Là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 30 năm qua, với cường độ và đường đi của bão nhanh, không theo quy luật thông thường, từ ngày 7/9, bão số 3 đã đổ bộ vào các tỉnh miền Bắc, trong đó có Hà Nam, gây thiệt hại nặng nề về môi trường, sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân. Tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, bão đã làm gãy, đổ 352 cây xanh và nhiều cây to bị bật gốc; làm đổ 1.200m2 tường bao; 1.300m2 mái tôn bị tốc; 20 điểm trường sau bão bị ngập lụt khiến 9.853 học sinh phải tạm thời nghỉ học; thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra đối với các đơn vị, cơ sở giáo dục tỉnh ước tính trên 3 tỷ đồng.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT, sở đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, trường học thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả công điện của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh về theo dõi chặt chẽ, chủ động ứng phó với tình hình thiên tai, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Sở cũng giao quyền chủ động cho các hiệu trưởng tự quyết định việc cho học sinh nghỉ học trên cơ sở bám sát tình hình thực tế mưa, bão, ngập, úng ở địa bàn; thường xuyên báo cáo, đề xuất những biện pháp ứng phó để có những chỉ đạo kịp thời; tập trung khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão, chủ động tổ chức dạy và học trong điều kiện thời tiết bất thường...
Chỉ sau một ngày cơn bão đi qua, hoàn lưu của bão đã gây mưa to, lũ lớn, làm nước trên các sông ở địa bàn tỉnh dâng cao và nhanh, gây ngập lụt ở nhiều địa phương, trong đó có nhiều trường, điểm trường ngập sâu. Trước tình hình đó, lãnh đạo các cơ sở giáo dục ở những vùng bị ảnh hưởng mưa lũ đã chủ động đề xuất với lãnh đạo phòng GD&ĐT tham mưu với UBND huyện, thị xã, thành phố quyết định cho học sinh nghỉ học.
Nằm trên địa bàn thôn Bồng Lạng, xã Thanh Nghị là một trong 5 xã, thị trấn vùng tây Đáy của huyện Thanh Liêm bị ngập sâu do mưa lũ. Sáng 10/9, nước lũ đã tràn vào khu vực dân cư, gây ngập sân Trường Tiểu học Thanh Nghị (khu B) và THCS Thanh Nghị. Toàn bộ học sinh của Trường Tiểu học Thanh Nghị (khu B) đã phải nghỉ học ngay trong buổi sáng 10/9. Với sự giúp đỡ của các lực lượng chức năng, cán bộ, giáo viên, nhân viên 2 nhà trường đã tập trung thu dọn bàn ghế; di chuyển trang thiết bị dạy và học, tài liệu sổ sách ở các phòng học và phòng chức năng lên các vị trí cao để tránh ngập, hư hỏng. Thầy giáo Đỗ Trường Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Nghị cho biết: Do có sự chuẩn bị từ trước nên khi cơn bão số 3 tràn vào, nhà trường đã triển khai rất nhanh các công việc ứng phó; lãnh đạo nhà trường đều ứng trực 24/24h. Tuy nhiên, lần này lũ lên quá nhanh, nước lại lâu rút nên công tác phòng, chống ngập, úng của nhà trường gặp không ít khó khăn.
Ông Đỗ Xuân Bính, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng GD&ĐT huyện Thanh Liêm cho biết: Từ ngày 11/9, hầu hết các điểm trường ở các xã Thanh Nghị, Thanh Thủy, Thanh Hải, Thanh Tân và thị trấn Kiện Khê bị ảnh hưởng nặng nề bởi nước lũ. Các nhà trường đã chủ động bố trí lực lượng thường trực, theo dõi sát tình hình ngập úng thực tế tại từng trường vừa để quản lý, bảo vệ tài sản, vừa nắm bắt tình hình đời sống của cán bộ, giáo viên, học sinh trong khu dân cư. Quan điểm chỉ đạo của huyện là phải bảo đảm an toàn về con người và tài sản. Vì thế, các cơ sở giáo dục trên địa bàn bị ngập nước đều phải tạm dừng hoạt động dạy và học; cán bộ, giáo viên, học sinh nào gặp khó khăn do ảnh hưởng bão lũ phải được giúp đỡ và quan tâm đặc biệt hơn.
Tại huyện Lý Nhân, những xã ven sông Hồng đều bị ảnh hưởng do nước lũ dâng cao. Trường THCS Phú Phúc cho học sinh nghỉ học từ ngày 11/9. Đến ngày 14/9, khi nước rút, trên lối vào và sân trường nước chỉ còn ngập 30cm nên nhà trường đã cho học sinh trở lại trường học tập. Thầy giáo Nguyễn Văn Du, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Căn cứ vào tình hình thời tiết phức tạp, trường bị ngập sâu, thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, chúng tôi quyết định cho học sinh toàn trường nghỉ học nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho học sinh và giáo viên; bảo vệ được tài sản của nhà trường trước lũ lụt. Sau khi nước rút, nhà trường đã cho học sinh quay lại lớp học và nỗ lực bảo đảm an toàn mọi hoạt động trong trường học của thầy và trò.
Tại thị xã Duy Tiên, trong những ngày mưa lũ, 2.065 trẻ em và học sinh ở: điểm trường Lỗ Hà của Trường Tiểu học Chuyên Ngoại, điểm trường Yên Bình của Trường Tiểu học Mộc Bắc, điểm trường Tiên Phong của Trường Tiểu học B Tiên Sơn và Trường THCS Yên Nam được nghỉ học tạm thời.
Còn ở thành phố Phủ Lý, địa phương có nhiều địa bàn dân cư bị ngập lụt, đã có 2.394 em học sinh, trẻ em phải nghỉ học do mưa lũ.
Tính chung, toàn tỉnh có 14.486 trẻ em, học sinh phải tạm nghỉ học từ 3 - 10 ngày để tránh lũ lụt; trong đó, có 3.187 trẻ mầm non, 4.523 học sinh tiểu học, 5.296 học sinh THCS và 1.480 học sinh THPT. Theo lãnh đạo sở GD&ĐT, sự linh hoạt trong ứng phó với trận bão lũ lần này, các nhà trường đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống bão lụt, theo dõi sát tình hình, thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của cấp trên triển khai sớm, nhanh, đồng bộ kế hoạch phòng, chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn, không để xảy ra thiệt hại về người. Nhiều trường học có học sinh ở vùng lụt đã chủ động cho học sinh đó nghỉ học, kết nối dạy học trực tuyến cho các em học ở nhà. Khi khu dân cư bị cắt điện, để bảo đảm chương trình, các nhà trường chủ động kế hoạch tổ chức dạy học bù cho các em ngay sau khi nước lũ rút…
Ngay sau khi nước rút, các nhà trường đã tổ chức dọn dẹp vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực trường lớp, nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh trước khi đón học sinh trở lại trường học.
Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh hiện có hơn 46.000 hội viên, sinh hoạt ở 166 tổ chức cơ sở hội, 721 chi hội. Ngoài ra, toàn tỉnh đã vận động được gần 30.000 cựu quân nhân tham gia sinh hoạt tại 731 câu lạc bộ, ban liên lạc ở các thôn, tổ dân phố. Đây là lực lượng đông đảo, có uy tín, tâm huyết, gương mẫu trong tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phong trào thi đua; xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân.
Những đặc trưng công nghệ quân sự Việt Nam góp phần đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược được kế thừa từ hàng nghìn năm của dân tộc. Việt Nam có “mặt tiền” trông ra Biển Đông, là nơi dừng chân qua lại giữa hai đại dương lớn của thế giới là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, vừa có điều kiện rất thuận lợi để tiếp thu các nền văn minh trên thế giới, nhưng cũng là tâm điểm “nhòm ngó” của các thế lực bành trướng, xâm lược. Do trải qua nhiều thế kỷ chống kẻ thù xâm lược nên người Việt đã sớm biết chế tạo và sử dụng vũ khí để đánh giặc.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.