Chỉ cần một chiếc máy tính kết nối internet hoặc điện thoại thông minh cài đặt phần mềm truyền thanh thông minh, dù không ở công sở nhưng nhân viên phụ trách Đài truyền thanh thị trấn Tân Thanh (huyện Thanh Liêm) vẫn có thể cho phát các nội dung quan trọng trên hệ thống loa truyền thanh. Ông Đỗ Văn Dĩnh, nhân viên kỹ thuật Đài truyền thanh thị trấn Tân Thanh cho biết: Từ tháng 7/2022, thị trấn Tân Thanh đã đầu tư xây dựng hệ thống truyền thanh thông minh với 50 cụm loa và máy tính, bộ tích hợp, thiết bị thu phát, thiết bị tích hợp số hóa, sim 4G... thực hiện phủ sóng tại 9 tổ dân phố. Ứng dụng đài truyền thanh thông minh vận hành dựa trên nền tảng hạ tầng sóng 4G của nhà mạng. Mỗi lần phát sóng, tôi chỉ cần máy tính có kết nối internet hoặc điện thoại thông minh có cài đặt sẵn phần mềm là có thể ngồi bất cứ nơi đâu để lập lịch phát sóng, kiểm tra thiết bị và vận hành toàn bộ hệ thống. Điều này giúp người phụ trách đài truyền thanh cơ sở tiết kiệm thời gian, công sức mà vẫn bảo đảm về hiệu suất công việc. Trước đây, để vận hành các cụm loa cần dây kết nối, còn hiện tại vận hành dựa vào nền tảng sóng 3G, 4G nên không lo bị đứt gãy, chất lượng âm thanh cũng tốt hơn.
Cùng với hệ thống truyền thanh hữu tuyến, từ năm 2021, xã La Sơn (huyện Bình Lục) cũng đưa vào thử nghiệm ứng dụng đài truyền thanh thông minh và thực hiện chuyển đổi hoàn toàn sang hệ thống truyền thanh thông minh từ năm 2022 đến nay. Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã La Sơn cho biết: Xã đã trích ngân sách địa phương đầu tư máy móc, thiết bị và 27 cụm loa để vận hành hệ thống đài truyền thanh thông minh với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Cùng với đó, hằng năm, trích khoảng 70 triệu đồng để duy trì hoạt động của hệ thống này. Hệ thống truyền thanh thông minh có ưu điểm là linh hoạt trong việc phát các bản tin, có thể lựa chọn để phát tới từng cụm loa hoặc từng khu vực; theo dõi được trạng thái của từng cụm loa (đang hoạt động hay bị trục trặc...) để khắc phục, sửa chữa kịp thời; tín hiệu ổn định, không bị chèn sóng, đè sóng hoặc nhiễu khi có mưa bão. Với tính ưu việt này, những hạn chế của hệ thống truyền thanh cũ như: bắt buộc phải có diện tích đặt bộ thu phát, thiết bị tăng âm, phụ trợ, dễ bị nhiễu sóng trong mùa mưa bão, nhân lực bảo dưỡng lớn… nay đã được khắc phục hoàn toàn.
Cùng với La Sơn, đến nay toàn huyện Bình Lục đã có 11/17 xã, thị trấn triển khai thực hiện đài truyền thanh thông minh, trong đó 7 xã áp dụng đồng bộ, 4 xã, thị trấn thực hiện thí điểm tại 1 - 2 thôn, tổ dân phố. Ông Phạm Minh Khánh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bình Lục cho biết: Hệ thống truyền thanh thông minh đã góp phần nâng cao chất lượng nội dung và đổi mới phương thức cung cấp thông tin theo hướng chủ động, kịp thời, chính xác, hiệu quả, phục vụ chỉ đạo của chính quyền các cấp, đặc biệt là tại cơ sở. Việc đầu tư hệ thống truyền thanh thông minh ở cấp xã cũng góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại địa phương. Không chỉ bảo đảm về mặt mỹ quan, loa truyền thanh ứng dụng công nghệ số có chất lượng âm thanh tốt và đồng đều trên toàn tuyến; việc lắp đặt, bảo trì, sửa chữa đỡ vất vả hơn. Huyện đặt mục tiêu năm 2025 sẽ phủ sóng đài truyền thanh thông minh tại 100% xã, thị trấn.
Với thành phố Phủ Lý, do một số địa phương trên địa bàn đang trong quá trình sáp nhập và dự kiến sẽ hoàn thành trong quý IV/2024 nên thời gian qua, thành phố chưa triển khai áp dụng hệ thống đài truyền thanh thông minh. Ông Phạm Hồng Dũng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Phủ Lý chia sẻ: Thành phố Phủ Lý hiện có 21 xã, phường và sau sáp nhập giảm còn 14 xã, phường. Dự kiến trong quý I/2025, thành phố sẽ triển khai mô hình đài truyền thanh thông minh đồng bộ tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố và 100% xã, phường. Đối với khối xã, sẽ ưu tiên triển khai trước tại các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, sau đó đến các đơn vị khối phường. Ngoài hệ thống máy chủ, máy tính, toàn thành phố dự kiến có khoảng 100 cụm loa đặt tại các địa phương; tổng kinh phí đầu tư khoảng 27 tỷ đồng.
Truyền thanh thông minh được xem là giải pháp tối ưu cho hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở, bảo đảm thông tin được thông suốt, phát thanh trên diện rộng, kịp thời, dễ dàng tổ chức tiếp sóng các chương trình, kế hoạch tuyên truyền mang tính đột xuất... qua đó, tăng hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền ở cơ sở, bắt kịp xu thế phát triển của thời đại 4.0. Với nhiều lợi thế và tiện ích, việc đưa vào sử dụng hệ thống đài truyền thanh thông minh được xem là xu thế tất yếu trong bối cảnh hiện nay sẽ góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số, xây dựng đô thị văn minh, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền trong tình hình mới.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống đắc cử Donald Trump ngày 13/11 đã gặp nhau tại Nhà trắng để thảo luận về công tác chuyển giao quyền lực sau khi ứng cử viên đảng Cộng hòa giành chiến thắng thuyết phục trong cuộc bầu cử vừa qua trước ứng cử viên đảng Dân chủ, Phó Tổng thống Kamala Harris.
Ngày 13/11 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo quốc tế “Chia sẻ kết quả ban đầu triển khai mô hình chăm sóc và điều trị viêm gan B, C tại tuyến y tế cơ sở”.
Triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), tỉnh Hà Nam đã có hàng trăm sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Ngoài ra, tỉnh còn có nhiều sản phẩm nông sản sạch, an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu có mặt tại các kênh bán lẻ hiện đại, được thị trường đón nhận.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.