Chiến thắng của ông Trump sẽ tác động như thế nào đối với kinh tế toàn cầu

Quốc tế 06:03 07/11/2024 TTXVN/baotintuc
Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc đua trở lại Nhà Trắng nhiệm kỳ thứ hai được dự báo sẽ có tác động kinh tế đối với phần còn lại của thế giới một cách sâu sắc và khá cấp bách.

Ông Donald Trump trong cuộc vận động tranh cử ở Grand Rapids, bang Michigan ngày 20/7/2024. Ảnh: AP/TTXVN

Khi liên tiếp đón nhận những lời chúc mừng từ các nhà lãnh đạo thế giới, ông Trump đã tuyên bố vào ngày 6/11 rằng ông đã được trao "quyền lực" để lãnh đạo đất nước. Nếu ông chỉ thực hiện một phần nhỏ trong số các cam kết của mình - từ áp thuế quan thương mại cao hơn đến bãi bỏ quy định cho phép khoan dầu nhiều hơn và đưa ra nhiều yêu cầu hơn đối với các đối tác NATO của Mỹ - thì áp lực đối với tài chính chính phủ, lạm phát, tăng trưởng kinh tế và lãi suất sẽ được cảm nhận ở mọi ngóc ngách của thế giới.

Đảng Cộng hòa của ông Trump cũng đã bảo đảm kiểm soát Thượng viện và đang đạt được những bước tiến tại Hạ viện, có khả năng giúp tổng thống dễ dàng hơn trong việc lập pháp các đề xuất của mình và thúc đẩy các cuộc bổ nhiệm quan trọng.

Ảnh hưởng với nước Mỹ và thế giới

"Các cam kết về tài chính của ông Trump thực sự gây rắc rối - đối với nền kinh tế Mỹ và thị trường tài chính toàn cầu - vì chúng có thể sẽ mở rộng đáng kể thâm hụt vốn đã quá mức trong khi đe dọa làm suy yếu các thể chế quan trọng", Erik Nielsen, Cố vấn kinh tế trưởng của Tập đoàn UniCredit, nhận xét.

Ông Nielsen cũng cho rằng, thị trường trái phiếu Kho bạc Mỹ cũng đứng trước nguy cơ nghiêm trọng do những thay đổi chính sách tiềm tàng, và từ đó kéo theo sự ổn định tài chính toàn cầu.

Theo các chuyên gia kinh tế, thuế nhập khẩu, bao gồm mức thuế quan phổ cập 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia nước ngoài và thuế quan 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, là một chính sách then chốt của ông Trump và có khả năng sẽ có tác động toàn cầu lớn nhất.

Thuế quan cản trở thương mại toàn cầu, làm giảm tăng trưởng cho các nhà xuất khẩu và gây áp lực lên tài chính công của tất cả các bên liên quan. Chúng có khả năng làm tăng lạm phát ở Mỹ, buộc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phải hành động với chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn.

Cổ phiếu tại Mỹ đóng cửa đã tăng mạnh trong một đợt tăng giá rộng rãi vào ngày 5/11 sau khi các dữ liệu báo hiệu một nền kinh tế vững chắc.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã mô tả tăng trưởng toàn cầu hiện nay là yếu, với hầu hết các quốc gia đều có sự mở rộng "yếu ớt". Trong bối cảnh đó, một tác động tiếp theo đối với thương mại toàn cầu có khả năng gây ra rủi ro sụt giảm đối với mức dự báo tăng trưởng GDP 3,2% của quỹ này cho năm tới.

Các công ty chủ yếu chuyển chi phí nhập khẩu sang khách hàng, vì vậy thuế quan có khả năng gây lạm phát cho người mua ở Mỹ, buộc Fed phải giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn hoặc thậm chí đảo ngược hướng đi và tăng chi phí đi vay một lần nữa.

Điều này thậm chí còn có khả năng xảy ra hơn nếu ông Trump giữ nguyên các cam kết về chi tiêu và thuế - hành động có thể làm tăng nợ của Mỹ thêm 7,75 nghìn tỷ USD cho đến năm 2035, theo Ủy ban Ngân sách Liên bang có Trách nhiệm, một ủy ban phi đảng phái.

"Lạm phát cao hơn sẽ gây áp lực lên nhu cầu trong nước, đặc biệt là khi nó đòi hỏi phải có phản ứng chính sách tiền tệ hạn chế, với tác động tiêu cực đến tăng trưởng", chuyên gia Anis Bensaidani tại BNP Paribas cho biết.

Giao dịch đồng USD tại Rawalpindi, Pakistan. Ảnh: THX/TTXVN

Các thị trường mới nổi gặp khó

Đối với các thị trường mới nổi phụ thuộc vào nguồn quỹ bằng USD, sự kết hợp chính sách như vậy sẽ khiến chi phí vay nợ trở nên đắt đỏ hơn, gây ra tác động kép lên lượng hàng hóa xuất khẩu bị tổn thất (do tăng thuế quan).

Lực tác động đẩy lạm phát của Mỹ lên cao cũng có thể gây áp lực lên giá cả ở những nơi khác, đặc biệt là nếu ông Trump áp thuế quá cao đối với Trung Quốc như ông đã hứa.

Là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, Trung Quốc đang rất muốn phục hồi tăng trưởng, vì vậy họ có thể tìm kiếm thị trường mới cho hàng hóa bị ép ra khỏi Mỹ và bán phá giá sản phẩm ở nơi khác, đặc biệt là châu Âu.

Các ngân hàng trung ương có thể sẽ phản ứng nhanh chóng vì tâm lý kinh doanh (đặc biệt là đối với các nền kinh tế mở phụ thuộc vào thương mại) sẽ nhanh chóng xấu đi.

Chuyên gia Greg Fuzesi tại JP Morgan cho biết: "Ngay cả trước khi các cuộc khảo sát giảm, ECB (Ngân hàng trung ương châu Âu) có thể đẩy nhanh việc cắt giảm lãi suất xuống mức trung tính 2% và khi các chính sách thuế quan của Mỹ trở nên rõ ràng hơn, việc cắt giảm lãi suất xuống mức dưới trung tính là hợp lý". (lãi suất trung tính là mức lãi suất không có tác dụng kích thích tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng không gây áp lực suy giảm tăng trưởng).

Các chính phủ trên thế giới cũng có khả năng trả đũa bất kỳ khoản thuế nhập khẩu nào của Mỹ, qua đó kìm hãm thương mại hơn nữa và cắt giảm sâu hơn vào tăng trưởng toàn cầu.

Lãi suất cao của Fed và chi phí vay thấp hơn ở những nơi khác cũng sẽ thúc đẩy đồng đô la Mỹ gây ra nhiều đau đớn hơn nữa cho các thị trường mới nổi vì hơn 60% nợ quốc tế được tính bằng USD. (Và bằng chứng là giá trị đồng euro và đồng yên đã giảm 1,5% qua đêm 5/11).

Mexico có thể là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau những phát ngôn của ông Trump về việc đóng cửa biên giới, trong lúc triển vọng kinh tế trong nước đang xấu đi.

"Mexico có nguy cơ cao nhất", chuyên gia Jon Harrison của TSLombard cho biết, khi đồng peso Mexico giảm 3% so với USD ngày 5/11.

Mexico đặc biệt dễ bị tổn thương vì căng thẳng thương mại và các mối đe dọa trục xuất có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề trong nước như hoạt động của các băng đảng và việc chính phủ không kiềm chế được bạo lực – theo ông Harrison.

Trong khi đó, cũng có những nước được hưởng lợi, và một trong số đó là Brazil, đắc lợi từ hoạt động thương mại lớn hơn với Trung Quốc vì Bắc Kinh đã thay thế toàn bộ đậu nành nhập khẩu từ Mỹ bằng đậu nành Brazil khi căng thẳng thương mại bùng phát trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump.

Theo Al Jazeera, Ngân hàng Thụy Sĩ UBS ước tính rằng mức thuế 60% đối với hàng hóa Trung Quốc và mức thuế phổ cập 10% sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu 1% vào năm 2026.

Một nghiên cứu của các nhà phân tích tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London đã dự đoán tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc sẽ giảm 0,68% và GDP của Liên minh châu Âu sẽ giảm 0,11%. Trong khi đó, Ấn Độ, Indonesia và Brazil sẽ chứng kiến ​​GDP giảm lần lượt 0,03%, 0,06% và 0,07%, theo nghiên cứu này.

Châu Âu trước áp lực tài chính

Châu Âu cũng có thể chịu thêm đòn giáng của chi phí quốc phòng tăng nếu ông Trump giảm hỗ trợ cho NATO.

Châu lục này đã dựa vào sự hiện diện của quân đội Mỹ kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ hai và khi cuộc xung đột ở Ukraine vẫn chưa có hồi kết, châu Âu sẽ buộc phải lấp đầy bất kỳ khoảng trống nào do một cuộc rút lui tiềm tàng của Mỹ để lại.

Nhưng nợ chính phủ ở châu Âu đã đạt mức gần 90% GDP, do đó, nền tài chính bị căng thẳng và các chính phủ sẽ phải vật lộn để kích thích nền kinh tế đang chịu nhiều rào cản thương mại trong khi vẫn phải rót tiền cho chi tiêu quân sự.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Hà Nam giai đoạn 2023-2025

Chính trị  |  20:41 21/11/2024

Ngày 21/11, Tổng Thư ký Quốc hội đã có Công văn số 4711/TTKQH-TT gửi các cơ quan thông tấn, báo, đài về việc công bố các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu toàn văn các nghị quyết.

Toàn văn Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Malaysia

Chính trị  |  20:07 21/11/2024

Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Malaysia.

 Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc)

Kinh tế  |  17:57 21/11/2024

Với quan điểm: Lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư tại Hà Nam, chiều  21/11, Ban Quản lý các khu công nghiêp (KCN) tỉnh tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Ông Lưu Trần Sơn, Trưởng Ban Quản lý các KCN của tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Công ty Điện lực Hà Nam, các nhà đầu tư hạ tầng, đơn vị cung cấp dịch vụ tại các KCN và gần 40 doanh nghiệp đến từ Đài Loan.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC