Thành lập năm Thành Thái thứ 2 (1890), cách nay 129 năm, tỉnh Hà Nam là một phần đất của tỉnh Hà Nội và tỉnh Nam Định hợp thành, song đất và người Sơn Nam Thượng xưa, Hà Nội thế kỷ XIX, Hà Nam nay là vùng đất cổ, giàu giá trị văn hóa lịch sử, mà tiêu biểu là di chỉ văn hóa thời đại kim khí - Trống đồng Ngọc Lũ để giới khảo cổ học thế giới thừa nhận nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ của Việt Nam. Cùng các di chỉ từ thiên niên kỷ thứ I với việc phát hiện không gian văn hóa mộ thuyền, công cụ sản xuất, vũ khí chiến đấu… ở Ba Sao, chân núi Long Đọi, các hang động vùng Kim Bảng, Thanh Liêm… in dấu tích sinh sống của người tiền sử, chủ nhân nền văn hóa tiền Đá mới - Hòa Bình, sống bằng hái lượm, ăn các loài nhuyễn thể nước lợ, nước mặn, các hang động kết tầng trầm tích hóa thạch vỏ ốc, vỏ sò… sớm hình thành trung tâm văn hóa lúa nước, nền văn minh sông Hồng.
Nằm trên sơn mạch lớn chạy từ Hoàng Liên Sơn vùng Tây Bắc xuống, núi đá vôi sơn phận Ba Sao, gối trong trùng điệp chuỗi 99 ngọn, từ Ba Vì - Tản Viên qua Hòa Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa…, mục đầu của Trường Sơn hùng vĩ, lưng rồng của dải đất hình chữ S trấn giữ Biển Đông. Hình thành do vận động tạo sơn trong thời kỳ Carbon - Pecmi đến Triat giữa, khoảng 235 triệu năm trước, nhóm núi Thất Tinh vòng tay ngai, đỉnh cao nhất 468m so với mặt biển, lưng núi có vầu* nước, lại có dũng tuyền (mạch ngầm). Khi gió Đông - Nam thịnh hành được núi giữ lại, tụ khí nơi mặt hồ tạo nên tiểu khí hậu ôn hòa. Lại có hang Luồn, ao Rong, thuyền có thể qua lại. Hồ nước bao la rộng hơn cả hồ Tây (Hà Nội), nơi trú ngụ của nhiều loài chim di trú… Nước trong vắt được lọc qua tầng sét và than bùn. Theo sách cổ thời Lê, hồ này có mạch ngầm thông ra đến hang Quế Quyển (sông Đáy) nơi có cỏ Thi kỳ bí. Cổ nhân dạy, nước là huyết mạch của đất. Cảnh quan hình thành thế phong thủy đắc địa, lưng tựa núi, trước mặt minh đường, thế cờ biển, tả long hữu hổ… là đất quý các bậc vương giả xưa thường đặt âm trạch để được vượng phát, dương trạch xây dựng điện, miếu, nhà cửa… Về binh địa, là thế công có thể thắng, thủ có thể giữ. Cổ thi có thơ Phật hoàng Trần Nhân Tông (chùa Quế Lâm), Lê Thế Tông (Ba Sao), Trịnh Sâm (Quyển Sơn), Bạch Đông Ôn (Kim Bảng)... Đặc sản vùng này có cá trối, rau sắng, “chè Bái Lễ, rượu Tràng Châu, măng bương, núi Vồng”… đã vào ca dao, tục ngữ.
Non kỳ thủy tú, nhờ thủy lộ đáy giang (chi lưu sông Hồng), từ đây giao thoa với các vùng văn hiến Thăng Long, văn hóa xứ Đoài, văn hóa cồng chiêng người Việt Mường cổ Hòa Bình, liền đất Phật chùa Hương. Thủy bộ tới cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, xuôi ra Biển Đông…
Vùng này cổ xưa có tên gọi Trúc Lâm trang, mà dấu vết còn lại là rừng trúc núi Cấm Sơn, có ngôi đền Trúc thờ Anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt. Nơi đây từng có cỏ Thi dùng để bói, thứ cỏ thiêng chỉ có ở Trung Hoa và núi Cấm (Kim Bảng, Hà Nam). Ba Sao thế kỷ XIX thuộc tổng Khả Phong, khả nghĩa là đáng kính, phong là phong tục tốt đẹp. Các địa danh Cốc Nội, Cốc Ngoại, Thức Cốc… Cốc có nghĩa là “hang”, (hang nội, hang ngoại) là những xóm núi trong quá trình hình thành cộng đồng làng xã Việt Nam. Các ngôi cổ tự thờ Phật và những nhân vật có liên quan đến Phật giáo. Đình Tam Chúc (trên đảo giữa hồ), theo nguồn Viễn Đông bác cổ - Pháp (1938) thờ Tống Hậu Đại Càn Nam Hải, Thượng đẳng thần, ngài có công phù trợ nhà Trần và thời Lê sơ, cùng các vị phúc thần, Sơn Tinh công chúa, sơn thần bản thổ…
Giờ đây Tam Chúc - Ba Sao hiện hữu ngôi chùa kỳ vĩ, công trình thế kỷ của văn hóa tâm linh Phật giáo Việt Nam.
Cơ duyên kỳ ngộ may mắn, trong cuộc điền dã tháng 5-1967, cách đây già nửa thế kỷ ở vùng núi Kim Bảng, Nam Hà thời đó (Nam Định - Hà Nam), cùng thời điểm tìm được mộ thuyền ở cửa rừng Ba Sao, các nhà nghiên cứu đã phát hiện được bản Ngọc phả, do Tiến sỹ Vũ Huy Trác (1730-1793) quê làng Lộng Điền, nay là xã Nghĩa Đồng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định phụng sao tháng 2 năm Nhâm Dần, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 42 (1782), dựa theo Ngọc phả của Quản giám bách thần Nguyễn Bính soạn tháng 12 niên hiệu Hồng Phúc năm đầu (1572), cách nhau 210 năm, cách nay 447 năm (1572-2019) ở gia đình ông Lương Trí Nghề, thôn Lạt Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng. Bìa chữ Hán “Ngọc phả nhị vị công thần tham tướng triều Trưng Vương (Dương) Thiện Đăng, Thiện Huy và Trúc lâm trang Hứa Tam Tinh chân nhân thời Ngô chủ”. Thần chi đệ nhất bộ trung đẳng nhân thần, quốc triều Lễ bộ chính bản (có ảnh kèm theo) do chuyên gia Hán - Nôm Dương Văn Vượng, Bảo tàng Nam Định dịch, người viết bản này chú giải.
Nội dung Ngọc phả kể về hành trang hai vị tướng quân quê Ba Sao tham gia khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 40-43, và sự tích Hứa Tam Tinh chân nhân thời tự chủ đầu thế kỷ X, cùng những tên đất vùng này thời đó. Từ những cổ tịch, cổ thư ấy, có thể giải mã những bí ẩn ngàn năm nơi vùng đất Tam Chúc - Ba Sao.
Hai vị tướng họ Dương là Thiện Đăng, Thiện Huy lập nhiều công tích trong cuộc khởi nghĩa, giành độc lập dân tộc. Khi thế cùng, bảo toàn khí tiết, nhị vị tướng quân cùng Hai Bà quyên sinh ngày mồng 6 tháng 2 năm Quý Mão (43), khi đó Thiện Đăng 63 tuổi, Thiện Huy 61 tuổi. Trưng Vương độ lại bến Đồng Nhân (Hà Nội), còn hai thần xuôi theo dòng nước sông Đáy đến cửa rừng Cốc Sơn, dân làng mai táng, mộ truyền ở gò Tam Tinh, lập ngôi đền thờ Vương Sơn, gọi là Hang Vua, không xa căn cứ Sơn Anh phu nhân Lê Chân tướng của Hai Bà Trưng.
Niên hiệu Diên Ninh thứ 2 năm Giáp Tý ( 1444) đời vua Lê Nhân Tông (1443-1459), sắc phong cho hai ngài là: “ Trúc Lâm trang điền chủ, kháng Bắc tham tướng nhị vị cảm ứng đại vương”.
Về họ Hứa, từ phương Bắc qua Yên Tử, tới vùng Trúc Lâm trang (Ba Sao), đến Hứa Thế Vy là đời thứ 3, nhà ở nơi gò Tam Tinh, thờ Phật tu đạo, chuyên luyện đan (linh đơn), tính số, đêm xem thiên văn, ngày lên núi tìm thần dược, chế thuốc cứu nhân độ thế. Năm Bính Thìn (976), cả vùng tả hữu sông Đáy (từ Bái Đính đến Ba Sao), bị nạn cào cào châu chấu tàn phá mùa màng. Nhờ Hứa Tam Tinh cứu giúp nên qua khỏi mất mùa, ôn hoàng, dịch lệ… Trúc Lâm trang Hứa Tam Tinh chân nhân tôn danh là Ba Sao đạo sỹ. Môn sinh gần xa theo thầy, sau đều thành các thuật sỹ có tiếng, di trú nhiều nơi. Hậu duệ có người tới Móng Cái (Quảng Ninh) mở lò gốm Vạn Ninh, dựng chùa Quảng Nguyên.
Người viết phả, Tiến sỹ Vũ Huy Trác (thời Lê), sau khi dời chốn triều trung về làm chủ đạo tràng Hoa Sơn ở thôn Áng Ngũ, xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư (Ninh Bình), tu Đạo theo Hứa Tam Tinh (Ba Sao), có con là Thanh Phong đạo sỹ, em trai là Vũ Huy Bình, tri phủ Nghĩa Hưng (Nam Định), thời Lê mạt...
