Kim Bảng quan tâm phát triển nghề truyền thống

Ngành nghề nông thôn 05:36 12/12/2024 Hà Trang
Thực hiện Kế hoạch Bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Hà Nam năm 2024 - 2025, thời gian qua, huyện Kim Bảng đã tập trung triển khai có hiệu quả các quy định về công tác bảo tồn, phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống. Các làng nghề truyền thống nhờ đó ngày càng phát triển.

Kim Bảng hiện có 63 làng nghề, trong đó có 2 làng nghề được tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống: làng nghề gốm Quyết Thành (thị trấn Quế) và làng nghề truyền thống xã Nhật Tân. Huyện có 37 người được UBND tỉnh công nhận nghệ nhân, thợ giỏi; trong đó, làng nghề gốm Quyết Thành có 29 thợ giỏi và 1 nghệ nhân cấp tỉnh, làng nghề Nhật Tân có 7 thợ giỏi. Để duy trì, phát triển làng nghề, làng có nghề truyền thống, thời gian qua, huyện Kim Bảng đã chỉ đạo các địa phương, ngành chức năng tiến hành rà soát quy hoạch, xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề phù hợp với điều kiện thực tế; xây dựng chuỗi liên kết giá trị làng nghề; hướng dẫn lập phương án bảo vệ môi trường làng nghề, làng nghề truyền thống… Theo báo cáo của Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Kim Bảng, tốc độ tăng trưởng bình quân của khu vực công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) và làng nghề giai đoạn 2021-2024 đạt 16,87%/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra. Giá trị sản xuất CN-TTCN và làng nghề năm 2024 ước đạt 28.660 tỷ đồng; số lao động được giải quyết việc làm mới là 3.690 người.

Cùng với những giải pháp khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện để các làng nghề; đặc biệt là đối với các làng nghề truyền thống, huyện Kim Bảng cũng tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục thế hệ thanh niên về những giá trị của nghề truyền thống. Qua đó, nâng cao vai trò trách nhiệm của thế hệ trẻ trong công tác gìn giữ và phát triển nghề truyền thống. Đồng chí Nguyễn Thùy Linh, Bí thư Huyện đoàn Kim Bảng cho biết: Những năm gần đây, nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của nghề truyền thống, Ban Thường vụ (BTV) Huyện đoàn đã tích cực chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền trên hệ thống mạng xã hội về thông tin, hoạt động của các làng nghề trên địa bàn; hỗ trợ quảng bá sản phẩm của các làng nghề trên các nền tảng xã hội... Tại các sự kiện lớn của Tỉnh đoàn, Huyện đoàn đã tổ chức các gian hàng trưng bày, quảng bá sản phẩm của các làng nghề như gốm, mộc... Trong thời gian tới, BTV Huyện đoàn tiếp tục chỉ đạo các cấp bộ đoàn tăng cường công tác tuyên truyền về hoạt động của làng nghề truyền thống, bảo đảm ít nhất 1 tin, bài/1 tháng trên mạng xã hội. Đồng thời, chủ động, tăng cường kết nối với các đơn vị đoàn thanh niên trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu về các làng nghề truyền thống… góp phần thúc đẩy liên kết, phát triển nghề truyền thống tại địa phương.

 Sản phẩm mới ra lò ở làng nghề truyền thống gốm Quyết Thành (Kim Bảng).

Xã Nhật Tân có làng nghề truyền thống làm mộc với các mặt hàng đa dạng, phong phú, từ đồ gia dụng đến các sản phẩm phục vụ cho công nghiệp, thương mại... Phát huy lợi thế là đầu mối giao thông quan trọng kết nối thủ đô Hà Nội với huyện Kim Bảng, cùng với việc quan tâm tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất phát triển nghề truyền thống, những năm qua, xã Nhật Tân đã đặc biệt chú trọng đến công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm của làng nghề. Cũng như nhiều làng nghề truyền thống khác, nghề mộc ở Nhật Tân cũng có lúc thăng, lúc trầm, nhưng với quyết tâm giữ nghề, người dân Nhật Tân đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất, đa dạng hóa mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, nghề mộc ở Nhật Tân đã vượt qua giai đoạn khó khăn và ngày càng phát triển.

Ông Nguyễn Văn Lành, chủ cơ sở sản xuất và kinh doanh Đồ gỗ Văn Lành ở Nhật Tân chia sẻ: Khoảng 15 năm trước, nghề truyền thống của làng gặp nhiều khó khăn, có nguy cơ bị thất truyền. Nhưng được chính quyền địa phương tạo điều kiện, những khó khăn về vốn, mặt bằng từng bước được tháo gỡ. Các sản phẩm của làng nghề được giới thiệu, quảng bá thông qua các hội chợ, triển lãm và sàn thương mại điện tử… Nhờ vậy, nhiều người dân biết và ưa dùng sản phẩm gỗ Nhật Tân hơn so với trước. Cơ sở của gia đình có khoảng 15 nhân công với mức lương theo ngày khoảng 300.000 - 450.000 đồng. Doanh thu của cửa hàng mỗi năm dao động từ 4 - 4,5 tỷ đồng. Nghề mộc đã đem lại cuộc sống khá giả cho nhiều người dân trong xã.

Ông Vũ Văn Bộ, Chủ tịch UBND xã Nhật Tân cho biết: Nhật Tân hiện có hơn 60% số hộ dân làm nghề truyền thống; trong đó, nhiều hộ thành lập doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lớn, góp phần tạo việc làm cho hàng nghìn lao động với thu nhập bình quân từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, do hầu hết các cơ sở sản xuất truyền thống đều do các hộ tư nhân tự đầu tư sản xuất, làm ăn theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ nên còn hạn chế trong việc đưa sản phẩm ra thị trường ngoài tỉnh. Thời gian tới, để tạo điều kiện thuận lợi cho nghề truyền thống phát triển bền vững, thực hiện chỉ đạo của huyện, xã sẽ tập trung triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ người dân tìm kiếm thị trường; nâng cấp cụm công nghiệp Nhật Tân; hỗ trợ người dân vay vốn sản xuất, tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại một số triển lãm, hội chợ trong và ngoài tỉnh…

Với sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, tin rằng, cùng với làng nghề Nhật Tân, các làng có nghề và làng nghề truyền thống khác ở Kim Bảng sẽ từng bước khắc phục khó khăn, tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đa dạng, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Thủ tướng yêu cầu hoàn thành tháo gỡ khó khăn cho dự án điện năng lượng tái tạo trong tháng 1/2025

Kinh tế  |  18:56 12/12/2024

Chiều 12/12, chủ trì Hội nghị công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu hoàn thành việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án trong tháng 1/2025 để tránh lãng phí tài nguyên của đất nước, nguồn lực của xã hội, góp phần vào đảm bảo nguồn điện cho phát triển.

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho ý kiến dự thảo Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh

Xây dựng Đảng - Chính quyền  |  18:42 12/12/2024

Chiều 12/12, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh tổ chức hội nghị thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Hà Nam. Các đồng chí: Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh; Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh…

Tỉnh đoàn thực hiện đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu năm 2024

Sức trẻ Hà Nam  |  17:15 12/12/2024

Đó là một trong những nội dung được nhấn mạnh tại hội nghị tổng kết công tác đoàn, hội và phong trào thanh thiếu nhi năm 2024; triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 diễn ra chiều 12/12.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC