Nhớ về ông Mười Hương

Chính trị 05:37 19/12/2024 .
Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Trần Quốc Hương (20/12/1924 - 20/12/2024), đồng chí Trần Xuân Lộc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam đã có bài viết cảm nhận về những lần gặp gỡ, trò chuyện với đồng chí Mười Hương. Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu nội dung bài viết.

 Mãi tới khi tỉnh Hà Nam được tái lập, tôi mới được gặp ông Mười Hương. Khi đó hội đồng hương Hà Nam tại thành phố Hồ Chí Minh thành lập, những khi vào công tác ở thành phố, các anh chị trong hội thường đưa tôi đến thăm ông. Do bị tai biến, giọng ông không còn tròn, nhưng ông vẫn say sưa nói chuyện về quê hương, về gia đình, về đồng đội. Ông kể về cảnh lam lũ của người dân quê đồng chiêm trũng; về bà mẹ tảo tần, tất cả vì chồng vì con, nhớ lời mẹ dạy: thấy ai hoạn nạn thì giúp đỡ, đừng làm việc ác, đừng theo cảnh: đánh được người thì mặt đỏ như vang, đánh được người rồi thì mặt vàng như nghệ”, và ông thừa hưởng được chữ nhẫn từ mẹ ông. Ông kể về người cha rất giỏi nghề thợ mộc, luôn khuyên con cái chăm chỉ học tập, học lấy một nghề cho thông thạo “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, nhớ lời người cha dặn : “các con phải học chữ nho để giữ đạo lý làm người, nhưng nay thời thế thay đổi, thế nào cũng học chữ Tây để kiếm ăn sinh sống”. Người cha ấy thuở hàn vi rất có hiếu với cha mẹ, đi làm nghề ở Phủ Lý cách làng hơn hai mươi cây số, gặp lúc mẹ ốm, ngày nào cũng cuốc bộ sáng đi tối về săn sóc mẹ đến khi mẹ qua đời. Ông kể về người anh “quyền huynh thế phụ” cứ ne nét bắt em vào khuôn phép, nhất là việc học hành, có cái roi mây sẵn sàng quất, ông ức lắm, oán lắm, nhưng rồi nghĩ cho cùng cũng là thương em, muốn cho em giỏi chứ có ghét bỏ gì đâu. Ông cũng mừng vì Hà Nam tái lập sẽ có cơ hội phát triển và khuyên anh em đồng hương về đóng góp cho quê hương.

 Ông sinh ra tại làng Đoài, xã Vũ Bản, nơi ấy là đồng trũng, chiêm khê mùa úng, nhưng có nghề thợ mộc, nhiều thợ giỏi. Cứ cầy bừa cấy hái xong là các ông thợ lên đường, đến miền núi xa xôi, đến các đô thị phồn hoa để làm nghề. Cụ Trần Đức Tân, thân sinh ra ông, cũng là thợ mộc rất giỏi thường làm ở Phủ Lý, do có uy tín tay nghề cao, từ thợ cả ông đứng ra làm chủ thầu khoán. Xã Vũ Bản nơi ông sinh ra có truyền thống yêu nước, cách mạng và khoa bảng. Vũ Bản là xã Anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ chống Pháp. Một xã có sáu vị tướng, có ba anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trong số ấy có ông Trần Ngọc Bái là anh ruột ông và anh hùng Trần Duy Hoan, cháu trong chi họ của ông.

Có một lần chúng tôi hỏi ông: môi trường làm việc của ông nguy hiểm, chiến công của ông lớn lao như vậy, đồng đội và cấp dưới của ông nhiều người được phong anh hùng sao ông không làm hồ sơ. Ông nói: anh hùng gì, cũng có đơn vị đề xuất, nhưng tôi nói công lao của mình đã thấm vào đâu. Ông không làm gì cho mình, nhưng khi có đơn vị đề nghị lập hồ sơ phong anh hùng cho ông Trần Ngọc Bái là anh trai thì ông ủng hộ. Lúc ấy, Công an thành phố Hồ Chí Minh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cung cấp tài liệu về ông Bái khi còn làm việc ở ty Liêm Phóng Hà Nam, tôi chuyển cho công an tỉnh và giám đốc công an tỉnh giao đặc trách cho Đại tá Phó Giám đốc Trần Văn Bình cung cấp. Ông Bái nguyên là trưởng ban trinh sát ty Liêm Phóng Hà Nam, trưởng ban đặc biệt hoạt động vùng địch hậu Miền Nam, từng chở bom tấn công tòa Đại sứ Mỹ trong chiến dịch Mậu Thân.

 Sau này thì gặp mỗi khi ông về thăm quê, đại tá Hùng, thư ký bảo vệ ông, thông báo cho chúng tôi biết để đón tiếp. Thường thì ông về thẳng quê, đến nghĩa trang của làng ở khu Nách Phướn để thắp nhang phần mộ của tổ tiên, ông bà, bố mẹ, sau đó về làng, khi thì vào nhà bà con, khi thì đứng trước mảnh đất trước đây ông đã sinh ra và lớn lên, bao kỷ niệm tràn về, xúc động và rơi lệ. Buổi trưa chúng tôi tiếp ông tại Khách sạn Hòa Bình, trò chuyện và để ông nghỉ ngơi. Có một lần, hình như vào cuối năm 2011, ông về quê có chị Ngọc, anh Thành là con của ông cùng về. Ăn trưa xong, ông nói với chúng tôi: con cháu không thể không về nơi chôn nhau cắt rốn của mình, tôi muốn đề nghị các anh nói với xã cho tôi mua một miếng đất, nhỏ thôi, làm vài gian nhà để sau này các cháu về quê thăm mộ tổ tiên có chỗ mà ngồi. Ông nói nhỏ nhẹ chậm rãi như phải suy nghĩ mãi mới đưa ra lời đề nghị đó.

