Nhiều lao động nông thôn muốn được đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc
Anh Trần Đức Hạnh (sinh năm 1981, trú xóm Guộc, thôn Bằng 3, xã Nhân Thịnh, Lý Nhân) đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc tháng 4/2024, mới về nước ngày 2/7 cho biết: Tôi đi làm việc thời vụ lần đầu tại Hàn Quốc năm 2019 và đã được chủ sử dụng lao động tái tiến cử ba lần. Môi trường làm việc rất tốt, tương tự như ở Việt Nam; nơi ăn ở sạch sẽ, thu nhập cao.
Được biết, cùng hết hạn visa 3 tháng về nước đợt này có 27 người; trong đó có chị Lê Thị Sơn cùng quê với anh Hạnh và anh Nguyễn Thế Trung (tổ dân phố Ngọc Động, phường Hoàng Đông, Duy Tiên). Chị Sơn và anh Trung đều được chủ sử dụng lao động tái tiến cử 5 lần. Công việc là thu hoạch, trồng trọt hoa màu (táo, ớt, dưa hấu, khoai tây, rau xanh...); thu nhập bình quân khoảng 40 triệu đồng/người/tháng.
Bà Trần Thị Thu Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh cho biết: Thực hiện Nghị quyết 13, ngày 8/2/2018 của Chính phủ về thí điểm đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Hàn Quốc, năm 2018, cả nước có bốn địa phương, gồm Hà Nam, Đà Nẵng, Đồng Tháp và Thái Bình tham gia. Biên bản ghi nhớ về phái cử, tiếp nhận lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc giữa UBND tỉnh Hà Nam và chính quyền quận Bonghwa-gun được thực hiện ngay năm 2018 và đã có 13 lao động được ký hợp đồng đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc.
Tiếp tục thực hiện biên bản ghi nhớ giữa hai địa phương, năm 2019 có 66 lao động được tuyển chọn; NLĐ có thu nhập cao, hoàn thành tốt hợp đồng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chương trình bị gián đoạn, đến năm 2022 tiếp tục có 37 người được chọn đi làm việc. Năm 2023, thực hiện Thỏa thuận hợp tác giữa Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Nam với chính quyền quận Bonghwa-gun (ký ngày 24/2/2023), có 441 lao động đủ điều kiện được tuyển chọn đi làm việc tại quận Bonghwa-gun theo 3 đợt.
Đặc biệt, năm 2024, đã ký kết được thêm với quận Gochang-gun, tạo cơ hội cho nhiều lao động được đi làm việc. Tính đến ngày 30/6, Trung tâm đã thu hồ sơ của 981 lao động có nhu cầu đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc bàn giao cho đại diện hai quận Bonghwa-gun và Gochang-gun. Kết quả, đã có 566 lao động được chọn, thời hạn làm việc từ 3-5 tháng và ngày 8/8 trong số hồ sơ còn lại sẽ có thêm 88 lao động được quận Gochang-gun chọn sang làm việc. Vừa qua, quận Gochang-gun tiếp tục tuyển thêm một số lao động nữ sang làm việc thời vụ. Đúng lịch thông báo, ngày 23/7 Trung tâm đã tiếp nhận, sơ tuyển được 124 hồ sơ đủ điều kiện bàn giao cho đại diện quận Gochang-gun xét tuyển chính thức.
Bà Trần Thị Thu Lý cho biết thêm: NLĐ đi làm việc thời vụ chỉ phải chi phí làm hộ chiếu, visa, khám sức khỏe, học tiếng, bảo hiểm, vé máy bay… Điều kiện làm việc, sinh hoạt tốt, thu nhập bình quân 40-50 triệu đồng/người/tháng. Trung tâm chỉ nhận hồ sơ trực tiếp từ NLĐ, không nhận qua bất cứ trung gian nào.
Trong quá trình triển khai, Trung tâm được lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH quan tâm chỉ đạo trực tiếp, sát sao; sự phối hợp trách nhiệm của chính quyền hai quận Bonghwa-gun và Gochang-gun. Cán bộ, nhân viên trung tâm hết sức tận tâm, trách nhiệm vì NLĐ. Tuy nhiên, cũng còn một số khó khăn, đó là số lao động muốn được đi làm việc rất lớn, trong khi số lao động được phía Hàn Quốc lựa chọn rất ít và chọn theo địa phương có lao động đi làm việc thường xuyên, đã tuân thủ tốt luật pháp hai quốc gia (tái tiến cử lao động do các chủ sử dụng lao động gửi danh sách yêu cầu). Do vậy có những lao động nộp hồ sơ nhiều lần mà không được tuyển chọn, có địa phương ít lao động được tuyển, gây thắc mắc. Khung độ tuổi áp dụng cho lao động từ 30 - 50, trong khi nhiều lao động độ tuổi từ 50 - 55 có sức khỏe, kinh nghiệm và trách nhiệm làm việc, có nhu cầu tham gia, do vậy rất lãng phí trong việc khai thác nguồn lao động này.
Mặt khác, việc thực hiện ký hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc tại nước ngoài, Trung tâm DVVL tỉnh không đủ thẩm quyền để ký kết với NLĐ. Trong thỏa thuận không quy định cụ thể về khoản thu của NLĐ cho chi phí phục vụ hành chính (tuyên truyền, tuyển chọn, làm hồ sơ, tổ chức xuất cảnh và phối hợp hỗ trợ, giải quyết, quản lý NLĐ trong thời gian thực hiện hợp đồng). Do vậy, Trung tâm không thu bất kỳ một khoản phí nào của NLĐ nên gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Cần có giải pháp bảo hộ cho NLĐ khi làm việc tại Hàn Quốc
Từ thực tế triển khai, thấy rõ thuận lợi, hiệu quả chương trình mang lại cho NLĐ nói riêng, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh nói chung cộng với những khó khăn của trung tâm và NLĐ gặp phải, ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm DVVL làm tỉnh phân tích: Năm 2023, toàn tỉnh có 441 NLĐ được đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc, với mức thu nhập người thấp nhất đạt khoảng 100 triệu đồng, người cao đạt tới 250 triệu đồng (hạn visa 3-5 tháng, tùy theo từng NLĐ). Tính bình quân chung đạt 150 triệu đồng/người/đợt, cho tổng thu hơn 66 tỷ đồng. Tương tự, 6 tháng đầu năm 2024 có 566 NLĐ sẽ mang về khoảng 85 tỷ đồng. Đây là nguồn thu nhập lớn không chỉ của NLĐ, mà còn góp phần tăng GRDP của tỉnh. Hơn thế, thông qua làm việc, NLĐ còn học hỏi được kỹ thuật sản xuất tiên tiến trong trồng, chăm sóc, thu hái, sơ chế nông sản, sau này có thể áp dụng vào sản suất tại quê hương...
Tuy nhiên, do đây là chương trình thí điểm theo Nghị quyết 59, ngày 27/4/2022 của Chính phủ, UBND tỉnh giao cho ngành LĐ-TB&XH chủ trì ký thỏa thuận nên gặp một số khó khăn nhất định. Cụ thể kế hoạch triển khai, tổ chức thực hiện do Sở LĐ-TB&XH ban hành thì chỉ chỉ đạo được Trung tâm DVVL tỉnh, phòng LĐ-TB&XH các địa phương, còn với các sở, ngành liên quan chỉ đề nghị phối hợp. Do đó hiệu quả phối hợp không cao, không huy động được các ban, ngành, đoàn thể vào cuộc một cách đồng bộ, tích cực. Bên cạnh đó, giao thêm việc cho trung tâm nhưng không giao thêm biên chế; cán bộ, nhân viên phải căng mình trong thời gian tiếp nhận, xét chọn hồ sơ (có ngày tới 300 bộ hồ sơ mà phải bàn giao ngay trong ngày). Mặc dù năm 2024, trung tâm đã được bổ sung thêm kinh phí, song vẫn rất eo hẹp. Vì vậy đề nghị được bổ sung chỉ tiêu biên chế và kinh phí để trung tâm thực hiện chương trình một cách hiệu quả.
Lao động thời vụ tại Hàn quốc là một chương trình lớn, có ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh (nếu số NLĐ trốn quá 20% thì bị Bộ Tư pháp Hàn Quốc đuổi cả đoàn về nước và hạn chế luôn lao động của tỉnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc). Mặt khác, còn ảnh hưởng đến sinh mạng của hàng nghìn lao động, như: tiền công, thời giờ làm việc, tệ nạn quấy rối xâm hại tình dục… ở nước sở tại thì trao đổi, đấu tranh bảo vệ thế nào? Bởi trung tâm không đủ thẩm quyền.
Vì vậy để bảo đảm hiệu quả và tính nhân văn của chương trình, theo ông Nguyễn Quang Tuấn, trung tâm mong muốn UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, trong đó có các sở, ngành: LĐ-TB&XH, Công an, Y tế, Tư pháp, Ngân hàng Chính sách xã hội, UBND cấp huyện, các tổ chức chính trị - xã hội để kịp thời chỉ đạo tuyên truyền, thực hiện đưa NLĐ đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc. Đồng thời, UBND tỉnh phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp Hàn Quốc, Đại sứ quán và các cơ quan chức năng theo dõi chặt chẽ quá trình người dân làm việc tại Hàn Quốc để kịp thời can thiệp, bảo hộ công dân khi cần thiết; mở rộng địa bàn tiếp nhận lao động sang làm việc tại Hàn Quốc để tăng số NLĐ được tham gia. Đề xuất nâng thời gian làm việc tại Hàn Quốc từ 5 - 10 tháng để giảm bớt chi phí và tăng thêm thu nhập cho NLĐ.
Chỉ đạo các cơ quan chức năng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho NLĐ hoàn thiện hồ sơ nhanh chóng, kịp thời. Chỉ đạo chính quyền các địa phương có lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc phối hợp chặt chẽ với Trung tâm DVVL tỉnh để quản lý, giám sát, động viên NLĐ cư trú bất hợp pháp trở về nước, không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và hình ảnh của tỉnh Hà Nam; kịp thời giải quyết những bất cập phát sinh trong thời gian lao động thực hiện chương trình. Tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện cho ngành LĐ-TB&XH nói chung, Trung tâm DVVL tỉnh nói riêng trong quá trình thực hiện chương trình nhân văn này.
Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh hiện có hơn 46.000 hội viên, sinh hoạt ở 166 tổ chức cơ sở hội, 721 chi hội. Ngoài ra, toàn tỉnh đã vận động được gần 30.000 cựu quân nhân tham gia sinh hoạt tại 731 câu lạc bộ, ban liên lạc ở các thôn, tổ dân phố. Đây là lực lượng đông đảo, có uy tín, tâm huyết, gương mẫu trong tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phong trào thi đua; xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân.
Những đặc trưng công nghệ quân sự Việt Nam góp phần đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược được kế thừa từ hàng nghìn năm của dân tộc. Việt Nam có “mặt tiền” trông ra Biển Đông, là nơi dừng chân qua lại giữa hai đại dương lớn của thế giới là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, vừa có điều kiện rất thuận lợi để tiếp thu các nền văn minh trên thế giới, nhưng cũng là tâm điểm “nhòm ngó” của các thế lực bành trướng, xâm lược. Do trải qua nhiều thế kỷ chống kẻ thù xâm lược nên người Việt đã sớm biết chế tạo và sử dụng vũ khí để đánh giặc.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.