Thời tiết ở huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) rất khắc nghiệt. Có lúc nắng như đổ lửa, mùa mưa bão thì sóng, gió cuồn cuộn, mịt mù. Thiếu nước ngọt, chất đất cằn cỗi, nhiễm mặn nặng cộng với khí hậu khắc nghiệt, quanh năm nắng, gió khiến việc trồng rau xanh trên đảo vô cùng khó khăn. Vượt lên những khó khăn, gian khổ ấy, được sự giúp đỡ tích cực từ đất liền, từ cung ứng hạt giống, cây trồng phù hợp với thời tiết biển đảo đến lắp đặt máy lọc nước lợ từ nước biển đã giúp cho các đơn vị bám đảo chủ động hơn trong gieo trồng, chăm sóc các loại rau xanh, bảo đảm đời sống bộ đội. Việc trồng rau xanh ở huyện đảo Trường Sa kể cả đảo nổi, đảo chìm đều được cán bộ, chiến sỹ hải quân hết sức quan tâm. Cách trồng rau xanh ở đảo mang đặc trưng riêng tùy theo điều kiện “chìm, nổi” của đảo. Ở các đảo nổi, việc canh tác rau xanh có nhiều thuận lợi hơn. Hầu như các đơn vị chiến đấu, đơn vị phối thuộc trên đảo nổi đều có “công trình cây xanh” riêng. Với các đảo chìm, trồng được vườn rau để duy trì nguồn rau xanh cho cán bộ, chiến sỹ quả là một kỳ công. Trồng rau xanh ở đảo chìm kỳ công nhất là làm vách phải đủ cao, mái đủ kín để che chắn gió biển. Với diện tích đảo nhỏ hẹp, không có đất tự nhiên, anh em cán bộ, chiến sỹ phải tận dụng từng centimet đất để trồng rau. Đất trồng rau được chuyển từ đất liền ra đảo. Rau được trồng trong các khay, thùng xốp, chậu,… tùy theo điều kiện thời tiết, mức độ gió bão mà có thể di chuyển những “vườn rau di động” đó tới nơi an toàn. Việc tưới nước cho rau xanh cũng cần phải duy trì đều đặn hai buổi sáng, chiều hằng ngày để vừa cung cấp đủ nước cho cây phát triển vừa rửa trôi muối biển bám vào thân, lá cây rau.
Vì nguồn nước ngọt khan hiếm nên nước tưới rau cũng phải được tính toán, tận dụng tối đa từ nước tắm, rửa rau, vo gạo… Không những khó khăn về thiếu đất, thiếu nước ngọt mà để những cây rau trên đảo sinh trưởng, phát triển tốt thì các luống rau cần phải được che chắn rất cẩn thận, tránh hơi mặn của biển. Thời tiết nắng nóng, gió biển mang nước mặn cộng thêm sương muối khiến việc ươm trồng, chăm sóc rau trên các đảo vô cùng vất vả. Gió mang hơi nước biển mặn phả vào cây xanh sẽ gây táp úa lá. Rau xanh gặp gió muối chỉ một thoáng là bao nhiêu công sức gieo trồng, chăm sóc coi như bỏ đi. Vì thế, việc che chắn cho rau được cán bộ, chiến sỹ trên đảo hết sức chú ý. Các loại thùng, bạt, ván thừa… đều được tận dụng làm bờ vách che chắn. Mùa hè, các anh phải dùng màn, chiếu cũ che bớt nắng cho rau khỏi héo. Rau xanh trồng ở Trường Sa bao gồm rau cải mầm ngắn ngày và các loại rau, củ, quả dài ngày: cải xanh, cải ngọt, bầu, bí...
Trong chuyến hải trình thăm huyện đảo Trường Sa, Sinh Tồn Đông là điểm đảo đầu tiên đoàn chúng tôi ghé thăm. Nhìn những bờ kè vững chãi bị sóng biển ăn mòn đủ biết thiên nhiên ở đây khắc nghiệt như thế nào. Cũng như các đảo nổi khác, đất đai trên đảo chủ yếu là cát san hô, chỉ phù hợp với một số loại cây nước lợ như bàng vuông, mù u, phi lao, phong ba, bão táp… Cùng với thời tiết khắc nghiệt, việc trồng rau xanh tốn không ít mồ hôi, công sức của cán bộ, chiến sỹ trên đảo. Đất, phân bón, khay trồng, giống rau… đều được đưa ra từ đất liền. Để cải tạo đất, anh em chặt lá cây phong ba, băm nhỏ ủ với vôi, xơ dừa, nước thải để tạo thành phân hữu cơ, sau đó trộn đều với đất rồi mới cho vào từng khay, kê ngay ngắn thành luống, sau đó gieo hạt giống và chăm bón. Bằng sự kiên trì, tỷ mỷ của cán bộ, chiến sỹ, những luống rau xanh theo phiên chế đơn vị từng ngày phát triển tươi tốt, cải thiện bữa ăn bộ đội. Nhìn những lá mồng tơi to hơn bàn tay, những luống rau cải xanh mướt, những giàn mướp trĩu quả, những luống rau, cây xanh căng tràn nhựa sống… đủ thấy sức sống mãnh liệt cùng ý chí, khát vọng vượt lên khó khăn, gian khổ của những chủ nhân nơi điểm đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
Tại Đảo Sơn Ca, tận dụng diện tích đất trống trên đảo, các chiến sỹ dựng nhà kính, chia lô trồng rau. Phía dưới kê các khay nhựa, dùng đất sinh học trộn với phân để trồng rau hoặc gieo hạt giống. Rau được trồng trong nhà kính trên đảo phát triển xanh tốt, cho năng suất cao hơn, không chỉ bảo đảm nhu cầu bữa ăn hằng ngày của cán bộ, chiến sỹ trong những ngày biển động mà còn có điều kiện hỗ trợ cả ngư dân.
Có đến Trường Sa mới thấu hiểu rõ hơn sự khắc nghiệt của thời tiết, sự khô cằn của đất, mới thấy rõ hơn khó khăn, vất vả của cán bộ, chiến sỹ và người dân nơi đảo xa. Và từ đó mới thấy được sự cố gắng bền bỉ của những người lính đảo, những cư dân đang sinh sống nơi điểm đảo tiền tiêu. Những mầm xanh vươn mình trong sương gió, bão tố chính là biểu tượng về sức sống mãnh liệt, động viên cán bộ, chiến sỹ, nhân dân ở quần đảo Trường Sa thêm vững vàng vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết để vươn lên, bám đất, bám biển, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nguyễn Khánh
Vào ngày 30/4, Sun World Hà Nam, tọa lạc bên trong đô thị Sun Urban City, Thành phố Phủ Lý đã chính thức mở cửa đón khách, đánh dấu sự xuất hiện của một điểm đến giải trí mới thu hút khách du lịch tại Hà Nam.
Trong không khí hân hoan, tự hào kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), hoà nhịp với hàng triệu trái tim trên cả nước, người dân Hà Nam đã hướng về Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam sáng 30/4.
Trong những ngày tháng Tư lịch sử, trên cả nước, các hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước diễn ra sôi nổi, rộng khắp. Nhân dịp này, phóng viên Báo Hà Nam đã có cuộc gặp gỡ, trò chuyện với Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Phạm Xuân Thệ (ảnh) , nguyên Tư lệnh Quân đoàn 2, nguyên Tư lệnh Quân khu 1, người con quê hương Hà Nam - một nhân vật lịch sử; người đã trực tiếp cùng đồng đội tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 bắt Tổng thống Dương Văn Minh ra tuyên bố đầu hàng, kết thúc cuộc chiến tranh gian khổ, trường kỳ của dân tộc…, để được cùng ông sống lại trong thời khắc lịch sử hào hùng đó của dân tộc; được hiểu thêm những mất mát, hy sinh của quân và dân ta trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.