Xây dựng văn minh thương mại tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường

Thương mại - Dịch vụ 05:20 15/10/2024 Nguyễn Oanh
Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh cộng với mức thu nhập của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao đã thúc đẩy hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển sôi động, nhất là thị trường bán lẻ. Trong nhiều giải pháp được triển khai để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã nhận thức đúng tầm quan trọng và quan tâm hơn đến việc xây dựng văn minh thương mại.

Theo thống kê của Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có 110 chợ truyền thống, 12 trung tâm thương mại, siêu thị, hơn 100 cửa hàng tiện ích và trên 37.000 cơ sở, hộ kinh doanh dịch vụ, thương mại. Giai đoạn 2021-2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn tỉnh ước đạt trên 197.500 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng qua các năm đều đạt 2 con số. Cùng với các khu, cụm công nghiệp không ngừng được mở rộng, thu hút lượng lớn công nhân lao động ngoại tỉnh về sinh sống và làm việc đã tạo ra nhiều thuận lợi để tỉnh phát triển thương mại, dịch vụ, nhất là mảng bán lẻ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tính cạnh tranh trên thị trường bán lẻ ngày càng khốc liệt hơn, nhất là trong thời đại công nghiệp 4.0 với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử. Cơ hội đi đôi với thách thức, yêu cầu đặt ra đối với ngành bán lẻ là bên cạnh sự đầu tư, đổi mới về hạ tầng, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cần quan tâm hơn đến việc tạo dựng môi trường kinh doanh an toàn, văn minh, tôn trọng người tiêu dùng.

Theo ông Hoàng Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương, văn minh thương mại trong quan hệ ứng xử khi giao dịch mua bán trên thị trường được coi là tiêu chí quan trọng nhất quyết định hiệu quả, sự phát triển bền vững của hoạt động kinh doanh. Văn minh thương mại được thể hiện ở nhiều khía cạnh, rõ ràng nhất là qua chất lượng sản phẩm, dịch vụ; thái độ, cách ứng xử của người bán đối với người mua; mối quan hệ giữa những người bán với nhau. Ngoài ra, văn minh thương mại còn thể hiện ở tính trung thực, trách nhiệm, không có hành vi gian lận, bất chính trong hoạt động kinh doanh; người kinh doanh tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm. Các doanh nghiệp, cá nhân thực hiện hoạt động kinh doanh văn minh, đồng nghĩa với việc họ đang xây dựng hình ảnh thương hiệu, tạo niềm tin cho khách hàng, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

 Khách hàng yên tâm khi quét mã QR truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm tại siêu thị GO! Hà Nam, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý.

Trên thực tế, văn minh thương mại ở thị trường bán lẻ đã và đang được thể hiện một cách khá rõ nét ở hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích. Với mục tiêu xây dựng chiến lược kinh doanh bền vững, bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho khách hàng, các siêu thị đều chú trọng đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Cùng với đó, quan tâm đào tạo, xây dựng đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp; kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; giá bán được niêm yết công khai; phương thức thanh toán nhanh chóng, hiện đại... Tại các siêu thị, văn minh thương mại  còn được thể hiện thông qua các chính sách ưu đãi, khuyến mại, giảm giá; qua hình ảnh nhân viên phục vụ, đón tiếp thân thiện, cởi mở, tôn trọng khách hàng. Từ đó, góp phần tạo nên sự hài lòng, xây dựng mối quan hệ gắn bó lâu dài giữa nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ với khách hàng. Chị Nguyễn Thị Trang, Cửa hàng trưởng cửa hàng Winmart+, đường Lý Thường Kiệt, thành phố Phủ Lý cho biết: Tại Winmart+, tất cả nhân viên từ khi mới vào làm đều được tham gia các khóa đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ bán hàng và xây dựng văn minh thương mại. Nội dung quan trọng trong việc xây dựng văn minh thương mại là làm sao để khách hàng hài lòng với chất lượng phục vụ. Chính sách bán hàng phải mang lại nhiều lợi ích nhất cho khách hàng. Thời gian qua, để “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ trong quá trình mua sắm tại cửa hàng, Winmart+ còn bố trí đội ngũ nhân viên hỗ trợ khách hàng vận chuyển hàng hóa miễn phí về tận nhà trong trường hợp số lượng hàng hóa trong đơn hàng lớn.

Cùng với sự phát triển của phương thức kinh doanh hiện đại đang mang lại những lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng thì mạng lưới chợ truyền thống vẫn chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống thương mại. Đó không chỉ là điểm mua sắm quen thuộc lâu đời của người dân mà còn là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa, nơi kết nối cộng đồng tại các khu vực dân cư. Để chợ truyền thống không bị “lép vế” trong cuộc cạnh tranh trên thị trường bán lẻ và phù hợp hơn với thị hiếu tiêu dùng hiện nay, tại các địa phương trong tỉnh, hệ thống chợ truyền thống đã được cải tạo, xây dựng mới, đồng bộ với quy hoạch xây dựng các khu dân cư, công trình giao thông, bảo đảm vệ sinh môi trường. Đặc biệt, một số chợ truyền thống đã thay đổi cách thức quản lý, tích cực triển khai các biện pháp để chấn chỉnh hoạt động của chợ, từng bước xây dựng nếp văn minh thương mại. Trong đó, chợ Bầu (thành phố Phủ Lý) là một ví dụ. Nếu như hơn chục năm trở về trước, người dân thành phố rất e ngại mỗi khi đi mua sắm hàng hóa ở chợ bởi tình trạng nói thách giá, cân gian và thái độ thiếu tôn trọng của người bán đối với người mua, thì giờ đây, tất cả những hạn chế đó đã được cải thiện. Thời gian qua, Ban quản lý chợ Bầu đã triển khai nhiều giải pháp để xây dựng mô hình chợ văn minh thương mại như đầu tư cơ sở hạ tầng; trang bị đủ thiết bị phòng chống cháy nổ; cân đối chứng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; làm tốt công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh… Bản thân các tiểu thương trong chợ cũng đã nhận thức đúng đắn hơn về việc thực hiện văn minh thương mại, không nói thách giá, niêm yết giá hàng hóa, thay đổi phương thức bán hàng, bố trí quầy sạp theo hướng văn minh hơn để làm hài lòng người tiêu dùng. Chị Đinh Thị Loan, chủ một sạp kinh doanh rau, củ và một số đồ khô tại chợ Bầu cho hay: Thời gian qua, các tiểu thương trong chợ đã được tham gia nhiều buổi tập huấn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ, công tác vệ sinh môi trường, thực hiện niêm yết giá bán, ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, kiến thức, kỹ năng và đạo đức kinh doanh do ngành chức năng tổ chức. Nhờ đó, khách hàng đến chợ Bầu giờ đây đã không còn phàn nàn về chất lượng, giá cả hay thắc mắc về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Chất lượng phục vụ cũng được khách hàng đánh giá cao.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc xây dựng văn minh thương mại tại một số chợ, hàng quán vẫn chưa được quan tâm đúng mức, bởi tình trạng cân thiếu, bán gian, nói thách giá, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, thái độ coi thường khách, nói năng thiếu hòa nhã… vẫn còn diễn ra. Để tồn tại, phát triển bền vững trong tình hình mới, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải biết tự điều chỉnh để phù hợp với xu thế của thị trường. Bản thân người bán hàng cần phải giữ “chữ tín”, ứng xử có văn hóa trong kinh doanh, tích cực xây dựng văn minh thương mại, đặt quyền lợi khách hàng lên hàng đầu. Bên cạnh đó, công tác quản lý chợ cũng cần được tăng cường nhằm tạo dựng môi trường mua sắm an toàn cho người tiêu dùng.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Hà Nam giai đoạn 2023-2025

Chính trị  |  20:41 21/11/2024

Ngày 21/11, Tổng Thư ký Quốc hội đã có Công văn số 4711/TTKQH-TT gửi các cơ quan thông tấn, báo, đài về việc công bố các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu toàn văn các nghị quyết.

Toàn văn Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Malaysia

Chính trị  |  20:07 21/11/2024

Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Malaysia.

 Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc)

Kinh tế  |  17:57 21/11/2024

Với quan điểm: Lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư tại Hà Nam, chiều  21/11, Ban Quản lý các khu công nghiêp (KCN) tỉnh tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Ông Lưu Trần Sơn, Trưởng Ban Quản lý các KCN của tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Công ty Điện lực Hà Nam, các nhà đầu tư hạ tầng, đơn vị cung cấp dịch vụ tại các KCN và gần 40 doanh nghiệp đến từ Đài Loan.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC