Không gian mạng là mặt trận chính của báo chí

Người đại biểu nhân dân 12:28 12/11/2024 TTXVN/baotintuc
Sáng 12/11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực Thông tin và Truyền thông.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thông tin và truyền thông là một ngành đa lĩnh vực, vừa hạ tầng, vừa kỹ thuật - công nghệ, vừa kinh tế, vừa chính trị, nhưng đều liên quan đến kỹ thuật số, bao gồm: hạ tầng số, công nghệ số, công nghiệp số, quản lý Nhà nước về báo chí, phát thanh-truyền hình, thông tin điện tử, thông tin cơ sở, xuất bản, in và phát hành, và cũng chủ yếu trên môi trường số, hạ tầng truyền thông số. Bởi vậy, nhiều người gọi Bộ Thông tin và Truyền thông là “Bộ Hạ tầng số”, “Bộ Chuyển đổi số”. Theo Bộ trưởng, ngành Thông tin-Truyền thông hiện nay có doanh thu hằng năm 150 tỷ USD, bằng 1/3 GDP của đất nước và tăng trưởng luôn cao hơn 2 lần tăng trưởng GDP. Đây là một ngành với nhiều công nghệ chiến lược như internet vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, tính toán lượng tử, trí tuệ thông minh, chuỗi khối, thực tế ảo và an toàn thông tin mạng. Đây là những công nghệ chiến lược mới trong lĩnh vực kỹ thuật số đang phát triển rất nhanh, tạo ra lực lượng sản xuất cơ bản, góp phần tạo ra một không gian số mới, tạo ra tài nguyên mới là dữ liệu số, nền tảng về hạ tầng số, công nghệ số và công nghiệp số để chuyển đổi số các ngành truyền thống rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên số. “Cho phép tôi xin được thay mặt ngành Thông tin và Truyền thông xin được trân trọng cảm ơn Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước đã quan tâm theo dõi, hỗ trợ, đóng góp nhiều ý kiến quý báu để giúp cho toàn ngành Thông tin và Truyền thông có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước, nhân dân giao phó”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh. Bộ trưởng cho biết trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng sẽ được các đại biểu Quốc hội chất vấn về ba nhóm vấn đề lớn thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông. Đối với ba nhóm vấn đề thuộc Bộ quản lý và được các đại biểu Quốc hội quan tâm lựa chọn tại Kỳ họp này là báo chí số, quảng cáo số và hạ tầng số, ngành Thông tin và Truyền thông đã đạt được một số kết quả.

Không gian mạng là mặt trận chính của báo chí 

Theo đó, báo chí cách mạng Việt Nam đã có những bước phát triển về nội dung và đội ngũ những người làm báo, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng; thông tin tuyên truyền đã phát huy vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận và niềm tin xã hội, khơi dậy khát vọng Việt Nam và biến nó thành sức mạnh tinh thần to lớn, góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược chuyển đổi số báo chí, coi không gian mạng là mặt trận chính của báo chí và thành hay bại là ở đây.

Nhiều cơ quan báo chí đã nỗ lực nghiên cứu, xây dựng đề án chuyển đổi số với mục tiêu xây dựng cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại, tiếp cận được đông đảo công chúng. Về quảng cáo số, theo Bộ trưởng, trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tăng cường giám sát hoạt động quảng cáo trên báo chí và trên môi trường mạng. Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan như Y tế, Công Thương, đẩy mạnh các biện pháp kỹ thuật về rà quét, phát hiện các quảng cáo vi phạm pháp luật, trong đó tập trung vào các nền tảng mạng xã hội lớn, có nhiều vi phạm như Facebook, YouTube và TikTok; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các nhãn hàng có nội dung quảng cáo vi phạm pháp luật; tập trung đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới để tuân thủ luật pháp Việt Nam. Về lĩnh vực viễn thông, Bộ trưởng cho biết, lĩnh vực này đang bước vào công cuộc đổi mới lần thứ hai. Hạ tầng viễn thông chuyển đổi thành hạ tầng số, hạ tầng của nền kinh tế số. Hạ tầng số Việt Nam bao gồm hạ tầng viễn thông-internet, hạ tầng dữ liệu và hạ tầng vật lý số, hạ tầng để biến thế giới vật lý thành thế giới số. Theo Bộ trưởng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã từng nhấn mạnh: hạ tầng số là hạ tầng chiến lược, giống như hạ tầng giao thông và điện; phải được đầu tư đi trước để phục vụ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số và xã hội số; phải lọt top 50 thế giới vào năm 2030 và top 30 vào năm 2045, có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng; phổ cập bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất ban hành nhiều chiến lược, kế hoạch, xác định rõ các nội hàm cũng như các yêu cầu phát triển cho hạ tầng số quốc gia, đặc biệt lưu ý đến nội dung phổ cập, nâng cao chất lượng hạ tầng số tại khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý, trên thực tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế, những vấn đề mới phát sinh thuộc chức năng quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông.

“Chúng tôi luôn coi những tồn tại, hạn chế này là động lực để thúc đẩy phát triển ngành. Các vấn đề mà các vị đại biểu Quốc hội sẽ nêu ra ngày hôm nay, dưới các góc nhìn khác nhau, cách tiếp cận khác nhau, trong các ngữ cảnh khác nhau, chắc chắn sẽ giúp chúng tôi nhìn thấy rõ hơn và toàn cảnh hơn về ngành mình; nhìn thấy rõ hơn những vấn đề của mình, những hạn chế-tồn tại của mình và trách nhiệm của mình, cũng như hé mở những giải pháp mới, cách làm mới, cách tiếp cận mới. Đất nước ta đang đứng trước vận hội mới, vừa là thời cơ nhưng cũng là thách thức trên con đường phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng và với sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân và của cả hệ thống chính trị, chúng ta nhất định sẽ thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi số, đưa đất nước ta, dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng mong muốn tiếp nhận các chất vấn của các đại biểu Quốc hội và sẽ trả lời một cách trách nhiệm nhất, với tinh thần nghiêm túc và thực sự cầu thị. Những vấn đề còn thiếu thông tin, số liệu, Bộ trưởng xin phép Quốc hội được trả lời thêm bằng văn bản; đối với những vấn đề lớn, phức tạp, không thể trả lời ngay sẽ được báo cáo chuyên đề với Quốc hội nhằm giải quyết triệt để hơn. Tiếp sau phần phát biểu giải trình đầu giờ của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, có 94 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu chất vấn.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Đảng ủy Quân sự Bình Lục ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2025

Quốc phòng  |  18:09 14/11/2024

Chiều 14/11, Đảng ủy Quân sự (ĐUQS) huyện Bình Lục tổ chức hội nghị ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2025. Đồng chí Trịnh Hồng Phong, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Bí thư ĐUQS tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh dự, chỉ đạo hội nghị.

Sơ kết một năm thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù

Xã hội  |  18:07 14/11/2024

Chiều 14/11, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Hà Nam tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm phối hợp triển khai thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù (Quyết định 22). 

12 tỉnh, thành phố giảm một đơn vị hành chính cấp huyện, 161 đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp

Chính trị  |  12:33 14/11/2024

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sắp xếp, thành lập đối với 6 đơn vị hành chính cấp huyện và 361 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 5 đơn vị hành chính cấp huyện và 200 đơn vị hành chính cấp xã mới của 12 tỉnh, thành phố.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC