Ngăn chặn nạn đánh cắp thông tin cá nhân trên môi trường mạng

An ninh 10:46 09/11/2024 NDO
Thời gian qua, cùng với sự gia tăng sử dụng các nền tảng mạng xã hội, nhiều vụ lừa đảo đã xảy ra, quyền riêng tư của người dùng bị xâm phạm, thông tin cá nhân dễ bị lạm dụng và mua bán công khai trên mạng xã hội.

Fanpage giả mạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn người dân tham gia cuộc thi ảnh “Phụ nữ yêu thể thao” 2024 để lừa đảo.

Mới đây, trên cổng thông tin điện tử của Cục Ðăng kiểm Việt Nam đăng thông tin: Thời gian vừa qua, tài khoản ngân hàng của Cục Ðăng kiểm Việt Nam nhận được các khoản tiền từ 10-23.000 đồng được chuyển khoản từ các tài khoản cá nhân, hầu hết không ghi rõ nội dung chuyển tiền.

Căn cứ thông tin về biển số xe được ghi tại nội dung chuyển tiền của một số chủ phương tiện, Cục Ðăng kiểm Việt Nam đã liên hệ và được biết: Xuất hiện nhóm đối tượng gọi điện cho chủ phương tiện, thông báo rằng kể từ 1/10/2024, Cục Ðăng kiểm Việt Nam sẽ thay đổi mẫu tem kiểm định và đề nghị chủ phương tiện muốn được đổi tem mới thì thanh toán khoản tiền là 10.000 đồng/tem cùng tiền cước vận chuyển là 23.000 đồng về tài khoản của Cục Ðăng kiểm Việt Nam.

Nhóm đối tượng này còn hướng dẫn chủ phương tiện truy cập vào một đường link giả mạo Cục Ðăng kiểm Việt Nam để khai báo thông tin cá nhân phục vụ cho việc đổi tem. Khi truy cập vào đường link giả mạo nêu trên, chủ phương tiện sẽ có nguy cơ bị lừa đảo chiếm đoạt tiền.

Cục Ðăng kiểm Việt Nam đã có văn bản thông báo các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới cảnh báo tới các chủ phương tiện trên địa bàn quản lý.

Theo đó, Cục Ðăng kiểm Việt Nam khẳng định, không có yêu cầu về đổi tem kiểm định, không có yêu cầu hay thông báo gì đối với các chủ phương tiện về việc chuyển tiền để thực hiện dịch vụ đổi tem kiểm định. Mọi yêu cầu, thông báo chuyển tiền từ các cuộc gọi hay tin nhắn của những số điện thoại lạ (không do Cục Ðăng kiểm Việt Nam niêm yết công khai) thì chủ phương tiện tuyệt đối không thực hiện chuyển tiền, không truy cập vào các đường link giả mạo. Ðồng thời, Cục Ðăng kiểm Việt Nam có văn bản gửi Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) về vụ việc này.

Ban tổ chức giải chạy Nha Trang Night Run Sanvinest-Báo Khánh Hòa 2024 cũng vừa phát đi thông báo về việc xuất hiện tài khoản facebook giả mạo Ban tổ chức đăng tải thông tin sai lệch, giả mạo giải chạy nhằm lừa đảo người tham gia.

Tại fanpage giả mạo này, các đối tượng đã cung cấp số tài khoản: 9486786839, được mở tại ngân hàng Techcombank, chủ tài khoản là Công ty TNHH COAREST, thành lập ngày 16/10/2024, ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn đồ dùng gia đình, do Hồng Thu Hà làm đại diện pháp luật.

Ðây không phải lần đầu tiên xuất hiện các fanpage giả mạo chương trình Nha Trang Night Run Sanvinest, khiến không ít nạn nhân bị chiếm đoạt tài sản, gây ảnh hưởng đến uy tín hình ảnh của chương trình.

Thủ đoạn chung của các đối tượng là tạo lập các fanpage giả mạo giống giao diện của fanpage chính thống, rồi đăng tải những thông tin sai lệch về các chương trình, đính kèm với các hình ảnh được thiết kế tinh vi hoặc sao chép từ fanpage chính thức, khiến nhiều người tin tưởng. Khi nạn nhân đã “sập bẫy”, các đối tượng lừa đảo yêu cầu thanh toán các khoản tiền như phí tham gia chương trình, phí hệ thống, hoặc các chi phí phát sinh khác. Sau khi nạn nhân chuyển tiền theo yêu cầu, đối tượng chặn mọi liên lạc và chiếm đoạt toàn bộ số tiền.

Công an huyện Ðắk R’Lấp (Ðắk Nông) cũng vừa tạm giữ hình sự đối tượng Trần Văn Lộc (sinh năm 2003, trú tại huyện Krông Bông, tỉnh Ðắk Lắk) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo kết quả điều tra, đối tượng này đã sử dụng tài khoản facebook tham gia vào các hội nhóm nhằm mục đích lấy thông tin, hình ảnh của người đang có nhu cầu bán xe ô-tô, xe máy đã qua sử dụng, rồi tải về đăng trên trang cá nhân mang tên “Nguyễn Hữu Lưu”, rao bán hàng với giá rất thấp.

Khi khách đồng ý mua, đối tượng yêu cầu đặt cọc bằng phương thức chuyển khoản. Nhận được tiền cọc, đối tượng tiếp tục đưa ra nhiều lý do khác để tạo lòng tin khiến khách gửi thêm tiền cọc rồi chặn mọi liên lạc. Từ tháng 1/2024 đến khi bị bắt, Trần Văn Lộc đã lừa đảo, chiếm đoạt khoảng 500 triệu đồng của hàng trăm người.

Cả nước hiện có khoảng hơn 70 triệu người sử dụng internet. Trong giai đoạn đẩy mạnh và tăng tốc chuyển đổi số hiện nay, các đối tượng xấu đã lợi dụng sự bùng nổ về công nghệ thông tin, những tiện ích mà công nghệ thông tin mang lại để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao.

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, từ ngày 28/10-3/11/2024, Cục ghi nhận và đánh giá có 3 thủ đoạn lừa đảo được các đối tượng sử dụng nhiều để đánh cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản của người dùng Việt Nam. Trước đó, tháng 8/2024, cơ quan này đã công bố 24 hình thức lừa đảo trực tuyến nhằm giúp bạn đọc nhận biết các dấu hiệu, đối tượng nhắm đến và biện pháp phòng tránh cho từng chiêu thức lừa đảo này.

Ðể bảo vệ người dân, cộng đồng trước vấn nạn lừa đảo trực tuyến, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng đã triển khai nhiều biện pháp kỹ thuật, hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho khách hàng, người dân. Một số biện pháp đã bước đầu mang lại hiệu quả nhất định.

Tuy vậy, các giải pháp đã triển khai còn chưa được đồng bộ và thống nhất giữa các bộ, ngành, địa phương. Vì thế, Cục An toàn thông tin cho rằng, để giải quyết lừa đảo trực tuyến cũng tương tự như lừa đảo trên đời thực, cần có sự tham gia phối hợp, đồng bộ của các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương, trong đó nòng cốt chính là lực lượng công an làm nhiệm vụ phòng, chống tội phạm công nghệ cao.

Ðây cũng là vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm. Tại phiên thảo luận của Quốc hội đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, đại biểu Trần Quốc Tuấn, Ðoàn Trà Vinh và các đại biểu khác phản ánh: Hiện nay, cùng với sự gia tăng sử dụng các nền tảng mạng xã hội, nhiều trường hợp bị lừa đảo đã xảy ra; nhất là quyền riêng tư của người dùng dễ bị xâm phạm, thông tin cá nhân dễ bị lạm dụng và mua bán công khai trên mạng xã hội.

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2023, Việt Nam nằm trong số 10 điểm nóng tội phạm mạng hàng đầu thế giới. Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam đã ghi nhận khoảng 13.900 vụ tấn công mạng vào các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, và nhận được gần 16.000 phản ánh về các trường hợp lừa đảo trên mạng. Tổng số tiền người dân bị lừa đảo trên mạng khoảng 8.000-10.000 tỷ đồng, tăng gấp 1,5 lần so năm 2022; trong đó, 91% liên quan đến giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng-tài chính. Bên cạnh đó, số thông tin cá nhân của người dùng bị đánh cắp trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 50% so với cùng kỳ 2023, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.

Từ thực trạng trên, các đại biểu Quốc hội kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo giải quyết căn cơ xử lý ngăn chặn các vụ lừa đảo và đánh cắp thông tin cá nhân trên mạng xã hội.

“Ðề nghị người dân cẩn trọng trước các bài đăng, thông tin không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội; không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm; không làm theo hướng dẫn, không giao dịch chuyển tiền cho các đối tượng lạ, không chuyển tiền vào các tài khoản không rõ danh tính; không truy cập vào các đường dẫn do đối tượng lạ gửi đến hoặc tải về những ứng dụng không rõ nguồn gốc. Tuyệt đối không chia sẻ số tài khoản ngân hàng, mã OTP, mật khẩu, hoặc bất kỳ thông tin nhạy cảm nào. Trong trường hợp nghi ngờ bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời”.

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông)

TIN MỚI CẬP NHẬT

Thu hút và trọng dụng nhân tài

Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ đang đặt ra nhiều thách thức đối với việc sử dụng nguồn nhân lực sao cho hiệu quả. Từ đây đòi hỏi chính sách sử dụng nhân tài cần được chú trọng trong xây dựng chiến lược phát triển con người.

Phát động cuộc thi "Chữ đẹp Việt" cho học sinh tiểu học trên toàn quốc

Giáo dục  |  18:17 24/11/2024

Cuộc thi "Chữ đẹp Việt" nhằm khuyến khích các em rèn luyện viết chữ đẹp, góp phần giữ gìn và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đây là cuộc thi hoàn toàn miễn phí, tạo sân chơi cho các em học sinh rèn chữ viết, hình thành tính kiên trì, kỷ luật.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Phiên họp toàn thể Nghị viện quốc tế vì Bao dung và Hòa bình lần thứ 11

Chính trị  |  13:43 24/11/2024

Sáng nay, 24/11, tại Thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự và có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 11 Nghị viện quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP 11) với chủ đề “Tìm kiếm hòa bình, hòa giải và bao dung”.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC