Trên địa bàn tỉnh hiện có 8 khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút trên 90.000 lao động làm việc. Sự phát triển mở rộng các khu công nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường suất ăn công nghiệp phát triển. Tuy nhiên, so với những năm trước, dịch vụ cung cấp suất ăn công nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Theo phản ánh các doanh nghiệp cung ứng suất ăn công nghiệp trên địa bàn tỉnh, chưa bao giờ thị trường suất ăn công nghiệp lại khó khăn như hiện nay. Tại nhiều doanh nghiệp cung ứng suất ăn công nghiệp, lượng suất ăn cung cấp cho các doanh nghiệp giảm 30-40% so với khoảng 3 năm trước.
Nguyên nhân được lý giải là do hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp gặp khó, số lượng công nhân giảm, từ đó kéo theo suất ăn giảm. Số lượng suất ăn cung ứng giảm trong khi chi phí cho các yếu tố đầu vào lại tăng cao khiến cho các đơn vị cung ứng suất ăn công nghiệp khó chồng khó. Chi phí thuê nhân công cao, giá thực phẩm, rau xanh, đồ gia vị liên tục “leo thang” đã gia tăng áp lực cho các nhà cung ứng khi vừa phải đáp ứng chất lượng suất ăn, vừa phải bảo đảm mức lợi nhuận để duy trì hoạt động.
Thực tế, tại hầu hết các doanh nghiệp trong khu công nghiệp hiện nay, giá mỗi suất ăn phổ biến ở mức 20.000 đồng/suất. Với giá thực phẩm, rau xanh tăng cao như hiện nay, việc bảo đảm chất lượng bữa ăn cho công nhân với giá 20.000 đồng/suất, thậm chí thấp hơn, là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp cung ứng suất ăn công nghiệp. Bên cạnh đó, trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hoạt động thương mại điện tử diễn ra sôi động, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ suất ăn công nghiệp trên địa bàn tỉnh không chỉ cạnh tranh trực tiếp với nhau mà còn đối mặt với nhiều thách thức trong “cuộc chiến” tranh giành thị phần từ phía các doanh nghiệp lớn chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp tại các tỉnh, thành phố lân cận như: Hà Nội, Ninh Bình, Hưng Yên, Nam Định…
Đơn cử như Công ty TNHH Hao Shun (xã Đại Cương, Kim Bảng), thời điểm cách đây 2-3 năm ký hợp đồng cung ứng suất ăn công nghiệp cho trên 10 doanh nghiệp tại các KCN Đồng Văn I, Đồng Văn II, Đồng Văn III (Duy Tiên) và KCN Châu Sơn (thành phố Phủ Lý) với tổng số trên 3.000 suất ăn mỗi ngày. Thế nhưng, thời điểm này, số lượng suất ăn do doanh nghiệp cung ứng đã giảm xuống còn khoảng 800 suất, phục vụ bữa ăn trưa cho công nhân lao động tại 3 doanh nghiệp. Cũng như các doanh nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực cung ứng suất ăn công nghiệp, Hao Shun thường ký hợp đồng cung cấp suất ăn theo năm. Trong thời gian này, giá suất ăn là không thay đổi mặc dù trên thị trường, giá thực phẩm lại liên tục biến động bởi nhiều nguyên nhân khác nhau (chẳng hạn như ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua đã khiến giá bán các loại thịt tăng nhẹ, giá rau xanh tăng mạnh trong thời gian dài), trong khi đó, các đơn vị cung ứng suất ăn công nghiệp lại không được tăng giá suất ăn và vẫn phải bảo đảm dinh dưỡng cho bữa ăn của người lao động. Có thời điểm, Hao Shun phải bù lỗ để duy trì hoạt động, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Hao Shun cho biết: Phương châm kinh doanh của Hao Shun là chất lượng dịch vụ phải luôn đặt lên hàng đầu. Do vậy, thời gian qua, đã có những đơn vị tìm hiểu, đặt vấn đề cung ứng suất ăn với giá thành thấp, không đáp ứng yêu cầu về chất lượng bữa ăn nên chúng tôi đã không hợp tác. Đó cũng là cách để doanh nghiệp giữ chữ tín và phát triển bền vững. Giảm số lượng để đảm bảo chất lượng bữa ăn cho người lao động được phục vụ, với cách làm này, Hao Shun mong muốn nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ về giá từ phía các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trong thời điểm khó khăn do vật giá “leo thang”; đồng thời cần thêm các chính sách hỗ trợ khác như giảm lãi vay ngân hàng để doanh nghiệp có thêm nguồn lực phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Là đơn vị chuyên cung cấp thực phẩm, suất ăn công nghiệp cho các công ty, trường học trong và ngoài tỉnh, Công ty TNHH Đầu tư dịch vụ thương mại Thành Đạt (phường Liêm Chính, thành phố Phủ Lý) cũng không ngoại lệ trong cuộc cạnh tranh gay gắt về thị phần và đối mặt với nhiều khó khăn khi chi phí nguồn nguyên liệu, thực phẩm tăng cao. Mặc dù hệ thống chuồng trại chăn nuôi của công ty đã giải quyết được một phần nguyên liệu phục vụ chế biến các suất ăn gồm trứng gà, thịt gà, thịt lợn, song giá cả rau xanh và các mặt hàng thực phẩm khác không ngừng “nhảy múa”, “leo thang” vẫn là một thách thức đối với doanh nghiệp. BàTrần Thị Dung, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư dịch vụ thương mại Thành Đạt cho biết: Hiện nay, công ty đang đầu tư các trang trại chăn nuôi lợn nái, lợn thịt, gà thịt, gà lấy trứng với quy mô lớn theo tiêu chuẩn VietGAP, vừa bảo đảm chất lượng, vừa giúp công ty giảm chi phí đầu vào để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Trước những khó khăn, thách thức đặt ra đối với ngành dịch vụ cung ứng suất ăn công nghiệp hiện nay, Thành Đạt đang có kế hoạch mở rộng quy mô trang trại chăn nuôi, đồng thời phát triển thêm diện tích trồng rau, củ, quả để cơ bản chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào, nâng cao chất lượng dịch vụ, hướng tới mở rộng thị phần hơn nữa sang các tỉnh lân cận.
Có thể thấy, trong vài năm trở lại đây, với sự phát triển mở rộng các khu, cụm công nghiệp và số lượng dự án đầu tư không ngừng tăng cao đã thúc đẩy ngành dịch vụ cung ứng suất ăn công nghiệp phát triển, tạo được chỗ đứng vững chãi trong ngành chế biến thực phẩm. Đây thực sự là thị trường tiềm năng để các doanh nghiệp khai thác, mở rộng quy mô hoạt động. Trước mắt, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, không có cách nào khác, các doanh nghiệp trong ngành phải nỗ lực để thích nghi, tìm kiếm cơ hội phát triển. Ngoài việc nâng cao chất lượng suất ăn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, trong thời đại công nghệ số, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nỗ lực quảng bá hình ảnh, tìm thêm đối tác mới trong và ngoài tỉnh.
Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức hội nghị truyền thông, tư vấn, đối thoại chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình năm 2024 cho cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh.
Sáng 24/11, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm các HTX và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2024. Dự hội nghị có các đồng chí: Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam; Bùi Văn Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo Liên minh HTX các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng; các đơn vị liên kết, kết nối tiêu thụ sản phẩm; đại diện các HTX sản xuất và cung ứng sản phẩm; các HTXDVNN, HTX kiểu mới ít thành viên tiêu biểu trong tỉnh…
Du lịch Hà Nam đang có những chuyển biến tích cực với lượng khách và doanh thu tăng trưởng cao. Thực hiện mục tiêu phát triển du lịch bền vững, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, các ngành chức năng của Hà Nam định hướng cần nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch. Để làm được điều này, việc phát triển nguồn nhân lực du lịch, trong đó đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch tại chỗ là việc quan trọng, cấp thiết.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.