Từ đầu năm đến nay, chị Nguyễn Kim Toàn, cán bộ nhân sự Công ty Cổ phần Elmich (huyện Bình Lục) thường có mặt ở các sàn giao dịch việc làm với mong muốn tìm kiếm được lao động cho công ty. Trong quá trình tiếp xúc, trao đổi và nắm bắt nhu cầu của lao động, chị Nguyễn Kim Toàn và đội ngũ người làm công tác nhân sự của các doanh nghiệp biết rằng người lao động (NLĐ) luôn có nhu cầu tìm được công việc ổn định, mức thu nhập tốt, môi trường làm việc an toàn, chế độ đãi ngộ tốt để gắn bó nhưng hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đang gặp vô vàn khó khăn do những tác động khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Cùng với đó, trước những yêu cầu về mức lương, thưởng, chế độ đãi ngộ “phải tăng định kỳ”, “tăng hơn các doanh nghiệp khác” của NLĐ càng gây khó cho công tác tuyển dụng của doanh nghiệp. Vì thế, chị Nguyễn Kim Toàn khẳng định: Việc “gặp được nhau” hay “không gặp được nhau” giữa doanh nghiệp và NLĐ vẫn xuất phát từ mong muốn của NLĐ về chuyện lương cao, công việc không vất vả…
Sự kiên trì của các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm lao động càng ngày càng nhìn thấy rõ khi những cán bộ nhân sự của hàng trăm công ty đóng trên địa bàn Hà Nam luôn theo dõi, bám sát các sàn giao dịch việc làm, tuyển dụng trực tiếp và gián tiếp bằng nhiều hình thức. Ông Nguyễn Đức Được, Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Hoàn Dương (KCN Đồng Văn I, thị xã Duy Tiên, gọi tắt là Công ty Hoàn Dương) cho biết: Hơn 20 năm sản xuất và kinh doanh trên địa bàn tỉnh, chưa bao giờ việc tuyển dụng lao động của đơn vị lại gặp khó khăn như thời điểm này. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi mới chỉ tuyển dụng được 40 lao động và từ nay đến hết năm, công ty có nhu cầu cần tuyển thêm gần 30 người nữa. Tuy nhiên, với tình hình này, việc tuyển được đủ số lao động cần cho các vị trí trong công ty không hề dễ... Là đơn vị chuyên sản xuất thức chăn nuôi, Công ty Hoàn Dương luôn nỗ lực duy trì mức lương chi trả cho NLĐ ở mức vượt sàn và thực hiện nghiêm túc, đúng quy định các chế độ đãi ngộ với NLĐ. Vào những tháng cuối năm, lượng hàng sản xuất cần tăng cường để đáp ứng nhu cầu khách hàng, chúng tôi cần thêm lao động cho các dây chuyền, các vị trí quan trọng, chúng tôi phải đến đây để kiếm tìm và thúc đẩy hoạt động tuyển dụng lao động ở các sàn giao dịch tốt hơn.
Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, nhu cầu tuyển dụng thực tế của doanh nghiệp từ giờ đến hết năm rất cao. Qua khảo sát nhu cầu tuyển dụng ở gần 100 doanh nghiệp, chủ yếu trong các khu công nghiệp, lượng lao động cần tuyển thời điểm này gần 10.000 người. Với vai trò kết nối cung cầu, ổn định thị trường lao động, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã đa dạng các hình thức tổ chức sàn giao dịch, mở rộng liên kết với các sàn giao dịch việc làm của trung tâm dịch vụ các tỉnh lân cận, miền núi phía Bắc, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối cung cầu lao động. Thời điểm cuối năm, khi nắm rõ nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp rất cao, trung tâm đã hướng hoạt động tìm kiếm lao động của doanh nghiệp đến các đối tượng mới mãn hạn tù, được đặc xá tha tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng, đối tượng người vừa mất việc, đang tìm kiếm việc làm, học sinh các trường THPT, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên chuẩn bị ra trường…
Tại các phiên giao dịch việc làm được tổ chức trong tháng 9, tháng 10 và đầu tháng 11, mặc dù mỗi phiên có vài chục doanh nghiệp đến tuyển dụng lao động, nhưng kết quả tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp hầu như không như mong muốn. Anh Mai Tuấn Hùng, Tổ dân phố Tân An, thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục vừa nghỉ làm ở một doanh nghiệp, đến sàn giao dịch tìm việc, nhưng với tâm thế, có việc cũng được, không cũng được, vì thời điểm này có đi làm cũng không có tiền thưởng Tết đầy đủ. Vì thế, “tìm kiếm việc làm tự do là giải pháp trước mắt, chờ đến đầu năm sau sẽ tính tiếp” - anh Hùng cho biết. Còn chị Phạm Thị Lệ, xã Bồ Đề, huyện Bình Lục, bỏ việc trong Nam, về Bắc với gia đình khi đang mang thai 2 tháng, đến tìm việc làm, nhưng công việc phải đáp ứng yêu cầu nhẹ nhàng, có thời gian nghỉ ngơi để chăm sóc thai sản, bảo đảm chế độ chính sách với NLĐ đầy đủ.
Với thực tế cung - cầu lao động hiện nay, mặc dù các doanh nghiệp đôn đáo tìm kiếm lao động bằng nhiều hình thức, nhưng vẫn gặp khó. Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, nếu các doanh nghiệp mà tuyển dụng được lao động mới hiện nay thì đại đa số là lao động dịch chuyển từ doanh nghiệp nọ sang doanh nghiệp kia. Đồng thời, những doanh nghiệp mới thành lập cần lao động, khi đến với trung tâm thì chúng tôi phải liên hệ đến những nơi xa, vùng cao, vùng sâu, vùng xa mới có thể đáp ứng nhu cầu tuyển dụng.
Chiều 14/11, Đảng ủy Quân sự (ĐUQS) huyện Bình Lục tổ chức hội nghị ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2025. Đồng chí Trịnh Hồng Phong, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Bí thư ĐUQS tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh dự, chỉ đạo hội nghị.
Chiều 14/11, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Hà Nam tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm phối hợp triển khai thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù (Quyết định 22).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sắp xếp, thành lập đối với 6 đơn vị hành chính cấp huyện và 361 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 5 đơn vị hành chính cấp huyện và 200 đơn vị hành chính cấp xã mới của 12 tỉnh, thành phố.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.