Phú Thọ cách Hà Nội gần 100 km, với khoảng một tiếng rưỡi lái xe. Tỉnh nằm ở vùng chuyển tiếp giữa miền núi phía bắc và đồng bằng Bắc Bộ, có những con sông nổi tiếng như sông Thao, sông Lô, sông Đà, gần núi Tam Đảo và Ba Vì. Từ Hà Nội, có nhiều hướng di chuyển tới Phú Thọ, đường đi thuận tiện.
Vào mùa thu đông, thời tiết se lạnh, Phú Thọ là điểm đến thích hợp với trải nghiệm tắm khoáng nóng và thư giãn. Hành trình 48 giờ ở Phú Thọ dựa trên tư vấn của Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh và trải nghiệm của phóng viên VnExpress.
Ngày 1
Tắm khoáng nóng Thanh Thủy
Huyện Thanh Thủy là điểm đến nổi tiếng ở miền Bắc cho hoạt động tắm khoáng. Từ Hà Nội, du khách đi hết CT03 (cao tốc Láng - Hòa Lạc), sau đó đi thêm khoảng 35 km nữa để tới Thanh Thủy. Huyện có nhiều điểm và hình thức tắm khoáng nóng, từ bình dân đến cao cấp, kết hợp với onsen kiểu Nhật. Giá vé một người dao động từ khoảng 100.000 đồng đến một triệu đồng một lượt.
Du khách có thể chọn một số địa chỉ như: khu sinh thái Tre Nguồn, bể khoáng Đảo Ngọc Xanh, Ohayo Onsen & Spa (Wyndham Lynn Times Thanh Thủy), Thanh Lâm Resort.
Du khách cần ăn sáng đủ, uống nhiều nước trước và trong quá trình tắm khoáng nóng, xông hơi. Những người có vấn đề về tim mạch, huyết áp, nên lưu ý hoặc hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng dịch vụ.
Các điểm tắm khoáng có dịch vụ ăn trưa.
Check in phòng nghỉ tại các khu khoáng nóng
Các điểm tắm khoáng kể trên đều có dịch vụ lưu trú qua đêm. Du khách có thể lựa chọn các dạng phòng kiểu khách sạn cao tầng hay các biệt thự, khu nghỉ dưỡng. Giá phòng dao động từ 300.000 đồng đến hơn hai triệu đồng một đêm.
Ngắm hoàng hôn trên đồi chè
Từ Thanh Thủy di chuyển khoảng 45 phút bằng ôtô, du khách sẽ đến những đồi chè lớn của Phú Thọ như Long Cốc hay Mỹ Thuận, thuộc huyện Tân Sơn. Những nơi này đẹp nhất lúc hoàng hôn.
Những đồi chè nằm sát nhau, từ trên cao trông như những chiếc bát úp khổng lồ, xanh ngắt, nhấp nhô như những con sóng. Những đồi chè này từ lâu đã nổi tiếng với vẻ đẹp yên bình và những nét văn hóa của dân tộc Mường - Dao thể hiện qua hoạt động hái chè, ngày hội trên những đồi chè, trang phục của người dân.
Để chụp ảnh đúng lúc mặt trời bắt đầu lặn, du khách nên đến trước 17h, đồng thời xem thời tiết.
Ăn tối đặc sản địa phương
Xung quanh khu vực các điểm tắm khoáng nóng ở Thanh Thủy có nhiều nhà hàng địa phương như Dũng Râu, Hương Quê, Vũ Gia, Thành Công. Các món ăn được gợi ý: gà đồi, cá sông và các món ăn dân tộc.
Ngày 2
Thăm di tích đền Hùng
Sau bữa sáng ở khách sạn, du khách di chuyển từ Thanh Thủy theo hướng thành phố Việt Trì, khoảng cách 33 km, để thăm di tích Đền Hùng. Ngày giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra vào mùng 10 tháng 3 Âm lịch hằng năm. Nếu đến đây không phải dịp lễ, du khách sẽ có cơ hội tận hưởng khung cảnh thiên nhiên yên bình, không chen chúc.
Đền Hùng có 4 điểm tham quan chính gồm đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân trên núi Sim, đền thờ Tổ mẫu Âu Cơ trên núi Vặn, bảo tàng Hùng Vương và đền thờ các vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh (núi Hùng). Du khách sẽ leo khoảng 500 bậc thang để lên đến điểm cuối là đền Thượng. Dọc đường đi có nhiều điểm tham quan như giếng cổ, chùa Thiên Quang, cột đá thề, lăng Hùng Vương.
Lưu ý chọn giày bệt để thuận tiện di chuyển, và mang theo nước uống. Thời gian thăm Đền Hùng khoảng 4-5 tiếng.
Ăn trưa cá lăng Việt Trì
Đến Việt Trì không thể bỏ qua các nhà hàng cá lăng, một trong những niềm tự hào về ẩm thực của người địa phương. Thịt cá lăng chắc, ngọt, ít xương nên xưa thường được dùng để tiến vua. Các món ăn từ cá lăng như gỏi cá trộn hành tím, nướng riềng mẻ, nướng lá lốt, lẩu măng chua, cá hấp xì dầu. Ngoài ra, du khách có thể thưởng thức cá kho ăn cùng cơm nóng, món ăn từng vào top đặc sản Việt Nam (theo VietKings).
Địa chỉ tham khảo: nhà hàng cá lăng sông Đà Việt Trì, Long Gia Quán, quán cá Hạc Trì - nhà hàng Tiến Hưng, nhà hàng Hoa Cau - quán cá sông Việt Trì.
Lựa chọn thay thế: thác Mây (huyện Thanh Sơn), đền Mẫu Âu Cơ (huyện Hạ Hòa), đèo Khế (huyện Tân Sơn).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sắp xếp, thành lập đối với 6 đơn vị hành chính cấp huyện và 361 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 5 đơn vị hành chính cấp huyện và 200 đơn vị hành chính cấp xã mới của 12 tỉnh, thành phố.
Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tạo chuyển biến tích cực trong phát triển văn hóa nông thôn, xây dựng nông thôn mới (NTM), xây dựng nếp sống văn minh đô thị, vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 54 (ngày 7/10/2024) Quy định chi tiết tiêu chuẩn, cách thức đánh giá, bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” trên địa bàn tỉnh Hà Nam (Quyết định 54).
Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2024), sáng 14/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với nhân dân các dân tộc khu dân cư khu 8, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.