Lại nói, Hứa Thế Vy hiệu là Tam Tinh chân nhân. Theo cơ chế thời Đinh - Lê, sỹ sư là quan coi việc hình án ở phủ Đô hộ. Thập đạo là quan tổng chỉ huy quân đội. Tăng thống đứng đầu tăng lữ, và Sùng chân uy nghi coi việc đạo gia. Tam Tinh chân nhân sinh năm 907, mất ngày thanh minh niên hiệu Thiên Phúc thứ 2 (981) thời Tiền Lê, hưởng thọ 74 tuổi. Phần mộ tương truyền đặt tại gò Tam Tinh (Ba Sao). Đến thời Lê, vua Lê Thế Tông (1573-1599) kinh lý vùng Kim Bảng nghe sự tích, sai quan Dương Minh Đức khắc bài thơ chữ Hán (tạm dịch)
Hứa công sự tích phả còn biên
Vách đá Tam Tinh ấp vẫn truyền
Sinh tiết rằm thu thời Khúc chủ (Khúc Thừa Dụ)
Bảo cho đánh Bắc, tướng Ngô Quyền (938)
Ở nơi đạo quán lời không lắm
Tràng hiệu Chân Nhân chữ rõ nguyên
Thuốc chữa bệnh dân vườn dễ kiếm
Rêu trùm, nước lạnh, thoảng hương yên…
Về các địa danh, xưa vùng tả ngạn sông Đáy thuộc huyện Cổ Giả. Theo Tiến sỹ Lý Trần Thản (1721 - 1776) quê làng Lê Xá, xã Châu Sơn (Duy Tiên), người soạn văn bia dòng họ Lại, xã Thanh Sơn, Kim Bảng, cho biết huyện Cổ Giả, sau là Cổ Bảng, rồi Kim Bảng, có vùng đất Trúc Lâm trang, Trúc Lâm có nghĩa là rừng trúc.
Theo Danh xưng học, Trung Hoa thường lấy tên đất đặt tên người, nhưng ở Việt Nam lại lấy tên người đặt cho tên đất, như Trần Xá, Lê Xá, Ba Sao...
Khả Phong (tổng), xưa là Quất Lâm, thời Lê gọi là Hoa Phong, thời Nguyễn (niên hiệu Thiệu Trị 1841-1847) mới đổi thành Khả Phong là đất thị trấn Ba Sao và xã Khả Phong ngày nay.
Như vậy, địa danh Ba Sao đã từng có tên là Tam Tinh và Trúc Lâm trang cách đây hàng ngàn năm, được định danh qua nhiều triều đại.
Ba Sao, cách gọi nôm, tên chữ là Tam Tinh.
Tam Chúc, có người giải, tam: ba, chúc: lậy, khi tế lễ thường lậy trời, lậy đất, lậy thần (dựa theo chữ Trung Sơn Tam Chúc, Trung Sơn là địa danh).
Còn nữa, các nhà nghiên cứu phát hiện thêm được cứ liệu, vùng này từng có tên Trúc Lâm thượng, Trúc Lâm trung, Trúc Lâm hạ. Nếu vậy, phải chăng nguyên là Tam Trúc, mạnh dạn nêu ra để cùng tham khảo.
Thất tinh, chỉ sao Bắc Đẩu, là đế tinh (sao vua) bầu trời đêm, chỉ phương Bắc, các sao khác là thần quân.
Lục nhạc (Lục tú), chỉ sao Nam Tào.
Tạm kết:
Chùa Tam Chúc được dựng trên thế đất phong thủy của Trúc Lâm xưa, núi non ôm hồ nước lớn tiếp giáp đồng bằng, nơi tu tâm hành đạo của các bậc chân nhân từ nghìn năm trước, nơi thực hành tôn giáo thờ Phật, thờ tứ pháp, tín ngưỡng thờ các vị thần bảo hộ cho nghề nông, nơi thờ phụng các đấng anh hùng, liệt nữ, các bậc phúc thần… Cảnh quan môi trường sinh thái còn giữ vẻ nguyên sơ… giàu giá trị vật thể, phi vật thể, lại được Giáo hội Phật giáo Việt Nam chọn dựng ngôi chùa tầm cỡ thế giới, có những người tín tâm tạo dựng tô điểm thêm cảnh Phật nước nhà, xứng tầm nơi hội tụ tinh hoa văn hóa Phật giáo thế giới vì niềm tin, bác ái, hòa bình…
Nguyễn Thế Vinh________________
* Vầu: Người đi rừng dùng cây vầu vát nhọn cắm xuống lấy nước gọi là vầu nước.
Chiều 25/11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao đổi chuyên đề: Kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Đây là chuyên đề đặc biệt quan trọng để chuẩn bị cho việc xây dựng, hoàn thiện văn kiện đại hội đảng bộ các ngành, các cấp, các địa phương, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng và định hướng xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới.
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường, Tổng thống Cộng hòa Bulgaria Rumen Radev và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước Bulgaria tiến hành chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 24 - 28/11/2024.
Chuẩn bị Kỳ họp thường lệ cuối năm HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021- 2026 dự kiến diễn ra trong 2,5 ngày (4,5,6/12), chiều 25/11, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai công tác tuyên truyền phục vụ kỳ họp. Đồng chí Bùi Văn Hoàng, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.