Sinh ra trong một gia đình công giáo nghèo nơi xứ đạo Tiêu Thượng (Tiêu Động, Bình Lục), ngay từ nhỏ, cậu bé Phạm Văn Phu (tên thật của đồng chí Trần Tử Bình) đã thể hiện rất rõ tinh thần yêu nước và tư tưởng tiến bộ. Bởi thế nên khi theo học ở Chủng viện Hoàng Nguyên (giáo phận Hà Đông), giáo sinh Phạm Văn Phu rất tích cực tham gia phong trào yêu nước, vận động anh chị em giáo sinh để tang cụ Phan Chu Trinh. Vì sự kiện này nên cuối năm 1926, giáo sinh Phạm Văn Phu bị Chủng viện Hoàng Nguyên buộc thôi học. Năm 1927, được Tống Văn Trân (một nhà giáo, nhà cách mạng quê Ý Yên, Nam Định) giác ngộ, người thanh niên trẻ tuổi Phạm Văn Phu đã quyết định vào Nam Bộ làm phu Đồn điền cao su Phú Riềng.
Trực tiếp chứng kiến sự hà khắc, bất công của chế độ làm phu đồn điền cao su, sẵn có tinh thần yêu nước, tư tưởng tiến bộ, công nhân Phạm Văn Phu cùng lớp công nhân đầu tiên ở Phú Riềng đã vùng lên đấu tranh. Giai đoạn 1927 - 1929, công nhân Đồn điền cao su Phú Riềng đã tổ chức ba cuộc đấu tranh với những yêu sách thiết thực đòi quyền lợi, tuy nhiên các phong trào đều diễn ra nhỏ lẻ, tự phát, không có đường lối, phương pháp đúng đắn nên đều thất bại. Cũng trong thời gian này, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập (tại Quảng Châu, Trung Quốc) đã huấn luyện 75 học viên với chủ trương vô sản hóa. Đồng chí Ngô Gia Tự (một trong 75 học viên ấy) được cử về nước, trực tiếp chỉ đạo gây dựng tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Phú Riềng, Nhà máy đóng tàu Ba Son, Mỹ Tho (Tiền Giang).
Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Ngô Gia Tự, đồng chí Nguyễn Xuân Cừ (Hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Kỳ bộ Bắc kỳ) đã bắt mối và cùng đồng chí Trần Tử Bình xây dựng phong trào đấu tranh có tổ chức đầu tiên ở Đồn điền Cao su Phú Riềng. Chỉ trong thời gian ngắn, hai đồng chí đã xây dựng thành công Nghiệp đoàn Cao su với sự tham gia của hàng nghìn công nhân. Từ khi ra đời, nghiệp đoàn đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ (tăng lương, giảm giờ làm; cấm đánh đập, cúp lương; bồi thường tai nạn; trả lương cho phụ nữ sinh con…).
Ngày 28/10/1929, Chi bộ Cao su Phú Riềng được thành lập. Đồng chí Nguyễn Xuân Cừ được bầu làm bí thư, đồng chí Trần Tử Bình được phân công phụ trách tổ chức thanh niên. Đây là Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở vùng miền Đông Nam Bộ, chi bộ đầu tiên của ngành Cao su Việt Nam. Sau khi thành lập, Chi bộ Cao su Phú Riềng đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn quần chúng đấu tranh có tổ chức (trước khi bãi công phải chuẩn bị lương thực, thực phẩm, hội họp, phân công cụ thể…). Cuối năm 1929, đồng chí Trần Tử Bình được đề cử làm bí thư chi bộ (thay đồng chí Nguyễn Xuân Cừ chuyển ra Bắc) tiếp tục lãnh đạo phong trào đấu tranh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp và hiệu quả. Thời điểm đó, phong trào đấu tranh cách mạng trong cả nước diễn ra vô cùng sôi nổi, trở thành động cơ thúc giục đồng chí Trần Tử Bình cùng những người cộng sản ở Phú Riềng thêm tự tin chuẩn bị lực lượng, vũ khí sẵn sàng cho cuộc đấu tranh quan trọng.
Cuộc đấu tranh mang tên “Phú Riềng Đỏ” diễn ra ngày 30/1/1930 (đúng mùng một Tết Canh Ngọ) bằng cuộc biểu tình thị uy dưới hình thức “chúc Tết chủ đồn điền” với sự tham gia của hàng nghìn công nhân đòi yêu sách và tuyên bố bãi công sau 3 ngày nghỉ Tết nếu yêu sách không được giải quyết. Đúng như kế hoạch đã định, ngày 3/2/1930 (mùng năm Tết), hơn 5 nghìn công nhân cao su Phú Riềng đã thực hiện cuộc tổng bãi công lớn chưa từng có. Bọn chủ đồn điền ra lệnh thẳng tay đàn áp, nhưng những người công nhân vẫn vững vàng đội ngũ.
Ngày 4/2/1930 (mùng sáu Tết), bất chấp bị đàn áp, hàng nghìn công nhân cao su dưới sự lãnh đạo của Chi bộ và Nghiệp đoàn cao su Phú Riềng đã đấu tranh quyết liệt, khiến chủ đồn điền và bọn cai khiếp sợ, bỏ chạy. Lực lượng công nhân bắt sống 5 tên, thu 7 súng, trang bị cho đội xích vệ và hiên nganh tiến thẳng vào dinh chủ đồn điền, buộc chúng phải điều đình, chấp nhận ký biên bản cam kết thực hiện yêu sách của công nhân. Sự kiện “Phú Riềng Đỏ” đã gây rúng động dư luận trong nước cũng như dư luận nhân dân tiến bộ Pháp, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với giai cấp công nhân.
