Về thăm vùng đồi rừng Thanh Sơn vào một ngày cuối năm, chúng tôi thấy không khí mùa Xuân dường như hiện hữu sớm hơn ở miền đất này.
Tiếp chúng tôi trong nếp nhà nhỏ, chị Phạm Thị Mến (thôn Thanh Sơn) chia sẻ: Năm 2017, tôi mua được một số diện tích đất đồi để canh tác. Gia đình cũng đã thử trồng nhiều loại cây, nhưng đất đai ở đây "khó tính", một số cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2020, sau khi tìm hiểu, tôi lựa chọn một số cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng đưa vào trồng thử nghiệm, như: đu đủ đực lấy hoa, xương rồng tai thỏ, xương rồng Mexico, cúc chi dược liệu, huyết dụ, mít… Sau một thời gian, các loại giống cây trồng này đã thích nghi với điều kiện khí hậu, đất đồi rừng nên sinh trưởng khá tốt. Từ đó, giúp gia đình từng bước mở rộng diện tích cây trồng. Hiện nay, gia đình trồng khoảng 1.500 cây mít (trong đó 150 cây đã cho thu hoạch) và hơn 1.000 gốc cây đu đủ. Ngoài ra, tôi còn trồng xen canh một số cây trồng khác nhằm khai thác tối đa diện tích đất. Với 5ha đất canh tác của gia đình, tôi tiếp tục nhân rộng mô hình trồng xương rồng và cúc chi để "không cho đất nghỉ". Với hơn 1 mẫu cúc chi đang độ thu hoạch, dự kiến giá trị thu được khoảng 60 - 70 triệu đồng. Sau khi trừ mọi chi phí, mỗi năm gia đình tôi có thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng. Tôi cũng có dự định sẽ đầu tư hệ thống lò sấy để công đoạn sấy khô hoa đu đủ và cúc chi được thuận lợi, qua đó chủ động đưa ra thị trường những sản phẩm có chất lượng.
Khác với chị Phạm Thị Mến, ông Vũ Văn Hanh lại đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế đồi rừng khi kết hợp trồng đào, nuôi đà điểu, nuôi ong lấy mật... cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện trang trại của ông Hanh đã phát triển số lượng lên gần 200 con đà điểu và 80 thùng nuôi ong lấy mật. Ông Hanh cho biết: Trồng đào cảnh vất vả vì vừa phải mất nhiều thời gian chăm sóc, lại phải tạo tán thế cho đẹp, áp dụng các biện pháp kỹ thuật điều chỉnh cho đào ra hoa vào đúng dịp Tết cổ truyền thì mới bán được giá. Tuy vất vả và kỳ công nhưng nếu bảo đảm được các yêu cầu đó thì việc trồng đào cảnh cho thu lãi hơn rất nhiều lần so với trồng các loại cây khác. Hằng năm, nguồn thu từ nuôi đà điểu, bán mật ong và trồng đào cho thu nhập vài trăm triệu đồng, giúp gia đình ổn định cuộc sống... Năm 2025, gia đình sẽ mở rộng diện tích trồng đào rừng, nhân giống các đào thế dáng huyền nhằm đáp ứng thị trường tiêu thụ theo xu thế mới.
Có thể nói, việc phát động phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" ở xã Thanh Nghị đã khơi dậy tinh thần làm giàu chính đáng của hội viên, nông dân, nhất là hội viên vùng đồi rừng Thanh Sơn với nhiều mô hình hiệu quả. Đời sống hội viên nông dân được nâng lên, đóng góp vào việc xây dựng tổ chức hội và phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Có thể kể đến một số mô hình tiêu biểu như: mô hình nuôi ong lấy mật của hội viên Nguyễn Văn Vệ (với trên 80 đàn ong); mô hình đa canh, trồng đào, nuôi ong, nuôi ốc nhồi thương phẩm, ốc giống của hội viên Phạm Văn Oanh (năm 2024 đạt 1,6 tấn ốc thương phẩm; 250kg ốc giống)... Đến nay, trên địa bàn xã có 1 sản phẩm mật ong đạt OCOP 3 sao cấp huyện, 2 sản phẩm đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP.
Ông Lưu Văn Ninh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Nghị cho biết: Những năm qua, nhiều hộ dân đã mạnh dạn tập trung khai thác thế mạnh vùng đất rừng và lấy đó là hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở Thanh Nghị. Trong quá trình phát triển kinh tế, làm giàu từ đất quê hương, cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương luôn sát cánh cùng nông dân bằng cách hỗ trợ máy móc, công nghệ, mở các lớp tập huấn hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật, cây trồng cho hội viên. Vùng đất đồi rừng Thanh Nghị đã và đang ngày càng khởi sắc, phát triển. Hiện nay, tỷ lệ hộ dùng nước hợp vệ sinh ở Thanh Nghị đạt 100%; thu gom rác thải đạt 98,5%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,16%; số người tham gia BHYT đạt 97%. Cùng với hoàn thiện, giữ vững chất lượng các tiêu chí nông thôn mới (đạt 100%), đã có 5/6 thôn là khu dân cư văn hóa; số gia đình văn hóa đạt 96,5% trở lên...
Một mùa Xuân mới đang về, mang theo niềm vui, niềm lạc quan, hy vọng cho những người dân vùng đất Thanh Nghị. Sự đổi thay nơi đây đã đánh dấu bước ngoặt cho sự phát triển kinh tế - xã hội, sự chuyển mình của vùng đất đồi rừng của tỉnh. Niềm vui phấn khởi này sẽ tiếp tục tạo thêm động lực để người dân thêm tự tin, gắn bó và hăng say lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống vùng đồi rừng ngày một ấm no, hạnh phúc.
Vào ngày 30/4, Sun World Hà Nam, tọa lạc bên trong đô thị Sun Urban City, Thành phố Phủ Lý đã chính thức mở cửa đón khách, đánh dấu sự xuất hiện của một điểm đến giải trí mới thu hút khách du lịch tại Hà Nam.
Trong không khí hân hoan, tự hào kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), hoà nhịp với hàng triệu trái tim trên cả nước, người dân Hà Nam đã hướng về Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam sáng 30/4.
Trong những ngày tháng Tư lịch sử, trên cả nước, các hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước diễn ra sôi nổi, rộng khắp. Nhân dịp này, phóng viên Báo Hà Nam đã có cuộc gặp gỡ, trò chuyện với Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Phạm Xuân Thệ (ảnh) , nguyên Tư lệnh Quân đoàn 2, nguyên Tư lệnh Quân khu 1, người con quê hương Hà Nam - một nhân vật lịch sử; người đã trực tiếp cùng đồng đội tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 bắt Tổng thống Dương Văn Minh ra tuyên bố đầu hàng, kết thúc cuộc chiến tranh gian khổ, trường kỳ của dân tộc…, để được cùng ông sống lại trong thời khắc lịch sử hào hùng đó của dân tộc; được hiểu thêm những mất mát, hy sinh của quân và dân ta trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.