Chú trọng xây dựng và thực hiện tốt những chỉ số cải cách hành chính

Cải cách hành chính 06:47 15/02/2019 Thanh Vân
Cải cách hành chính (CCHC), trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để hướng tới mục đích xây dựng nền hành chính dân chủ, phục vụ, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục chú trọng xây dựng, xác định và thực hiện tốt những chỉ số CCHC cụ thể, sát thực, phù hợp.

Chỉ số CCHC (PAR Index) là công cụ quan trọng để đánh giá toàn diện, thực chất, khách quan kết quả CCHC của cơ quan hành chính và chính quyền địa phương, trong đó, coi trọng việc tự đánh giá của cơ quan quản lý hành chính (số điểm tối đa 62/100 điểm); đánh giá của cơ quan, tổ chức bên ngoài (số điểm tối đa 38/100 điểm), nhất là đánh giá từ người dân, doanh nghiệp (đối tượng trực tiếp thụ hưởng sự phục vụ).Thông qua đó nhận diện chính xác ưu, khuyết điểm của việc thực hiện CCHC, giúp cơ quan nhà nước có cơ sở đánh giá, điều chỉnh nội dung CCHC hằng năm, đề ra giải pháp phù hợp với thực tế, bảo đảm nâng cao kết quả công tác CCHC hướng đến phục vụ nhân dân.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” xã Phù Vân (TP. Phủ Lý).

Ở Hà Nam, về cấu trúc, bộ chỉ số đánh giá CCHC đối với UBND các huyện, thành phố được tổ chức đánh giá trên 7 lĩnh vực (công tác chỉ đạo điều hành CCHC; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; cải cách TTHC; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính) bao gồm 27 tiêu chí và 49 tiêu chí thành phần. Việc đánh giá, chấm điểm các tiêu chí, tiêu chí thành phần để xác định chỉ số CCHC được thực hiện thông qua tự đánh giá và đánh giá bằng điều tra, khảo sát. Kết quả công bố chỉ số CCHC cấp huyện, thành phố năm 2018 cho thấy: Công tác CCHC tại các cơ quan, đơn vị đã có tiến bộ. Duy Tiên tiếp tục dẫn đầu với điểm chỉ số CCHC đạt 93,5 điểm. Lý Nhân bứt phá từ thứ hạng 5 lên đứng thứ 2 với 93 điểm (năm 2017, Lý Nhân đạt 88,9 điểm). Các địa phương còn lại đều ở mức xuất sắc, không có nhiều chênh lệch về điểm chỉ số. Kim Bảng, TP. Phủ Lý, Bình Lục có sự “bám đuổi” điểm số rất sát sao, cho thấy công tác lãnh đạo, chỉ đạo CCHC được triển khai đồng bộ, hiệu quả, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình giao dịch với cơ quan hành chính nhà nước.

Chất lượng CCHC thời gian qua cũng được nâng cao, thể hiện rõ tính chuyên nghiệp với việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008. Theo đó, phần mềm quản lý văn bản và điều hành được triển khai tại 25/25 sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố; 100% cơ quan, đơn vị kết nối mạng WAN (mạng diện rộng), sử dụng chữ ký số. Huyện Lý Nhân đã áp dụng hình thức giao ban trực tuyến định kỳ đối với cấp huyện, xã, thôn, tổ phố, nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ CCHC từ tỉnh đến cơ sở, những hạn chế, thiếu sót cơ bản được điều chỉnh, khắc phục kịp thời. Việc làm này góp phần nâng chỉ số hiện đại hóa nền hành chính của Lý Nhân lên vị trí dẫn đầu so với các huyện, thành phố còn lại (đạt 16/18 điểm). Trên nền tảng công nghệ mới, hiện đại, các dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp sẽ bảo đảm tính minh bạch, tiết kiệm, thuận tiện, góp phần nâng cao chỉ số CCHC và xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh. TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành, UBND các cấp được đơn giản hóa, cắt giảm về thời gian.

Chất lượng phục vụ của Trung tâm Hành chính công tỉnh; bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, xã được tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đánh giá cao về mức độ hài lòng. Theo đó, đã rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định của pháp luật đối với 538/634 TTHC ban hành mới, sửa đổi, bổ sung (thời gian cắt giảm là 4.587/9.756 ngày). Việc giám sát của UBND các huyện, thành phố đối với bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã được thực hiện nghiêm túc. UBND các huyện: Duy Tiên, Kim Bảng, Thanh Liêm đã lắp đặt hệ thống camera giám sát đối với bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của 100% các xã, thị trấn trực thuộc. Bên cạnh đó, đội ngũ CBCCVC thực hiện nhiệm vụ CCHC tại các cơ quan, đơn vị cũng được tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Năm 2018, các cấp, ngành trong tỉnh tổ chức 39 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 4.493 lượt CBCCVC, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ phố. Qua đó, không chỉ giúp nâng cao trình độ chuyên môn mà còn góp phần thay đổi nhận thức, thái độ phục vụ của CBCCVC theo hướng sâu sát cơ sở, gần gũi người dân, doanh nghiệp, xây dựng hình ảnh người CBCCVC thân thiện, chuyên nghiệp, góp phần đẩy mạnh CCHC, chuyển từ chính quyền quản lý sang phục vụ.

Năm 2019, chính quyền các cấp tỉnh Hà Nam đặt mục tiêu cắt giảm tối thiểu 50% thời gian giải quyết TTHC so với quy định; nâng chỉ số thể hiện sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của CBCCVC trực tiếp giải quyết TTHC lên 95%; 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền được giải quyết đúng thời hạn (trong đó 70% TTHC thời gian giải quyết sớm hơn thời hạn công bố). Cùng với đó, cải thiện thứ hạng các chỉ số PCI, PAPI, PAR Index, chú ý những nguyên nhân đạt điểm thấp để khắc phục trong thời gian tiếp theo...

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo, rà soát đơn giản hóa TTHC để cắt giảm thời gian giải quyết đối với tất cả TTHC trên những lĩnh vực quản lý nhà nước có quy định thời gian giải quyết thuộc thẩm quyền của các cơ quan, địa phương. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ công tác CCHC. Đồng thời, đa dạng hóa loại hình tuyên truyền, tạo cơ chế thích hợp để cá nhân, tổ chức tham gia góp ý kiến vào công tác CCHC (lập hòm thư góp ý, điều tra xã hội học, khảo sát để đánh giá hiệu quả, sự hài lòng của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đối với việc giải quyết TTHC của các cơ quan hành chính nhà nước). Mặt khác, gắn chú trọng đào tạo CBCCVC với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấn chỉnh lề lối làm việc, thái độ phục vụ và trách nhiệm trong thực thi công vụ; lựa chọn bố trí những CBCCVC có năng lực, kinh nghiệm làm nhiệm vụ tham mưu về công tác CCHC; duy trì đường dây nóng tiếp nhận, giải quyết kiến nghị của tổ chức, công dân về giải quyết TTHC. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT để cải cách nhằm tăng cường hơn nữa tính minh bạch trong giao dịch hành chính.

Thanh Vân

TIN MỚI CẬP NHẬT

WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ

Quốc tế  |  06:11 23/11/2024

Ngày 22/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với dịch đậu mùa khỉ (mpox), trong bối cảnh số ca mắc và số quốc gia bị ảnh hưởng đang gia tăng.

Ghi nhận ở HTXDVNN Đồn Xá

Nông nghiệp  |  05:30 23/11/2024

Những năm gần đây, sản xuất trên đồng ruộng của xã Đồn Xá (Bình Lục) đã có thay đổi đáng kể. Các vùng sản xuất theo hướng tập trung, tạo ra sản phẩm hàng hóa được hình thành. Cây lúa từ vai trò bảo đảm lương thực tại chỗ đã chuyển sang đóng góp vào thu nhập cho người dân. Có được kết quả đó Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) Đồn Xá đã đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.

Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam xây dựng trường học không khói thuốc

Xã hội  |  05:28 23/11/2024

Những năm qua, Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam đã đẩy mạnh thực hiện giáo dục, tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) trong nhà trường. Qua đó, đã từng bước nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên (HSSV) về tác hại của thuốc lá, hạn chế tình trạng học viên hút thuốc trong trường học, xây dựng trường học không khói thuốc.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC