Hà Nam có 12 điểm du lịch được công nhận, trong đó 5 khu, điểm du lịch đã quy hoạch; gần 200 cơ sở lưu trú du lịch (2 khách sạn 5 sao, 9 khách sạn 3 sao, 18 khách sạn 1 - 2 sao) với tổng số gần 4.000 phòng đạt tiêu chuẩn; gần 30 doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển khách du lịch hoạt động ổn định. Lượng khách du lịch đến với Hà Nam trong những năm qua không ngừng gia tăng (bình quân mỗi năm du lịch Hà Nam tăng trưởng 20-25%), thúc đẩy sự phát triển của các đơn vị kinh doanh du lịch, nhu cầu nhân lực trong ngành du lịch vì thế cũng tăng theo.
Thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW, ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Tỉnh ủy Hà Nam đã cụ thể hóa bằng việc ban hành Nghị quyết 12, ngày 15/9/2021 về đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, trọng tâm là du lịch và logistics tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Hà Nam tăng cường tổ chức nhiều hoạt động nhằm quảng bá mạnh mẽ tiềm năng, thế mạnh, chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực phát triển dịch vụ du lịch; những nét đặc sắc hấp dẫn, giá trị nổi bật về tài nguyên du lịch; những điểm đến, những sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng... tới các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Điển hình là Tuần Văn hóa, Du lịch Hà Nam năm 2023 và Chương trình giao lưu biểu diễn nghệ thuật truyền thống Việt Nam - Nhật Bản nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản với chủ đề “Hà Nam - Hành trình kết nối”; Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển du lịch tỉnh Hà Nam năm 2023; ký kết biên bản hợp tác toàn diện giai đoạn 2023 - 2026 với Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines)…
Với tài nguyên du lịch tự nhiên, nhân văn phong phú, Hà Nam định hướng đa dạng các loại hình du lịch, gồm: du lịch tham quan danh thắng, di tích lịch sử văn hóa; du lịch văn hóa tâm linh; du lịch sinh thái; du lịch vui chơi giải trí, hội thảo, hội nghị; du lịch nghỉ dưỡng, thể thao; du lịch cộng đồng, làng nghề; du lịch cuối tuần… Bên cạnh đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động quản lý, quảng bá, phát triển du lịch và xây dựng chính sách, cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển du lịch, Hà Nam còn đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Thời điểm hiện tại, nguồn nhân lực hoạt động trong ngành du lịch Hà Nam đã có chuyển biến rõ rệt, từng bước đáp ứng yêu cầu hoạt động kinh doanh du lịch theo xu hướng văn minh. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động có chuyên môn, nghiệp vụ, được trang bị những kỹ năng cần thiết phục vụ du lịch (ngoại ngữ, khả năng giao tiếp, kinh nghiệm…) còn thấp, đặc biệt thiếu hụt nhân sự chất lượng cao. Nguyên nhân của thực trạng này là do Hà Nam chưa có hệ thống đào tạo riêng, chưa có cơ sở dạy nghề du lịch. Việc thu hút lao động được đào tạo bài bản, giàu kinh nghiệm về Hà Nam rất khó vì những đối tượng này yêu cầu cao về mức lương, môi trường làm việc cũng như điều kiện phát triển năng lực bản thân. Đặc biệt, sau dịch Covid-19, chuỗi cung ứng du lịch bị “đứt gãy” trong mấy năm liên tiếp, khiến số lượng lớn nhân sự bị mất việc hoặc chuyển sang việc khác, nhiều doanh nghiệp du lịch rơi vào tình trạng thiếu nhân sự, nhất là dịp cao điểm du lịch (nghỉ lễ, Tết, cuối tuần...).
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch theo “Đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Hà Nam giai đoạn 2019 - 2025” đã được UBND tỉnh phê duyệt, hằng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), Hiệp hội Du lịch tỉnh phối hợp với các cơ sở đào tạo lớn, các đơn vị, doanh nghiệp liên quan tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về du lịch cho lực lượng lao động du lịch. Nội dung tập huấn tập trung vào: nghiệp vụ hướng dẫn viên, quản lý cơ sở lưu trú, nghiệp vụ buồng, bàn, bar, lễ tân cho đội ngũ cán bộ, công chức quản lý du lịch, người lao động làm việc tại các đơn vị kinh doanh dịch vụ, khu, điểm du lịch. Điển hình như các lớp: tập huấn nghiệp vụ thuyết minh viên du lịch; bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý, nhân viên các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch (nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng)...
Chương trình tập huấn (do giảng viên Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội truyền đạt) có sự kết hợp hài hòa giữa lý thuyết và thực hành, đề cập đến những vấn đề nghiệp vụ cụ thể như: Tập huấn thuyết minh viên; tập huấn nâng cao kiến thức nghiệp vụ du lịch cộng đồng cho đội ngũ lái xe điện, bán hàng, chụp ảnh; quy trình tổ chức phục vụ khách; những yêu cầu về tác phong, trang phục cá nhân đáp ứng công việc chuyên môn; quản lý chất lượng dịch vụ; phối hợp công việc với các bộ phận liên quan; giao tiếp với khách hàng; xử lý những tình huống thường xuyên xảy ra; xử lý tình huống an ninh trong phục vụ, quy trình dọn buồng, kỹ năng sử dụng dụng cụ, hóa chất; quy trình phục vụ, tiêu chuẩn về vệ sinh...
Các lớp tập huấn này đã góp phần nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ quản lý, điều hành và hàng nghìn lao động phục vụ tại khu, điểm du lịch; nâng cao năng lực quản lý cho lãnh đạo, nhân viên các khách sạn, nhà hàng. Bên cạnh đó, Sở VH,TT&DL cũng đã triển khai hiệu quả công tác phối hợp, trao đổi kinh nghiệm, kết nối tour, tuyến với các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm thực hiện tốt liên kết phát triển du lịch, tích cực tham gia các hoạt động trọng điểm về du lịch (hội nghị, hội thảo, khảo sát, tọa đàm, hoạt động hợp tác, liên kết phát triển du lịch); các sự kiện du lịch lớn trong nước (hội chợ VITM, ITE…), qua đó lĩnh hội ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà đầu tư nhằm tăng cường học hỏi kinh nghiệm, đổi mới, phát triển sản phẩm du lịch, phát triển nguồn nhân lực ngày càng chất lượng, hiệu quả, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách.
Thời gian tới, Sở VH,TT&DL sẽ tiến hành điều tra, khảo sát, phân loại trình độ nghiệp vụ của lao động ngành du lịch, đưa ra kế hoạch, chương trình đào tạo phù hợp với năng lực, trình độ, yêu cầu công việc của từng đối tượng lao động. Chú trọng đào tạo, nâng cao kiến thức, nghiệp vụ quản lý nhà nước, phát triển sản phẩm, chuyển đổi số, xúc tiến, quảng bá, phát triển thương hiệu du lịch. Khuyến khích, hỗ trợ cán bộ học tập, nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Tiếp tục tranh thủ sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhân sự cấp cao trong hoạt động quản lý nhà nước về du lịch thông qua việc đề nghị tư vấn, mời góp ý cho chủ trương, chính sách định hướng phát triển du lịch, tổ chức tọa đàm, hội thảo chuyên đề… Đẩy mạnh tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt tại những địa phương có khu, điểm du lịch nhằm nâng cao nhận thức người dân về phát triển du lịch, lan tỏa thông điệp “mỗi người dân là một đại sứ du lịch”. Tích cực phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về du lịch, Bộ Quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch theo nhiều hình thức (kênh quảng bá du lịch, bảng nội quy tại khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, in tờ rơi, tập gấp, clip, phóng sự…). Khuyến khích hình thành đội ngũ tình nguyện viên hướng dẫn, hỗ trợ khách du lịch những dịp lễ, Tết...
Đề án “Phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Hà Nam giai đoạn 2019 - 2025” đã xác định rõ mục tiêu: phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, hợp lý về cơ cấu, trình độ, ngành nghề, nhất là đáp ứng khung trình độ chung của quốc gia về du lịch, đáp ứng quy mô phát triển du lịch; xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng, ý thức, tác phong phù hợp với nhiều thị trường khách du lịch, coi đây là nhân tố quan trọng tạo hình ảnh, thương hiệu cho du lịch Hà Nam; phấn đấu đến năm 2025 có trên 75% nhân lực phục vụ du lịch được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn du lịch, 100% thôn, làng, xã có hoạt động du lịch cộng đồng...
Để hiện thực hóa những mục tiêu trên cần có sự vào cuộc đồng bộ, tích cực, chủ động hơn nữa từ phía cấp ủy, chính quyền, nhà đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, nhất là những người trực tiếp làm du lịch.
Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức hội nghị truyền thông, tư vấn, đối thoại chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình năm 2024 cho cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh.
Sáng 24/11, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm các HTX và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2024. Dự hội nghị có các đồng chí: Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam; Bùi Văn Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo Liên minh HTX các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng; các đơn vị liên kết, kết nối tiêu thụ sản phẩm; đại diện các HTX sản xuất và cung ứng sản phẩm; các HTXDVNN, HTX kiểu mới ít thành viên tiêu biểu trong tỉnh…
Du lịch Hà Nam đang có những chuyển biến tích cực với lượng khách và doanh thu tăng trưởng cao. Thực hiện mục tiêu phát triển du lịch bền vững, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, các ngành chức năng của Hà Nam định hướng cần nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch. Để làm được điều này, việc phát triển nguồn nhân lực du lịch, trong đó đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch tại chỗ là việc quan trọng, cấp thiết.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.