Nghe quen tai nhưng rất ít người hiểu tường tận về bệnh tự kỷ cùng những khó khăn mà giáo viên dạy trẻ tự kỷ gặp phải. Tại những lớp học đặc biệt này, không chỉ dạy tri thức, quan trọng hơn cả, người thầy phải dạy cho trẻ những kỹ năng sống đơn giản nhất, từ cách phát âm, vệ sinh cá nhân đến nhận biết vạn vật xung quanh. Nhiều giáo viên chia sẻ, không ít lần họ trở thành người đầu tiên được nghe những đứa trẻ 2-3 tuổi lần đầu cất tiếng nói tròn vành rõ chữ, cảm xúc hạnh phúc như vỡ òa khi mỗi ngày qua đi, những “đứa con” của họ ngày càng tiến bộ và họ lại có thêm động lực với nghề.
Tốt nghiệp ngành giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chị Trần Thị Hạnh là người sáng lập trường chuyên biệt đầu tiên dành cho trẻ tự kỷ tại Hà Nam năm 2011.Dù được đào tạo bài bản nhưng khi trực tiếp tiếp xúc với trẻ tự kỷ, chị Hạnh đã gặp không ít khó khăn, vất vả. Đó là những khi chị cố gắng gợi chuyện mà bé chỉ ngơ ngác nhìn qua cửa sổ như tự sống trong thế giới của mình; là những khi chị dày công cả tháng trời, các bé mới tự biết mặc quần áo, đi vệ sinh. Nhiều bé gặp trở ngại về ngôn ngữ, cách thể hiện cảm xúc đơn giản nhất của bé là khóc, ê a chỉ đông, chỉ tây, khi người đối diện không thể hiểu bé muốn bày tỏ điều gì, một số bé còn nổi cáu đập đồ vật, đánh cô, đánh bạn để gây sự chú ý. Dạy trẻ tự kỷ là thế, nếu không có tình yêu đủ lớn để vượt qua áp lực mỗi ngày rất khó trụ vững với nghề. Chị Hạnh tâm sự: Nói chắc ít người tin chứ niềm vui của chúng tôi đơn giản lắm, chỉ cần một ngày nào đó các bé biết cất tiếng nói, biết tự xúc cơm, biết hỏi cô về thế giới xung quanh…là đã rất hạnh phúc rồi vì mỗi việc các em làm được là cả một hành trình dài nỗ lực của cả cô và trò.
Gần chục năm dạy dỗ, chăm sóc trẻ tự kỷ, chị Nguyễn Thị Hồng, giáo viên Trường Mầm non chuyên biệt Ánh Dương (TP. Phủ Lý) chia sẻ: Độ tuổi học sinh trong các lớp của trường không đồng đều (từ 3 đến 15 tuổi), có bé mười mấy tuổi nhưng đôi khi chẳng nhanh nhạy bằng các bé nhỏ hơn; một số bé mắc chứng tăng động, rối loạn hành vi hoặc giảm trí, sự hợp tác rất hạn chế. Vì vậy, giáo viên phải hiểu tâm lý trẻ, hiểu trẻ cần gì, muốn gì để can thiệp ngay từ bước đầu tiên, như: chơi với trẻ, tạo sự thân thiện, gắn bó, tạo môi trường an toàn cho trẻ như người thân trong gia đình. Sau đó, đánh giá phân biệt mức độ và dạng tật của trẻ để từ đó có phương pháp, cách tiếp cận cũng như kế hoạch giáo dục cá nhân phù hợp nhất.
Gắn bó với Trường Mầm non chuyên biệt Ánh Dương 6 năm, chị Trương Thị Liên tâm sự: Học sinh tự kỷ gặp khó khăn trong tất cả lĩnh vực học tập, có em đến cầm bút cũng là vấn đề nan giải, chưa nói đến nhận biết mặt chữ, biết đọc, biết viết. Có bé ngày nào cô cũng phải dạy cầm bút, nắm tay nắn nót từng nét chữ, sau một thời gian đã có thể tự mình viết hoàn chỉnh nét chữ đầu tiên. Đến giờ, chị Liên vẫn còn nhớ như in ngày đầu bé Lê Huyền Trang (4 tuổi, phường Trần Hưng Đạo, TP. Phủ Lý) được mẹ đưa đến lớp. Trang rất xinh xắn, có thể giao tiếp được một số câu đơn giản nhưng trí nhớ rất kém, vừa nói đã quên, đặc biệt khó nhận biết chữ số. Dù phản ứng đôi lúc còn chậm nhưng sau 2 năm cô trò cùng cố gắng, hiện tại bé Trang đã có thể học tập chung với các bạn cùng trang lứa. Thành công của bé Trang và nhiều em khác là món quà lớn, động lực tinh thần giúp chị Liên cùng nhiều giáo viên trong trường tiếp tục hành trình gian nan đưa trẻ tự kỷ hòa nhập cuộc sống.
Qua đôi lời tâm sự của những người thầy đặc biệt, chúng ta càng hiểu thêm về trẻ tự kỷ và những khó khăn, gian nan mà những người thầy đang ngày ngày kiên trì, nỗ lực vượt qua.
Thanh Vân
Ngày 22/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với dịch đậu mùa khỉ (mpox), trong bối cảnh số ca mắc và số quốc gia bị ảnh hưởng đang gia tăng.
Những năm gần đây, sản xuất trên đồng ruộng của xã Đồn Xá (Bình Lục) đã có thay đổi đáng kể. Các vùng sản xuất theo hướng tập trung, tạo ra sản phẩm hàng hóa được hình thành. Cây lúa từ vai trò bảo đảm lương thực tại chỗ đã chuyển sang đóng góp vào thu nhập cho người dân. Có được kết quả đó Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) Đồn Xá đã đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.
Những năm qua, Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam đã đẩy mạnh thực hiện giáo dục, tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) trong nhà trường. Qua đó, đã từng bước nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên (HSSV) về tác hại của thuốc lá, hạn chế tình trạng học viên hút thuốc trong trường học, xây dựng trường học không khói thuốc.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.