Nhiều gói cước, 5G vẫn phập phù

Khoa học - Công nghệ 05:33 05/11/2024 Theo tuoitre.vn
Dù liên tục được nhà mạng tăng thêm trạm phát sóng nhưng mật độ vẫn còn rất thấp, do đó tình trạng tốc độ 5G phập phù vẫn diễn ra ở nhiều nơi, người dùng nên cân nhắc khi mua gói cước 5G.

Các nhà mạng đang tích cực triển khai lắp thêm các trạm phát sóng 5G nhằm mở rộng vùng phủ sóng. Ảnh: Nhà mạng cung cấp

Sau 3 tuần trải nghiệm gói cước 5G của nhà mạng Viettel, nhiều người dùng phản ánh tốc độ chỗ rất cao chỗ vẫn thấp... trong khi nhà mạng đưa loạt lý do khiến 5G chưa mạnh.

Tốc độ vẫn phập phù

Sử dụng mạng Viettel hơn 20 năm nay, anh Ngọc Khoa (quận Tân Phú, TP.HCM) rất háo hức khi được nhà mạng tặng gói cước trải nghiệm 5G. Anh Khoa cho biết công ty ở quận 1 và có thêm nhà vườn ở huyện Hóc Môn nên được trải nghiệm tốc độ 5G ở nhiều vị trí khác nhau. 

"Ở công ty tại quận 1 thường tốc độ rất nhanh, về nhà ở quận Tân Phú tốc độ bình thường. Khi lên Hóc Môn thì mở YouTube bị giật, thậm chí gửi file qua Zalo không đi được. Nói chung tốc độ vẫn rất phập phù", anh Khoa nhận xét.

Cũng háo hức không kém, anh Bình Minh (chung cư Him Lam Phú An, TP Thủ Đức) cho biết đã liên tục đo thử tốc độ mạng 5G - chỉ mới xuất hiện khu vực nhà anh chừng khoảng 1 tuần nay. 

Kết quả "ngay cả ở trong nhà, tốc độ 5G cũng có sự chênh lệch đáng kể. Có vị trí cho tốc độ 160 - 170 Mbps, nhưng cũng có vị trí chỉ hơn 50 Mbps dù chỉ cách nhau vài mét, đo cùng một phần mềm trên cùng một thiết bị cơ bản tại cùng một thời điểm". 

Anh Minh cho rằng với tốc độ phập phù như vậy chỉ có thể "xài trải nghiệm cho vui chứ chưa thể chuyển hẳn sang dùng gói cước 5G trả tiền".

Nhiều người dùng khác cũng phản ánh tốc độ 5G thay đổi tùy vào vị trí của thiết bị. Nhiều vị trí cho tốc độ rất tốt, từ 200 - 400 Mbps, nhưng cũng có không ít vị trí chỉ cho tốc độ vài chục Mbps, không khác biệt 4G.

Để kiểm chứng, phóng viên Tuổi Trẻ đã đi đo tốc độ 5G của Viettel tại một số khu vực ở TP.HCM trong chiều 3-11. Theo đó, tốc độ phổ biến tại nhiều nơi ở các quận Phú Nhuận, quận 3, quận 5, quận Bình Thạnh dao động trong khoảng 100 - 300 Mbps. 

Nhiều nơi cho mức tốc độ khá cao: gần 600 Mbps. Tuy nhiên cũng có một số nơi, như khu vực đường Hoa Phượng (quận Phú Nhuận), tốc độ sau vài lần đo đều chỉ 60 - 64 Mbps. 

Các lần đo kiểm của Tuổi Trẻ đều được thực hiện bằng phần mềm SpeedTest của Ookla trên cùng một smartphone.

Loạt lý do khiến 5G chưa mạnh

Trước phản ánh thực tế 5G mà nhiều nơi như 4G, ông Hoàng Đức Thanh - phó giám đốc Trung tâm kỹ thuật toàn cầu, Công ty mạng lưới Viettel - giải thích: "Tốc độ đo kiểm phụ thuộc rất nhiều vào vị trí của khách hàng, gần trạm hay xa trạm, sóng tốt hay không. 

Thứ hai là server (máy chủ) mình định tuyến (kết nối) vào đấy để đo kiểm. Thứ ba là số lượng người đang trải nghiệm đồng thời...".

Cụ thể, theo ông Thanh, do có quá nhiều người vào đo kiểm đồng thời trong bối cảnh trạm 5G chưa nhiều như trạm 4G nên số lượng thuê bao có nhu cầu đo kiểm đồng thời dồn vào trạm 5G nhiều hơn. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến 5G nhiều lúc cảm nhận tương đương 4G.

Lý giải về vùng phủ sóng 5G chưa rộng được như 4G, Viettel cho biết trong giai đoạn đầu tập trung triển khai 5G tại khu vực thủ phủ tỉnh, các khu công nghiệp, khu du lịch, các khu vực có nhiều thuê bao... chứ chưa triển khai diện rộng. 

Ngoài ra, 5G sử dụng băng tần cao hơn 4G (5G dùng 2.6Ghz, 4G dùng 1.8Ghz), suy hao trên tần số 2.6Ghz lớn hơn suy hao trên tần số 1.8Ghz nên 5G có vùng phủ bé hơn so với 4G từ 15 - 20%. "Với lộ trình triển khai và đặc điểm kỹ thuật, tần số như trên đã lý giải tại sao vùng phủ sóng 5G tại thời điểm hiện tại chưa được rộng", đại diện Viettel trả lời Tuổi Trẻ.

Bổ sung thêm, bà Nguyễn Thị Tâm, phó tổng giám đốc phụ trách quy hoạch mạng lưới Tổng công ty Mạng lưới Viettel, cho biết vùng phủ 5G còn phải dựa vào lượng thiết bị đầu cuối 5G. 

"Lúc chúng tôi bắt đầu nghiên cứu là 7-8% (thiết bị hỗ trợ 5G) thì đến giờ, sau nhiều cú hích, thì lên đến 15% và chủ yếu là sẽ tập trung ở khu vực thành thị. 

Vì vậy mà chiến lược triển khai của chúng tôi và cũng của tất cả các nhà mạng trên thế giới đối với 5G là tập trung triển khai ở thành thị trước, sau đó theo các năm sẽ lan tỏa dần ra", bà Tâm nói.

Nên cân nhắc khi mua gói 5G

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thành Phước (giám đốc Bệnh viện điện thoại, laptop 24h) cho rằng có một số nguyên nhân khiến tốc độ 5G thay đổi thất thường, dù nhà mạng quảng cáo tốc độ 5G phổ biến có thể đạt tới 1 Gbps, gấp 10 lần 4G. 

Thứ nhất, 5G sử dụng các băng tần cao để đạt tốc độ nhanh nhưng lại dễ bị cản trở bởi vật liệu như tường, cửa kính hoặc cây cối. 

Do đó, tốc độ 5G có thể giảm ở những khu vực có nhiều vật cản hoặc không có tầm nhìn thẳng tới trạm phát sóng. Trong khi đó, sóng 4G (thường hoạt động ở băng tần thấp hơn so với 5G) ít bị ảnh hưởng bởi vật cản.

Thứ hai, tốc độ 5G phụ thuộc vào khoảng cách giữa thiết bị và trạm phát sóng (4G cũng tương tự). Tuy nhiên hiện nay 4G đã phủ sóng dày đặc nên người dùng ít nhận ra các điểm "lõm" sóng.

Thứ ba là dung lượng và khả năng xử lý của trạm phát. Trong các khu vực đông dân hoặc có nhiều thiết bị kết nối cùng lúc, dung lượng của trạm phát sóng có thể bị quá tải, khiến tốc độ 5G giảm đi. 

Các trạm phát sóng nhỏ (small cells) thường được triển khai để hỗ trợ, nhưng không phải nơi nào cũng được trang bị đầy đủ.

Cũng theo ông Phước, 5G là một công nghệ đang phát triển, tốc độ cũng phụ thuộc vào thời gian trong ngày khi lưu lượng mạng thay đổi. Với những ngày gần đây khi các nhà mạng lần lượt chính thức tung ra nhiều gói cước 5G, tốc độ mạng có thể giảm đáng kể do bùng nổ số lượng người dùng cùng kết nối.

"Vì vậy, ở góc độ chuyên gia, chúng tôi khuyên người dùng nếu sống ở khu vực có hạ tầng 5G tốt mới nên cân nhắc chuyển sang 5G. Nếu bạn chỉ sử dụng các tác vụ mạng thông thường và muốn đảm bảo độ ổn định, 4G vẫn là lựa chọn hợp lý vào thời điểm hiện tại" - ông Phước khuyến cáo.

Lưu ý khi đăng ký gói cước 5G

Nhiều người dùng thắc mắc gói cước 4G đang sử dụng có bị mất hoặc được bảo lưu, chuyển đổi khi đăng ký mới gói cước 5G? Đại diện Viettel cho biết với khách hàng trả trước, khi đăng ký gói 5G mới sẽ bị hủy gói đang sử dụng.

Do vậy để tiết kiệm chi phí, Viettel khuyến cáo khách hàng chờ đến thời điểm hết hạn gói cũ để đăng ký gói mới. Trong thời gian chờ, khách hàng đang dùng gói 4G vẫn có thể trải nghiệm tốc độ 5G nếu thiết bị hỗ trợ (có sóng 5G).

Tốc độ 5G không cao tại khu vực đường Hoa Phượng, quận Phú Nhuận, TP.HCM trong chiều ngày 3-11-2024. Ảnh: Đức Thiện

Đối với khách hàng trả sau, Viettel cho biết đã triển khai tính năng cho phép khách hàng đăng ký gói 5G chờ, khi đến đầu tháng kế tiếp sẽ được tự động chuyển lên gói 5G, tránh mất 2 lần phí. Các tháng cước đóng trước còn lại sẽ được bảo lưu. Khách hàng có thể đăng ký tại website viettel.vn hoặc ứng dụng My Viettel.

3 triệu người dùng dịch vụ 5G Viettel

Sau 2 tuần triển khai 5G thương mại từ 15-10, Viettel cho biết đã có 3 triệu người dùng. Trong đó Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng là 5 địa phương có nhiều khách hàng 5G nhất, chiếm gần 50% tổng thuê bao.

So với mạng 4G được khai trương cách đây hơn 7 năm, tốc độ tăng trưởng người dùng của 5G đang cao gấp đôi (mốc 3 triệu khách dùng 4G Viettel đạt được sau 1 tháng thương mại hoá).

Nhà mạng Viettel cho biết có hàng trăm nghìn lượt đăng ký gói 5G chỉ trong 2 tuần qua. Phần lớn khách chuyển đổi sang gói 5G để trải nghiệm tốc độ và hưởng các ưu đãi đặc biệt. Tuy nhiên, khi khách hàng di chuyển tới nơi chỉ có sóng 4G thì vẫn có thể sử dụng dịch vụ bình thường.

Cách đây vài ngày, dù không công bố chính thức nhưng nhà mạng MobiFone đã giới thiệu các gói cước được cho là sẽ dùng cho dịch vụ 5G đến người dùng.

Nguồn tin từ MobiFone cho biết sóng 5G của họ đã bắt đầu phát sóng ở một số nơi. Trong khi đó, nhà mạng Vinaphone vẫn đang tiếp tục cho người dùng trải nghiệm miễn phí dịch vụ 5G...

TIN MỚI CẬP NHẬT

Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng, xử lý nhà, đất tại doanh nghiệp nhà nước

Kinh tế  |  19:58 26/12/2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị số 47/CT-TTg chỉ đạo tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng, xử lý nhà, đất tại doanh nghiệp nhà nước.

Kim Bảng thu được 624 đơn vị máu tại Lễ hội Xuân hồng năm 2025

Nhịp cầu nhân ái  |  17:39 26/12/2024

Hưởng ứng Lễ hội Xuân hồng năm 2025, ngày 26/12, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện huyện Kim Bảng phối hợp với Viện Huyết học Truyền máu Trung ương tổ chức Ngày hội hiến máu tình nguyện năm 2025.

UBND tỉnh thảo luận các nội dung trình Kỳ họp chuyên đề năm 2025 HĐND tỉnh

Xây dựng Đảng - Chính quyền  |  17:34 26/12/2024

Chiều 26/12, UBND tỉnh tổ chức phiên họp thảo luận các nội dung trình Kỳ họp chuyên đề năm 2025, HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 – 2026 và các nội dung khác theo Quy chế làm việc. Đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì phiên họp.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC