Nâng cao năng lực phục vụ của hệ thống công trình thủy lợi

Giao thông - Xây dựng 05:31 17/10/2024 Mạnh Hùng
Trong những năm qua, hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Toàn tỉnh hiện có 61 trạm bơm, với 341 máy bơm có công suất từ 1.000 – 36.000 m3/giờ. Nhiều trạm bơm đầu mối tưới, tiêu công suất lớn xây dựng theo công nghệ hiện đại như: Trạm bơm Kinh Thanh II (Thanh Liêm); Ngòi Ruột, Trịnh Xá, Thịnh Châu (thành phố Phủ Lý); Bùi 1, Bùi 2, Hoành Uyển II (thị xã Duy Tiên)...

Cùng với đó, các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) quản lý, vận hành 390 trạm bơm nhỏ và vừa trong nội đồng. Toàn tỉnh  cũng có hơn 4.000 km kênh mương tưới, tiêu; trong đó, nhiều tuyến kênh (phần lớn kênh tưới) được xây dựng kiên cố… Việc đầu tư, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi đã góp phần quan trọng cho công tác tưới, tiêu phục vụ sản xuất trên địa bàn.

Ông Lê Văn Hòa, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai tác công trình thủy lợi (KTCTTL) Hà Nam cho biết: Năng lực tiêu úng của các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh có thể bảo đảm lượng mưa 200 mm trong 2 ngày, thời gian tiêu 3 ngày. Với tiêu nước cho sản xuất nông nghiệp khả năng vận hành của công trình cơ bản bảo đảm. Tuy nhiên, vấn đề chính đặt ra đối với hệ thống công trình thủy lợi là phục vụ trong điều kiện thời tiết bất thuận và đảm nhiệm tiêu cả cho quá trình phát triển kinh tế, phục vụ dân sinh.

Công nhân Xí nghiệp Thủy nông Thanh Liêm giải tỏa vật cản trên kênh tiêu TB, thuộc hệ thống trạm bơm Nhâm Tràng.

Tìm hiểu thực tế cho thấy, khó khăn chính của hệ thống công trình thủy lợi hiện nay là khâu tiêu úng. Theo yêu cầu, hệ số tiêu bình quân phải được nâng lên từ 7 – 8 l/s/ha. Riêng tiêu cho khu đô thị, công nghiệp phải đáp ứng hệ số tiêu lên đến 18 l/s/ha, gấp khoảng 3 lần hiện tại. Hơn nữa, các công trình thủy lợi xây dựng chưa có sự đồng bộ giữa trạm bơm đầu mối và hệ thống kênh dẫn. Một số trạm bơm mới xây dựng có công suất lớn, nhưng kênh dẫn cũ, nhỏ, hẹp, bồi lắng. Điều này dẫn đến tình trạng trạm bơm thiếu nước ở bể hút, chỉ hoạt động được một phần công suất, phải cắt giảm số máy, như: Trạm bơm Kinh Thanh II, Ngòi Ruột, Triệu Xá… Tại một số địa phương, các trạm bơm tiêu úng chưa được nâng cấp theo kịp được tốc độ phát triển kinh tế - xã hội xảy ra quá tải. Như các trạm bơm Hoàng Tây, Tân Sơn (Kim Bảng) hiện nay phải đảm nhiệm tiêu úng cho các dự án, khu công nghiệp, đô thị bị vượt từ 8 – 10 lần công suất thực tế. Năng lực của các công trình hạn chế, trong khi nguồn kinh phí phục vụ cho đào đắp, nạo vét kênh mương, sửa chữa các công trình trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu, do mức cấp bù thủy lợi phí hơn 10 năm chưa tăng, dù các chi phí khác (điện, nhân công, vật tư…) tăng rất cao so với trước đây. Tại  Công ty TNHH MTV KTCTTL Hà Nam, trong năm 2024 chỉ bố trí được gần 15 tỷ đồng cho nạo vét kênh mương, sửa chữa công trình, trong khi nhu cầu thực tế phải hơn 30 tỷ đồng… Theo ông Vũ Đức Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Từ tác động của biến đổi khí hậu và phát triển chung của kinh tế - xã hội yêu cầu nâng cao năng lực phục vụ của hệ thống thủy lợi là rất lớn.

Để khắc phục những hạn chế của hệ thống thủy lợi, rất nhiều các giải pháp đã được triển khai. Đối với sản xuất nông nghiệp, ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương chủ động tính toán chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng hạn chế ảnh hưởng của hạn hán, mưa úng; chuyển những vùng ruộng trũng thường xuyên bị ngập úng trong mùa mưa sang nuôi thủy sản. Các doanh nghiệp thủy nông, HTXDVNN lựa chọn nạo vét, sửa chữa kênh mương, trạm bơm thật sự cần thiết; giải tỏa vật cản, khơi thông dòng chảy thường xuyên trên kênh, nhất là điểm thường xảy ra tắc nghẽn, đầu các cống tiêu… Trong điều kiện khi có mưa lớn, giải pháp khoanh vùng tiêu úng cục bộ bằng máy bơm dã chiến được triển khai bảo đảm tiêu thoát nước nhanh nhất ra kênh chính. Về biện pháp lâu dài, cần cấp có thẩm quyền xem xét nâng mức cấp bù thủy lợi phí để đáp ứng nhu cầu đầu tư, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên hằng năm cho hệ thống công trình thủy lợi...

Diễn biến bất thuận của thời tiết ngày càng phức tạp, khó lường, nhất là xuất hiện những trận mưa có cường độ lớn xảy ra nhiều hơn. Do vậy, yêu cầu nâng cao năng lực phục vụ của hệ thống công trình thủy lợi là hết sức cần thiết, nhất là giải quyết những hạn chế, khó khăn hiện nay nhằm nâng cao hơn nữa năng lực phục vụ của các công trình thủy lợi, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Kéo dài thời gian tiếp nhận ủng hộ nhân dân khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3

Xã hội  |  07:37 17/10/2024

Thực hiện Thông báo số 2807-TB/VPTU, ngày 14/10/2024 của Văn phòng Tinh uỷ Hà Nam về ý kiến của Thưởng trực Tỉnh uỷ về chủ trương phân bổ kinh phí hỗ trợ và gia hạn thời gian tiếp nhận ủng hộ nhân dân khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra.

5 nhóm đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ cao tốc

Bạn đọc  |  05:39 17/10/2024

Theo Nghị định 130/2024/NĐ-CP của Chính phủ mới ban hành, có 5 nhóm đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ cao tốc với mức thu phí từ 900 đồng/xe.km đến 5.200 đồng/xe.km.

Đảng bộ xã Đồng Du chú trọng công tác phát triển đảng viên

Xây dựng Đảng - Chính quyền  |  05:31 17/10/2024

Phát triển đảng viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và bảo đảm sự kế thừa, phát triển của tổ chức đảng. Từ nhận thức trên, thời gian qua, Đảng bộ xã Đồng Du (Bình Lục) không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, chủ động tạo nguồn phát triển đảng viên. Nhờ đó, công tác phát triển đảng viên của đảng bộ có bước chuyển tích cực.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC