Theo tổng hợp của Chi nhánh NHNN Hà Nam, tính đến cuối tháng 10/2024, dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt khoảng hơn 77.200 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với đầu năm. Trong tổng dư nợ trên, được phân theo các mức lãi suất: Từ 7% trở xuống có hơn 39.560 tỷ đồng (chiếm 51,34% tổng dư nợ); từ trên 7%/năm - 10%/năm có 27.069 tỷ đồng (chiếm 35,13%); từ trên 10%/năm - 11%/năm có 8.485 tỷ đồng (chiếm 11,01%); từ trên 11%/năm - 13%/năm có 1.463 tỷ đồng (chiếm 1,9%); trên 13%/năm là 471 tỷ đồng (chiếm 0,61%).
Trong 10 tháng năm 2024, các NHTM trên địa bàn tỉnh đã chủ động nắm chắc diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong, ngoài nước và bám sát chỉ đạo của NHNN, thường xuyên rà soát tổng thể các mặt hoạt động, các quy định của pháp luật có liên quan để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản trị; đồng thời tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi và phấn đấu giảm lãi suất cho vay; tháo gỡ và thúc đẩy tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, phục vụ đời sống, tiêu dùng; tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo đúng quy định. Đặc biệt, các NHTM đã triển khai đồng bộ, kịp thời một số biện pháp khắc phục bão lụt, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh; triển khai mạnh các giải pháp kích cầu tiêu dùng, nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trên địa bàn.
Để nâng cao chất lượng tín dụng, thời gian qua các NHTM còn chú trọng phân tích tình hình hoạt động của người vay; nghiên cứu, nâng cao chất lượng thẩm định các khoản vay, các dự án đầu tư, chú ý phân tích hiệu quả những yếu tố tác động đến dự án để thấy được rủi ro của khoản vay và thực hiện tốt công tác kiểm tra tín dụng. Bên cạnh đó, các NHTM cũng thường xyên nghiên cứu đưa vào áp dụng mô hình quản lý rủi ro phù hợp với những quy định hiện hành, đặc điểm hoạt động của mình; đồng thời tăng cường quản lý nhân lực và đào tạo cán bộ cả về trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức; chú trọng đầu tư công nghệ thông tin nhằm phục vụ cho việc phân tích, đánh giá, đo lường rủi ro, trong đó có rủi ro tín dụng...
Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nam II cho biết: Để nâng cao chất lượng tín dụng, ngân hàng thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan lựa chọn tổ chức một số khóa đào tạo và bồi dưỡng kiến thức với hình thức phù hợp nhằm nâng cao năng lực đánh giá, đo lường, phân tích rủi ro khi giải ngân vốn cho cán bộ, tăng cường kiến thức về kinh tế thị trường và nghiệp vụ ngân hàng hiện đại. Bộ phận kiểm soát nội bộ của ngân hàng được bố trí gồm những cán bộ có năng lực, làm việc trách nhiệm; theo dõi sự chấp hành quy chế nhà nước hiện hành, cũng như trong nội bộ ngân hàng thông qua việc kiểm tra tất cả những yếu tố có nghi vấn; bảo đảm công tác kiểm tra hoạt động của các chi nhánh và sự chấp hành mức ủy quyền phán quyết; xây dựng văn hóa phòng ngừa rủi ro trong toàn hệ thống ngân hàng. Nhờ đó, chất lượng tín dụng của đơn vị luôn được bảo đảm, đáp ứng nhu cầu về vốn vay cho khách hàng. Đến nay, dư nợ của chi nhánh đạt khoảng 8.600 tỷ đồng (vượt khoảng 300 tỷ đồng so với kế hoạch được giao), trong đó nợ xấu được kiềm chế ở mức dưới 1,5%.
Nhằm thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao chất lượng tín dụng, trong 2 tháng còn lại của năm 2024, Chi nhánh NHNN tỉnh Hà Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn bám sát giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Chính phủ và NHNN Việt Nam, thực hiện đồng bộ những giải pháp tăng trưởng tín dụng có hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng; giải ngân tín dụng vào một số lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; đơn giản hóa quy trình, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay. NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường minh bạch hóa thông tin tín dụng, công bố công khai thông tin về quy trình, thủ tục, hồ sơ, thời gian cung cấp dịch vụ, lãi suất, phí dịch vụ; triển khai hiệu quả công tác tín dụng gắn với chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trên địa bàn trong phát triển sản xuất, kinh doanh; triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm hạn chế nợ xấu mới phát sinh… phấn đấu hoàn thành mức tăng trưởng cả năm 2024.
Ngày 21/11, Tổng Thư ký Quốc hội đã có Công văn số 4711/TTKQH-TT gửi các cơ quan thông tấn, báo, đài về việc công bố các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu toàn văn các nghị quyết.
Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Malaysia.
Với quan điểm: Lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư tại Hà Nam, chiều 21/11, Ban Quản lý các khu công nghiêp (KCN) tỉnh tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Ông Lưu Trần Sơn, Trưởng Ban Quản lý các KCN của tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Công ty Điện lực Hà Nam, các nhà đầu tư hạ tầng, đơn vị cung cấp dịch vụ tại các KCN và gần 40 doanh nghiệp đến từ Đài Loan.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.