Làng rau Trà Quế, Quảng Nam
Làng rau Trà Quế là đại diện duy nhất của Việt Nam đạt giải Làng du lịch tốt nhất thế giới 2024 của Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism), hôm 15/11.
Nằm cách phố cổ Hội An 3 km, làng rau cổ Trà Quế có niên đại từ thế kỷ XVI, được bao bọc bởi sông Cổ Cò và đầm Trà Quế.
Giải thưởng "Làng Du lịch tốt nhất" của UN Tourism năm 2024 được trao cho 55 làng trên toàn thế giới, nhằm nâng cao vai trò của du lịch trong bảo vệ các làng quê, gồm cảnh quan, hệ thống tri thức, đa dạng sinh học, văn hóa, các hoạt động địa phương bao gồm nông, lâm, chăn nuôi, thủy sản và ẩm thực.
Trà Quế là đại diện mới nhất của Việt Nam nằm trong danh sách này. Trước khi được UN Tourism vinh danh, đây cũng là điểm đến nổi tiếng của khách quốc tế khi đến Hội An.
Sau khi đánh giá hơn 260 hồ sơ đăng ký từ 60 quốc gia, UN Tourism đã ghi nhận tài nguyên văn hóa, thiên nhiên phong phú và nổi bật của Làng rau Trà Quế, cùng những cam kết và hành động của làng tuân thủ ba trụ cột chính về phát triển du lịch bền vững.
Hiện, làng Trà Quế có 202 hộ dân giữ nghề trồng rau với 326 lao động trên diện tích 18 hecta, mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Đến làng rau Trà Quế, du khách đi bộ hoặc đạp xe tham quan, làm nông dân, chế biến, thưởng thức các món ăn từ rau. Giá vé tham quan 35.000 đồng một khách.
Làng Tân Hóa, Quảng Bình
Ngày 19/10/2023, tại Samarkand, Uzbekistan, UN Tourism (khi đó là UNWTO - Tổ chức Du lịch thế giới) công bố Tân Hóa là "Làng du lịch tốt nhất thế giới 2023".
Năm ngoái, Việt Nam có 4 làng du lịch gửi hồ sơ từ các tỉnh Quảng Bình, Sơn La, Lai Châu và Hòa Bình nhưng Tân Hóa với mô hình "làng du lịch thích ứng với thời tiết" là nơi duy nhất được chọn.
Theo Cục Du lịch Quốc gia, UN Tourism ghi nhận tài nguyên văn hóa, thiên nhiên phong phú và nổi bật của làng Tân Hóa. Ngoài ra, những cam kết và hành động của làng về phát triển du lịch bền vững cũng là yếu tố giúp Tân Hóa được vinh danh.
Được xem là vùng "rốn lũ" của Quảng Bình, năm 2010, Tân Hóa chứng kiến trận lụt lịch sử với mực nước dâng cao 12 m, nhấn chìm hầu hết nhà cửa. Dân làng phải sơ tán lên các hang đá và vách núi tránh trú.
Năm 2011, người dân Tân Hóa làm nhà bè phao để sống chung với lũ và cải tiến thành mô hình nhà nổi vào năm 2012 để người dân có thể sinh hoạt bình thường trong lũ.
Hiện tại, Tân Hóa có hơn 600 căn nhà nổi được xây dựng 100% từ nguồn tiền ủng hộ của các "mạnh thường quân". Tân Hóa còn phát triển thêm mô hình trải nghiệm du lịch mùa lũ.
Làng Thái Hải, Thái Nguyên
Ngày 29/12, UNWTO công bố danh sách 32 làng du lịch tốt nhất thế giới 2022. Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải ở Thái Nguyên là đại diện duy nhất của Việt Nam.
Thái Hải nằm trên diện tích 25 hecta, với đồi núi, hồ nước lớn, cây cối cùng 30 ngôi nhà sàn có tuổi đời hàng trăm năm. Các nhà sàn này được phục dựng nguyên bản để bảo tồn.
Đây là khu bảo tồn theo kiểu nhà sàn mang nét văn hóa đồng bào dân tộc Tày, cụ thể là dân tộc Tày vùng An toàn khu (ATK) Định Hóa.
Đến nay, UN Tourism đã trao giải thưởng cho 130 làng trên toàn thế giới, trong đó có ba làng của Việt Nam.
Làng được lựa chọn phải nổi bật về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, đồng thời có các hành động đổi mới, cam kết phát triển du lịch phù hợp với các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc.
Chính phủ ban hành Nghị định 87/2025/NĐ-CP ngày 11/4/2025 quy định việc giảm tiền thuê đất năm 2024.
Bộ Nội vụ cho biết đã tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) trình Chính phủ xem xét để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, dự kiến khai mạc vào đầu tháng 5/2025.
Sản xuất vụ xuân luôn được xác định đóng vai trò chủ lực quyết định năng suất lúa của cả năm (chiếm 60%). Vì vậy, cùng với bảo đảm năng suất, cây lúa vụ xuân đang được đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống theo hướng hàng hóa chất lượng. Đây là hướng phát triển phù hợp với nhu cầu thị trường, góp phần nâng cao giá trị trên diện tích gieo cấy.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.