Dạy bình dân học vụ
Mong muốn được đi học từ nhỏ, nhưng lên 10 tuổi mới được cắp sách tới trường vì vậy cậu học trò Nguyễn Hữu Úc ngày ấy học tập rất chăm chỉ. Được các thầy, cô giáo tận tình hướng dẫn, chỉ dạy cộng với sự nỗ lực cố gắng vươn lên không ngừng, hè năm học 1960 -1961 khi vừa học xong lớp 5 cậu học trò Nguyễn Hữu Úc đã được thầy cô, nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ dạy lớp bình dân học vụ cho người dân thôn Đạt Hưng, xã Thanh Bình.
Kể cho chúng tôi nghe về thời gian làm "thầy giáo" ngắn ngủi khi mới 15, 16 tuổi, ông Nguyễn Hữu Úc vẫn nhớ rõ: Bao năm qua rồi nhưng tôi vẫn nhớ, lớp bình dân học vụ tôi dạy ngày ấy chỉ có chưa đến chục người, độ tuổi 30 trở lên, chủ yếu là nữ, trong đó có cả mẹ tôi. Do vẫn phải bảo đảm nhiệm vụ lao động sản xuất nên thời gian học diễn ra tranh thủ khoảng hai tiếng vào buổi trưa hằng ngày. Tuy phải học tạm tại đình làng, nhưng lớp học khi ấy vẫn có đủ bàn ghế, bảng, phấn... Nhiều người tuy tuổi đã cao, lại phải lo công việc đồng áng, gia đình nhưng thời gian đến lớp vẫn có thái độ học tập rất chăm chỉ, nghiêm túc, tập trung. Cách xưng hô trong lớp học cũng thân tình, ở ngoài đời gọi thế nào, trong lớp vẫn gọi như vậy- vẫn cháu với cô, mẹ với con... Bằng sự nỗ lực và tinh thần quyết tâm cao của cả “thầy và trò”, chỉ sau ba tháng, các cô, các bác tham gia lớp học đã biết viết chính tả, biết ghép vần để đọc, biết làm những phép toán cộng trừ đơn giản... Mẹ tôi đã ký được tên của mình... Kết thúc lớp học, tôi vinh dự được Ty giáo dục tỉnh gửi thư khen.
Lớp học trong nhà lao Đế quốc
Sinh ra trong thời kỳ đất nước có chiến tranh, chàng thanh niên 18 tuổi Nguyễn Hữu Úc cùng nhiều bạn bè tạm gác lại sách bút, tình nguyện lên đường nhập ngũ. Ngày 5/1/1968, trong một trận chiến đấu ác liệt với kẻ thù, anh lính trẻ Nguyễn Hữu Úc bị địch bắt tại thôn Xuân Thạnh, xã Mỹ An, Bình Định, sau đó bị đày ra nhà tù Phú Quốc. Ông Úc bồi hồi nhớ lại: Trong nhà lao đế quốc, nhiệm vụ dạy và học được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của người đảng viên. Để được học tập trong nhà lao, anh em tù nhân luôn giữ vững tinh thần đoàn kết, đấu tranh rất nhiều lần với Bộ chỉ huy trại giam mới được chấp thuận. Sau khi được chấp nhận, các tù nhân, nhất là những tù nhân là đảng viên, đều tích cực học tập trong các lớp học mà thực chất chỉ là các nhóm khoảng 4, 5 người. Các môn học được đưa vào các lớp học đặc biệt này gồm: Triết học, Lịch sử Đảng, Lịch sử dân tộc, Văn học, Toán học...
Những năm tháng trong nhà lao đế quốc, "học sinh" Nguyễn Hữu Úc đã tham gia lớp triết học do đồng chí Khôi, cán bộ miền Nam tập kết, làm giảng viên; học Văn và học Lịch sử do đồng chí Văn làm giảng viên. Không chỉ là “học trò”, thời gian đó, ông còn được giao giảng dạy 2 lớp học Lịch sử cho đảng viên và quần chúng. Ở nơi được coi là “địa ngục trần gian”, vượt lên mọi khó khăn gian khổ, vượt qua nỗi đau đòn roi tra tấn ác liệt của kẻ thù, các tù nhân luôn động viên, khích lệ nhau cùng tích cực tham gia học tập.
Những lớp học hết sức đặc biệt, không bàn ghế, không bảng đen phấn trắng, không giấy bút... và ánh mắt của giám thị trại giam lúc nào cũng nhòm ngó, theo dõi, soi xét... nhưng các tù nhân vẫn tập trung học tập. Mọi người lấy những miếng bìa cát -tông ngâm nước rồi bóc mỏng, sau đó cho than củi nóng vào cà mèn là phẳng, đóng thành những cuốn sách nhỏ dành cho giáo viên để soạn giáo án còn học sinh chủ yếu dùng que viết trên nền cát. Bút được làm từ sắt vỏ lon hộp sữa, cắt vát, mài nhọn rồi buộc vào một chiếc que, hoặc lấy dây thép gai mài nhọn để viết. Mực lấy từ mực của con cá mực... Nhờ duy trì công tác dạy và học, tinh thần chiến đấu, lập trường tư tưởng, ý chí cách mạng của tù nhân được củng cố. Anh em tù nhân luôn giữ vững tinh thần đoàn kết, nêu cao tinh thần cảnh giác, tỏ rõ khí phách, ý chí kiên cường trước mọi thủ đoạn thâm hiểm của kẻ thù.
Ông Nguyễn Hữu Úc chia sẻ: Những năm tháng trong nhà lao đế quốc, tôi luôn ghi nhớ lời Bác Hồ từng nói: “... Biến cái rủi thành cái may. Các đồng chí đã lợi dụng những ngày tháng ở tù để hội họp và học tập lý luận. Một lần nữa đã chứng tỏ rằng: Chính sách khủng bố cực kỳ dã man của kẻ thù chẳng những không ngăn cản được bước tiến của cách mạng, mà trái lại nó đã trở nên một thứ lửa thử vàng, nó rèn luyện cho con người cách mạng thêm cứng rắn. Mà kết quả là cách mạng đã thắng. Đế quốc đã thua”. Vì vậy, ngoài nỗ lực học tập, khi được giao nhiệm vụ dạy môn Lịch sử, tôi luôn cố gắng truyền dạy cho anh em về truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Qua những câu chuyện lịch sử từ thời các Vua Hùng dựng nước, An Dương Vương xây thành Cổ Loa, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của nhà Hán... anh em tù nhân thêm tự hào về truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông, từ đó thêm nỗ lực, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để học tập với mong muốn, nếu có ngày trở lại sẽ có thêm kiến thức, tiếp tục con đường cách mạng, vì mục tiêu cao cả - giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Năm nay đã bước sang tuổi 81, sức khỏe tuy yếu đi, nhưng CCB Nguyễn Hữu Úc vẫn minh mẫn và nhớ rõ những kỷ niệm sâu sắc thời tham gia dạy và học ở những lớp học đặc biệt. Với ông, đó là những năm tháng tuổi trẻ đầy thử thách và gian khó nhưng cũng đầy tự hào về những nỗ lực không ngừng trong học tập, đấu tranh, cống hiến... cho sự nghiệp cách mạng. Chia sẻ thêm với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Úc cho biết: Trẻ em ngày nay được sống, được cắp sách tới trường trong hòa bình, độc lập; được học tập trong những ngôi trường lớn, khang trang, đẹp đẽ... Có được ngày hôm nay là biết bao hy sinh xương máu của các thế hệ cha ông đi trước nên chỉ mong các em tiếp bước cha anh, luôn cố gắng học tập, rèn luyện, khi khôn lớn, trưởng thành biết vận dụng những kiến thức đã học, góp sức trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và đổi mới quê hương.
Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh hiện có hơn 46.000 hội viên, sinh hoạt ở 166 tổ chức cơ sở hội, 721 chi hội. Ngoài ra, toàn tỉnh đã vận động được gần 30.000 cựu quân nhân tham gia sinh hoạt tại 731 câu lạc bộ, ban liên lạc ở các thôn, tổ dân phố. Đây là lực lượng đông đảo, có uy tín, tâm huyết, gương mẫu trong tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phong trào thi đua; xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân.
Những đặc trưng công nghệ quân sự Việt Nam góp phần đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược được kế thừa từ hàng nghìn năm của dân tộc. Việt Nam có “mặt tiền” trông ra Biển Đông, là nơi dừng chân qua lại giữa hai đại dương lớn của thế giới là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, vừa có điều kiện rất thuận lợi để tiếp thu các nền văn minh trên thế giới, nhưng cũng là tâm điểm “nhòm ngó” của các thế lực bành trướng, xâm lược. Do trải qua nhiều thế kỷ chống kẻ thù xâm lược nên người Việt đã sớm biết chế tạo và sử dụng vũ khí để đánh giặc.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.