Tôi trao đổi trực tiếp với Chủ tịch, Bí thư huyện Bình Lục và với anh Toàn, anh Nam Bí thư, Chủ tịch xã Vũ Bản. Tôi nói với các anh lãnh đạo xã: nhà của ông nhưng sẽ là nhà truyền thống của xã đó, vì hàng năm có thể chỉ một đôi lần cụ hoặc con cháu về, nếu làm tốt, trưng bày những hình ảnh của cụ và lịch sử quê mình thì là nơi giáo dục truyền thống, do vậy nên tìm địa điểm ở khu trung tâm xã, gần trường học để các cháu học sinh tiện đến thăm. Lãnh đạo xã Vũ Bản bố trí một mảnh đất ngay cửa trường cấp 2, cách trường cấp 1 khoảng sáu trăm mét, gần trụ sở ủy ban xã. Không biết có thông tin nào đến tai ông, mà ông nói không được lấy vào đất tốt, đất mạ của dân. Xã lại bố trí một mảnh đất khác sau đài chiến thắng, cửa trụ sở ủy ban, cạnh một cái ao thùng đào. Một thời gian sau thấy chậm triển khai, tôi sốt ruột hỏi chủ tịch huyện, chủ tịch xã thì ra là gia đình không có người đứng tên để làm hồ sơ giao đất. Thế là nhỡ kế hoạch. Sau khi nghỉ công tác tôi vẫn luôn nhắc về vấn đề này, hỏi chủ tịch huyện thi được biết là anh Minh con trai ông đã về và địa phương đã giao đất ở khu Cầu Trắng, tôi thấy cũng hợp lý vì ở gần nhà anh hùng Trần Duy Hoan, người cháu trong chi họ ông.

Năm 2012, tôi nhận được một bản thảo của tác giả Trần Giang viết về ông, lấy tên là “nhân cách và kỳ tích”. Tôi đọc xong thấy hay và ý nghĩa quá, tôi nói để Tỉnh ủy Hà Nam phát hành. Tuy vậy vẫn phải xin ý kiến của ông và thuyết phục ông đồng ý, tôi thống nhất trong Thường trực Tỉnh ủy, giao cho anh Vũ Hiến, Tổng Biên tập Báo Hà Nam biên tập, rồi xin ý kiến Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh. Số lượng một ngàn cuốn. Đây là tấm lòng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân Hà Nam đối với người chiến sỹ cộng sản kiên trung, người con vô cùng tự hào của quê hương Hà Nam. Ông Trần Giang viết: Đánh giá về ông Mười Hương không chỉ dừng lại ở các kì tích, những chiến công cụ thể về an ninh tình báo mà ông đã đóng góp với cách mạng Việt Nam, mà cần nhìn xa hơn về nhân cách của ông, bản chất con người ông. Đó chính là cái gốc để ông tạo nên những kì tích và những kì tích mà ông đã có được lại càng làm nổi rõ cái nhân cách, cái bản chất đẹp của ông... Chính vì thế tôi viết về con người- sự nghiệp của ông Mười Hương với nhan đề Nhân Cách và Kì Tích Trần Quốc Hương.

 Tiếp xúc trò chuyện với ông ở những năm tháng cuối đời ông, tôi vẫn thấy toát lên một khí chất, bản lĩnh của một chiến sỹ cộng sản trung kiên, một tâm hồn tràn đầy nghĩa tình với quê hương, đất nước, gia đình, đồng đội; một đức tính khiêm nhường, một phẩm giá cao đẹp, một nhân cách lớn. Đó là một tấm gương sáng để chúng ta học tập.

    

                                                                                                             Phủ Lý,  ngày 9/12/2024

TIN MỚI CẬP NHẬT

CLB Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi huyện Bình Lục triển khai nhiệm vụ 2025

Đoàn - Hội  |  14:14 19/12/2024

Câu lạc bộ (CLB) Nông dân sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi Bình Lục vừa tổ chức tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Tập huấn ứng dụng chuyển đổi số trên sàn thương mại điện tử và một số điểm mới của Luật HTX năm 2023

Chuyển đổi số  |  12:08 19/12/2024

Sáng 19/12, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn ứng dụng chuyển đổi số trên sàn thương mại điện tử và một số điểm mới của Luật HTX 2023. Dự tập huấn có 120 đại biểu là Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm của các HTX trên địa bàn tỉnh. Thời gian tập huấn diễn ra trong 2 ngày (19 và 20/12).

Đẩy mạnh hợp tác quốc phòng, tăng cường tình hữu nghị, hòa bình, hợp tác cùng phát triển

Chính trị  |  12:07 19/12/2024

Sáng 19/12, tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024) với thông điệp “Hòa bình-Hữu nghị-Hợp tác-Cùng phát triển” do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024).

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC