Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời, đánh thắng hai trận đầu, cùng nhân dân tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền (1944 - 1945)
Ngay từ khi ra đời (3/2/1930), trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Đảng ta đã khẳng định con đường đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc là dùng bạo lực cách mạng để giành chính quyền và yêu cầu phải “Tổ chức ra quân đội công nông”(1) để làm nòng cốt cho toàn dân tiến hành đấu tranh cách mạng. Luận Cương chính trị của Đảng (tháng 10/1930) xác định nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng tư sản dân quyền, trong đó chỉ rõ phải: “Lập quân đội công nông”(2).
Trong phong trào cách mạng 1930 - 1931, đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh, từ lực lượng khởi nghĩa của công nông, Đội tự vệ công nông (Tự vệ Đỏ) đã ra đời. Đó là tiền đề đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam. Tiếp theo đó, hàng loạt tổ chức vũ trang lần lượt được thành lập như: Đội du kích Bắc Sơn (1940), các đội du kích ở Nam Kỳ (1940), Cứu quốc quân (1941).
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Trong Chỉ thị, Người ghi rõ: “Tên Đội VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền”(3); “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”(4). Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Trung ương Đảng và Lãnh tụ Hồ Chí Minh ủy nhiệm tổ chức, lãnh đạo, chỉ huy, tuyên bố thành lập Đội, gồm 34 người, biên chế thành 3 tiểu đội do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm Chính trị viên, có chi bộ Đảng lãnh đạo. Ngày 22/12/1944 được lấy làm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngay sau ngày thành lập, 17 giờ ngày 25/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã mưu trí, táo bạo, bất ngờ đột nhập vào đồn Phai Khắt và 07 giờ sáng hôm sau (26/12) lại đột nhập đồn Nà Ngần (đều đóng tại châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), tiêu diệt hai tên đồn trưởng, bắt sống toàn bộ binh lính địch, thụ vũ khí, quân trang, quân dụng. Chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần mở đầu cho truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tháng 4/1945, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ của Đảng đã quyết định hợp nhất các tổ chức vũ trang cách mạng trên cả nước thành Việt Nam giải phóng quân. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Việt Nam giải phóng quân đã cùng lực lượng vũ trang các địa phương và nhân dân tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam giải phóng quân được đổi tên thành Vệ quốc đoàn, rồi Quân đội quốc gia Việt Nam (1946), từ năm 1950 được gọi là Quân đội nhân dân Việt Nam
Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954)
Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ hai, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng vũ trang phát triển mạnh mẽ, cùng nhân dân ta nhất tề đứng lên, quyết chiến đấu với quân xâm lược. Cuối năm 1946, theo quyết định của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước chia thành 12 chiến khu. Lúc này, ở Nam Bộ vẫn tổ chức các chi đội Vệ quốc đoàn, ở Bắc Bộ và Trung Bộ có 30 trung đoàn và một số tiểu đoàn thuộc các chiến khu; hệ thống tổ chức đảng trong Quân đội được thành lập từ Trung ương Quân ủy đến chi bộ.
Đêm 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, quân và dân ta đã đánh hàng trăm trận, loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn tên địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Mùa xuân năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ lên Việt Bắc, nơi đây trở thành trung tâm chỉ đạo kháng chiến của cả nước.
Thu Đông năm 1947, thực dân Pháp huy động hơn một vạn quân tinh nhuệ có máy bay, tàu chiến hỗ trợ, bất ngờ tiến công lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và bộ đội chủ lực của ta. Sau hơn hai tháng mở chiến dịch phản công (7/10 – 20/12/1947), ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 7.000 tên địch. Đây là chiến dịch phản công quy mô lớn đầu tiên giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của quân và dân ta; đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn và làm phá sản chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp; bảo toàn và phát triển bộ đội chủ lực, bảo vệ cơ quan đầu não và căn cứ địa của cả nước.
Sau chiến dịch Việt Bắc năm 1947, Quân đội ta đã có bước trưởng thành, song chưa có khả năng mở những chiến dịch lớn. Để đánh bại âm mưu bình định của địch, ta chủ trương phát động chiến tranh du kích rộng khắp và thực hiện “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, vừa đẩy mạnh chiến tranh du kích vừa học tập tác chiến tập trung vận động chiến. Các tiểu đoàn tập trung được củng cố xây dựng và từng bước tiến lên đánh những trận phục kích, tập kích lớn hơn. Từ đầu năm 1948 đến giữa năm 1950, bộ đội ta liên tiếp mở trên 20 chiến dịch nhỏ trên các chiến trường. Mức độ tập trung cho mỗi chiến dịch từ 3 đến 5 tiểu đoàn, sau nâng dần lên 2 đến 3 trung đoàn, có chiến dịch sử dụng cả sơn pháo và trọng liên. Trong nhiều trận đánh, quân ta đã tiêu diệt từng đại đội đến tiểu đoàn địch ở ngoài công sự và tiêu diệt cứ điểm có trên dưới một đại đội địch đóng giữ.
(Còn nữa)
Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương -
Tổng Cục Chính trị QĐND Việt Nam
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 4.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Sđd, tr. 95.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Sđd, tr. 356.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Sđd, tr. 357.
Tối 1/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Chuỗi sự kiện và điện gió ngoài khơi của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Tổng Công ty Cổ phần dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) tổ chức tại Trung tâm công nghiệp năng lượng và hậu cần kỹ thuật PTSC ở thành phố Vũng Tàu.
Thời gian qua, hoạt động giám sát của HĐND thành phố Phủ Lý có nhiều nỗ lực, không ngừng đổi mới, nâng cao về phương thức, chất lượng, hiệu quả, khẳng định vị trí, vai trò của cơ quan dân cử ở địa phương. Hoạt động giám sát của HĐND, các Ban, tổ, đại biểu HĐND thành phố ngày càng đi vào chiều sâu; nội dung giám sát tập trung vào các vấn đề cử tri, dư luận quan tâm, trong đó có việc tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách về lĩnh vực y tế, giáo dục.
Ngày 1/12/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 125/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.