Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hà Nam tham gia thảo luận tại tổ 18, gồm các tỉnh Hà Nam, Thanh Hóa và Trà Vinh.
Phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam Phạm Hùng Thắng tham gia ý kiến về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Theo đó, ĐBQH Phạm Hùng Thắng cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Dự thảo luật cơ bản khắc phục được các bất cập, điểm nghẽn trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công của các đơn vị, địa phương; cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện 5 nhóm chính sách lớn, thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các đơn vị, địa phương; nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện các dự án đầu tư công.
Đồng thời đưa ra một số ý kiến thảo luận: Tại khoản 1 Điều 7, dự thảo luật quy định cho 12 ngành, lĩnh vực, theo đại biểu có ngành, lĩnh vực thì nêu cụ thể; có ngành, lĩnh vực thì nêu chung... Quy định như vậy vừa thiếu, vừa thừa, vừa trùng lặp... đề nghị chỉ tổng hợp quy định chung các ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư công và giao cho Chính phủ hướng quy định chi tiết.
Đối với quy định về tiêu chí phân loại dự án nhóm A, đề nghị nghiên cứu, đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đã được đầu tư, việc cải tạo, nâng cấp hạ tầng được thực hiện như các dự án hạ tầng xây dựng khác (nhóm B, nhóm C tùy theo mức vốn đầu tư) để tạo thuận lợi trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, tăng tính chủ động của các địa phương.
Về điều chỉnh chủ trương đầu tư đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm trường hợp có thay đổi về “phạm vi, quy mô đầu tư” thì phải điều chỉnh chủ trương đầu tư. Đối với thời gian bố trí vốn thực hiện dự án, theo quy định tại khoản 1 Điều 58 “Thời gian bố trí vốn thực hiện dự án như sau: a) dự án nhóm A không quá 6 năm; b) dự án nhóm B không quá 4 năm; c) dự án nhóm C không quá 3 năm”. Tuy nhiên, về quy mô đầu tư đối với dự án đầu tư công đã được nâng lên gấp 2 lần (quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 1, Luật Đầu tư công sửa đổi). Đề nghị nghiên cứu, xem xét kéo dài thêm thời gian thực hiện tương ứng đối với mỗi nhóm dự án. Theo đó, đại biểu đề xuất: mỗi nhóm dự án được kéo dài thêm 1 năm, cụ thể: dự án nhóm A không quá 7 năm; dự án nhóm B không quá 5 năm; dự án nhóm C không quá 4 năm.
Về vốn thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, vốn thực hiện nhiệm vụ quy hoạch và vốn thực hiện dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm. Quy định: “Vốn thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư được bố trí để lập đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án; lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án” quy định như trên thì các công việc phải thực hiện tiếp theo như lập thiết kế kỹ thuật, lập thiết kế bản vẽ thi công, lập dự toán và đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp, đấu thầu lựa chọn đơn vị giám sát… sẽ không triển khai thực hiện được khi chưa bố trí vốn thực hiện dự án.
Để khắc phục hạn chế nội dung này và rút ngắn về thời gian thực hiện các công việc, đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi khoản 1, khoản 3 Điều 59 Dự thảo Luật, theo hướng: chuyển các công việc như lập thiết kế kỹ thuật, lập thiết kế bản vẽ thi công, lập dự toán, đấu thầu lựa chọn nhà thầu trong bước thực hiện đầu tư về bước chuẩn bị đầu tư…
Đối với quy định về thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 75: “Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với vốn ngân sách trung ương, chủ tịch UBND các cấp quyết định đối với vốn ngân sách địa phương do cấp mình quản lý cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm nhưng không quá ngày 31 tháng 12 năm sau trong 9 trường hợp”. Đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm trường hợp vào khoản 3 Điều 75: Dự án bị ảnh hưởng tiến độ do công tác đền bù, GPMB để tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện và giải ngân vốn đối với công trình theo tuyến, công trình có khối lượng GPMB lớn, nhất là đối với các công trình giao thông, công trình khu, cụm công nghiệp…
Bên cạnh đó đại biểu cũng tham gia một số nội dung về việc điều chỉnh chương trình, dự án; quy định về điều kiện bố trí vốn hằng năm…
Tham gia thảo luận về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), ĐBQH tỉnh Hà Nam Trần Văn Khải tập trung vào 2 nhóm chính sách: Thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền…
Ngày 26/12, Câu lạc bộ (CLB) Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi huyện Lý Nhân tổng kết công tác hoạt động năm 2024, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2025.
Hưởng ứng Cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo" và phong trào "Người tốt việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái", Hội Chữ thập đỏ tỉnh vừa phối hợp với Siêu thị Go! Hà Nam mở hòm Quỹ nhân đạo đặt tại siêu thị.
Phát huy tinh thần tuổi cao, gương sáng, những năm qua, người cao tuổi (NCT) phường Trần Hưng Đạo (TP Phủ Lý) luôn gương mẫu đi đầu, thực hiện các phong trào thi đua của địa phương, tích cực tham gia phát triển kinh tế, là tấm gương cho con cháu noi theo.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.