Những thách thức và các giải pháp xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Trước chuyển biến mau lẹ của thời cuộc, thách thức mới, yêu cầu mới của cách mạng xã hội chủ nghĩa đặt trên vai Đảng nhiệm vụ chính trị nặng nề. Đảng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - thời điểm để định hình tương lai của Đảng ta.

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013 đã khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”1. Thực tiễn đã chứng minh, người vạch đường chỉ hướng cho đất nước đi lên và gắn kết toàn dân thành khối đại đoàn kết chính là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng là lực lượng chính trị lĩnh nhận sứ mệnh lịch sử dẫn dắt cả dân tộc vươn mình hướng tới những mục đích cao đẹp. Trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc không thể thiếu vai trò then chốt của công tác xây dựng Đảng.

Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) đã ban hành Kết luận về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN). 

Kỷ nguyên mới - thách thức mới

Cùng với những kết quả đạt được rất quan trọng, công tác xây dựng Đảng thời gian qua đã, đang đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng không chỉ được đề cập trong Báo cáo chính trị, mà còn được trình bày riêng trong Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng. Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” xác định những hạn chế, khuyết điểm: Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức chưa đầy đủ tính chất, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tự phê bình và phê bình, công tác kiểm tra, giám sát của nhiều tổ chức đảng còn hạn chế. Cơ chế kiểm soát quyền lực và chế tài xử lý vi phạm ở nhiều lĩnh vực chưa có hoặc có nhưng chưa cụ thể, hiệu quả thực thi thấp. Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên chưa hiệu quả; chưa phát huy đầy đủ sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch...

Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới (Nghị quyết số 44-NQ/TW ngày 24/11/2023) đã nhận định một trong những tình hình đáng lưu ý là “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị còn một số hạn chế”2 mà một trong những nguyên nhân là do “sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; sự xuống cấp về các giá trị văn hóa, đạo đức… có xu hướng gia tăng”3. Nghị quyết cũng đã đặt ra một trong những nhiệm vụ, giải pháp là “xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”, trong đó cần “tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện, nhất là về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng và hiệu lực quản lý của nhà nước”4.

Để xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; việc chỉnh đốn Đảng ngày càng quy củ, thống nhất, cần phải coi tài năng là một tài nguyên, nhưng tài nguyên quý giá nhất của tài năng là tài dùng người tài. (Trong ảnh: Chủ tịch nước Tô Lâm dự Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2024 tại phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, ngày 2/8/2024. Nguồn: TTXVN).

 Báo cáo của Hội nghị Trung ương Mười (khóa XIII), bên cạnh việc “định vị” cơ đồ của đất nước sau 40 năm đổi mới, đã xác định “Bốn nguy cơ mà Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa VII đã xác định vẫn tồn tại, có mặt diễn biến phức tạp hơn, trong đó tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, cơ hội chính trị, “lợi ích nhóm” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao đang là yếu tố gây mất ổn định chính trị - xã hội, đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”5, nhất là “nhận thức lý luận về đảng cầm quyền trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam chưa đủ rõ cả về khái niệm, nội dung, mô hình, phương thức thực hiện”6. Hội nghị cũng xác định một trong những dự báo về tình hình thế giới là “cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ AI, chíp bán dẫn tiếp tục phát triển mạnh và tác động sâu sắc đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội”7, đồng thời “công cuộc bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ… còn phức tạp, tiềm ẩn nhiều thách thức”.

Đặc biệt, trong bối cảnh “Kỷ nguyên mới” mà Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập đối với dân tộc Việt Nam là sau 40 năm đổi mới, đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới, thời kỳ vươn mình của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, một câu hỏi lớn cũng đặt ra ở đây là, sau 100 năm thành lập Đảng (1930 - 2030), đất nước sẽ bước vào kỷ nguyên phát triển mới của 100 năm thứ hai (2030 - 2130), và 100 năm thứ hai đó sẽ phát triển như thế nào, Đảng sẽ gánh vác những trọng trách, sứ mệnh trong giai đoạn mới ra sao? Chắc chắn, đó sẽ là thời kỳ có lý luận mới, tư duy mới, chiến lược mới, cách thức triển khai và nhiệm vụ đặt ra mới hơn. Lý luận thời kỳ mới, “kỷ nguyên vươn mình” này không phải phủ nhận cái cũ mà là bổ sung trên cơ sở kế thừa, phát triển, hoàn thiện những kết quả, thành tựu đã đạt được, mang tính chất “đi trước, mở đường” cho thời kỳ phát triển mới. Tư duy mới tiếp tục tìm tòi, nhận thức, đột phá hơn; cách thức tổ chức, thực hiện nhiệm vụ chiến lược mạnh mẽ, quyết liệt để đạt mục tiêu nhanh hơn, sớm hơn với tinh thần “đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đột phá, phát triển”.

Để đáp ứng những yêu cầu và nhiệm vụ mới đặt ra, người cán bộ, đảng viên không chỉ cần “làm đúng”, mà còn phải “làm trúng”, không chỉ làm “đúng việc” mà còn phải làm “việc đúng” .  (Trong ảnh: Kiểm toán nhà nước kiểm tra tài chính nhà nước, quá trình quản lý, sử dụng tài sản công. Nguồn: vietnamplus.vn).

 Yếu tố trung tâm vẫn là con người

Trước chuyển biến mau lẹ của thời cuộc, thách thức mới, yêu cầu mới của cách mạng xã hội chủ nghĩa đặt trên vai Đảng nhiệm vụ chính trị nặng nề. Đảng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây cũng là thời điểm để định hình tương lai của Đảng ta. Nếu Đảng không nâng cấp mình để ngang tầm với nhiệm vụ mới, phản ứng chậm chạp, đưa ra chủ trương, đường lối, chiến lược không đúng hướng sẽ không đủ sức vượt qua "con sóng" to của thời đại, ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng, ảnh hưởng đến "con thuyền" vận mệnh dân tộc. Đứng trước thời khắc hệ trọng đó, để xây dựng, chỉnh đốn Đảng đáp ứng được những yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra, cần nhiều biện pháp đồng bộ, căn cơ, có kế hoạch, lộ trình, quy trình cụ thể. Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường đã qua, then chốt vẫn là vấn đề con người mà trọng tâm phải là chiến lược nhân tài. Nhìn vào kinh nghiệm những nước xung quanh như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…, có thể thấy chiến lược nhân tài đã giúp họ bứt phá thành công. 

Đại hội XIII của Đảng xác định đưa công tác cán bộ thành một mặt độc lập hợp thành tổng thể 5 mặt của công tác Xây dựng Đảng là: Chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Trên tinh thần đó, ngày 9/5/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, tiếp tục khẳng định “cán bộ là gốc của mọi công việc”. Đây là Quy định có tính hệ thống, khái quát, cập nhật và góp phần đồng bộ với các quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên; có tính liên thông với các quy định về những điều đảng viên không được làm, về nêu gương của Đảng; là sự tiếp nối tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cách mạng và là bước cụ thể hóa nhiệm vụ về xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng mà Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Ngày 9/5/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. (Ảnh: Giang Thanh/dangcongsan.vn).

Ở đây, cần lưu ý rằng, để đáp ứng những yêu cầu và nhiệm vụ mới đặt ra, người cán bộ, đảng viên không chỉ cần “làm đúng”, mà còn phải “làm trúng”, không chỉ làm “đúng việc” (làm việc đúng cách để đạt hiệu suất cao) mà còn phải làm “việc đúng” (xác định được đâu là mục tiêu, con đường, một hướng đi hay ước mơ đúng đắn cho tổ chức). Sẽ không bao giờ trở thành một quốc gia hùng cường nếu chỉ bắt chước rập khuôn người khác hoặc tuân theo một “quy trình” mang tính khuôn mẫu. Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, “dù học khắp thiên hạ nhưng cuối cùng phải làm theo cách của mình, đi trên đôi chân của mình, bay trên đôi cánh của mình”8. Thực tiễn cho thấy, trong lãnh đạo, quản lý chữ “làm đúng” được coi là thước đo của công việc nên mỗi cán bộ, đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý luôn lấy những quy định của pháp luật hay văn bản pháp quy làm “khuôn vàng thước ngọc”. Tuy nhiên trong thực tiễn “kỷ nguyên mới” nếu chỉ căn cứ vào câu chữ thì những quy định trong luật hay văn bản pháp quy không bao giờ có thể phủ kín được.

Đặc biệt, cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu có đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; tận tâm, tận tụy phục vụ nhân dân. Xây dựng, hoàn thiện chính sách phát hiện, thu hút nhân tài; có cơ chế bảo vệ, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ theo tinh thần “7 dám”. Để xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; việc chỉnh đốn Đảng ngày càng quy củ, thống nhất, cần phải coi tài năng là một tài nguyên, nhưng tài nguyên quý giá nhất của tài năng là tài dùng người tài. Đảng phải phát triển mạnh mẽ, thổi được ý chí quyết tâm vào những người tài năng trong đội ngũ lãnh đạo, tuyệt đối không để sót những cán bộ thực sự có đức, có tài; không để lọt những người không đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Mặt khác, cần xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm, làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ. Cần chú ý xử lý triệt để những cán bộ lợi dụng các phương tiện thông tin đại chúng, internet, mạng xã hội… để xuyên tạc, kích động, gây mất đoàn kết nội bộ.

Đồng thời, cần đổi mới công tác cán bộ gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tập trung đột phá đổi mới công tác cán bộ những khâu, những việc làm mới, khó khăn, phức tạp, trọng yếu, hoặc còn nhiều hạn chế, yếu kém như :Tiêu chí, tiêu chuẩn, chức danh, cơ chế, thể chế, đánh giá cán bộ, luân chuyển, kiểm soát quyền lực, chống tiêu cực, “chạy tuổi, chạy chức, chạy quyền”, “bán chức, bán quyền”, suy thoái, tham nhũng, lãng phí, thu hút và quản lý, sử dụng hiệu quả nhân tài… Tiếp tục rà soát, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật; đổi mới công tác cán bộ gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy đồng bộ, liên thông giữa bộ máy của Đảng với bộ máy nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Đổi mới công tác cán bộ gắn với đổi mới công tác tổ chức, chính sách, khắc phục sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, sự bất hợp lý trong tổ chức bộ máy; đẩy mạnh tinh giản biên chế, tổ chức bộ máy gắn với quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, nhân sự; xây dựng đội ngũ cán bộ gắn với xây dựng đội ngũ đảng viên. Theo đó, quá trình lãnh đạo của Đảng trong “kỷ nguyên mới”, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cần phải là những người tạo ảnh hưởng, dẫn dắt định hướng về cách thức, tiến trình, hành động và quan điểm.

Mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng cần phải là những tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, bởi lẽ Đảng ta là một đảng cầm quyền, là đảng cách mạng - đảng đạo đức - và đảng hành động. (Nguồn ảnh: Bùi Việt Đức/nhiepanhdoisong.vn).

Mặt khác, cần tiếp tục kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Mỗi đảng viên, tổ chức đảng trong hành trình làm cách mạng “cần phải xem tệ tham ô, tham nhũng, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa quan liêu, hình thức, đặc biệt là nạn lãng phí… là “giặc nội xâm” - kẻ thù trong lòng mỗi người cán bộ, đảng viên cần đánh đuổi; như u nhọt, như nọc xấu, như cành sâu cần loại bỏ là vì các loại chủ nghĩa này là căn bệnh trầm kha, rất cứng đầu, rất khó chữa, dễ tái phát, dễ lây lan”9. Bởi sa vào chủ nghĩa này chính là phá vỡ rào chắn, lún sâu vào suy thoái tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống - bước rất ngắn đi đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đây chính là trở lực của sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc của Nhân dân ta.

Đặc biệt, mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng cần phải là những tấm gương tiêu biểu, mẫu mực, bởi lẽ Đảng ta là một đảng cầm quyền. Đó là đảng cách mạng - đảng đạo đức - và đảng hành động. Đó không chỉ là đạo đức tu thân mà là đạo đức dấn thân, tức là đạo đức gắn liền với hành động, đạo đức hành động. Để nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, mỗi một cán bộ, đảng viên khi nói phải nghĩ đến làm, có làm được mới nói, thậm chí chỉ lặng lẽ làm mà không nói. Danh dự, lương tâm, đạo đức của cán bộ, đảng viên và của Đảng ta nằm ở chính những chỗ này. Mỗi một con người khi đã được cắt cử đảm nhận trọng trách trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước thì "nhất cử, nhất động" của họ đã vượt ra khỏi phạm vi cá nhân, mang ý nghĩa tiêu biểu, trở thành “phương diện quốc gia”, và mỗi hành vi tiêu cực của họ đều quan hệ đến niềm tin của Nhân dân, mà một khi quần chúng đã mất niềm tin vào đạo đức của người cầm quyền thì niềm tin chính trị đối với họ cũng khó mà nguyên vẹn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khi bàn về “tự mình phải chính trước” đã khẳng định: “Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”10. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã từng căn dặn: “Làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”11. Đây cũng chính là quá trình tự cách mạng trong Đảng. Thực tiễn cho thấy, tự cách mạng là chìa khoá thành công của Đảng ta. Bởi chỉ có tự cách mạng, Đảng “mới gột rửa mình cho trong sạch, mới bắt kịp hơi thở thời đại để trở nên tiên tiến, mới chỉnh đốn mình tránh đi vào vết xe đổ dẫn đến suy vong và nối dài truyền thống để trường tồn cùng dân tộc”12.

Chìa khoá để xây dựng đất nước phồn vinh nằm ở Đảng cầm quyền. Đảng thịnh thì nước cường. Đảng Cộng sản Việt Nam đã trải qua chặng đường 94 năm đồng hành cùng dân tộc. Để “giữ mãi thanh xuân thời đại, giữ mình trung trinh với lợi ích của Nhân dân, Đảng phải bài trừ mọi “nọc xấu” gây tổn hại đến bản chất tiên tiến, trong sạch, phải ngăn chặn những căn bệnh ăn mòn cơ thể Đảng”13. Muốn làm được điều đó, Đảng phải tiến hành tự cách mạng, tự hoàn thiện, thường xuyên xây dựng, chỉnh đốn để ngang tầm với nhiệm vụ mới. Muốn lôi cuốn và lãnh đạo được Nhân dân, Đảng phải mẫu mực đi trước, làm trước, nói ít làm nhiều. Phải nghiêm cẩn tự soi mình trong mắt Nhân dân, thành tâm tự soi mình trong tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhân cách của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đó là thước đo năng lực cầm quyền của Đảng, là ngọn nguồn sức mạnh, uy tín của Đảng, là nhân tố vun đắp phẩm hạnh, liêm sỉ và nhân cách mỗi người. Đó cũng chính là cách xóa đi khoảng cách vạn dặm giữa lời nói và việc làm của không ít người trong đội ngũ cán bộ, đảng viên chúng ta hiện nay trước khi vững tin và vững tâm bước vào “kỷ nguyên mới”./.

1. Điều 4, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 2013. 2. Ban Chấp hành Trung ương (2023), Nghị quyết số 44-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Hà Nội, tr.2. 3. Ban Chấp hành Trung ương (2023), Sách đã dẫn, tr.2. 4. Ban Chấp hành Trung ương (2023), Sách đã dẫn, tr.6. 5. Ban Chấp hành Trung ương (2024), Đề cương thông báo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ Mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Hà Nội, tr.5. 6. Ban Chấp hành Trung ương (2024), Sách đã dẫn, tr.6. 7. Ban Chấp hành Trung ương (2024), Sách đã dẫn, tr.5. 8. "Sứ mệnh dẫn dắt trong 'kỷ nguyên vươn mình”, https://vietnamnet.vn/su-menh-dan-dat-trong-ky-nguyen-vuon-minh-2328961.html, truy cập ngày 25/10/2024.

9. Trương Thị Điệp (2023), Tự cách mạng - Đảng ta đang tiến hành cuộc cách mạng đối với vận mệnh của chính mình, đăng trong sách “Vững vàng niềm tin trong đấu tranh bảo vệ nền tàng tư tưởng của Đảng, Nxb. Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2023, tr.499. 10. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.292 - 293. 11. “Tiếp tục cuộc đấu tranh kiên trì, quyết liệt với “giặc nội xâm”, https://baolaocai.vn/tiep-tuc-cuoc-dau-tranh-kien-tri-quyet-liet-voi-giac-noi-xam-post273285.html, truy cập ngày 26/10/2024. 12. Trương Thị Điệp (2023), Sách đã dẫn, tr.503. 13. Trương Thị Điệp (2023), Sách đã dẫn, tr.504.

Nhóm phóng viên

TIN MỚI CẬP NHẬT

Công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Hà Nam giai đoạn 2023-2025

Chính trị  |  20:41 21/11/2024

Ngày 21/11, Tổng Thư ký Quốc hội đã có Công văn số 4711/TTKQH-TT gửi các cơ quan thông tấn, báo, đài về việc công bố các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu toàn văn các nghị quyết.

Toàn văn Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Malaysia

Chính trị  |  20:07 21/11/2024

Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Malaysia.

 Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc)

Kinh tế  |  17:57 21/11/2024

Với quan điểm: Lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư tại Hà Nam, chiều  21/11, Ban Quản lý các khu công nghiêp (KCN) tỉnh tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Ông Lưu Trần Sơn, Trưởng Ban Quản lý các KCN của tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Công ty Điện lực Hà Nam, các nhà đầu tư hạ tầng, đơn vị cung cấp dịch vụ tại các KCN và gần 40 doanh nghiệp đến từ Đài Loan.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC