Tình cảm sâu nặng với kiều bào và tầm nhìn chiến lược của Bác

Chính trị 05:29 10/01/2025 Thế Vĩnh
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ kính yêu luôn dành tình cảm cùng mối quan tâm sâu sắc không chỉ với đồng bào Việt Nam trong nước mà với cả kiều bào ta ở nước ngoài. Bác cũng đặc biệt coi trọng việc nhân lên niềm tự hào, tự tôn cùng lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và sức mạnh tiềm tàng của kiều bào trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Cách đây 65 năm, ngày 10/1/1960, mặc dù công việc vô cùng bận rộn nhưng Bác vẫn dành thời gian đi tầu hỏa từ Hà Nội xuống cảng Hải Phòng trực tiếp đón kiều bào ta về nước.

Sự kiện Bác Hồ trực tiếp đón kiều bào về nước ngày 10/1/1960 chỉ là một trong rất nhiều những ví dụ điển hình thể hiện mối quan tâm cùng tình cảm sâu sắc mà Bác dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc. Ngay từ những năm đầu trong quá trình hoạt động ở nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thường xuyên liên lạc với những người Việt Nam yêu nước ở quốc gia sở tại để tìm hiểu, nắm bắt tình hình. Giai đoạn 1918 - 1923, khi hoạt động trên đất Pháp, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc rất tích cực tham gia Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp. Năm 1919, cùng với việc gửi bản Yêu sách tám điểm đến Hội nghị Vécxây, đòi quyền dân tộc tự quyết cho nhân dân Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc còn biên soạn (theo thể văn vần) một tài liệu về lòng yêu nước, tinh thần tự tôn và đoàn kết dân tộc để tuyên truyền rộng rãi trong kiều bào ta tại Pháp. Những năm sau đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng thường xuyên viết thư trao đổi tình hình với kiều bào Việt Nam tại Pháp, đề nghị cung cấp tài liệu để viết sách, báo phục vụ công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp lực lượng quần chúng yêu nước và cách mạng hướng về Tổ quốc.

Bác Hồ với kiều bào Thái Lan. Ảnh: Ban Quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thời kỳ này, phần đông kiều bào ta ở Pháp là những binh lính bị huy động đi phục vụ chiến tranh đang chờ ngày hồi hương, đa số không biết Tiếng Pháp, nhiều người chưa đọc thông thạo tiếng Việt. Để khơi dậy tinh thần yêu nước trong đồng bào mình nơi “đất khách quê người”, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã vận động Hội những người Việt Nam yêu nước ra tờ báo “Việt Nam hồn”; đồng thời viết bài (bằng văn vần), in thành truyền đơn, cổ động việc ra báo và kêu gọi mọi người mua báo. Thông qua những hoạt động sôi nổi, tích cực trên đây, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã giác ngộ, cuốn hút kiều bào hưởng ứng những hoạt động trong phong trào của “Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp”, từng bước đưa “Hội những người Việt Nam yêu nước” trở thành một đoàn thể của Hội Liên hiệp thuộc địa. Cũng từ đó, thông qua phong trào của kiều bào, nhiều sách báo mang tư tưởng giáo dục tinh thần yêu nước và cách mạng, như: “Việt Nam yêu cầu ca”, báo Le Paria…do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc biên soạn, in ấn hoặc tham gia sáng lập, làm chủ bút... được bí mật đưa về Việt Nam, từng bước góp phần định hướng con đường cứu nước cho đồng bào ta trong nước.

Thời gian hoạt động tại Quảng Châu, Trung Quốc (1925 - 1927); tại Thái Lan (1928 - 1929), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ động liên lạc, thức tỉnh, đoàn kết, huấn luyện những kiều bào yêu nước định cư tại đây thành những cán bộ cách mạng cốt cán đầu tiên cho phong trào cách mạng Việt Nam, chuẩn bị cho việc thành lập Đảng năm 1930.

Tháng 8/1945, ngay khi nước nhà vừa giành độc lập, Bác Hồ đã gửi nhiều thư, điện… báo tin và cảm ơn kiều bào ta đã gửi thư, điện chúc mừng, quyên góp xây dựng đất nước; đồng thời kêu gọi kiều bào phát huy truyền thống yêu nước, hướng về Tổ quốc. Đầu năm 1946, trong thư chúc Tết gửi kiều bào ta ở nước ngoài, Bác ghi nhận, đánh giá cao tấm lòng của bà con tuy ở “đất khách quê người” nhưng lòng vẫn yêu mến Tổ quốc. Người khẳng định: "Tổ quốc và Chính phủ cũng luôn luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ những người con đi vắng…".

Tiếp đó, trong chuyến thăm nước Pháp để tìm kiếm một giải pháp hòa bình, bảo vệ nền độc lập non trẻ vào năm 1946, Bác Hồ đã dành nhiều thời gian tranh thủ thăm hỏi, động viên kiều bào. Cùng với những cuộc gặp gỡ, trao đổi, thoả thuận với đại diện Chính phủ Pháp về việc binh sĩ Việt Nam ở Pháp muốn trở về Tổ quốc, Bác đã đến đặt vòng hoa trước mộ binh sĩ Đông Dương tử nạn trong Thế chiến thứ I và có gần 30 cuộc gặp với đại biểu các giới kiều bào là: thuỷ thủ, công nhân, trí thức, phụ nữ, thiếu nhi… Trong những cuộc gặp gỡ ấy, Bác cám ơn kiều bào ta đã ủng hộ Chính phủ, quyên góp tiền, thuốc men gửi về giúp chính quyền cách mạng và nhân dân. Bác cũng bày tỏ quyết tâm của Chính phủ trong việc bảo vệ nền độc lập, thống nhất cho đất nước. Bác căn dặn kiều bào phải triệt để đoàn kết, tranh thủ cảm tình, sự giúp đỡ của nhân dân Pháp, ra sức tuyên truyền, ủng hộ bằng mọi phương diện cho Tổ quốc; đồng thời ra sức học hỏi, trau dồi, thành thạo một nghề để mai sau về nước giúp ích cho công cuộc xây dựng đất nước.

Tháng 9/1946, ngay sau Hội nghị Phông-ten-nơ-blô, Bác Hồ cùng đoàn đại biểu của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lên tàu trở về Việt Nam. Cùng đi với Bác có 4 trí thức yêu nước được Bác thuyết phục trở về giúp Tổ quốc. Trong hoàn cảnh ngàn cân treo sợi tóc về vận mệnh của một nền độc lập còn non trẻ, Bác vẫn luôn vững vàng niềm tin và gửi gắm niềm tin vững vàng đó vào những trí thức mà Bác lựa chọn thuyết phục cùng Người trở về quê hương chung tay góp sức xây dựng, bảo vệ đất nước. Nhiều người sau đó đã trở thành những nhà khoa học đầu ngành, gánh vác những trọng trách lớn của Đảng, Chính phủ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng chung của cả dân tộc.

Sự quan tâm của Bác Hồ với kiều bào ta không chỉ thể hiện ở những định hướng lớn của Người về việc tổ chức, xây dựng phong trào yêu nước của kiều bào những ngày đầu cách mạng mà còn ở cả trong những công việc cụ thể, thường xuyên và liên tục trong suốt quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam. Trong những năm “kháng chiến kiến quốc”, Bác thường xuyên gửi thư, điện thăm hỏi, động viên kiều bào ở nước ngoài phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ nhau, thi đua học hỏi, giúp nhau tiến bộ, một lòng ủng hộ Tổ quốc, đồng thời mở rộng tình thân thiện giữa nhân dân ta và nhân dân thế giới để qua đó tranh thủ sự đoàn kết, giúp đỡ của các nước đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Bác cũng luôn nhắc nhở cán bộ làm công tác ngoại giao ở nước ngoài phải luôn giúp đỡ kiều bào, để tuyên truyền cho thanh niên và cho cả dân tộc Việt Nam.

Một trong những mong muốn của kiều bào là được trở về quê hương, tham gia xây dựng đất nước. Thấu hiểu tâm nguyện đó, Bác Hồ cùng Đảng, Chính phủ luôn tạo điều kiện thuận lợi để đón tiếp kiều bào về nước. Ngày 10/1/1960, Bác dành thời gian đi tàu hỏa xuống cảng Hải Phòng trực tiếp đón kiều bào từ Thái Lan về nước chuyến đầu tiên. Trong buổi gặp mặt đầy cảm động ấy, Bác khen ngợi kiều bào tuy đã bao năm ở nơi “đất khách quê người" nhưng luôn hướng về Tổ quốc và tin tưởng kiều bào nay trở về xứ sở sẽ cùng đồng bào cả nước "đồng cam cộng khổ, vượt mọi khó khăn, hăng hái thi đua, thực hành tiết kiệm, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng Tổ quốc...". Để giúp đỡ kiều bào về nước xây đời sống mới, Bác rất chú trọng đến những vấn đề cụ thể cho tương lai của kiều bào, bố trí nơi ăn, chốn ở, nơi học hành  chu đáo, sử dụng hợp lý khả năng chuyên môn của kiều bào. Bác cũng thường xuyên nhắc nhở các cấp, ngành, đoàn thể: Kiều bào về đến địa phương nào, thì cán bộ, nhân dân ở đó phải hết lòng chăm sóc, giúp đỡ.

Những năm sau đó, Bác cũng dành nhiều thời gian thăm hỏi, động viên các gia đình kiều bào mới về nước cố gắng vượt qua khó khăn, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Bác cũng luôn dõi theo và kịp thời biểu dương, khen thưởng những nỗ lực, cố gắng, thành tích của kiều bào ta. Sự gần gũi, thân mật trong những lần gặp gỡ, sự ân cần, chu đáo trong những lời chỉ bảo, dặn dò của Bác đã giúp đông đảo kiều bào ta nhận rõ và ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm đối với quê hương, đất nước, cổ vũ kiều bào thi đua phấn đấu, đồng tâm góp sức vào sự nghiệp chung của dân tộc.

Quán triệt sâu sắc tư tưởng, phong cách của Bác về phát huy lòng yêu nước, tinh thần và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập, phát triển hôm nay, Đảng, Nhà nước ta luôn coi kiều bào là bộ phận không tách rời, nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Đồng thời, luôn chú trọng phát huy vai trò của kiều bào ta trong việc củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Cùng với đó, khích lệ, động viên người Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn bản sắc văn hoá, truyền thống, nêu cao tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau, giữ mối quan hệ gắn bó với gia đình, quê hương, chung sức, đồng lòng dựng xây đất nước phồn thịnh, hạnh phúc.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại đền Trần Thương

Đời sống  |  17:18 10/01/2025

Chiều 10/1, Công an huyện Lý Nhân phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH), Công an tỉnh tổ chức thực tập phương án chữa cháy và CNCH tại Di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương (xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân).

Quyết tâm lớn thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Lào theo hướng đột phá, có trọng tâm, trọng điểm

Chính trị  |  13:32 10/01/2025

Trong khuôn khổ chuyến thăm Lào và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào, sáng 10/1, tại Viêng Chăn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith.

Hội Khuyến học tỉnh triển khai nhiệm vụ năm 2025

Đoàn - Hội  |  13:09 10/01/2025

Sáng 10/1, Hội Khuyến học (HKH) tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác Hội và phong trào thi đua năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. 

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC