Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ phối hợp với Tỉnh ủy Hòa Bình vừa tổ chức Hội nghị tập huấn công tác thông tin đối ngoại và nhân quyền năm 2024 cho lãnh đạo, cán bộ tại 14 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ và lãnh đạo, phóng viên một số cơ quan báo chí Trung ương.
Các đồng chí: Phan Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại tỉnh Hòa Bình; Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền đồng chủ trì Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình nêu rõ: Trong những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao nhận thức, trách nhiệm, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động của các ban, sở, ngành và các địa phương trong công tác thông tin đối ngoại; đảm bảo phương châm “chủ động, đồng bộ, kịp thời, sáng tạo, hiệu quả”. Các hoạt động thông tin đối ngoại luôn bám sát định hướng chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đồng thời bám sát chủ trương, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phản ánh các hoạt động ngoại giao văn hoá, ngoại giao kinh tế gắn với quảng bá hình ảnh đất nước và của địa phương; giới thiệu tiềm năng hợp tác và phát triển của tỉnh; đấu tranh phản bác những thông tin sai sự thật, luận điệu sai trái của các thế lực cơ hội, thù địch, góp phần tích cực trong thu hút đầu tư, vận động tài trợ, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh và của đất nước trong tình hình mới.
Cho đến nay, Ban Chỉ đạo thông tin đối ngoại tỉnh Hòa Bình đã biên soạn, phát hành 1.000 cuốn sổ tay công tác thông tin đối ngoại. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo nhân quyền tỉnh đã chủ động trong công tác tham mưu cho chính quyền các cấp triển khai các chính sách, pháp luật về bảo đảm, thúc đẩy quyền con người; tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông đối nội và đối ngoại, phủ xanh thông tin tích cực về thành tựu bảo đảm quyền con người, đặc biệt tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội; chủ động làm tốt công tác nắm tình hình, nâng cao cảnh giác, phát hiện âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền trên địa bàn tỉnh; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, cũng như quyền của đồng bào dân tộc được bảo đảm và quan tâm. Đồng thời, đẩy mạnh lồng ghép các nguồn lực để đầu tư; huy động các nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ cho các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh; tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ đã trình bày các báo cáo, tham luận chuyên đề về việc triển khai nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Nghị quyết số 47/NQ-CP ngày 15/4/2024 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ đến năm 2030 thực hiện Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị gắn với đặc thù của 14 tỉnh, thành phố khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ; những nội dung cốt lõi, trọng tâm trong Kết luận số 71-KL/TW ngày 16/2/2024 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ, giải pháp lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng được nghe chuyên đề về quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề quyền con người; thành tựu bảo đảm quyền con người ở Việt Nam; ứng xử của Việt Nam đối với vấn đề nhân quyền tại các diễn đàn đa phương, định hướng công tác nhân quyền trong thời gian tới, nhấn mạnh trọng tâm công tác thông tin đối ngoại về nhân quyền.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá: Sau một năm triển khai Kết luận số 57-KL/TW về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới, vừa qua, tại Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương đã đánh giá cao Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố đã nghiêm túc quán triệt, nghiên cứu, cụ thể hoá, tham mưu ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện một cách đồng bộ các nội dung của Kết luận, đặc biệt là 05 nhiệm vụ giải pháp trọng tâm theo đúng phương châm “Chủ động, đồng bộ, kịp thời, sáng tạo, hiệu quả”. Đây là kết quả đáng mừng. Tuy nhiên, thông qua các báo cáo và khuyến nghị, đề xuất của các tỉnh, thành phố, công tác thông tin đối ngoại nói chung và hoạt động của các Ban Chỉ đạo nói riêng còn một số hạn chế, cần khắc phục trong thời gian tới.
Nước ta đang bước vào giai đoạn nửa cuối năm 2024, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và bước vào năm 2025, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước có những thuận lợi, thách thức đan xen, đồng chí Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị cần tập trung triển khai tốt một số nhiệm vụ cụ thể sau đây:
Một là, tiếp tục triển khai hiệu quả Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới; bám sát nội dung trong Hướng dẫn số 111-HD/BTGTW ngày 11/8/2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương và các nội dung chỉ đạo, định hướng trong triển khai thực hiện, cùng với việc thông qua nội dung thông tin chuyên đề tại Hội nghị hôm nay để nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của công tác thông tin đối ngoại, về đường lối, chính sách đối ngoại, nhân quyền của Việt Nam.
Hai là, chủ động “biến thách thức thành thời cơ”; tận dụng hiệu quả các điều kiện thuận lợi từ bối cảnh trong nước và quốc tế để tăng cường đổi mới tư duy và phương thức triển khai công tác thông tin đối ngoại. Đẩy mạnh luồng thông tin, tuyên truyền về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị con người Việt Nam; những thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực nhân quyền. Trong đó, 14 địa phương khu vực Trung du và miền núi phía Bắc cần tập trung thông tin, tuyên truyền mạnh mẽ về bề dày lịch sử, di sản văn hóa đặc sắc, nhất là của đồng bào các dân tộc, về truyền thống cách mạng vẻ vang...
Thực hiện công tác thông tin đối ngoại hướng vào việc đổi mới, sáng tạo trong nội dung và phương thức thông tin trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Trong đó, kịp thời sản xuất các ấn phẩm/sản phẩm thông tin đối ngoại quảng bá đất nước theo hướng đa ngôn ngữ, hiện đại trong cách thức thể hiện, nhất là các ấn phẩm về văn hoá, để nâng cao tính thuyết phục, hấp dẫn; cung cấp cho các cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt là các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, bạn bè quốc tế, quảng bá hình ảnh Việt Nam, con người Việt Nam ra thế giới.
Ba là, tăng cường chất lượng công tác tham mưu, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan thành viên của Ban Chỉ đạo, giữa Ban Chỉ đạo Trung ương và các Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố; tăng cường kết nối giữa địa phương với các cơ quan đại diện Việt Nam, thường trú báo chí Việt Nam tại nước ngoài. Rà soát, kiện toàn và nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo; tiếp tục chú trọng xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại.
Bốn là, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phản bác luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, thông tin sai sự thật, tiêu cực của các đối tượng cơ hội chính trị. Kiên quyết khắc phục tình trạng các cơ quan báo chí trong nước đăng tải các thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng, không để báo chí nước ngoài khai thác, lợi dụng, kích động dư luận. Theo sát thông tin dư luận trong và ngoài nước, tạo dòng thông tin tích cực, đẩy lùi thông tin tiêu cực, thông tin xuyên tạc, sai trái và kịp thời cung cấp thông tin định hướng dư luận; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Đồng thời, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác nghiên cứu, dự báo và khả năng, cơ chế phản ứng nhanh trước những chuyển biến chiến lược của môi trường quốc tế và khu vực, đảm bảo thế chủ động, ưu thế trên mặt trận truyền thông trong nước và quốc tế./.
Sáng 27/11, tại Khu Du lịch Tam Chúc (thị trấn Ba sao, huyện Kim Bảng), chùa Tam Chúc đã phối hợp với Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật tổ chức khai mạc Lễ hội giao lưu Văn hóa Phật giáo Việt Nam – Nhật Bản.
Sáng 27/11, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo “Quy chế tổ chức tuyển dụng công chức cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hà Nam”. Dự hội nghị có lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Thường trực Tỉnh đoàn, bí thư các huyện, thị, thành đoàn; đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo Quy chế.
Sáng 27/11, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2024 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) và Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Washington tổ chức.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.