Tại phiên họp, dưới sự điều hành của đồng chí Đặng Thanh Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh tiến hành thảo luận tại hội trường. Các ý kiến tập trung thảo luận về các nhóm nội dung cần làm rõ trong các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết, giải pháp, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu, chi ngân sách, lĩnh vực đầu tư, đất đai, phát triển điện mặt trời mái nhà, phục vụ phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; việc ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh…
Tiếp theo, phiên họp tiến hành nội dung chất vấn, trả lời chất vấn, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri dưới sự điều hành của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Thủy. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri, phát huy tinh thần trách nhiệm nêu câu hỏi chất vấn trực tiếp tại kỳ họp ngoài những nội dung đã gửi yêu cầu chất vấn đến Thường trực HĐND tỉnh; đối với những nội dung trả lời chất vấn trực tiếp của thành viên UBND tỉnh tại kỳ họp mà các đại biểu còn băn khoăn, hoặc những nội dung khác có liên quan các vị đại biểu đặt câu hỏi bổ sung thêm, với tinh thần “hỏi nhanh, đáp gọn”.
Thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan chuyên môn tiếp thu, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổng hợp và những ý kiến cử tri gửi đến Chủ tọa kỳ họp qua đường dây nóng thuộc trách nhiệm giải quyết của sở, ngành.
Mở đầu phiên trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri, chất vấn và trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trương Quốc Bảo đã đăng đàn trực tiếp trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri và 3 chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri các địa phương trong tỉnh cũng như nội dung chất vấn của đại biểu tập trung vào vấn đề chủ yếu: việc đầu tư, nâng cấp hệ thống đường giao thông thuộc trách nhiệm cấp tỉnh quản lý để bảo đảm hạ tầng giao thông được kết nối đồng bộ, an toàn, góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao của các địa phương trong tỉnh.
Cụ thể: việc đầu tư nâng cấp, cải tạo chống tràn tại các điểm xung yếu, thấp trên QL37B (Điệp Sơn-Yên Nam); lắp đặt hệ thống biển báo giảm tốc độ trên tuyến QL21B khu vực dốc ngã ba thôn Kim Thượng; QL1A tuyến đường tránh thành phố Phủ Lý đoạn từ khu dân cư xóm 18, thôn Kim Thanh, vì các đoạn đường này bị khuất tầm nhìn, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông; lắp đặt đèn tín hiệu giao thông cho phù hợp tại khu vực bưu điện huyện Thanh Liêm vì khoảng cách, tầm nhìn đèn giao thông khó quan sát dễ gây tai nạn giao thông; lắp đèn tín hiệu giao thông tại ngã tư La Mát, Lâm Sơn (đoạn vào cảng Bút Sơn đối diện đường vào nhà máy xi măng Kiện Khê cũ) vì khu vực này mật độ xe tham gia giao thông rất lớn thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông; giải pháp để giảm tai nạn giao thông khu vực cầu Vực Vòng(Yên Bắc, Duy Tiên) vì thời gian qua tại khu vực này xảy ra nhiều tai nạn giao thông; nâng cấp, cải tạo, mở rộng tuyến đường 498C qua địa phận xã Nhật Tựu, hiện mặt đường hẹp, xuống cấp ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân; cải tạo, nâng cốt nền phòng úng lụt và các phương tiện tham gia giao thông an toàn tuyến đường tránh QL1A từ cây xăng Phú Thịnh xuống cầu Kiện Khê; nâng cấp tuyến đường QL1A (đoạn đường từ địa phận thôn Đại Cầu đến địa phận Công ty Bánh kẹo Hùng Hạnh) thuộc thôn Kiều Đan Thượng để tránh ngập úng, nước tràn qua đường bộ và đường sắt Bắc Nam trong mùa mưa bão, bảo đảm an toàn giao thông và đời sống của nhân dân; đầu tư hạ tầng các điểm chờ xe buýt trên địa bàn thành phố Phủ Lý bảo đảm mỹ quan đô thị và thuận tiện cho người tham gia...
Liên quan đến tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông, họp chợ trái phép, lấn chiếm lòng lề đường làm cản trở, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hường, Tổ đại biểu Lý Nhân nêu câu hỏi chất vấn với lãnh đạo Sở Giao thông vận tải: Hiện nay, một số địa phương thuộc các địa bàn huyện Lý Nhân, Thanh Liêm, thị xã Duy Tiên… có tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông, để biển quảng cáo, buôn bán hàng hóa, họp chợ cóc trái phép lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường cản trở và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (như chợ Bình Nghĩa, giáp với huyện Lý Nhân; chợ Cầu Nga (Thanh Liêm); chợ Điệp Sơn (Duy Tiên)…).
Nội dung này cử tri đã nhiều lần có kiến nghị, các cơ quan chuyên môn, chủ tịch UBND các huyện, thị xã cũng đã trả lời, đưa ra giải pháp để chỉ đạo giải quyết, tuy nhiên, qua theo dõi, vấn đề này chưa được xử lý dứt điểm. Với vai trò, chức năng quản lý nhà nước được giao, đề nghị ông Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết trách nhiệm, giải pháp để xử lý, khắc phục tình trạng trên đạt hiệu quả, bền vững trong thời gian tới?
Trả lời nội dung này, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trương Quốc Bảo cho biết: Đây là một thực tế và trách nhiệm đầu tiên thuộc về ngành Giao thông vận tải. Tuy nhiên, còn có những bất cập về quy hoạch, có trường hợp có chợ nhưng người dân không vào họp; công tác tuyên truyền còn mức độ… Đặc biệt còn liên quan đến ý thức, trách nhiệm của cơ quan, người dân. Để khắc phục tình trạng này, ngành giao thông xác định trách nhiệm chung của các cấp, ngành, địa phương nhưng cũng cần có ý thức, trách nhiệm của cả người dân trong việc chấp hành pháp luật. Giải pháp chủ yếu trong thời gian tới ngành giao thông và các địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, cùng với đó, các cấp, ngành chức năng cần tăng cường quản lý nhà nước, xử lý nghiêm, quyết liệt hơn nữa những vi phạm trong lĩnh vực này…
Lãnh đạo các địa phương cũng tham gia giải trình, làm rõ thêm về vấn đề này. Trong đó, khẳng định đã có những kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm và sẽ tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực này, song vấn đề cơ bản vẫn là ý thức của người dân và sự phối hợp của các ngành liên quan. Về nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Thủy đề nghị ngành Giao thông vận tải và lãnh đạo các địa phương rà soát lại quy hoạch mạng lưới chợ cũng như hệ thống hành lang an toàn giao thông trên địa bàn để có giải pháp tăng cường quản lý, xử lý; đồng thời các ngành cũng phải tăng cường phối hợp làm tốt vấn đề này…
Tiếp đó, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Phạm Chí Thống trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh về các vấn đề liên quan đến: mức thuế đất phi nông nghiệp cho phù hợp với các tuyến ngõ có mặt cắt nhỏ (dưới 2m) và với các ngõ có mặt cắt lớn hơn 4m; mức khen thưởng đối với các hộ chấp hành tốt việc nhận tiền và bàn giao mặt bằng sớm khi nhà nước thu hồi, đề nghị khen thưởng cùng một mức trong phạm vi toàn tỉnh; tăng mức hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm cho người dân sau khi bị thu hồi đất đề ổn định cuộc sống; nâng khung giá bồi thường giải phóng mặt bằng đối với đất ở, đất vườn, đất nông nghiệp khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án; sớm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) dịch vụ 7%, 5% để bảo đảm quyền lợi cho các hộ dân; chủ trương cho phép xử lý các diện tích đất dôi dư, xen kẹt nhỏ lẻ tại các khu dân cư sau khi đã xây dựng quy hoạch xong; nâng định mức hỗ trợ đối với rác thải sinh hoạt trong khu dân cư của xã theo định mức quy định của phường, thị trấn là 0,49kg/người/ngày và có cơ chế hỗ trợ các xã trong việc thu gom lượng rác tồn vì hiện nay lượng rác tồn rất lớn, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân; kiểm tra, xử lý tình trạng các doanh nghiệp xả thải khói và tạo tiếng ồn lớn khi sản xuất, bảo đảm sức khỏe của nhân dân; giải quyết dứt điểm việc ô nhiễm nguồn nước kênh BH23 (xã Liêm Túc, Thanh Liêm) ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và sức khỏe nhân dân. Có 4 đại biểu chất vấn 5 nội dung, trong đó có 2 nội dung tái chất vấn đối với Giám đốc Sở TN&MT. Cụ thể: về nội dung tham mưu giải quyết việc giao đất và cấp GCNQSDĐ đối với đất dịch vụ 5%, 7% cho nhân dân như thế nào và thời gian cấp GCNQSDĐ cho các hộ có tiêu chuẩn; việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai liên quan đến tiến độ cấp GCNQSDĐ; tham mưu thực hiện điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất của các huyện, thị xã, thành phố; kết quả thực hiện thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất của các dự án đã được HĐND tỉnh thông qua; về giải pháp phục hồi môi trường đối với các mỏ đã hết hạn khai thác; về tiến độ cấp GCNQSDĐ ở của huyện Bình Lục; giải pháp phục hồi môi trường đối với các mỏ đã hết hạn khai thác.
Liên quan đến tình trạng ô nhiễm môi trường còn chậm được khắc phục, đại biểu Phạm Thị Thu Giang, Tổ Kim Bảng nêu câu hỏi tái chất vấn: Trong các kỳ tiếp xúc cử tri gần đây, cũng như tiếp nhận qua đường dây nóng kỳ họp HĐND tỉnh, cử tri phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường do khí thải từ một số nhà máy sản xuất trong các KCN như Đồng Văn III, Nhà máy sản xuất dây đồng KCN Đồng Văn IV, sản xuất giấy, chế biến thức ăn gia súc trong KCN Châu Sơn, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt, sức khỏe của người dân xung quanh, gây bức xúc trong nhân dân. Nội dung này đại biểu HĐND đã chất vấn, cơ quan chức năng đã đưa ra các cam kết và giải pháp xử lý, khắc phục, có báo cáo kết quả giải quyết là kiểm tra thông số kỹ thuật khí thải bảo đảm yêu cầu, tuy nhiên thực tế cử tri vẫn thường xuyên phản ánh, nên cần được nghiêm túc kiểm tra, giải quyết triệt để. Với vai trò, chức năng quản lý nhà nước được giao, trách nhiệm và giải pháp của ngành thực hiện quyết liệt, triệt để trong thời gian tới?
Ông Phạm Chí Thống, Giám đốc Sở TN&MT trả lời: Ban Quản lý các KCN là đơn vị được UBND tỉnh ủy quyền phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp trong KCN. Các doanh nghiệp trong KCN đã được Ban Quản lý các KCN phê duyệt hồ sơ về môi trường, các cơ sở đã đầu tư lắp đặt hệ thống thu gom, xử lý khí thải, nước thải theo quy định. 8/8 KCN đang hoạt động đã lắp đặt và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung với tổng công suất 32.700m3/ngày đêm, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải theo quy định trước khi xả thải ra môi trường. Để khắc phục tình trạng đại biểu nêu, đề nghị chủ đầu tư hạ tầng các KCN tăng cường theo dõi công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp trong KCN, có phương án xử lý theo quy chế bảo vệ môi trường đã được thống nhất, ban hành; đồng thời báo cáo về các cơ quan quản lý để theo dõi, xử lý theo quy định.
Thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý các KCN, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường các doanh nghiệp trong KCN. Kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Về câu hỏi chất vấn của đại biểu Ứng Thị Đảm, Tổ Phủ Lý về việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai liên quan đến tiến độ cấp GCNQSDĐ; tham mưu thực hiện điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất của các huyện, thị xã, thành phố; kết quả thực hiện thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất của các dự án đã được HĐND tỉnh thông qua, Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Năm 2024, sau khi UBND cấp huyện hoàn thành công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, trên cơ sở các quy định pháp luật đất đai và các quy định có liên quan, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất 104 dự án, tổng diện tích 1.300,33 ha. Trong đó, diện tích chuyển mục đích sử dụng đất đất trồng lúa là 1.040,48 ha. Tham mưu thực hiện điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các huyện, thành phố, thị xã. Theo quy định của pháp luật đất đai, UBND cấp huyện tổ chức lập quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện (quy định tại khoản 2 Điều 42 Luật Đất đai 2013 và quy định tại khoản 3 Điều 69 Luật Đất đai 2024), trình UBND tỉnh phê duyệt. Kết quả: Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1686/QĐ-TTg ngày 26/12/2023, Sở TN&MT đã có văn bản hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm đầu của điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất (điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất năm 2024) cấp huyện. Đến nay, tiến độ thực hiện có 4 đơn vị (huyện Thanh Liêm, thành phố Phủ Lý, thị xã Duy Tiên và huyện Kim Bảng) đã hoàn thành đã được phê duyệt và 2 đơn vị (huyện Bình Lục, huyện Lý Nhân) đang hoàn thiện hồ sơ để trình UBND tỉnh phê duyệt. Trong tháng 12 phê duyệt. Theo Luật Đất đai năm 2024, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua danh mục công trình, dự án phải thu hồi đất; dự án phải chuyển mục đích sử dụng đất là nội dung quy định bắt buộc trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện. Sở cũng đã hướng dẫn và đôn đốc các huyện khẩn trương hoàn thiện kế hoạch sử dụng đất năm 2025 gửi về Sở TN&MT thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt trong tháng 12/2024…
Ngoài ra, nhiều ý kiến cử tri qua đường dây nóng của kỳ họp phản ảnh và kiến nghị về các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường; gia hạn cấp GCNQSDĐ... cũng được Giám đốc Sở TN&MT và các cơ quan chức năng có liên quan trả lời, làm rõ ngay tại hội trường. Buổi chiều, Kỳ họp tiếp tục nội dung chất vấn, trả lời chất vấn, trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri.
Với những kết quả đã đạt được, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trên thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo và là một trong những quốc gia tiên phong trong tiếp cận và áp dụng phương pháp giảm nghèo đa chiều để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội toàn dân và giảm nghèo bền vững.
Tối 26/12, tại trận bán kết lượt đi ASEAN Cup 2024, hai bàn thắng quan trọng của Tiến Linh và Xuân Son ở những phút bù giờ cuối cùng đã giúp đội tuyển Việt Nam đánh bại Singapore với tỷ số 2-0.
Dầu động cơ bị hao hụt trong quá trình hoạt động có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho động cơ của xe. Vì thế, người dùng cần nắm được những dấu hiệu, triệu chứng của động cơ đang bị hao dầu.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.