Quan trọng là thay đổi ý thức của người lao động và doanh nghiệp
Sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, Hà Nam hiện có trên 4.000 doanh nghiệp, 6/8 khu công nghiệp đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho trên 60.000 lao động; 17 cụm công nghiệp đã và đang hoạt động tích cực, cùng với trên 100 làng nghề, làng nghề truyền thống, làng có nghề tạo việc làm cho ngót 100.000 lao động khác. Bên cạnh đó, Hà Nam đang triển khai thực hiện xây dựng nhiều công trình, không chỉ thu hút lực lượng lao động lớn mà còn tác động đến môi trường, đời sống dân sinh. Công tác ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ô nhiễm môi trường tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được đặc biệt quan tâm.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), hằng năm, tất cả các địa phương, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đồng loạt hưởng ứng thực hiện Tháng hành động ATVSLĐ do UBND tỉnh phát động; thông qua việc triển khai thực hiện này nhằm đánh giá hiệu quả công tác ATVSLĐ. Các doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp trong khu công nghiệp) tổ chức hàng trăm lớp huấn luyện, tập huấn cho người quản lý phụ trách về công tác ATVSLĐ và người lao động làm việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Mỗi năm, có ít nhất vài chục nghìn người được tham gia các lớp tập huấn, huấn luyện; các cơ quan chức năng tổ chức hàng chục cuộc thanh tra doanh nghiệp, cơ sở sản xuất về ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ và phát hiện từ 130 đến 150 cơ sở vi phạm; số người lao động được khám bệnh định kỳ khoảng ba chục nghìn lượt người…
Đánh giá của Sở LĐ-TB&XH cho rằng, kết quả này vẫn bộc lộ những hạn chế. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa thực hiện về công tác ATVSLĐ như: hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ; báo cáo về công tác ATVSLĐ theo quy định; khai báo tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tổ chức huấn luyện ATVSLĐ; kiểm định thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ; quan trắc môi trường lao động, khám sức khỏe cho người lao động; cải thiện điều kiện lao động và thực hiện các giải pháp giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng lao động chưa nêu cao trách nhiệm, vi phạm các quy định pháp luật về ATVSLĐ. Bản thân người lao động còn hạn chế về kiến thức, kỹ năng trong phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đặc biệt ở khu vực nông thôn, nơi có nhiều cơ sở sản xuất, làng nghề… tai nạn lao động, lao động mắc bệnh nghề nghiệp có xu hướng gia tăng. Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh vẫn có khoảng 40 đến 50 vụ tai nạn lao động, làm chết và bị thương hàng chục người.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước
Bà Phạm Thị Huế, Phó Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH khẳng định, việc tăng cường công tác quản lý nhà nước; hoạt động thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao, trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, làng nghề; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời và công khai các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật... hiện nay thực sự cần thiết. Theo bà Huế, việc phát triển mạnh mẽ về công nghiệp, dịch vụ thương mại và vận tải đã tạo nên những áp lực về ATVSLĐ. Ngoài số lao động làm việc trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, vẫn còn gần 100 nghìn lao động làm việc ở khu vực phi chính thức, từng ngày, từng giờ đối mặt với nguy cơ tai nạn giao thông, tai nạn lao động, ô nhiễm môi trường và bệnh nghề nghiệp cao. Họ là những lao động tự do, không ràng buộc pháp lý về trách nhiệm và quyền lợi lao động. Khi bị tai nạn lao động hay mắc bệnh nghề nghiệp đều rất khó khăn để các cơ quan chức năng can thiệp, trợ giúp pháp lý.
Ở một góc nhìn khác, yêu cầu đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm về ATVSLĐ đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người sử dụng lao động phải được quan tâm hơn. Thậm chí, đưa nội dung ATVSLĐ vào chương trình đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và sau đại học. Ở Hà Nam, việc này đã và đang được làm tốt tại một số cơ sở đào tạo nghề. Các doanh nghiệp, người sử dụng lao động có biện pháp lồng ghép giữa việc đào tạo kiến thức chuyên môn, nâng cao tay nghề với việc nâng cao trình độ, kỹ năng phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quản lý rủi ro, bảo đảm vệ sinh lao động cho người lao động.
Ông Đỗ Quang Triệu, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Hà Nam cho biết, đây chính là một trong những yêu cầu đổi mới đào tạo nghề của nhà trường, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, cụ thể là doanh nghiệp mà nhà trường thực hiện tốt nhất thời gian qua.
Giang Nam
Sáng 22/11, Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á với chủ đề “Tìm kiếm hòa bình và hòa giải” đã khai mạc tại Thủ đô Phnom Penh, Campuchia.
Sáng 22/11, Đảng ủy Quân sự (ĐUQS) huyện Kim Bảng tổ chức hội nghị ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2025.
Ngày 21/11, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Hoàng Giang đã có cuộc tiếp xúc với Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 79 Philemon Yang để trao đổi về các tiến trình quan trọng và ưu tiên sắp tới của ĐHĐ.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.