Theo người dân thôn Thượng, không biết nghề nấu rượu Bèo có từ bao giờ. Chỉ nghe các cụ cao niên kể rằng, vào khoảng thế kỷ XIX, có một người Trung Quốc làm nghề lang qua làng chẳng may bị bệnh được dân làng tận tình cứu chữa khỏi bệnh. Để đáp lại ân tình ấy, thầy lang đã truyền lại bí quyết nấu rượu cho dân làng. Từ đó đến nay, các thế hệ người dân thôn Thượng vẫn luôn coi đó như là báu vật, đặc trưng riêng của làng, cùng nhau gìn giữ nghề mà cha ông truyền lại để làm kế sinh nhai. Ông Nguyễn Cao Bằng, 70 tuổi, người đã có thâm niên nối nghiệp cha duy trì nghề nấu rượu chia sẻ: Theo các cụ kể lại thì người dân làng Bèo đã biết nấu rượu từ gần hai trăm năm nay. Hòa bình lập lại, nghề nấu rượu nơi đây mới phát triển. Tuy nhiên, qua nhiều thăng trầm, mãi đến khoảng năm 1980, nhất là sau thời kỳ đổi mới nghề nấu rượu mới nhân rộng ra cả làng và duy trì đến ngày nay. Trước đại dịch Covid – 19, một năm gia đình tôi sử dụng 20 tấn thóc để nấu rượu (16 tấn gạo, tương đương từ 16-20 nghìn lít rượu), nay giảm còn trên 50%.
Cũng theo người dân thôn Thượng, để có được sản phẩm rượu đặc trưng riêng không nơi nào có được, đòi hỏi men rượu Bèo phải được tạo nên từ gạo tẻ xay thành bột, sau đó trộn với vị thuốc bắc theo bí quyết “cha truyền con nối”. Trước khi nấu rượu, ngoài men, khâu chọn gạo cũng không kém phần quan trọng. Gạo để nấu rượu phải là nếp chuẩn, đẫy hạt, phơi già nắng. Sau khi đã xay vỏ, vo qua để ráo nước mới nấu thành cơm và phải bảo đảm cơm chín nục, dẻo, ngon thì mới dễ bắt men, “được rượu”. Khi cơm chín, trải ra nia cho nguội hẳn rồi mới rắc đều men đã được nghiền nhỏ và ủ từ 1-2 ngày (nếu trời lạnh ủ lâu hơn) đến khi có nước cốt thơm thì cho vào chum sành, thêm nước sạch vừa đủ rồi ủ tiếp khoảng 4-5 ngày, nếu trời rét có thể phải ủ từ 7-8 ngày, đợi có mùi cay, hạt gạo nhuyễn nhưng không nát thì mang ra nấu, chưng cất thành rượu.
Hiện nay có nhiều công nghệ hiện đại để nấu rượu, nhưng người dân thôn Thượng phổ biến vẫn nấu rượu bằng nồi đồng, ống tre, rượu thơm ngon hơn. Khi đun phải để nhỏ lửa, khoảng 5-6 giờ đồng hồ mới được một mẻ. Rượu nước 1, có nồng độ khoảng 50 - 60 độ. Tùy vào yêu cầu của khách hàng mà người thợ pha chế các nước rượu (1, 2, 3) để cho ra nồng độ của rượu phù hợp. Dù ở nồng độ nào, rượu ngon đều phải bảo đảm trong vắt, khi lắc nhẹ thấy sủi tăm, chỉ cần nhấp một ngụm nhỏ cũng đủ cảm nhận được vị cay nồng của men rượu hòa quyện với hương thơm của lúa nếp, ngọt trong huyết quản, càng để lâu vị rượu càng đậm, thơm, ngọt.
Rượu Bèo ngon là do men, gạo, nước, kỹ thuật ủ, chưng cất, bảo quản theo bí quyết gia truyền. Chính vì vậy, rượu Bèo chỉ ngon khi được nấu tại thôn Thượng. Theo lý giải của các cụ cao niên trong làng, rượu Bèo ngon, ngoài bí quyết tạo men, chất lượng gạo, quy trình ngâm ủ, còn một yếu tố hết sức quan trọng, đó là nguồn nước. Trước đây, rượu Bèo được nấu bằng nước lấy từ giếng đất của làng, bốn mùa trong vắt, uống có vị ngọt, mát đặc trưng. Tuy nhiên, hiện nay do nguồn nước ô nhiễm nên người dân phải sử dụng các nguồn nước sạch khác tương ứng để nấu rượu và vẫn giữ nguyên được hương vị đặc trưng. Thêm vào đó, để bảo quản rượu, người dân thôn Thượng thường dùng chum sành. Rượu trước khi vào chum phải được lọc qua một lớp than hoạt tính để bảo đảm rượu trong, không có cặn khi đến tay người dùng.
Đồng chí Nguyễn Văn Hàng, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn Thượng cho biết: Làng Bèo hiện có hơn 200 hộ, trong đó có hơn 150 hộ thường xuyên nấu rượu. Trung bình mỗi hộ sản xuất khoảng 10.500 lít rượu/năm. Trừ chi phí, cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/hộ/năm, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của người dân địa phương.
Hiện nay, sản phẩm rượu trên thị trường rất đa dạng, tạo sức cạnh tranh lớn; người dân thôn Thượng luôn nhắc nhở nhau gìn giữ, bảo tồn, nâng cao chất lượng và uy tín đặc sản quê hương. Vì vậy, rượu Bèo vẫn luôn giữ được đặc trưng riêng mà không rượu nơi nào có được và ngày càng hấp dẫn đối với khách hàng nhiều tỉnh, thành phố, như: Nam Định, Hà Nội, Thái Bình, Lạng Sơn, thậm chí vào tận Thành phố Hồ Chí Minh…
Tuy nhiên, người dân thôn Thượng vẫn trăn trở một điều, đó là rượu Bèo vẫn chưa có được thương hiệu riêng của mình, khách hàng biết đến rượu chủ yếu qua bạn bè, người thân giới thiệu nên thị trường vẫn còn ở mức độ. Đồng chí Nguyễn Đức Giảng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tiên Ngoại cho biết: Thực tế cho thấy, rượu Bèo đã và đang được duy trì, phát triển, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân và đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, để duy trì, phát triển làng nghề xứng tầm; khẳng định uy tín, chất lượng, cũng như quảng bá, giới thiệu rộng rãi sản phẩm rượu Bèo; đồng thời, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng đến sự phát triển của làng nghề truyền thống và nguồn thu nhập của người dân, năm 2021, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo Hội Nông dân xã thành lập và ra mắt Tổ hội nghề “Nấu rượu Bèo” nhằm duy trì nghề truyền thống, thúc đẩy quá trình xây dựng, hình thành chuỗi kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ và bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Rượu Bèo”.
Lần này, khi đã hiểu rõ về cách thức hoạt động của Tổng thống đắc cử Mỹ, giới lãnh đạo Trung Quốc được trang bị tốt hơn để đối phó với khả năng ông Trump sẽ áp thuế lên tới 60% đối với hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ.
Ngày 23/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức Hội thảo "Hạnh phúc trong Giáo dục 2024".
Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp công đoàn, thời gian qua, công tác nữ công trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ); động viên nữ CNVCLĐ vượt qua khó khăn, phát huy tài năng, trí tuệ, sáng tạo thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.