Nỗi lo hết xăng giữa đường là điều không tài xế nào muốn trải qua. Nhưng khi đèn báo nhiên liệu sáng lên, liệu bạn còn có thể di chuyển được quãng đường bao xa trước khi xe dừng hẳn? Câu trả lời không đơn giản, nhưng không đến nỗi quá bí ẩn. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn về vấn đề này.
Quy tắc ước lượng 10 - 15%
Hầu hết các nhà sản xuất ô tô sẽ thiết lập bật đèn báo nhiên liệu khi lượng xăng trong bình còn lại rơi vào khoảng 10 - 15% dung tích bình nhiên liệu. Vì vậy, nếu bình nhiên liệu của xe bạn chứa 45 lít, đèn có thể bật sáng khi còn khoảng 4,5 - 5,4 lít.
Điều này cho thấy khi đèn báo nhiên liệu sáng không đồng nghĩa với việc chiếc xe của bạn "sắp chết máy" mà chỉ là vùng cảnh báo đỏ cho người lái biết được tình trạng xăng đang ở mức thấp hoặc sắp hết nhiên liệu.
Mặc dù đèn báo nhiên liệu hoạt động theo cùng một nguyên lý, nhưng không phải tất cả các loại xe đều được lập trình giống nhau. Kiểu dáng, mẫu xe và đặc biệt là kích thước bình xăng sẽ ảnh hưởng đến quãng đường bạn có thể đi được sau khi đèn bật.
Ví dụ như Mazda CX-5 có dung tích bình xăng 58 lít, đèn báo thường bật khi còn khoảng 9,5 lít, đủ đi tiếp khoảng 65 - 80km. Trong khi đó, mẫu bán tải cỡ lớn Ford F-150 có bình xăng tới 137 lít, đèn cảnh báo thường bật khi xăng trong bình còn khoảng 11 lít và xe có thể đi được khoảng 50 - 65km, tùy thuộc vào động cơ (V8 hay EcoBoost).
Hay Honda Civic có dung tích bình nhỏ hơn 47 lít. Khi đèn sáng, xe thường còn từ 6,5 - 7 lít, cho phép chạy tiếp khoảng 50 - 65km nếu chạy xe điềm đạm.
Xe đo mức nhiên liệu như thế nào?
Chia sẻ với VietNamNet, kỹ sư ô tô Nguyễn Ngọc Thắng - Giám đốc trung tâm dịch vụ Auto i-Tech (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, các mẫu ô tô hiện đại sử dụng một cảm biến nhiên liệu, thường là một phao nổi gắn với điện trở trong bình xăng. Khi mức xăng giảm, phao cũng hạ theo, làm thay đổi giá trị điện trở. Khi đến mức nhất định đã được cài đặt, hệ thống điều khiển trung tâm sẽ kích hoạt đèn báo nhiên liệu.
"Một số xe ô tô còn có hệ thống ước tính quãng đường còn lại dựa trên mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình gần nhất. Tuy nhiên, đừng quá tin vào chỉ số đó vì những gì xe tính toán chỉ là phỏng đoán có cơ sở, không phải tuyệt đối chính xác, kỹ sư Thắng chia sẻ.
Vì sao không nên chờ đến khi đèn báo mới đổ xăng?
Anh Thắng cũng chỉ ra khi đèn báo nhiên liệu bật sáng, quãng đường di chuyển còn lại hoàn toàn có thể bị sụt giảm nhanh chóng nếu tài xế phải lái xe trong điều kiện giao thông đông đúc, đi chậm và dừng liên tục. Bên cạnh đó, việc lái xe gấp gáp ở tốc độ cao hoặc chạy đường đèo núi cũng ảnh hưởng đến quãng đường ước tính còn lại. Vì vậy, dù còn đi được còn khoảng 50 - 60km thì tài xế vẫn cần thận trọng và không mạo hiểm lái xe đi quá xa.
Ngoài ra, vị giám đốc trung tâm dịch vụ Auto i-Tech còn nhấn mạnh: "Việc thường xuyên để bình nhiên liệu gần cạn không chỉ tăng nguy cơ bị kẹt giữa đường, mà còn gây hại và làm lỗi bơm nhiên liệu vốn là một bộ phận quan trọng và đắt tiền trong hệ thống cung cấp nhiên liệu của xe."
Lý do là vì khi mức nhiên liệu thấp sẽ khiến hệ thống bơm nhiên liệu quá nhiệt do không được ngập trong nhiên liệu để làm mát. Đồng thời, cặn bẩn ở đáy bình dễ bị hút lên, làm tắc lọc nhiên liệu, ảnh hưởng đến hiệu suất động cơ. Điều này sẽ tiềm ẩn nguy cơ làm hỏng hóc nghiêm trọng đối với động cơ ô tô.
Khi hệ thống bơm nhiên liệu hỏng, chi phí thay thế sẽ không hề rẻ. Đối với xe phổ thông, giá bơm nhiên liệu sẽ từ 3 - 10 triệu đồng (máy xăng) và từ 5 - 20 triệu đồng (máy dầu). Đối với các dòng xe hạng sang, chi phí cho bộ bơm nhiên liệu sẽ lên tới hàng chục triệu đồng. Chưa kể, nếu động cơ gặp sự cố, việc sửa chữa sẽ càng tốn kém hơn rất nhiều.
"Thay vì đợi đến khi đèn báo nhiên liệu bật sáng, hãy tạo thói quen đổ đầy nhiên liệu khi đồng hồ nhiên liệu thông báo còn khoảng 1/4 bình. Đó là mức an toàn cho cả xe lẫn tâm lý người lái xe", kỹ sư Thắng khuyến nghị.
Việc làm này không chỉ giúp kéo dài tuổi thọ của bơm nhiên liệu, giảm nguy cơ hỏng hóc giúp bạn an tâm hơn và tránh tình huống hết xăng giữa đường.
Chiều 17/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Chính phủ chủ trì họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền gắn với việc thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Ngay từ sáng sớm ngày 17/5 người dân từ khắp nơi đã đổ về chùa Tam Chúc (thị xã Kim Bảng) để chờ đón xá lợi Đức Phật được cung rước từ chùa Quán Sứ (Hà Nội) về tôn trí tại chùa Tam Chúc. Dự kiến ngày hôm nay có khoảng 60.000 du khách và người dân về dự lễ cung nghinh và tôn trí xá lợi Phật tại chùa Tam Chúc.
Sáng 17/5, xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã được cung rước từ chùa Quán Sứ (Hà Nội) về tôn trí tại chùa Tam Chúc (Hà Nam). Lịch trình cung rước xá lợi Đức Phật từ chùa Quán Sứ theo hướng đường Giải Phóng, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đến Trạm thu phí Liêm Tuyền. Ban Tổ chức bố trí khoảng 30 xe mô hình, xe hoa cung rước. Đoàn rước đi qua cầu Liêm Chính – đường Lê Duẩn – Quảng trường trống Đọi Tam - đường Lê Công Thanh – đường Biên Hòa – QL1A cũ – đường Trần Phú – UBND tỉnh Hà Nam – cầu Hồng Phú – đường Lý Thường Kiệt về chùa Tam Chúc. Trên các tuyến đường đoàn cung rước đi qua, đông đảo nhân dân, phật tử và du khách vui mừng đón chào.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.