Khơi dậy tiềm năng làm du lịch của người dân bản địa

Du lịch 07:07 15/04/2019 Chu Uyên
"Luật Du lịch có quy định về sự tham gia và trách nhiệm phát triển du lịch của cộng đồng, nhưng để phát huy tốt vai trò của họ cần có giải pháp đồng bộ, phù hợp với điều kiện địa phương..." Ông Lê Xuân Huy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ.

Mỗi người dân có thể là hướng dẫn viên du lịch?

Khi du lịch Hà Nam có những bước phát triển mới, trong nhiều vấn đề cần giải quyết để phù hợp với tình hình mới thì hướng dẫn viên (HDV) du lịch là vấn đề được nhắc đến nhiều hơn cả. Đội ngũ này ở Hà Nam nhiều năm qua thiếu cả về lượng và chất, số người làm nghề thực thụ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì thế, không ít lần “nhà có khách”, lãnh đạo các sở, ngành hay các địa phương dẫn khách tham quan một số khu, điểm du lịch nổi tiếng đều rất loay hoay và bị động vì không có HDV. Ông Trần Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nam khi trao đổi về thực trạng này, cho rằng: Đội ngũ HDV du lịch ở Hà Nam ít người được đào tạo bài bản, chủ yếu rẽ ngang. Mỗi năm chỉ một số ít được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định, nhưng chủ yếu là làm ngoài tỉnh. Vì sao lại thế? Đơn giản là du lịch Hà Nam chưa phát triển đến độ nghề này có thể nuôi sống bản thân và gia đình họ.

Theo đề án phát triển nguồn nhân lực phục vụ Khu du lịch Tam Chúc, năm 2019 sẽ có 100 người được đào tạo về hướng dẫn viên du lịch.

Nhưng, đó là câu chuyện của những năm về trước, giờ tiềm năng du lịch Hà Nam đang được đánh thức thực sự. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, lượng du khách đến Hà Nam bằng lượng khách cả năm những năm trước. Doanh thu dịch vụ du lịch cũng tăng cao chưa từng có. Thế nhưng, câu chuyện HDV du lịch vẫn chưa có nhiều thay đổi. Ông Trần Văn Tiến cho biết thêm: “Không nhất thiết phải học hành bài bản, có nghiệp vụ hay chứng chỉ về HDV du lịch, nếu mỗi người dân, nhất là ở những nơi du lịch phát triển có ý thức tự quảng bá, tự gìn giữ hình ảnh, tự mang đến cho du khách những cảm nhận tốt đẹp về vùng đất và con người Hà Nam thì chính họ đã là những HDV du lịch rồi! Phát triển du lịch cộng đồng đang trở thành vấn đề đáng quan tâm đối với Hà Nam hiện nay”.

Trong điều kiện hiện nay, đây là giải pháp tốt để “níu chân” du khách khi đến Hà Nam. Nhiều người cho rằng, đây chỉ là phương án tình thế, còn thực ra, vẫn rất cần HDV du lịch. Theo giải thích của ông Trần Văn Tiến, một người nhiều năm gắn bó với công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa – du lịch, ở những nơi du lịch được coi là ngành kinh tế mũi nhọn, địa phương rất quan tâm đến việc khuyến khích người dân tham gia hoạt động du lịch, trong đó họ có thể là hướng dẫn viên khá chuyên nghiệp, chẳng hạn như ở Sapa (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La)… du lịch sẽ phát triển thuận lợi, bền vững hơn.

Những người tạo môi trường  du lịch hấp dẫn

Chị Trương Thị Ngà, du khách từ thành phố Hồ Chí Minh về thăm Hà Nam đúng dịp khai hội chùa Tam Chúc và Lễ hội phát lương đền Trần Thương nói: Cả đoàn chỉ gần chục người thôi, trong lúc lơ ngơ ở Tam Chúc để tìm hiểu về khu du lịch này, bất ngờ gặp một người dân ở thị trấn Ba Sao trong quán nước ven đường. Họ nói rành rọt về lịch sử, địa lý, đời sống văn hóa người dân nơi đây. Nghe khá thú vị! Câu chuyện về núi Thất Tinh, ngôi chùa cổ huyền hoặc trong dân gian… cuốn hút vô cùng. Họ dẫn đi thăm những đồi na, xóm núi... Chúng tôi có lẽ là những người gặp may!

Du khách cho rằng, đến thăm khu du lịch mới mẻ như Tam Chúc mà gặp những người dân bản địa nhiệt tình, hiểu biết như vậy không phải là dễ. Ngoài chuyện được cung cấp thông tin, du khách còn cảm nhận sự ấm áp, lòng mến khách của người dân bản địa. Đó là văn hóa ứng xử vô cùng quan trọng trong phát triển du lịch của cộng đồng. Ông Lê Ngọc Mão, tổ dân phố số 8, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng nói: Người dân ở Ba Sao bao nhiêu năm sống trong khó khăn, thiếu thốn, giờ hòa nhập với đời sống mới, với môi trường phát triển du lịch, chúng tôi chỉ mong muốn góp một phần để Ba Sao phát triển thực sự, được người dân cả nước biết đến khi Khu du lịch Tam Chúc đi vào hoạt động. Du khách đến đây không chỉ thăm Khu du lịch Tam Chúc mà còn có thể hòa vào đời sống nhân dân, khám phá những nét riêng biệt của người dân phố núi và tìm hiểu sâu hơn về văn hóa, con người, đời sống tâm linh vùng này. Điều này không ai biết rõ hơn chính những người dân chúng tôi. Theo ông Mão, nhiều người dân ở đây đã “đi trước đón đầu”, có quy hoạch riêng cho những vườn cây, ao cá, chuẩn bị phục vụ khách đến tham quan. Ba Sao có lợi thế về phát triển chăn nuôi, vườn đồi, người dân có thể làm du lịch “miệt vườn” từ vốn liếng ấy.

Mừng trước những đổi mới về tư duy của người dân, nhưng lo về việc phát triển tự phát, ông Lê Xuân Huy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ: Luật Du lịch có quy định về sự tham gia và trách nhiệm phát triển du lịch của cộng đồng, nhưng để phát huy tốt vai trò của họ cần có giải pháp đồng bộ, phù hợp với điều kiện địa phương. Kể cả doanh nghiệp lẫn người dân, ứng xử trong du lịch là điều quan trọng bởi yếu tố đó dễ bị bỏ qua và ít được chú ý ở nhiều nơi. Vì thế, ngay từ đầu, nếu biết khơi dậy nét văn hóa ứng xử của nhân dân trong tiếp đón và phục vụ du khách thì du lịch bước đầu đã phát triển đúng yêu cầu bền vững. Thứ hai, chúng ta cần có cơ chế, chính sách, có quy định như thế nào để người dân chủ động, tích cực tham gia các hoạt động phát triển du lịch một cách bài bản, có liên kết, có sự gắn kết, thống nhất và hướng về lợi ích chung, bảo đảm gìn giữ môi trường, gìn giữ di sản, phát huy truyền thống, tập tục văn hóa đẹp của địa phương. Mỗi người dân đều có vai trò quan trọng trong việc tạo môi trường du lịch hấp dẫn.

Giang Nam

TIN MỚI CẬP NHẬT

Người có công được hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ để cải tạo, sửa chữa nhà ở, 60 triệu đồng/hộ nếu xây mới

Xã hội  |  20:14 22/11/2024

 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg ngày 22/11/2024 về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2023 - 2025.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Thủ tướng Campuchia

Chính trị  |  20:01 22/11/2024

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia, tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP) và Phiên họp lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP), chiều 22/11, tại thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Manet.

Đội liên quân Tỉnh ủy- Tỉnh đoàn giành Cúp Giải Bóng đá Đoàn Khối các cơ quan tỉnh lần thứ XIII

Trong tỉnh  |  19:47 22/11/2024

Chiều 22/11, tại sân bóng đá cỏ nhân tạo phường Lam Hạ (thành phố Phủ Lý), Đoàn Khối các cơ quan tỉnh tổ chức trao giải Giải Bóng đá Đoàn Khối các cơ quan tỉnh lần thứ XIII và hưởng ứng Chương trình "Những bước chân nhân ái vì cộng đồng" năm 2024. Dự trao giải có các đồng chí: Trần Nguyễn Hiền Anh, TUV, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Chánh văn phòng Tỉnh ủy; Đặng Anh Tuấn, TUV, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC