Nhiều bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới trung bình cả nước
Chiều 12/11, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, báo cáo giải trình một số vấn đề cử tri cả nước quan tâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, đầu tư công là một trong những động lực tăng trưởng; vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm, ban hành nhiều văn bản thúc đẩy phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công.
Cụ thể, đã ban hành 1 nghị quyết, 1 quyết định, 2 chỉ thị, 5 công điện, tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, thành lập 7 Tổ công tác đi kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Nhờ đó, tiến độ nhiều công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia được đẩy nhanh.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, như ý kiến của một số đại biểu Quốc hội đã nêu. Tỷ lệ giải ngân 10 tháng đạt 52,29% (cùng kỳ năm 2023 là 56,74%), giải ngân vốn ODA chỉ đạt 27,88%; có 29 bộ, cơ quan trung ương và 21 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới trung bình cả nước, trong đó 9 bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%.
Nguyên nhân được Thủ tướng chỉ ra là do một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật liên quan còn rườm rà, chồng chéo; vướng mắc về quy trình thủ tục đầu tư, nhất là các dự án ODA, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và quy hoạch sử dụng đất.
Cùng đó là việc thiếu nguồn cung ứng vật liệu (như thủ tục cấp phép chậm; trữ lượng của mỏ không đáp ứng yêu cầu; giá nguyên vật liệu không sát với giá thị trường…); công tác chuẩn bị dự án chưa tốt; sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc có nơi, có lúc còn thiếu quyết liệt, sâu sát, nhất là vai trò người đứng đầu.
Năng lực quản lý, điều hành của nhiều ban quản lý dự án còn hạn chế; sự phối hợp giữa các cơ quan còn thiếu chặt chẽ. Kỷ luật, kỷ cương có nơi chưa nghiêm; còn tình trạng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm…
Kịp thời điều chuyển vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt
Đề cập giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công với tinh thần “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm”, phấn đấu năm 2024 giải ngân trên 95% kế hoạch. Trong đó tập trung vào 6 nhóm giải pháp chủ yếu, cụ thể là:
Đề xuất Quốc hội tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc về pháp lý ngay trong Kỳ họp này, nhất là về quy trình thủ tục đầu tư, quy hoạch, tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, thủ tục đất đai, nguồn cung vật liệu…
Có giải pháp đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư.
Chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư dự án, bảo đảm khả thi hơn, hiệu quả hơn; kịp thời điều chuyển vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn.
Đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, như: cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và Cảng hàng không Quốc tế Long Thành...
Tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc, kỷ luật, kỷ cương gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công với tinh thần “5 rõ”, gồm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả; xử lý nghiêm các vi phạm.
Nâng cao hiệu quả của các tổ công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hoạt động giám sát của các đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tại các địa phương…
Đẩy mạnh truyền thông, xây dựng văn hoá tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn xã hội
Đề cập công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, bên cạnh một số kết quả tích cực đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ trong bài viết mới đây và các vị đại biểu Quốc hội đã nêu.
Về nguyên nhân, theo Thủ tướng, có tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết và còn mâu thuẫn, chồng chéo dẫn đến lãng phí nguồn lực. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính ở một số dự án còn chưa nghiêm. Sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chậm; tình trạng lãng phí về thời gian, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản chậm được khắc phục…
Ngoài ra, có nguyên nhân do một số quy định pháp lý, hiện tượng buông lỏng quản lý, tổ chức thực hiện còn bất cập, chưa theo kịp thực tiễn và yêu cầu phát triển; chưa quyết liệt, kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh; trình độ, năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế; sự phối hợp giữa các cơ quan còn chưa chặt chẽ, gây chậm trễ, kéo dài…
Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật; tiếp tục rà soát, cắt giảm và tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, nhất là chi thường xuyên; tăng cường thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực, nhất là về đầu tư, tài sản công, đất đai, khoáng sản…; xử lý nghiêm vi phạm với tinh thần “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.
Đồng thời, đơn giản hóa, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính; tập trung rà soát, xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng, kéo dài, kém hiệu quả, các tổ chức tín dụng yếu kém; đẩy mạnh truyền thông, xây dựng văn hoá tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn xã hội; xây dựng bộ máy hành chính nhà nước theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”.
Sáng 4/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Chính phủ quán triệt, triển khai về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".
Ban Chỉ đạo về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW vừa ban hành Văn bản số 134/TB-BCĐTKNQ18 Thông báo Kết luận của Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” tại Phiên họp thứ nhất ngày 30-11-2024.
Sáng 4/12, Kỳ họp thứ 21 (kỳ họp thường lệ cuối năm 2024) HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 chính thức khai mạc. Dự phiên khai mạc có các đồng chí: Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh; ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố; các đại biểu HĐND tỉnh khoá XIX…
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.