sân 1m, hiên rộng 2,1m được bó vỉa và bao bằng hàng rào đá xanh.
Công trình đắp đập dẫn nước tại thôn Cát Tường là chứng nhân lịch sử cho một giai đoạn đầy khó khăn trong những ngày đầu tái thiết đất nước. Sự kiện Bác Hồ về thăm minh chứng cho tấm lòng vì dân vì nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần to lớn đối với Đảng bộ, nhân dân Hà Nam để từ đó, công tác thủy lợi của toàn tỉnh nói chung, xã An Mỹ, huyện Bình Lục nói riêng đã đạt những kết quả to lớn, biến lời dạy của Bác thành hiện thực sinh động. Địa điểm này còn có ý nghĩa như một nơi lưu dấu sự kiện và nhân vật lịch sử, minh chứng cho quyết tâm kiến thiết đất nước, ổn định đời sống của người dân dưới sự dẫn dắt tài tình của Đảng, của Bác; đồng thời, góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống địa phương cho thế hệ trẻ ngày nay.
Xuất phát từ việc nhận thức những giá trị to lớn cũng như tầm ảnh hưởng của di tích đối với đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, năm 2009 UBND tỉnh Hà Nam đã ra quyết định xếp hạng Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là di tích lịch sử cấp tỉnh. Trong những năm gần đây, các cấp chính quyền không ngừng quan tâm, đầu tư xây dựng và tu bổ di tích. Không gian kiến trúc nơi đây không chỉ mang đậm phong cách cổ truyền của dân tộc mà đặc biệt, ở mỗi một công trình, ta đều thấy những hình ảnh lưu niệm của Bác. Điều đó khiến cho di tích vừa linh thiêng lại vừa gần gũi với du khách thập phương.
Từ những giá trị quan trọng về lịch sử nêu trên, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã xếp hạng di tích Địa điểm lưu niệm sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm cán bộ và nhân dân đắp đập Cát Tường năm 1958 thuộc thôn Cát Tường, xã An Mỹ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam là Di tích lịch sử lưu niệm sự kiện cấp quốc gia.
Chu Bình
Chiều 26/11, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Thanh Bình II, giai đoạn I cho Nhà đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư phát triển hạ tầng KCN Thanh Bình.
Sáng 26/11, tại Trường THCS thị trấn Quế (Kim Bảng), Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức khai mạc Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp THCS tỉnh Hà Nam năm học 2024-2025.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.