Lần đầu tiên dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, Công hội đỏ đã tổ chức bãi công lớn, quy tụ hàng nghìn công nhân tham gia với những yêu sách kinh tế kết hợp với chính trị, buộc chủ tư bản thực dân Pháp phải ký vào biên bản. Sự kiện “Phú Riềng Đỏ” cũng giúp cho các tổ chức đảng lúc đó rút ra bài học kinh nghiệm quý, đó là tổ chức cuộc đấu tranh đúng thời điểm, thời cơ, để vừa giành thắng lợi, vừa bảo toàn lực lượng cách mạng. Tiếng vang của sự kiện “Phú Riềng Đỏ” đã góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam lên một bước phát triển mới.
Sau sự kiện “Phú Riềng Đỏ”, đồng chí Trần Tử Bình bị địch bắt, kết án và đày ra nhà tù Côn Đảo. Thời kỳ bị Pháp giam cầm tại Côn Đảo, đồng chí tiếp tục học tập lý luận cách mạng, đồng thời tích cực bắt mối với các nhà cách mạng cộng sản: Tôn Đức Thắng, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng, Lê Văn Lương, Phạm Hùng, Hà Huy Giáp... Năm 1936, do ảnh hưởng của Mặt trận Bình dân Pháp, chính quyền thực dân phải thả tự do và quản thúc đồng chí ở quê. Trở về Hà Nam, làm thầy ký ở phố huyện Bình Lục, đồng chí Trần Tử Bình tiếp tục bí mật hoạt động cách mạng. Cuối năm 1939, đồng chí nhận bàn giao phong trào cách mạng Hà Nam trong bối cảnh hết sức khó khăn.
Tại Hội nghị Tỉnh ủy Hà Nam mở rộng (ở Cổ Viễn, Hưng Công, Bình Lục), đồng chí Trần Tử Bình được bầu là Bí thư Tỉnh ủy. Trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, đồng chí có những đóng góp quan trọng cho phong trào cách mạng ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, được Trung ương bầu vào Xứ ủy Bắc Kỳ, trực tiếp phụ trách: Liên tỉnh C (Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình) năm 1940, 1943; Liên tỉnh D (Vĩnh Yên, Phúc Yên, Phú Thọ, Tuyên Quang) năm 1941. Ngày 24/12/1943, đồng chí bị địch bắt ở Thái Bình, đưa về Hà Nam giam giữ; đầu năm 1944 bị chuyển về nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Tại đây đồng chí Trần Tử Bình được bầu làm Trưởng ban sinh hoạt để tổ chức các hoạt động công khai của tù chính trị. Ngày 11/3/1945, đồng chí Trần Tử Bình đã tổ chức cuộc vượt ngục cho 100 tù chính trị, cung cấp nguồn cán bộ quan trọng chuẩn bị tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Tiếp đó, đồng chí được Đảng phân công chỉ đạo xây dựng chiến khu Quang Trung (giáp ranh 3 tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa).
Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, với tư cách Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí Trần Tử Bình trực tiếp tham gia lãnh đạo Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội (ngày 19/8/1945) và một số tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ. Tháng 9/1945, đồng chí được giao nhiệm vụ Phó Giám đốc, Chính trị viên Trường Quân chính Việt Nam. Tháng 5/1946, đồng chí nhận nhiệm vụ Phó Giám đốc, Chính ủy Trường võ bị Trần Quốc Tuấn. Năm 1947, đồng chí được đề bạt làm Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Trưởng phòng Kiểm tra cán bộ chính trị cục. Cuối năm 1947, đồng chí tham gia chỉ huy Chiến dịch Sông Lô thắng lợi. Từ năm 1950 đến năm 1956, đồng chí là Chính ủy Trường Lục quân Việt Nam (trên đất Trung Quốc). Giai đoạn 1956-1958, đồng chí được giao trọng trách Tổng Thanh tra Quân đội, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam. Năm 1959, đồng chí được bổ nhiệm: Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, kiêm Đại sứ tại Mông Cổ, góp phần tăng cường quan hệ và tranh thủ sự giúp đỡ của nước bạn cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Ngày 11/2/1967, đồng chí Trần Tử Bình đột ngột từ trần, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, đồng chí, bạn bè...
Ghi nhận, tôn vinh công lao to lớn của đồng chí Trần Tử Bình, Đảng, Nhà nước đã trao tặng, truy tặng đồng chí: Huân chương Quân công; Huân chương Độc lập, Huân chương Sao vàng-danh hiệu cao quý nhất của Đảng, Nhà nước ta. Tại Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương), thành phố Phủ Lý, huyện lỵ Bình Lục… có những con đường mang tên đồng chí Trần Tử Bình. Trên quê hương Tiêu Động, Bình Lục, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương thành kính xây dựng công trình Nhà lưu niệm để tri ân bậc tiền bối cách mạng của Đảng, người con ưu tú của quê hương Hà Nam.
Những đặc trưng công nghệ quân sự Việt Nam góp phần đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược được kế thừa từ hàng nghìn năm của dân tộc. Việt Nam có “mặt tiền” trông ra Biển Đông, là nơi dừng chân qua lại giữa hai đại dương lớn của thế giới là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, vừa có điều kiện rất thuận lợi để tiếp thu các nền văn minh trên thế giới, nhưng cũng là tâm điểm “nhòm ngó” của các thế lực bành trướng, xâm lược. Do trải qua nhiều thế kỷ chống kẻ thù xâm lược nên người Việt đã sớm biết chế tạo và sử dụng vũ khí để đánh giặc.
Trạm Y tế (TYT) xã Khả Phong (Kim Bảng) hiện có 5 cán bộ, nhân viên. Thời gian qua, đội ngũ nhân viên y tế nơi đây đã nỗ lực khắc phục khó khăn, từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB), thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, góp phần chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.