Hội làng - Cảm quan và hiện thực

Lễ hội 10:41 02/11/2024 Giang Nam
“Hội làng mở giữa mùa thu/ Trời cao gió cả, trăng như ban ngày/ Hội làng còn một đêm nay/ Gặp em còn một lần này nữa thôi...”. Hội làng, với những nét văn hóa độc đáo và sinh động trong đời sống người Việt hàng nghìn năm qua đã đi vào thi ca, đi vào hội họa, đi vào tâm thức và đời sống sinh hoạt cộng đồng của con người một cách khó phai. Hội làng hôm nay mang đến nhiều cảm quan mới nhưng dường như vẫn còn nguyên đó nhiều giá trị truyền thống...

Đi khắp bốn mùa, đi dọc dài đất nước, không ở đâu không có lễ hội. Cả nước có trên 8.000 lễ hội, chủ yếu là lễ hội truyền thống, hội làng. Hội làng diễn ra quanh năm, không chỉ là mùa xuân, mùa hạ…, bởi hầu hết hội làng đều gắn bó với di tích đình, đền, chùa làng - nơi thờ những vị có công với nhân dân, với dân tộc. Nhân dân tôn họ là thần, là thành hoàng làng… Người trần không ai nhìn thấy, tưởng tượng ra hình hài của thánh thần ấy, nhưng lại không bao giờ quên ân đức của các đấng anh linh này. Mỗi người có một vị thế trong đời sống tâm linh của làng. Hội làng thường được mở vào những ngày hóa, ngày sinh của các vị thánh, thần đang thờ tại các di tích của làng nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống uống nước nhớ nguồn, truyền thống đánh giặc ngoại xâm, truyền thống nghề nghiệp…

Ở vùng đất Hà Nam, sự tồn tại của hàng nghìn di tích lớn nhỏ, hàng trăm làng nghề truyền thống đã làm cho nhiều lễ hội làng được sống, được gắn bó và trở thành sinh hoạt văn hóa cộng đồng của cư dân nhiều làng xã. Thế nên, trong suốt bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, hơn 100 lễ hội diễn ra mang theo những gửi gắm tinh thần sống động mà con người hằng khao khát, hướng tới.

Mặc dù cách đây 5 năm, làng Vạn Thọ, xã Nhân Bình (Lý Nhân) đã được tách ra làm 2 thôn là Vạn Tiến và Vạn Đại, nhưng vẫn chung một Ban đại diện làng Vạn Thọ nên Hội làng Vạn Thọ vẫn được người dân hai thôn tổ chức. Lễ hội diễn ra từ mồng 8 đến mồng 10 tháng Tám âm lịch hằng năm tại đình làng Vạn Thọ, nơi từng là kho chứa vũ khí và hầm ẩn náu của bộ đội trong kháng chiến chống Pháp, nơi cơ quan đầu não của tỉnh chọn làm cơ sở cách mạng những năm 1967, 1968 và là Trường Đảng của huyện Lý Nhân thời kỳ đó. Với các nghi thức tế lễ truyền thống người dân trân trọng, lưu giữ, thực hành đến hôm nay, người ta muốn gửi gắm vào đó niềm tin tín ngưỡng sâu xa, cầu cho quốc thái dân an, mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh. Đám rước trong hội làng kéo dài qua các thôn, xóm của làng Vạn Thọ xưa. Đi đến đâu, đám rước cũng nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của nhân dân hai tôn giáo. Văn hoá truyền thống trong hội làng đã kéo gần nhân dân lương - giáo trong thôn lại với nhau, cùng chung sức xây dựng làng văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Hội làng Vạn Thọ còn là dịp để con cháu của gần 30 dòng họ trong làng đi làm xa ở khắp mọi miền Tổ quốc trở về trong hân hoan và tràn ngập niềm tự hào góp công góp của xây dựng quê hương ngày một giàu mạnh. Lễ hội được tổ chức giản dị nhưng lại khá long trọng, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng quan khách. Mỗi người đến đây đều có thể hoà mình vào không gian sinh hoạt tín ngưỡng của làng quê, dâng lễ Thành hoàng làng là 3 vị đệ nhất, đệ nhị, đệ tam Câu Mang đại vương, cùng các nhân thần Lê Đại Liệu, Xạ Thần, Vực Dĩ Tôn Thần, Sáu Đề, Kẻ Trấu. Họ là những vị thần có công dẹp giặc ngoại xâm và dẹp dịch cho làng... Lịch sử và truyền thống quê hương được lưu giữ mãi, để rồi, dù đi đâu, ở đâu, cứ vào ngày này, không ai không nhớ tới hội làng.

Đoàn người rước kiệu Thánh về đình trong Lễ hội đình làng Tiêu Hạ, xã Tiêu Động, huyện Bình Lục.

Hội làng ở đâu cũng có, nhưng cách thức tổ chức và điều hành lại khác nhau do tập quán và điều kiện kinh tế của mỗi làng, mỗi địa phương. Nhưng dù giàu hay nghèo, trong hội làng, dường như mọi người đều bình đẳng, không có sự phân biệt, chia cách. Bởi thế mà tính cộng đồng, đoàn kết nhân dân được thắt chặt hơn. Các ban tổ chức hội làng nắm bắt được tinh thần này nên thường triển khai nhiều việc hệ trọng của làng trong dịp lễ hội, như: vận động quyên góp công đức xây dựng tôn tạo di tích, xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài, xây dựng quỹ giúp đỡ người già, người nghèo… và đều được mọi người đồng thuận, hưởng ứng.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, về cơ bản diễn biến của hội làng ngày nay hoàn toàn dựa trên những nghi thức truyền thống được gìn giữ bao đời. Cho dù cũng cờ quạt, cũng trò này tích nọ, nhưng ở mỗi hội làng đều có những biểu hiện ứng xử văn hóa khác nhau, thể hiện phong tục tập quán riêng, cảm quan hội hè riêng, ý thức tâm linh riêng. “Phú quý sinh lễ nghĩa”, nhưng nhiều làng quê, điều kiện kinh tế còn chưa thực sự phát triển, hội làng cũng phải được tổ chức tươm tất, đông đủ thành viên các gia đình, dòng họ trong làng. Song, cũng vì “Phú quý sinh lễ nghĩa” mà nhiều nơi khi tổ chức hội làng đã bày đặt nhiều vấn đề không phù hợp với truyền thống, như: ăn uống linh đình kéo dài, tổ chức các trò chơi dân gian trá hình tạo điều kiện cho một số đối tượng bất chính làm ăn kiếm lợi. Nhân dân không được tham gia trực tiếp vào các hoạt động hội hè nên vô hình đã dần làm mất ý nghĩa thuần khiết, linh thiêng của lễ hội. Tình trạng chen lấn, xô đẩy, làm mất vệ sinh môi trường, xâm hại cảnh quan di tích thông qua chuyện cúng bái, mê tín dị đoan, thiếu ý thức trách nhiệm của người tham gia lễ hội... khiến nhiều hội làng đang đứng trước nguy cơ mai một.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng: Tình trạng lạm dụng lễ hội trở nên đáng báo động ở nhiều lễ hội, biểu hiện trên nhiều mặt khác nhau, cả ở phía người tổ chức, chủ thể lễ hội và cả ở khách đi hội. Điều đó làm cho ý nghĩa tích cực của lễ hội bị lu mờ và các hành vi tiêu cực bùng phát. Vấn đề đầu tiên tác động xấu tới lễ hội là sự mê tín. Mê tín dẫn đến sự mông nguội trong tư tưởng, tinh thần con người, thậm chí tạo sự quá tải trong không gian lễ hội.

Không nói về mê tín, về những tác động tiêu cực ở hội làng truyền thống hôm nay, một số nhà nghiên cứu văn hóa dân gian của Hà Nam cho rằng, dù ở bất kỳ thời điểm nào của lịch sử, hội làng vẫn là nét sinh hoạt văn hóa đậm đà bản sắc nhất của người dân và nó cần phải thuộc về nhân dân, do nhân dân tổ chức và sáng tạo. Những làng quê nào đã và đang làm được điều này thì hội làng ở đó thực sự mang những ý nghĩa tinh thần sâu sắc, sẽ sống bền vững trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân hơn. Dân số mỗi ngày một tăng, điều kiện kinh tế mỗi ngày một phát triển, để gìn giữ văn hóa hội làng cần bảo vệ và mở rộng không gian lễ hội làng một cách phù hợp, gìn giữ tốt giá trị của hội làng trong việc giáo dục thẩm mỹ văn hóa và đạo đức cho con người.

TIN MỚI CẬP NHẬT

“Lịch sử Quân sự Việt Nam” - Pho sử vàng về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Quốc phòng  |  15:10 02/11/2024

 Với 14 tập, bộ sách “Lịch sử Quân sự Việt Nam” được xem như bộ sử lớn đương đại, dựng lại lịch sử quân sự vĩ đại của dân tộc ta trong các cuộc đấu tranh chống xâm lược và bảo vệ Tổ quốc. 

Hội làng - Cảm quan và hiện thực

Lễ hội  |  10:41 02/11/2024

“Hội làng mở giữa mùa thu/ Trời cao gió cả, trăng như ban ngày/ Hội làng còn một đêm nay/ Gặp em còn một lần này nữa thôi...”. Hội làng, với những nét văn hóa độc đáo và sinh động trong đời sống người Việt hàng nghìn năm qua đã đi vào thi ca, đi vào hội họa, đi vào tâm thức và đời sống sinh hoạt cộng đồng của con người một cách khó phai. Hội làng hôm nay mang đến nhiều cảm quan mới nhưng dường như vẫn còn nguyên đó nhiều giá trị truyền thống...

Ban hành quy định mới về tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên

Giáo dục  |  07:30 02/11/2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 13/2024/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập và giáo viên dự bị đại học với nhiều điểm mới, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC