Huyền Thương thuộc thế hệ “9X” đang được coi là sự tiếp nối xứng đáng lớp đàn anh, đàn chị đã thành danh của Chèo Hà Nam, như: Nghệ sĩ Nhân dân Lương Duyên, Nghệ sĩ Ưu tú Hải Yến, Nghệ sĩ Ưu tú Bích Nhạn... Theo đánh giá của Nhạc sĩ Nguyễn Khắc Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, Huyền Thương sở hữu giọng hát chèo giàu cảm xúc nhưng cũng đầy nội lực. Điều đáng quý nhất ở Thương là sự đam mê sáng tạo cùng tình yêu chèo luôn nồng nàn, cháy bỏng. Bên cạnh việc học hỏi các bậc tiền bối về kỹ thuật luyến láy, cách nhả chữ, bẻ chữ sao cho rõ nét, tròn vành mà vẫn bảo đảm giai điệu chèo gốc thật chuẩn, Huyền Thương còn là một trong những diễn viên chịu khó rèn luyện, dám dấn thân, “lăn xả” với nghề.
Huyền Thương là một nghệ sĩ đa tài. Ngoài hát chèo, cô còn ghi dấu ấn trong lòng công chúng với các tác phẩm dân ca Hà Nam, dân ca quan họ Bắc Ninh, hát Văn, hát Xẩm, cải lương. “Mỗi người sinh ra đều có một sứ mệnh. Người nông dân “một nắng hai sương” trên cánh đồng để làm nên những hạt lúa vàng. Người công nhân đổ mồ hôi công sức đêm ngày để tạo ra những sản phẩm phục vụ đời sống. Và với tôi, là nghệ sĩ sân khấu chèo phải đêm ngày khổ luyện, như con tằm rút ruột nhả tơ, dâng cho đời những câu hát ngọt ngào, thiết tha nhất”- Huyền Thương trải lòng.
Xem Huyền Thương diễn, khán giả không chỉ bị thuyết phục bởi chất giọng mượt mà, diễn xuất tinh tế, mà còn cảm nhận rõ sự tự tin, bản lĩnh ở một nghệ sĩ chuyên nghiệp. Dù được giao vai chính hay vai phụ, Huyền Thương luôn nỗ lực tìm tòi nét diễn riêng, khóc, cười bằng cảm xúc thật nhất của nhân vật trên sân khấu, nhằm chuyển tải tới khán giả những thông điệp cuộc sống mang ý nghĩa sâu sắc. Gần 20 năm gắn bó với nghệ thuật chèo, Huyền Thương đã giành được nhiều giải thưởng: Giải Tài năng triển vọng (Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Chèo toàn quốc năm 2020); Huy chương Bạc (Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022); Huy chương Bạc (Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc năm 2023)…
Trước làn sóng công nghệ số phát triển mạnh mẽ, lượng người sử dụng mạng xã hội ngày càng gia tăng, việc lan tỏa, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trên nền tảng số càng trở thành một yêu cầu có tính cấp bách, bởi nó giúp cho nghệ thuật truyền thống dễ dàng lan tỏa và tạo cơ hội để có thêm nhiều đối tượng khán giả được tiếp cận, thưởng thức. Niềm trăn trở: phải làm điều gì đó?, bằng cách nào đó? để góp phần giữ lại vốn quý truyền thống cứ thôi thúc một nghệ sĩ hiểu nghề, trọng nghề như Huyền Thương. Để rồi không biết tự lúc nào, cô tình nguyện dấn thân, miệt mài tìm tòi, đổi mới nhằm thích ứng gần hơn với nhu cầu của công chúng trong bối cảnh mới.
Năm 2020, khi đại dịch Covid-19 ập đến, hoạt động biểu diễn nghệ thuật bị ngưng trệ, Huyền Thương là một trong những nghệ sĩ giữ “lửa nghề” bằng cách đưa những tác phẩm lên các nền tảng công nghệ và may mắn nhận được phản hồi tích cực từ phía khán giả.
Mỗi người sinh ra đều có một sứ mệnh. Người nông dân “một nắng hai sương” trên cánh đồng để làm nên những hạt lúa vàng. Người công nhân đổ mồ hôi công sức đêm ngày để tạo ra những sản phẩm phục vụ đời sống. Và với tôi, là nghệ sĩ sân khấu chèo phải đêm ngày khổ luyện, như con tằm rút ruột nhả tơ, dâng cho đời những câu hát ngọt ngào, thiết tha nhất. Huyền Thương
Thấy rõ ưu thế của công nghệ số là khán giả ở bất cứ đâu cũng có thể theo dõi được và nhìn nhận kĩ lưỡng hơn loại hình nghệ thuật truyền thống nên khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Huyền Thương tiếp tục sản xuất hàng loạt Clip âm nhạc - Music Video (MV). Để thu hút mọi đối tượng khán giả, Huyền Thương vừa hát những bài chèo cổ, làn điệu cổ đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả lớn tuổi, vừa hát những lời hát mới trên nền làn điệu cổ để góp phần cổ vũ, tiếp sức cho những người viết chèo mới. Nhờ giọng hát mượt mà, đằm thắm và cách lựa chọn thể hiện những bài ca về quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa…, Huyền Thương đã lan tỏa sức sống, vẻ đẹp của nghệ thuật chèo, của dân ca đến đông đảo mọi người.
Huyền Thương chia sẻ rằng điều hạnh phúc nhất, thôi thúc cô quyết tâm thực hiện mục tiêu đưa nghệ thuật chèo nói riêng, nghệ thuật truyền thống nói chung đến gần với khán giả thông qua nền tảng mạng xã hội là nhờ sự thấu hiểu, ủng hộ, cổ vũ của người bạn đời (là nhà giáo Thành Đồng). “Bản thân tôi vốn không rành về công nghệ, việc sản xuất MV lại rất vất vả, tốn nhiều thời gian, kinh phí, nhưng được sự trợ giúp đắc lực từ chồng nên mọi thứ diễn ra vô cùng suôn sẻ. Không ngại xa gần, sớm tối, chẳng quản nóng bức ngày hè hay giá rét mùa đông, anh luôn sát cánh bên tôi. Nhiều khi anh phải gác lại công việc riêng để đồng hành, hỗ trợ tôi hoàn thành ý nguyện. Anh chính là người chọn bối cảnh, quay, dựng video, lại kiêm thêm nhiệm vụ tài xế, lo hậu cần, thậm chí là xách đồ cho vợ. Anh nhanh nhạy, thông minh, xử lý mọi tình huống phát sinh một cách kịp thời, hiệu quả, giúp tôi có những cảnh quay ấn tượng, rồi lại chỉn chu, chau chuốt những công đoạn hậu kì sao cho âm thanh, hình ảnh thật gần gũi, dung dị, phù hợp với nội dung bài hát, mang lại những MV giàu cảm xúc cho người xem”- Huyền Thương bộc bạch.
Trên trang facebook 5,3 nghìn người theo dõi của ông xã Thành Đồng và trang facebook 6,7 nghìn người theo dõi, trang YouTobe “Huyền Thương Studio” của mình, Huyền Thương thường xuyên đăng những video hát chèo, hát dân ca Hà Nam, Quan họ Bắc Ninh…, và phát sóng trực tiếp một số buổi biểu diễn, giao lưu cùng khán giả. Rất nhiều tin nhắn, bình luận ủng hộ, yêu thương được gửi đến Huyền Thương, trong đó có rất nhiều khán giả trẻ. Sự đón nhận của mọi người chính là động lực để Huyền Thương không ngừng sáng tạo, tiếp tục xây dựng những MV chất lượng hơn gửi tới công chúng.
Sau gần 4 năm kiên trì đưa nghệ thuật truyền thống đến gần với công chúng, trang facebook, trang Youtobe của Huyền Thương đã thu hút ngày càng đông khán giả theo dõi. Những MV luôn được đầu tư kỹ lưỡng trước khi đưa lên mạng xã hội bởi Huyền Thương không chạy theo số lượng mà chú trọng đến chất lượng. Nhiều MV đã cán mốc hàng chục, hàng trăm nghìn lượt xem, tiêu biểu như: “Đào Liễu”, “Luyện năm cung”, “Công cha nghĩa mẹ”, “Tình lúa duyên trăng”, “Trẩy hội xuân”, “Chèo về quê hương Bình Lục” (hát Chèo); “Hát thầm” (dân ca Hà Nam); “Nguyệt gác mái đình”, “Có ai xuôi về” (dân ca quan họ); “Chầu Tổ” (hát Văn), “Giấc mơ tự tại” (nhạc Phật)… Cùng với đó, nhiều cảnh quay ấn tượng trong các MV đã góp phần quảng bá những danh lam thắng cảnh, điểm du lịch tiêu biểu của Hà Nam đến với du khách trong và ngoài nước như: chùa Tam Chúc, chùa Địa Tạng Phi Lai, chùa Phật Quang, Từ đường Nguyễn Khuyến…
Trong bối cảnh hiện nay, sân khấu nghệ thuật truyền thống nói chung, nghệ thuật chèo nói riêng còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của các loại hình nghệ thuật hiện đại khác, việc đầu tư sản xuất MV hát chèo, hát dân ca đăng tải trên nền tảng mạng xã hội của nghệ sĩ Huyền Thương đã góp phần bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Sáng 2/12, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh tổ chức hội thi tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cấp tỉnh năm 2024. Dự hội thi có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, lãnh đạo một số sở, ngành.
Sáng 2/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự phiên toàn thể Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Khu thương mại tự do, giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics” do Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức.
Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, sáng 2/12, Trường THPT A Phủ Lý tổ chức sinh hoạt ngoại khóa Giáo dục truyền thống cách mạng.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.