Giá giảm mạnh, sức mua tăng
Theo phản ánh của các nhà bán lẻ, việc kinh doanh mặt hàng điện tử, điện máy gặp khó khăn từ những tháng cuối năm 2021 và kéo dài đến hết năm 2023. Nguyên nhân là do trong giai đoạn này, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đi vào giai đoạn suy thoái, tình hình việc làm của người lao động bất ổn, lạm phát tăng cao khiến các khoản chi thiết yếu của người dân tăng lên. Từ đó, người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu để cắt giảm những chi phí không thực sự cần thiết. Chính điều này đã cản đà tăng trưởng của nhiều mặt hàng, đặc biệt là hàng tiêu dùng không thiết yếu, như: điện thoại di động, ti vi, điều hòa, máy tính bảng…
Để kích cầu tiêu dùng, hàng loạt các “ông lớn” trong ngành bán lẻ điện tử, điện máy, như: Điện máy Xanh, FPT Shop, Thế giới di động… đã “kích hoạt” chương trình khuyến mại, giảm giá sâu, tạo ra một “cuộc đua” về giá đối với hàng loạt mặt hàng công nghệ, điện máy với mức giảm lên tới 50%. Qua đó, đã giúp các đơn vị bán lẻ giành thêm được thị phần, tuy nhiên, lợi nhuận của họ bị giảm đi đáng kể. Đơn cử như siêu thị Điện máy Xanh (đường Lê Hoàn, thành phố Phủ Lý), trước thực trạng hàng hóa ế ẩm, từ năm 2022 đến nay, siêu thị đã áp dụng liên tiếp các chương trình khuyến mại, giảm giá, hậu mãi hấp dẫn với các tên gọi như “Giá rẻ quá”; “Bao giá, hoàn tiền chênh lệch nếu đâu rẻ hơn”; “Bảo hành mở rộng và bảo hành 1 đổi 1”; “Dẫn đầu gia dụng bán ra”; “Mua gì cũng có quà”… Ngoài ra, khách hàng của Điện máy Xanh còn được tham gia chương trình tích điểm dành cho khách hàng thân thiết qua ứng dụng "Quà tặng VIP". Số điểm tích được sau mỗi giao dịch mua bán sẽ được quy đổi thành tiền giảm giá cho các lần mua hàng sau. Anh Lưu Văn Cường, quản lý siêu thị Điện máy Xanh cho biết: Với nhiều nỗ lực, giải pháp để trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu “cuộc chiến giá” trên thị trường điện tử, điện máy, Điện máy Xanh đã duy trì được dòng tiền trong những thời điểm khó khăn, nhất là năm 2022 và có sự phục hồi đáng kể về sức mua từ cuối năm 2023. Trong 9 tháng năm 2024, doanh thu bán hàng của Điện máy Xanh đã tăng mạnh mẽ, bằng 150% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng gấp nhiều lần so với năm 2021 và 2022. Doanh thu bán hàng năm 2024 ước đạt mức tương đương với thời kỳ “hoàng kim” của Điện máy Xanh vào năm 2019. Thời điểm này, Điện máy Xanh đã đạt vượt chỉ tiêu về doanh thu đề ra trong năm 2024.
Sự phục hồi về sức mua đối với mặt hàng điện tử, điện máy không chỉ diễn ra tại các siêu thị lớn mà còn ở hầu hết các cửa hàng bán lẻ có quy mô nhỏ. Anh Lại Văn Trường, chủ cửa hàng kinh doanh điện thoại di động Trường Mobile trên đường Lý Thái Tổ, thành phố Phủ Lý cho biết: Do nằm gần Khu công nghiệp Châu Sơn (thành phố Phủ Lý) nên đối tượng khách hàng của Trường Mobile phần lớn là công nhân lao động. Giai đoạn 2021-2023, cửa hàng gần như “đóng băng” do nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp gặp khó về thị trường tiêu thụ nên đã cắt giảm lao động, giảm công suất hoạt động và ngày công lao động. Không có thu nhập ổn định, công nhân lao động không có điều kiện để mua mới hay lên đời điện thoại. Thế nhưng, những tháng gần đây, lượng khách đến hỏi mua các dòng điện thoại cao cấp, nhất là của thương hiệu Sam sung, Apple tăng đáng kể. Tôi đang kỳ vọng thị trường điện tử, công nghệ sẽ hoàn toàn phục hồi và phát triển sôi động trong năm 2025.
Đẩy mạnh bán hàng trên nền tảng trực tuyến
Trong khó khăn, thị trường bán lẻ hàng điện tử, điện máy lại xuất hiện điểm sáng, đó là doanh số bán hàng từ các nền tảng trực tuyến tăng đáng kể trong vài năm trở lại đây. Để tăng sức cạnh tranh, ngoài kênh bán hàng truyền thống, các siêu thị, cửa hàng đều đang đẩy mạnh bán hàng trên các website, facebook, tik tok và các sàn thương mại điện tử lớn, như: Shopee, Tiki… Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, trong khi “cuộc chiến” về giá vẫn diễn ra quyết liệt thì việc mở “mặt trận” bán hàng online lại tiếp tục khơi mào cho một “cuộc chiến” mới khốc liệt hơn.
Để giành thị phần online, hầu hết các nhà bán lẻ đều áp dụng chương trình bán hàng ưu đãi dành riêng cho khách đặt mua hàng qua các nền tảng trực tuyến và miễn phí giao hàng cho khách. Bên cạnh đó, các “ông lớn” trong lĩnh vực điện tử, điện máy, như: Thế giới di động, Điện máy Xanh, FPT Shop, Viettel Store còn “chạy” các chương trình giảm giá “sốc” cho khách hàng online theo các “khung giờ vàng”, nhất là vào những ngày cuối tuần. Anh Lại Văn Châu, quản lý cửa hàng FPT Shop, đường Biên Hoà, thành phố Phủ Lý cho biết: Từ đại dịch Covid -19, lượng khách mua máy tính, điện thoại di động và một số mặt hàng điện gia dụng tăng cao. Tốc độ tăng trưởng doanh thu từ kênh online tiếp tục duy trì ổn định trong những năm qua. Để kích cầu tiêu dùng qua kênh mua sắm này, FPT Shop đã chạy nhiều chương trình giảm giá sâu dành riêng cho khách hàng online kèm theo các quà tặng và miễn phí giao hàng. Sức mua tăng qua kênh online thể hiện rõ nét ở phân khúc điện thoại cao cấp. Nếu những năm 2021-2023, khách hàng hỏi mua điện thoại cao cấp rất ít thì những ngày qua, lượng khách “săn” điện thoại iphone 16 và đặt hàng tăng đột biến. Số lượng khách có nhu cầu đặt mua vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Không chỉ với phân khúc điện thoại cao cấp, FPT Shop còn cả một “mùa vàng” bán hàng công nghệ dịp cuối năm. Chúng tôi kỳ vọng, với sức mua sẽ còn tăng cao trong thời gian tới. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bán hàng trên nền tảng trực tuyến là hướng đi tất yếu mà chúng tôi sẽ đẩy mạnh đầu tư. Dự kiến, mức tăng trưởng về doanh thu của riêng kênh online sẽ tăng từ 30%/năm trong những năm tới.
Có thể thấy, đại dịch Covid - 19 đã thúc đẩy bán lẻ trực tuyến phát triển mạnh, trong đó lĩnh vực điện tử, điện máy cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, thị phần online của các nhà bán lẻ lại đang bị các sàn thương mại điện tử thách thức. Theo đó, ngoài việc bán hàng qua website và các trang mạng xã hội, các nhà bán lẻ cũng cần quan tâm đúng mức hơn đến việc đẩy mạnh bán hàng qua các sàn thương mại điện tử. Bởi lẽ, so với các sàn thương mại điện tử hàng đầu ở Việt Nam, như: Shopee, Tiki, Lazada… thì tiềm lực tài chính của các nhà bán lẻ điện máy và công nghệ còn thấp hơn nhiều để xây dựng lợi thế quy mô, tối ưu hóa chi phí và tăng doanh thu. Bên cạnh đó, các chuỗi bán lẻ điện tử, điện máy cũng cần chú trọng hơn đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ hậu mãi, mở rộng thời gian bảo hành, bảo dưỡng miễn phí để tạo dựng niềm tin cho khách hàng.
Sáng 22/11, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy tổ chức hội nghị cho ý kiến các nội dung trình Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 (Kỳ họp thứ 21), HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 và các nội dung khác theo thẩm quyền. Đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 22/11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam thảo luận ở tổ 18, gồm các tỉnh: Hà Nam, Thanh Hóa và Trà Vinh.
Hai bên nhất trí về sự cần thiết tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, kết nối doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các sản phẩm xuất khẩu tiếp cận thị trường của nhau.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.