Theo ước tính, lũ trên hệ thống các sông qua địa bàn tỉnh dâng cao khiến nhiều địa phương bị ngập lụt, nơi ngập sâu nhất khoảng 3m, làm thiệt hại 6.219,12 ha lúa, hoa màu 882,73 ha; 77.594 con gia súc, gia cầm và 589,4 ha nuôi trồng thủy sản. Ước thiệt hại hơn 793,4 tỷ đồng. Nhiều hộ gia đình đã bị ảnh hưởng lớn, mất hàng tỷ đồng do ngập lụt ao hồ, đầm; trang trại nuôi gia súc, gia cầm, bò sữa. Điển hình như ông Trần Quang Huy, ở thôn Yên Mỹ, xã Chuyên Ngoại (thị xã Duy Tiên) nuôi 70 lồng cá trên sông Hồng, với sản lượng ước lên tới khoảng 200 tấn cá lăng, cá chép. Ảnh hưởng của nước lũ sông Hồng đã làm cho gia đình ông thiệt hại khoảng vài tỷ đồng.
Ông Trần Quang Huy cho biết: Khi nước sông dâng cao, chảy siết, lượng phù sa nhiều gây ra hậu quả là cá bị va đập, trầy xước da, sặc bùn… làm cá chết. Sau bão, lũ có đến hàng tấn cá bị chết, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Hiện tại gia đình tôi đang vay 4 tỷ đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) nên trong thời gian tới sẽ gặp khó khăn hơn khi đến kỳ trả gốc và lãi.
Ông Huy kiến nghị, ngân hàng cần sớm có chính sách tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Việc triển khai hỗ trợ khách hàng cần làm nhanh chóng và thủ tục hỗ trợ đơn giản để tạo điều kiện cho khách hàng nhanh chóng ổn định sản xuất.
Cũng như ông Huy, nhiều người dân là khách hàng của các tổ chức tín dụng chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 dẫn đến việc khó khăn trong việc trả nợ, không đáp ứng các điều kiện vay. Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước đã định hướng các tổ chức tín dụng về việc phân loại tài sản, phương pháp trích lập và sử dụng nguồn dự phòng rủi ro để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3; chủ động tính toán phương án hỗ trợ, thực hiện cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại; đồng thời xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất phù hợp, tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất, kinh doanh...
Ngay khi Ngân hàng Nhà nước triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho khách hàng bị ảnh hưởng do bão số 3, nhiều ngân hàng đã dự kiến đưa ra mức hỗ trợ cho khách hàng. Cụ thể, Agribank căn cứ mức độ thiệt hại của khách hàng bị ảnh hưởng do bão, lũ thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,5-2%/năm và miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ ngày 6/9 đến hết ngày 31/12/2024; giảm 0,5%/năm lãi suất đối với khoản vay phát sinh từ ngày 6/9 đến ngày 31/12/2024. Chi nhánh Hà Nam Ngân hàng Thương mại cổ phần ngoại thương cho biết đã giảm 0,5% lãi suất cho các khách hàng vay vốn sản xuất kinh doanh ở khu vực bị thiệt hại do bão, từ ngày 6/9 đến hết năm nay. Không chỉ ngân hàng lớn, nhiều ngân hàng khác cũng đã tham gia vào các chương trình hỗ trợ khách hàng. Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn- Hà Nội (SHB) có thể giảm tới 100%, nhất là những khách hàng là nông dân, hộ kinh doanh. SHB sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá khách hàng để đưa ra thêm các gói hỗ trợ cho từng ngành, từng lĩnh vực, cũng như triển khai chính sách cơ cấu nợ, xem xét hình thức cho vay không có tài sản bảo đảm, tín chấp. Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cũng triển khai gói vay ưu đãi lên đến 8.000 tỷ đồng dành cho khách hàng mới, đồng thời hỗ trợ khách hàng hiện hữu bằng việc giảm lãi suất cho vay lên tới 2%...
Ông Hoàng Xuân Hội, Phó Giám đốc Chi nhánh Agribank Hà Nam cho biết: Thực hiện chỉ đạo của hệ thống, chi nhánh đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc chủ động rà soát dư nợ ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Qua thực tế cho thấy, ảnh hưởng của bão số 3 đã gây ngập lụt làm thiệt hại tài sản của các hộ chăn nuôi lợn, bò sữa, nuôi cá lồng, nuôi thủy sản trong khu vực bối sông Hồng. Quan điểm của chi nhánh là tập trung triển khai kịp thời các chính sách theo đúng quy định, bảo đảm hỗ trợ khách hàng nhanh chóng vượt qua khó khăn, nhanh chóng ổn định sản xuất, kinh doanh.
Những chương trình hỗ trợ hiện nay không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho người dân và doanh nghiệp, mà còn góp phần thúc đẩy quá trình khôi phục sản xuất kinh doanh và ổn định xã hội sau bão lũ. Để hỗ trợ khách hàng nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh, trong thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất giúp khách hàng tiếp cận các nguồn vốn thông qua các chính sách tài chính linh hoạt và kịp thời.
Ngày 21/11, Tổng Thư ký Quốc hội đã có Công văn số 4711/TTKQH-TT gửi các cơ quan thông tấn, báo, đài về việc công bố các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu toàn văn các nghị quyết.
Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Malaysia.
Với quan điểm: Lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư tại Hà Nam, chiều 21/11, Ban Quản lý các khu công nghiêp (KCN) tỉnh tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Ông Lưu Trần Sơn, Trưởng Ban Quản lý các KCN của tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Công ty Điện lực Hà Nam, các nhà đầu tư hạ tầng, đơn vị cung cấp dịch vụ tại các KCN và gần 40 doanh nghiệp đến từ Đài Loan.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.